Hội đồng nhân dân có bảo vệ được quyền của dân không?

17/04/2015 08:34
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch: "Ta cứ bàn để hay bỏ Hội đồng nhân dân, nếu giữ hệ thống chính quyền như hiện nay thì bỏ để làm gì?".

Hội nghị chuyên trách Đại biểu Quốc hội đã dành cả ngày 16/4 để thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Hội đồng nhân nhân phải thực quyền

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – ông Phan Trung Lý cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận.

Phương án 1quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân - HĐND và Ủy ban nhân dân - UBND) nhưng làm rõ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Trong khi đó phương án 2, quy định ở các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). 

Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ mô hình tổ chức Hội đồng nhân dân, bảo vệ lợi ích của dân. ảnh minh họa: Báo Xây dựng.
Nhiều Đại biểu Quốc hội đề nghị giữ mô hình tổ chức Hội đồng nhân dân, bảo vệ lợi ích của dân. ảnh minh họa: Báo Xây dựng.

Tại hội nghị đa số ý kiến đều đồng tình với phương án 1 - tổ chức chính quyền địa phường gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nói: “Tôi đồng tình phương án 1, phương án này đúng với Hiến pháp, phù hợp với hiến định nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện; Nhà nước thuộc về nhân dân.

Phương án 2 không có ưu điểm gì, bỏ HĐND không mang lợi ích gì cho quốc gia, mà đảo lộn bộ máy hành chính không đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân”.

Để công chức sống bằng lương, không nhũng nhiễu

Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, dự án luật quy định về chức năng còn chồng chéo, không rõ ràng cái nào của trung ương, cái nào của địa phương, cái nào của phường, xã; tránh tình trạng dưới xã lại cho rằng mọi thứ đều đổ lên đầu họ.

Nếu chưa giải quyết được vấn đề chồng chéo, không bao giờ ta nâng được chất lượng công chức, giảm được biên chế để công chức sống được bằng lương, không nhũng nhiễu.

“Làm sao Hội đồng nhân dân phải thực quyền, tức phải có dư địa để quyết, để làm chứ quyết cái trên đã quyết và bàn cái ở trên bàn rồi thì đòi quyền làm gì. Chúng ta vẫn hình thức. Bao nhiêu cấp không quan trọng, nhưng phải thực quyền đảm bảo lợi ích của dân”, Đại biểu Lịch nói thẳng.

Đại biểu Trần Du Lịch: "Bao nhiêu cấp không quan trọng, nhưng phải thực quyền đảm bảo lợi ích của dân". ảnh: TTBC.
Đại biểu Trần Du Lịch: "Bao nhiêu cấp không quan trọng, nhưng phải thực quyền đảm bảo lợi ích của dân". ảnh: TTBC.

Đề cập vào hai phương án đưa ra về dự án luật, Đại biểu Trần Du Lịch nêu quan điểm: “Chúng ta thực hiện nền hành chính thống nhất nhưng không đồng nhất nên phải làm sao có chính quyền Trung ương mạnh, không để có chuyện trên bảo dưới không nghe, nhưng cũng cần có dư địa để địa phương quyết định, Trung ương không can thiệp mà chỉ kiểm tra xem có vi phạm lợi ích quốc gia hay lạm quyền không.

Ta cứ bàn để hay bỏ HĐND, nếu giữ bộ máy hệ thống chính trị như hiện nay thì bỏ HĐND để làm gì? Bộ máy hiện nay đang bị chồng chéo chức năng, không rõ ràng giữa Trung ương và địa phương, không thể nâng cao chất lượng bộ máy hành chính, không thể tinh giảm biên chế để từ đó nâng lương cho công chức, để chống nhũng nhiễu”.

Hội đồng nhân dân có bảo vệ được quyền của dân không? ảnh 3

Tranh luận quyết liệt về thẩm quyền của huyện, xã

Bên cạnh đó, Đại biểu Lịch đề câp tới điều 112 Hiến pháp quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định rạch ròi giữa trung ương và địa phương. Nội dung này được thể hiện ở Điều 11 của dự thảo luật với 5 nguyên tắc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, cụ thể là cái gì, cái nào phân quyền, ủy quyền, phân cấp thì chưa rõ.

Ông Lịch đặt câu hỏi: “Cứ nói theo luật định vậy luật sẽ nói là luật nào? Các luật khác đều nói rất chung và không rõ cái nào hết”.

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Đình Bích (Hải Phòng) băn khoăn, làm sao để khắc phục được hạn chế luật hiện hành, nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương, trong đó có HĐND các cấp. 

Đồng tình với mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo phương án 1, gồm HĐND và UBND, vì phù hợp Hiến pháp 2013. Đây là chính quyền của dân, do dân, vì dân, được người dân lựa chọn ủy quyền thông qua đại diện ở các đơn vị hành chính, các cấp chính quyền.

Tại phiên thảo luận nhiều ý kiến cũng đồng tình với quy định cấp tỉnh có 3 Phó Chủ tịch, còn với các thành phố trực thuộc trung ương là 4 Phó Chủ tịch.

Ngọc Quang