Luật đã cởi trói về tự chủ, nhưng còn trách nhiệm của người thực hiện

11/04/2015 07:36
Xuân Trung
(GDVN) - GS. Lâm Quang Thiệp nói về tự chủ đại học hiện nay, theo ông, chúng ta đã có luật để “cởi trói” cho nhà trường, nhưng còn phụ thuộc thực hiện như thế nào?

LTS: Với chủ đề “Tự chủ đại học” được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa qua, đã nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia,những nhà giáo tâm huyết.

Tiếp nối mạch bài này, chúng tôi có cuộc trao đổi với GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) để làm rõ khái niệm thế nào là tự chủ đại học, mục tiêu của tự chủ sẽ giúp các trường đạt tới mục đích gì và giúp cho xã hội được gì?

Tự chủ và trách nhiệm đối với xã hội của trường đại học

GS. Lâm Quang Thiệp bày tỏ quan điểm, ông cho rằng về khái niệm tự chủ đại học hiện đang có nhiều người hiểu chưa đúng.

Ví như có người nói tự chủ đại học là hiển nhiên trường đại học phải được tự chủ, cũng như con người là phải được thở. Quan niệm này theo GS. Thiệp là sai, vì tự chủ đại học nói rộng hơn là cộng đồng đại học phải phấn đấu lâu dài mới đạt được.

GS. Lâm Quang Thiệp mượn hình ảnh các trường đại học ở phương tây để bàn về tự chủ, theo ông lúc nào thì bắt đầu gọi là đại học? Phương tây họ quan niệm, khi nào nhà trường bắt đầu có quyền tự chủ thì xem như có trường đại học.

Trước đó cũng có nhà trường, nhưng nhà trường của tôn giáo để đào tạo cha cố, nhà trường của nhà nước để đào tọa những người cho nhà nước, nhưng những nhà trường này chưa được tự chủ.

Luật đã cởi trói về tự chủ, nhưng còn trách nhiệm của người thực hiện ảnh 1

GS. Lâm Quang Thiệp. Ảnh XT

GS. Thiệp cho biết, trong lịch sử khi nhà nước và tôn giáo đấu tranh với nhau, lúc này hai bên đều khai thác nhà trường, vì nhà trường là nơi trí tuệ. Do đó lúc này nhà trường cũng khẳng định được quyền của mình. Và từ đó có quyền tự chủ ở mức nào đó.

Những người nghiên cứu giáo dục trong lịch sử đặt câu hỏi trường đại học có từ khi nào? Và họ cho rằng, khi nào nhà trường bắt đầu có quyền tự chủ thì xem như bắt đầu có trường đại học. Nếu nói như vậy tự chủ đã gắn với trường đại học.

Ở Việt Nam, khái niệm tự chủ đại học chỉ được đưa vào từ khi có Luật giáo dục năm 1998, việc đưa khái niệm tự chủ vào luật là một tiến bộ, vì trước đó trường đại học chúng ta chỉ quen bao cấp – theo ý kiến GS. Thiệp.

Tuy nhiên, GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, chúng ta đã đưa khái niệm tự chủ đại học vào luật, nhưng còn một thứ sai lầm mà đến nay chúng ta không sửa được. Cụ thể, khi đã nói tự chủ thì không bao giờ chỉ có là tự chủ, đã là tự chủ phải gắn liền với trách nhiệm giải  trình với những bên có liên quan.

Vậy, những phía có liên quan đối với trường đại học là những ai? Theo GS. Thiệp, đó là người cấp tiền cho nhà trường (có thể là Nhà nước, công ty, doanh nghiệp…), người dạy, người học, người dùng các sản phẩm của nhà trường…

“Tự chủ và tự chịu trách nhiệm” trong tự chủ đại học, nếu nói đơn giản như vậy là sai, có thể gây hiểu lầm, bởi theo GS. Thiệp, nếu chỉ “tự chịu trách nhiệm” mà không giải thích thì những người xung quanh chỉ nghĩ nhà trường chỉ “tự chịu trách nhiệm với việc làm của mình, làm đúng thì hưởng, làm sai thì chịu”.

Trong khi đó, “tự chủ đại học” đi liền với trách nhiệm không được hiểu như vậy, mà trường hợp này là “trách nhiệm giải trình” (phải tường trình, báo cáo những việc trường làm cho các bên liên quan biết).

“Tôi đã từng đề nghị được sửa lại thành tự chủ đi liền với trách nhiệm đối với xã hội chứ không phải trách nhiệm xã hội. Sau này đã có một số luật được sửa theo như vậy, nhưng dần dần cặp từ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã loang rộng ra nhiều ngành, nghề. Do đó, giờ đã quen dùng cặp từ “tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thậm chí là ở những bậc học thấp và gây ra thực tế hạ thấp khái niệm này” GS. Thiệp cho biết.

Nếu thực trạng như vậy đang tiếp diễn thì việc hạ thấp khái nhiệm “tự chủ” sẽ ảnh hưởng tới các trường đại học, bởi theo GS. Lâm Quang Thiệp, nội dung tự chủ, tự chịu trách nhiệm bản thân đã cao, chỉ gắn với trường đại học, vì đại học được quan niệm là cộng đồng có trí tuệ, thậm chí có trí tuệ cao mới được tự chủ.

Trao đổi thêm về chủ đề này, GS. Lâm Quang Thiệp cho biết, ở phương tây quyền tự chủ còn gắn thêm một yếu tố rất quan trong, đó là quyền tự do học thuật.  Do đó, nói đến tự chủ, tự do học thuật phải nói tới trường đại học, vì ở đó có hàm lượng trí tuệ cao. Bên cạnh đó sẽ kèm theo các cơ chế.

Với Việt Nam, để đảm bảo quyền tự chủ với một thực thể dân chủ thì phải có cơ chế Hội đồng trường. Trường đại học muốn tự chủ thì phải dân chủ, chứ không thể tự chủ lại độc tài ở một người nào đó.

“Chính Hội đồng trường sẽ đảm bảo trường được tự chủ nhưng là dân chủ, cũng giống một nước phải có Quốc hội, nơi này đảm bảo độc lập nhưng có dân chủ. Ở đây, cơ chế tự chủ này cũng tương tự như vậy, và Hội đồng trường cũng giống như Quốc hội” GS. Thiệp cho biết.

Thực tế hiện nay, nhiều trường đại học muốn được tự chủ nhưng lại không có Hội đồng trường, điều đó không khác gì quyền tự chủ rơi vào tay ông hiệu trưởng? Còn muốn có trách nhiệm giải trình thì sẽ có những cơ chế để có trách nhiệm giải trình, cơ chế này chính là hệ thống kiểm định công nhận các trường đại học.

Năng lực cao cần mở rộng quyền tự chủ

Từ những nhìn nhận trên, GS. Thiệp nhấn mạnh tự chủ sẽ cần phải gắn với trình độ, hàm lượng trí tuệ của nhà trường, nên không thể nói trường phổ thông hay tiểu học cũng có tự chủ. Do đó, trường đại học nào có hàm lượng trí tuệ cao thì phải được tự chủ nhiều hơn (hàm lượng trí tuệ ở đây có thể xem là trình độ giảng viên, số lượng Giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu khoa học và kết quả…).

Tuy nhiên, riêng tự chủ về tài chính  theo GS. Lâm Quang Thiệp cần đặt vấn đề tiền của trường có nguồn gốc từ đâu? Nếu đồng tiền từ thuế của dân mà bảo tự chủ nằm trong tay một số người, muốn làm gì thì làm là không được.

Luật đã cởi trói về tự chủ, nhưng còn trách nhiệm của người thực hiện ảnh 3GS. Mai Trọng Nhuận: Tự chủ giả hiệu sẽ không có Đại học đích thực

(GDVN) - Không có một trường đại học nào có thể hoàn thành sứ mệnh của mình mà không có quyền tự chủ cần thiết.

“Tự chủ tài chính còn phụ thuộc vào trình độ, trách nhiệm giải trình, xem trường đó có biết sử dụng hay không, những hoạt động này cần phải công khai. 

Nhưng đồng tiền là thuế của dân không thể sử dụng bừa bãi, ngược lại tiền không phải thuế của dân thì có thể sử dụng dễ dãi hơn một chút, nhưng cũng không thể tự do. Nói như một số trường tư, đồng tiền của nhà trường là do trường bỏ ra, nhà nước không nên can thiệp?

Nói như vậy cũng không được vì đồng tiền đó là do sinh viên đóng góp, sinh viên đóng góp là do nhà trường có quyền thu học phí, và chính Nhà nước cho trường cái quyền đó. Do đó, không thể đem tiền dùng lung tung” GS. Lâm Quang Thiệp giải thích.

Như vậy, mục tiêu cuối cùng của tự chủ đại học theo GS. Thiệp là để có được một chất lượng đào tạo, chất lượng đầu ra. Vì một trường đại học bị trói buộc sẽ không thể có sáng tạo, không có bức bật. Kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy điều đó, các cơ sở đại học được tự chủ sẽ làm tốt hơn, chất lượng, hiệu quả sử dụng đồng tiền sẽ tốt hơn đại học bị trói buộc.

Trước câu hỏi chất lượng đầu ra của một trường đại học có phản ánh được mức độ tự chủ của trường đại học đó, bởi mục đích cuối của tự chủ là chất lượng? GS. Lâm Quang Thiệp cho biết, yếu  tố này hoàn toàn không đúng vì chất lượng đầu ra còn phụ thuộc vào nhiều thứ khác.

Phụ thuộc vào chất lượng đầu vào…, trong đó có trình độ quản lí cũng có yếu tố tự chủ. Nếu các điều kiện khác như nhau thì trường đại học tự chủ sẽ tăng chất lượng đầu ra.

“Luật của chúng ta đã đưa vào các yếu tố để cho các trường tự chủ, càng ngày luật đã càng cởi trói cho các trường. Nhưng đó là Luật, còn việc thực thi luật đó như thế nào? Điều này còn phụ thuộc vào bộ phận điều hành bên trên, phụ thuộc vào trình độ và động cơ của người điều hành.

Nếu để các trường đại học tự chủ thì Bộ GD&ĐT chủ yếu làm quản lí nhà nước,  đó là việc tạo ra các văn bản pháp quy và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp quy đó” GS. Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh.

Xuân Trung