Tin thế giới đọc nhanh cuối ngày 29/9/2011

29/09/2011 19:31
M.Phương (Tổng hợp)
(GDVN) - Hải tặc Somali thả tàu Hy Lạp; cơ quan chính phủ Hy Lạp bị phong tỏa do biểu tình; Nato xung đột tại Kosovo-Serbia ...là những tin nổi bật chiều nay.
Tin thế giới đọc nhanh cuối ngày 29/9/2011
  1. Người phát ngôn Bộ Giao thông Indonesia Bambang Ervan cho hay lực lượng cứu hộ đã tìm thấy chiếc phi cơ Cassa 212, chở 15 hành khách và 3 thành viên phi hành đoàn mất tích ở khu rừng Bahorok ở phía bắc Sumatra, Indonesia. Ông Ervan cho biết máy bay không có dấu hiệu của cháy nổ hay hư hỏng nào cả. Những thành viên phi hành đoàn đã đưa tín hiệu khẩn cấp khi nhận thấy một chiếc máy bay Air Susi nhỏ đi qua khu vực gần đó. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể xác nhận liệu do máy bay bị rơi hay do hạ cánh khẩn cấp, ông Ervan tiết lộ. (Xinhua)
2. Nhật Bản đã đạt được thành công bước đầu trong việc đưa các lò phản ứng hạt nhân của Nhà máy điện Fukushima số 1 về trạng thái được làm mát ổn định khi nhiệt độ cả 3 lò phản ứng đều đã được hạ xuống mức dưới 100 độ C. Theo Công ty Điện lực Tokyo, đơn vị quản lý Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1, nhiệt độ tại khu vực xung quanh lò phản ứng số 2 đã giảm xuống còn 99,4 độ C. Đây là lần đầu tiên nhiệt độ cả 3 lò phản ứng có nhiên liệu hạt nhân bị tan chảy trong sự cố hạ xuống dưới mức 100 độ C. (AP)
3. Chính phủ Đức đã tiến hành bỏ phiếu về kế hoạch cứu nợ châu Âu, bao gồm việc cho phép các ngân hàng tư nhân tham gia và mở rộng quỹ hỗ trợ tài chính cho các nước khối đồng euro. Đức, Hà Lan ủng hộ các nguồn cho vay tư nhân và phản đối việc bơm tiền cho Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF). Ngược lại, Pháp và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lại muốn mở rộng EFSF. Mới đây Hy Lạp cũng thông qua đạo luật thuế mới đánh vào bất động sản nhằm tăng nguồn thu cho chính phủ bất chấp sự phản đối của người dân. Đây là một phần trong cam kết thắt lưng buộc bụng của Hi Lạp khi nhận gói cứu trợ đầu tiên. (Financial Times)
4. Hải tặc Somali đã thả một con tàu thuộc sở hữu của Hy Lạp với 24 thành viên thủy thủ đoàn ở Vịnh Aden, về phía tây nam Oman chừng 490 hải lý, Lực lượng đặc nhiệm chống hải tặc EU cho biết. Con tàu Cypriot gắn cờ MV Eagle đã bị tấn công và bị cướp vào ngày 17/1 bởi một con thuyền nhỏ với những tên cướp biển được trang bị vũ khí. Vịnh Aden nằm ở phía Bắc bờ biển Somalia là khu vực có nguy cơ bị cướp biển tấn công cao nhất thế giới. Bất chấp nỗ lực của lực lượng hải quân quốc tế (gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Nga, Trung Quốc), các nhóm cướp biển Somali vẫn hoạt động ngày càng táo tợn và là mối nguy hiểm thường trực cho các tàu thuyền qua lại khu vực này. (Xinhua)
5. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tạo ra một cuộc xung đột mới tại khu vực Balkan khi triển khai rất nhiều lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR đến biên giới Serbia và Kosovo, đặc phái viên Nga tại NATO Dmitry Rogozin cho hay. Ông Dmitry Rogozin dẫn nguồn tin địa phương cho biết, những ngày gần đây KFOR triển khai hàng loạt phương tiện chiến đấu bọc thép, bao cát và dây thép gai dọc đường biên giới Jarinje dài 100km, cách "Thủ đô" Pristina của Kosovo về phía Bắc. (RIA)
6. Islamabab đã thả một thủ lĩnh cấp cao của al-Qaeda, kẻ từng là vệ sỹ của Osama bin Laden, gây ra những nghi ngờ mới về cam kết chống của khủng bố của Pakistan, một nguồn tin an ninh cấp cao cho biết. Amin al-Haq, từng trốn thoát khỏi Afghanistan với thủ lĩnh al-Qaeda hồi năm 2001 và trở thành một phụ tá quan trọng về mặt tài chính, đã bị tình báo Pakistan bắt tại thành phố Lahore 3 năm trước. Việc thả al-Haq là một rắc rối nữa cho Pakistan vào thời điểm nước này phải đối mặt với sức ép lớn nhằm hành động để chống lại các nhóm phiến quân. (Fox News)
7. Báo cáo viên đặc biệt về nhân quyền của Liên hợp quốc ở Campuchia, Surya P. Subedi, đã nói rằng tình hình nhân quyền tại đất nước này đã được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây, đặc biệt là việc ban hành một số luật quan trọng. Ông Surya thừa nhận rằng Chính phủ Campuchia đã đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng pháp lệnh, các khuyến nghị quan trọng liên quan đến ngành tư pháp của đất nước. Bình luận về nhận xét này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia, Koy Kuong cho biết hiện thời ông vẫn chưa nhận được báo cáo của ông Surya Subedi. (Xinhua)
8. Washington khẳng định không quá quan tâm việc Iran mới đây tuyên bố có thể đưa tàu tới gần các vùng biển của Mỹ, trong bối cảnh Tehran từ chối thiết lập đường dây nóng quân sự song phương. Những phát biểu của phía Mỹ được đưa ra sau khi Tư lệnh hải quân Iran cho hay nước này sẽ đưa tàu tới gần các vùng nước thuộc chủ quyền của Mỹ. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, những thách thức mà Iran cần quan tâm hơn vào lúc này gồm việc làm giảm nguy cơ xảy ra xung đột hải quân ở vùng Vịnh cũng như góp phần vào cuộc chiến chống cướp biển ở vịnh Aden. (AFP)
9. Hàng nghìn người biểu tình đã phong tỏa các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Bộ Y tế, Bộ Phát triển, Bộ Nội vụ và Bộ Nông nghiệp Hy Lạp ở thủ đô Athens để ngăn cuộc họp giữa Thủ tướng với giới tài chính quốc tế. . Công đoàn lớn nhất Hy Lạp, ADEDU, tuyên bố sẽ tiếp tục phong tỏa trụ sở các cơ quan chính phủ khác.Đây là một trong những phản ứng mới nhất của người dân Hy Lạp nhằm cản trở cuộc họp giữa Thủ tướng Evangelos Venizelos với giới chức từ Ủy ban châu Âu, Ngân hàng trung ương châu Âu, và Quỹ tiền tệ quốc tế liên quan đến chương trình cắt giảm chi tiêu của nước này. (RIA)
10. Nguồn tin Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết, tại thành phố Heras, miền Tây Afghanistan, một xe chở lực lượng cảnh sát biên phòng đã bị nổ tung khi vướng mìn điều khiển từ xa gần khu vực sân bay Heras. Vụ nổ làm 2 nữ nhân viên cảnh sát và 1 nam nhân viên cảnh sát thiệt mạng. 4 nữ công an biên phòng và 2 nam công an biên phòng khác cùng 4 thường dân bị thương và đã được đưa cấp cứu tại quân y viện của lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế và bệnh viện dân sự gần đấy. (AP)
M.Phương (Tổng hợp)