Diễn biến trận đánh chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát VNCH

25/04/2015 07:57
Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Trong chiến dịch Tổng tiến công 1975, Đoàn 232 và Khu 8 đánh chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát Việt Nam cộng hòa và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

LTS: Tiếp tục loạt bài về kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước; hôm nay, Đại tá Đặng Việt Thủy sẽ làm sống lại trận đánh chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát Việt Nam Cộng hòa.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đoàn 232 được thành lập tháng 2 năm 1975 gồm hai sư đoàn bộ binh: Sư đoàn 3 do đồng chí Đỗ Quang Hưng làm Sư đoàn trưởng; Sư đoàn 5 do đồng chí Vũ Văn Thược làm Sư đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Xuân Ôn làm Chính ủy và một số đơn vị binh chủng khác hợp thành.

Trước đó, Đoàn 232 do đồng chí Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) làm Tư lệnh; đồng chí Trần Văn Phác (Tám Trần), Chính ủy; đồng chí Trần Văn Nghiêm, Phó tư lệnh.

Sư đoàn 3 đánh chiếm tiểu khu Hậu Nghĩa, chi khu Đức Huệ, Đức Hòa - bảo đảm hành lang lộ 10 và tuyến sông Vàm Cỏ Đông phối hợp với Trung đoàn 25 công binh làm cầu phà để xe cơ giới và binh khí kỹ thuật vượt sông Vàm Cỏ Đông và Kinh Xáng.

Trung đoàn đặc công 27 diệt yếu khu Bà Hom, An Lạc, Bình Điền, khống chế và cắt lộ 4, giữ cầu, đảm bảo sườn và mặt sau cho Sư đoàn 9.

Sư đoàn 5 không đánh Mộc Hóa mà áp sát thị xã Tân An, cắt đường 4  từ thị xã Tân An đến Bến Lức và phía nam Tân An, đoạn Tân An - Tân Hiệp, giữ cầu Bến Lức, cầu Tân An. Trung đoàn pháo binh 75 yểm trợ hỏa lực cho Sư đoàn 3 đánh chiếm tiểu khu Hậu Nghĩa, sau đó di chuyển sang Mỹ Hạnh chi viện cho Sư đoàn 9 tiến về Sài Gòn.

Đánh chiếm Biệt khu thủ đô Sài Gòn

Ngày 26 tháng  năm 1975, Sư đoàn 5 tiến công sư đoàn 22 ngụy lần lượt tiêu diệt từng đơn vị mới được bổ sung tăng cường co cụm từ cầu Voi đến cầu Bến Lức, Sư đoàn 5 khống chế và làm chủ lộ 4 từ Tân An lên cầu Voi; Trung đoàn 16 thì đánh chiếm khu vực cầu Bình Điền và An Lạc; hai trung đoàn đặc công 115 và 117 phối thuộc cánh tây nam đánh chiếm vùng Phú Lâm.

Cùng thời điểm này, đồng chí Sáu Nhẫn (Bùi Văn Trữ), Phó phòng công binh Miền đang chỉ huy cán bộ, chiến sĩ công binh kết hợp với đồng bào địa phương huy động phương tiện tại chỗ để tạo đường dẫn vượt sình lầy và làm cầu phà ứng dụng (cầu phà dã chiến) để phương tiện cơ giới, xe tăng và pháo của Đoàn 232 vượt sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa phận xã An Ninh, rồi tập kết về địa bàn xuất phát tiến công thuộc vùng Mỹ Hạnh, Đức Hòa, theo lộ 10 tiến về Sài Gòn.

Diễn biến trận đánh chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát VNCH ảnh 1

Những chi tiết lịch sử trận đánh trên sân bay Tân Sơn Nhất

(GDVN) - Lực lượng đột kích của Sư đoàn 10 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, mà trọng điểm là bộ tư lệnh dù, bộ tư lệnh không quân, bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân ngụy.

Ngày 27 tháng 4, mũi tiến công phía nam theo tỉnh lộ 50 từ Cần Giuộc lên đã lập bộ phận tiền trạm tại xã Bình Đăng quận 8 dự kiến 28 tháng 4 sẽ chiếm cầu Chữ Y và ngày 29 tháng 4 chiếm lĩnh trận địa, đợi lệnh tiến công vào mục tiêu.

Đến ngày 28 tháng 4, một sự kiện gây chấn động lớn trong hàng ngũ quân địch: Một phi đoàn 5 chiếc máy bay A37, do phi công Nguyễn Thành Trung hướng dẫn, đã táo bạo, bất ngờ oanh kích sân bay Tân Sơn Nhất. 

Cùng ngày 28 tháng 4, Trần Văn Hương sau một tuần nhận chức tổng thống thay Nguyễn Văn Thiệu, đã bất lực, đành phải bàn giao chiếc ghế tổng thống cho tướng Dương Văn Minh.

Theo mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đúng 0 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975, đồng loạt cả năm cánh quân nổ súng tiến công vào nội thành Sài Gòn, dũng mãnh, táo bạo tiến đến mục tiêu đã được phân công. 

Ở hướng tây, Sư đoàn 9, mũi chủ lực của cánh quân tây nam, theo kế hoạch, sau khi cơ giới, tăng và pháo vượt qua sông Vàm Cỏ Đông đêm ngày 28 tháng 4, ngày 29 tháng 4 Sư đoàn 9 hành quân về Sài Gòn.

Sau khi qua sông, ngày 29 tháng 4, Sư đoàn 9 hành quân về Sài Gòn theo ba trục đường.

- Trục thứ nhất: Trung đoàn 1 bộ binh được tăng cường 6 xe tăng PT85, hai khẩu pháo 85, một tiểu đoàn pháo cao xạ đánh chiếm cầu Bà Lác, cầu Lớn, qua ngã năm Vĩnh Lộc tiến vào ngã tư Bảy Hiền, rồi theo đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng tháng Tám) đánh chiếm biệt khu thủ đô từ hướng bắc, đông bắc;

- Trục thứ hai: trung đoàn 3 được tăng cường 3 xe tăng T54, sáu xe bọc thép PTR.60, hai khẩu pháo 85, một tiểu đoàn cao xạ tiến song song với lộ qua cầu An Hạ, Bà Lác, Bà Hom đánh chiếm trường đua Phú Thọ rồi theo đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3-2) đánh chiếm biệt khu thủ đô từ hướng nam, đông nam;

- Trục thứ ba: Trung đoàn 2 được tăng cường 7 xe tăng T54, 16 xe bọc thép PTR60, 2 xe M113, bốn khẩu pháo 85, hai tiểu đoàn cao xạ mở đường từ An Ninh đến Mỹ Hạnh, bảo đảm cho binh khí kỹ thuật của sư đoàn hành quân. 

Sau đó tiến vào theo trục của Trung đoàn 1 hướng về biệt khu thủ đô và phát triển về dinh Độc Lập. 5 giờ sáng ngày 29 tháng 4, toàn Trung đoàn 1 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Chia và Chính ủy Lê Văn Dũng chỉ huy cùng Bộ chỉ huy nhẹ của Sư đoàn 9 về đến bìa rừng Vĩnh Lộc.

Trung đoàn 2 do Trung đoàn trưởng Lê Tấn Cẩm và Chính ủy Lê Giao chỉ huy cùng Sở chỉ huy cơ bản của sư đoàn hành quân sang Bàu Công.

Trung đoàn 3 do Trung đoàn trưởng Hoàng Chuẩn và Chính ủy Hồ Giáo chỉ huy diệt một số chốt dã ngoại của địch, đánh tan một tiểu đoàn biệt động quân ngụy, làm chủ đoạn đường (lộ 10) từ ngã ba Bà Lác đến cầu Kinh Xáng.

Đánh chiếm Biệt khu thủ đô Sài Gòn. Ảnh: Nguoiduatin
Đánh chiếm Biệt khu thủ đô Sài Gòn. Ảnh: Nguoiduatin

9 giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi các binh đoàn thọc sâu các hướng tây bắc, bắc, đông và đông nam hùng dũng tiến vào nội thành đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong thành phố thì ở hướng tây nam các mũi tiến công của Sư đoàn 9 đã vượt qua tuyến phòng thủ cơ bản của địch vào ngã tư Bảy Hiền. 

9 giờ 20 phút, trinh sát kỹ thuật của sư đoàn bắt được tin chính quyền Sài Gòn ra lệnh "ngừng bắn để thương lượng với phía bên kia". Thời điểm này, Bộ chỉ huy cánh quân tây nam đang hành quân từ căn cứ Tỉnh đội Tân An về Đức Hòa. Cũng ở chặng đường này, Tham mưu trưởng Trần Văn Nghiêm nhận được tin ngụy quyền ra lệnh ngừng bắn.

Sau đó, Bộ chỉ huy cánh quân tây nam nhận được nội dung điện của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương do Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh chuyển đến: "Tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch, tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ thành phố, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống cự của chúng".

10 giờ 20 phút, đại đội 2 của Trung đoàn 1 tiến qua cổng trại Lê Văn Duyệt (biệt khu thủ đô) bắt tướng Lâm Văn Phát, tư lệnh thủ đô và nhiều sĩ quan thuộc quyền. Cờ giải phóng được kéo lên cột cờ biệt khu thủ đô đúng 10 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4. 

Mũi tiến công phía nam Sài Gòn, Bộ chỉ huy gồm các đồng chí Võ Thắng, Huỳnh Văn Mến, Tư Chiểu, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Long An. 10 giờ ngày 30 tháng 4, đồn Đa Phước đầu hàng. 

"Từ Đa Phước quần chúng dùng xe đò, xe hàng chở toàn bộ cơ quan chỉ huy đến cầu Chữ Y, lúc bấy giờ là 11 giờ 30 phút. 12 giờ, Sở chỉ huy cánh nam đến tổng nha cảnh sát, sau lực lượng tiến công (Trung đoàn 4) một tiếng rưỡi". (Tức lúc 10 giờ 30 phút, Trung đoàn 24 đã đánh chiếm xong tổng nha cảnh sát ngụy).

Những dòng trên là điện của Sở chỉ huy cánh nam gửi đồng chí Lê Đức Anh (tức Sáu Nam) - Tư lệnh cánh quân tây nam, báo cáo cánh quân phía nam đã chiếm mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ. 

Đoàn 10 đặc công đã đánh chiếm cảng Hải quân và kho xăng dầu Nhà Bè. Như vậy đến 10 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, cánh quân tây nam đã chiếm giữ các mục tiêu được phân công tại nội đô Sài Gòn (biệt khu thủ đô, tổng nha cảnh sát, riêng kho xăng Nhà Bè thì do Đoàn 10 đặc công đánh chiếm). 

Cùng thời điểm này, Quân đoàn 1 (hướng bắc) chiếm bộ tổng tham mưu ngụy; Quân đoàn 3 (hướng tây bắc) chiếm sân bay Tân Sơn Nhất; Quân đoàn 4 (hướng đông) chiếm bộ quốc phòng, cảng Bạch Đằng; Quân đoàn 2 (hướng đông nam) đánh chiếm dinh Độc Lập, nơi tượng trưng cho uy quyền cao nhất của chế độ Sài Gòn.

Do vậy, vào lúc 11 giờ 30 phút, các tiểu đoàn 1, 2 của Trung đoàn 1, Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 cũng có mặt tại dinh tổng thống Việt Nam cộng hòa, lúc cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 2 bắt toàn bộ nội các Dương Văn Minh. Theo hiệp đồng tác chiến, sau khi chiếm biệt khu thủ đô, một bộ phận của Sư đoàn 9 chốt giữ mục tiêu đã chiếm, bộ phận còn lại phát triển phối hợp với Quân đoàn 2 tiến chiếm dinh Độc Lập. 

Ngoài mục tiêu nội thành, cánh quân tây nam còn một nhiệm vụ chiến lược khác là khống chế, chiếm giữ quốc lộ 4, theo dõi chặt chẽ âm mưu co cụm của địch về đồng bằng sông Cửu Long để kịp thời báo cáo với Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng thời phối hợp với Quân khu 8, Quân khu 9 phá tan âm mưu này của địch. 

Vì vậy Bộ chỉ huy cánh quân tây nam đã chỉ đạo cho Sư đoàn 5 giữ vững trận địa, tiếp tục chiếm giữ quốc lộ 4, cầu Bến Lức, cầu Tân An. Riêng lực lượng vũ trang Mỹ Tho và Quân khu 8 chịu trách nhiệm từ Trung Lương đến Bắc Mỹ Thuận, khống chế và đánh chiếm khu Đồng Tâm thuộc xã Bình Đức, huyện Châu Thành, Mỹ Tho là căn cứ cũ của sư đoàn 9 Mỹ và lúc bấy giờ là căn cứ của sư đoàn 7 ngụy.

Tiến công đánh chiếm tổng nha cảnh sát Việt Nam Cộng hòa

Cũng trên hướng tây nam, Khu 8 đã phối hợp cùng Đoàn 232 tiến công đánh chiếm tổng nha cảnh sát ngụy:

Cùng với các quân khu, Quân khu 8 đã được Trung ương Cục, Quân ủy Miền phổ biến tình hình và giao nhiệm vụ chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam. 

Đồng chí Huỳnh Phú Sổ, Bí thư Khu ủy, Chính ủy Quân khu 8 nhận nhiệm vụ: ngoài nhiệm vụ tự giải phóng toàn Khu 8, quân khu còn phải mở một mũi tiến công vào phía nam thành phố Sài Gòn cấp tương đương sư đoàn đánh chiếm tổng nha cảnh sát ngụy, một trong năm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch.

Bộ tư lệnh Quân khu 8 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị. Cánh quân đánh vào Sài Gòn, chiếm tổng nha cảnh sát được quân khu sử dụng gồm Trung đoàn 24, Trung đoàn 88, (Miền sẽ bổ sung thêm Trung đoàn 271), có sự phối hợp Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 2 của tỉnh Long An. 

Bộ chỉ huy cánh quân này gồm các đồng chí: Võ Văn Thanh - Thiếu tướng - Khu ủy viên - Phó chính ủy quân khu làm Chính ủy; 

Huỳnh Văn Mến - Đại tá - Khu ủy viên - Phó tư lệnh quân khu làm Tư lệnh; Lê Văn Phẩm - Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho làm Phó tư lệnh phụ trách công tác dân vận; 

Nguyễn Văn Chiểu - Tỉnh đội trưởng - Thường vụ Tỉnh ủy Long An làm Phó tư lệnh, phụ trách quân sự địa phương và một số trợ lý chủ chốt tham mưu tác chiến, chính trị, hậu cần, thông tin liên lạc...

Tình hình địch đang xáo động mạnh. Một số nơi, hệ thống đồn bốt, lực lượng phòng vệ dân sự, bộ máy kìm kẹp của địch ở xã ấp đã tự tan rã. Thế và lực của cách mạng đang áp đảo địch ở khắp nơi. Nhân dân náo nức chờ lệnh tổng tiến công.

Tiến công đánh chiếm tổng nha cảnh sát ngụy. Ảnh: Nguoiduatin
Tiến công đánh chiếm tổng nha cảnh sát ngụy. Ảnh: Nguoiduatin

Trung đoàn 24 đang triển khai đánh chiếm căn cứ Đồng Tâm của sư đoàn 7, cán bộ từ trung đoàn đến tiểu đoàn đang chuẩn bị trận địa tiến công được lệnh hành quân về nam Long An nhận nhiệm vụ mới. 

Đêm 14 tháng 4, toàn trung đoàn vượt qua quốc lộ 4 về đứng chân ở huyện Chợ Gạo sát ranh giới Long An - nơi đây mới được giải phóng nửa tháng. Mỗi tiểu đoàn trung bình gần 300 quân, súng đạn trang bị đầy đủ.

16 giờ ngày 15 tháng 4 năm 1975, có điện triệu tập Trung đoàn trưởng và Chính ủy Trung đoàn 24 đến gặp Bộ tư lệnh tiền phương nhận nhiệm vụ ở xã Thạnh Phú Long thuộc huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.

Đồng chí Ba Thắng - Chính ủy Bộ tư lệnh tiền phương sau khi thông báo vắn tắt tình hình đang diễn ra rất khẩn trương, nêu rõ yêu cầu nhiệm vụ: Quân khu 8 có vinh dự tổ chức cánh quân đánh từ Long An vào thẳng vùng ven Sài Gòn ở quận 8 để nhận nhiệm vụ tiếp theo. 

Lực lượng gồm Trung đoàn 24, Trung đoàn 88, Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2 Long An và Trung đoàn 271 đang đến sau. Nhiệm vụ chung là tiến công thần tốc mở đường theo trục đường 5B (lúc đó) đến rạch Cần Giuộc vào ngày "X" (ngày 27 tháng 4 năm 1975). Trung đoàn 24 đảm nhiệm chủ công đi đầu, tiếp sau là Trung đoàn 88 dự bị, sau cùng là các tiểu đoàn của tỉnh Long An.

Tiến công trong hành tiến là chủ yếu: tiêu diệt, bức rút, bức hàng toàn bộ hệ thống đồn bốt trên trục tiến công kể cả các lực lượng giải tỏa, bảo đảm hành lang an toàn từ phía sau ra phía trước. Mục tiêu chủ yếu của Trung đoàn 24 trước mắt là tiêu diệt đánh chiếm chi khu Cần Giuộc. Trung đoàn 88 tiêu diệt chi khu Tân Trụ ở phía sau (đã nổ súng 2 ngày đêm chưa dứt điểm).

Tối 15 tháng 4, toàn trung đoàn sang đứng chân ở nam sông Vàm Cỏ Tây thuộc tỉnh Long An, đây là vùng mới giải phóng được ít ngày. Đêm 16 tháng 4, trung đoàn vượt sông Vàm Cỏ Tây bằng tàu chở hàng của dân, mỗi tàu 40 - 50 đồng chí sang ém quân ở vùng địch kiểm soát và triển khai đánh ngay trận mở đầu diệt 3 đồn ở xã Tân Chánh.

3 giờ sáng ngày 17 tháng 4, Tiểu đoàn 4 được lệnh nổ súng, sau ba tiếng bộc phá nổ là hỏa lực các loại nổ dồn dập trong một phút - nhiều đám cháy và tiếng nổ của đạn, lựu đạn, sau tám phút tất cả im tiếng súng, Tiểu đoàn 4 đã báo cáo diệt xong ba đồn, ta bị thương nhẹ một đồng chí. Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu một đại đội, hai trung đội bảo an, diệt 20 tên, số còn lại chạy hết; thu 5 súng AR-15, M79.

Nhân dân đã sơ tán trước sáng 18 tháng 4, để lại lợn, gà, nhà cửa. Bộ đội đóng ở ngoài vườn sẵn sàng đánh địch vào giải tỏa. 8 giờ sáng ngày 18 tháng 4: 1 giang đoàn chạy từ Long An đến nhưng đều ở phía bờ nam sông bắn 12,7mm sang. Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 sẵn sàng nổ súng nhưng địch không dám đổ bộ. Đến 11 giờ, giang đoàn này lui ra hướng biển.

Thực hiện  lệnh của Sở chỉ huy tiền phương quân khu đẩy mạnh tiến công địch để tiến đến chi khu Cần Đước, trung đoàn sử dụng Tiểu đoàn 5 diệt 1 phân chi khu, 2 đồn và bức rút 1 đồn. 

Đánh xong, cả trung đoàn trong đêm lại di chuyển lên phía trước. Đêm 19 tháng 4, Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 diệt tiếp phân chi khu và bức rút thêm 4 đồn, địch hoảng sợ bỏ chạy. 

Hơn 10 đồn phân chi khu đã tự đốt phá đồn rút chạy trước khi trời tối. Phân chi khu An Thuận (đồn cấp đại đội), ta chỉ dùng một trung đội tăng cường một ĐKZ75, một đại  liên cũng dứt điểm trong 10 phút. Trung đoàn tập trung chuẩn bị đánh chi khu Cần Đước.

Lực lượng địch có một tiểu đoàn bảo an được tăng thêm số quân các nơi chạy về tạo thành một cứ điểm lớn, có nhiều chốt ở vòng ngoài. Quân thì đông nhưng tinh thần địch đang dao động mạnh nên cách đánh của trung đoàn phải giải quyết bằng hai giai đoạn:  giai đoạn đánh bóc vỏ và giai đoạn tiến công dứt điểm.

Tiểu đoàn 5 vào chiếm lĩnh  xây dựng trận địa vây ép không khó khăn lắm, vì địa hình kín đáo, địch không phát hiện được. 5 giờ sáng ngày 23 tháng 4, Tiểu đoàn 5 nổ súng đánh vào chi khu Cần Đước gây nhiều tổn thất cho địch. Đêm 22 tháng 4, Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 5 vào chiếm lĩnh trận địa, Tiểu đoàn 6 làm dự bị. Kết quả trong 20 phút nổ súng, Tiểu đoàn 4 đã đánh tan 6 chốt cấp trung đội làm chủ trận địa lúc 24 giờ ngày 22 tháng 4.

Địch chui hết vào công sự giao thông hào và một số hầm, kêu phi pháo và viện binh đến giải vây. Phi pháo địch đánh liên tục từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều, máy bay có 12 phi vụ, mỗi phi vụ 2 đến 3 chiếc A37, F5. Tuy vậy, bom pháo địch đều đánh gần trận địa. 

Tiểu đoàn 5 báo cáo bộ đội vẫn an toàn do địch và ta cách nhau vài chục mét. Trung đoàn quyết định đưa thêm Tiểu đoàn 6 vào đánh dứt điểm trong đêm 23 tháng 4 năm 1975. Lúc 17 giờ, Tiểu đoàn 5 báo cáo địch có dấu hiệu rút chạy, cho tiểu đoàn bám chặn để có thể đánh chiếm ngay mục tiêu không chờ Tiểu đoàn 6 vào thay thế.

Vào chập tối, Tiểu đoàn 5 nổ súng dồn dập đánh vào chi khu Cần Đước trong lúc địch đang rút chạy. Tiểu đoàn 6 vòng về  phía tây bắc thì địch đã chạy thoát hết về hướng bắc.

18 giờ 30 phút ngày 23 tháng 4, ta làm chủ chiến trường, Bộ tư lệnh tiền phương đã cho các tiểu đoàn 1, 2 Long An vào tiếp quản thị trấn Cần Đước, giải quyết việc thu dọn chiến trường hỗ trợ phong trào quần chúng nổi dậy diệt ác phá kiềm.

Trung đoàn dừng lại, sẵn sàng đánh địch vào tái chiếm. Suốt ngày 24 tháng 4 không có địch giải tỏa, tái chiếm. Khi chi khu Cần Đước bị diệt, các đồn bốt trong khu vực bỏ chạy khá nhiều.

Ngày 25, 26 tháng 4 trung đoàn tiếp tục phát triển về  hướng bắc không gặp sự kháng cự nào, quân lính ở các đồn bốt đã bỏ chạy từ huyện Cần Đước sang Cần Giuộc, chỉ còn một số đồn ở dọc lộ 5A và chi khu Cần Giuộc.

Tối ngày 27 tháng 4, toàn trung đoàn đã ở nam sông Cần Giuộc - đoàn cán bộ đi trước chuẩn bị làm nhiệm vụ tiếp theo, có đồng chí Huỳnh Văn Mến - Tư lệnh tiền phương quân khu cùng đi, được tổ tự vệ thành đưa vào vị trí giấu quân rất mạo hiểm ở bờ sông Cần Giuộc có dừa nước che kín. 

Tổ tự vệ thành có 3 nữ, 2 nam trẻ, nhanh nhẹn cho biết: khu này có 1 liên đoàn biệt động quân phục kích ở đây mấy ngày đêm mới rút đi chiều nay (ngày 27 tháng 4), nhưng sông này có 1 giang đoàn thủy quân lục chiến từ Cần Giuộc sáng nào cũng đến chốt từ sớm đến 4 giờ chiều mới rút. 

Hàng chục tàu đậu rải ra cứ 30 - 40 mét 1 tàu, chỉ cách chỗ này không xa, các chú không được ho, không được phát ra tiếng động, địch nghi ngờ  là đạn bắn ra như mưa vào đây. 

Tất cả 30 cán bộ từ Tư lệnh quân khu tiền phương, trung đoàn trưởng, cán bộ đại đội cùng 1 tiểu đội trinh sát và 5 tự vệ thành phải ăn cơm trước sáng, nằm im trên mặt đất không công sự, chỉ nhờ lá dừa nước che kín, chịu đựng, mặc cho tàu địch gầm rú, tiếng thả neo, tiếng kêu của xích sắt chạm vào tàu nghe rợn tai.

Diễn biến trận đánh chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát VNCH ảnh 4

Diễn biến trận chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa tháng 4 năm 1975

(GDVN) - Năm 1975, sau chiến thắng của chiến dịch Tây Nguyên, kế hoạch quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam bao gồm cả các đảo và quần đảo Trường Sa, Côn Đảo...

Đến 4 giờ 30 phút chiều, giang đoàn này bắt đầu rút về Cần Giuộc.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm bắt đầu nấu cơm. Đồng chí Tư Nhân (Huỳnh Văn Mến) triệu tập cán bộ tiểu đoàn  và trung đoàn trưởng đến phổ biến nhiệm vụ. Đồng chí yêu cầu đêm nay phải hoàn thành  trinh sát các mục tiêu ở cầu Nhị Thiên Đường và cầu Chữ Y, từ đây đến đó còn trên dưới 10km. Chậm nhất 6 giờ sáng mai (ngày  29 tháng 4) phải có mặt ở đây, sẽ có xuồng đón về Sở chỉ huy để báo cáo sơ bộ quyết tâm đánh hai mục tiêu này. 

Đoàn cán bộ được tăng cường hai tự vệ thành. Ăn cơm xong, tự vệ thành đã đưa lên khỏi mặt nước một xuồng giấu kỹ, chở đoàn cán bộ qua sông Cần Giuộc lên phía bắc qua lộ 5B. Đối chiếu với bản đồ, đoàn phải đi qua một cánh đồng lầy lội bùn, ngang đầu gối, nước mặn, hướng về Sài Gòn rực sáng ánh điện. Một đồng chí trinh sát đạp phải mìn bị thương vào bàn chân phải ở lại.

Trung đoàn trưởng vừa lội bùn cùng anh em vừa dự kiến phương án tác chiến: Tiểu đoàn 4 đánh cầu Chữ Y, Tiểu đoàn 5 đánh cầu Nhị Thiên Đường. Đến ngang cầu Nhị Thiên Đường, Trung đoàn trưởng cho cán bộ dừng lại xác định phương án đi trinh sát: Tiểu đoàn 4 do Tham mưu trưởng đi cùng vào điều tra cầu Chữ Y, còn Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 cùng Trung đoàn trưởng điều tra cầu Nhị Thiên Đường xem địch bố trí lực lượng ra sao? Tiến công như thế nào?...

Kết quả đã xác định được hai đồn quân cảnh cấp đại đội bảo vệ hai mục tiêu cầu Chữ Y và cầu Nhị Thiên Đường, đồn cầu đúc lô cốt bê tông cốt thép 4 góc, hàng rào kẽm gai bao bọc quân lính đều ở trong nhà, xung quanh là đường phố, nhà dân dày đặc. 

Ngoài ra có một số vọng gác từ bên ngoài. Tiểu đoàn 4 phải đi xa hơn Tiểu đoàn 5 đến 6km đồng lầy vẫn về kịp nơi quy định trước sáng. Xuồng đã có chuẩn bị sáng đưa cán bộ về Sở chỉ huy tiền phương để báo cáo theo đúng quy định. 

Đồng chí nào cũng hốc hác vì quá vất vả sau 10 đêm liền không ngủ, đêm 28 tháng 4 là căng thẳng nhất. Các đồng chí trong Bộ tư lệnh quân khu gồm: đồng chí Ba Thắng, Tư Thân và Năm Chiều (còn đồng chí Chín Hải  đã về chỉ đạo Mỹ Tho). Tất cả đang chờ nghe báo cáo của Trung đoàn 24. Đồng chí Đàm Hữu Vấn - Chính ủy trung đoàn cũng đến dự.

Sau khi nghe Trung đoàn trưởng Trung đoàn 24 báo cáo tình hình, địa hình và sơ bộ quyết tâm đánh hai mục tiêu cầu Chữ Y và cầu Nhị Thiên Đường bằng hai mũi, cách sử dụng lực lượng, các đồng chí chỉ huy quân khu trao đổi và đều nhất trí. 

Đồng chí Ba Thắng đã khen ngợi trung đoàn hoàn thành bước 1 chiến dịch. Sau khi giao nhiệm vụ  đánh chiếm cầu Chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, tổng nha cảnh sát (Trung đoàn 88 làm dự bị) đồng chí xác định: giờ "G" ngày 30 tháng 4 và đối với Trung đoàn 24 là 5 giờ ngày 30 tháng 4 năm 1975. 

Đồng chí Tư Thân cũng nhấn mạnh, căn dặn thêm trung đoàn cách đánh, chốt giữ, mục tiêu là tiến thẳng vào chiếm tổng nha cảnh sát, sẵn sàng nhận lệnh tiếp theo.

Đảng ủy trung đoàn họp mở rộng quán triệt nhiệm vụ lịch sử trên giao và cụ thể hóa nhiệm vụ của trung đoàn và từng tiểu đoàn. Bộ đội được chuẩn bị mọi mặt rất chu đáo, đồng chí nào cũng dành một bộ  quần áo đen lành nhất để mặc khi giờ "G" sắp bắt đầu. 

Cán bộ, chiến sĩ  đã bất chấp máy bay trinh sát bay lượn trên đầu cùng những máy bay phản lực quần lượn để yểm trợ cho trực thăng bốc người di tản khỏi thành phố suốt ngày và đêm 29 tháng 4 năm 1975, công khai làm mọi công tác chuẩn bị ở ven địa hình. Trên đường 5B xe cộ đủ loại vẫn tấp nập ra vào thành phố từ Cần Giuộc lên, từ thành phố ra.

Trước giờ bộ đội xuất kích, Bộ tư lệnh tiền phương triệu tập trung đoàn trưởng và chính ủy trung đoàn nghe báo cáo công việc triển khai, có gì cần giải quyết ngay.

Vào 17 giờ ngày 29 tháng 4, bộ đội đã ngụy trang kín ba lô súng đạn lần lượt ra khỏi ven địa hình, hình thành hai cánh quân tiến về phía bắc nhằm hướng cầu Chữ Y và cầu Nhị Thiên Đường. 3 giờ sáng, Tiểu đoàn 5 đã báo cáo chuẩn bị xong, Tiểu đoàn 4 do phải đi xa hơn nên 4 giờ 30 phút mới báo cáo chờ lệnh nổ súng. 

Sở chỉ huy trung đoàn đi sau Tiểu đoàn 5. Tiểu đoàn 6 đi sau cùng trên trục đường 5B mặc cho xe cộ ngược xuôi chạy tấp nập. Đúng 5 giờ sáng ngày 30 tháng 4, hai tiểu đoàn 4 và 5 bắt đầu nổ súng tiến công.

Tiểu đoàn 5 đã diệt được một chốt, phát triển vào đánh đồn ở cầu Nhị Thiên Đường, bị địch chống trả mạnh phải vòng tránh qua một số nhà chiếm tầng cao đánh xuống bằng mọi cách, đến 8 giờ chiếm được cầu Nhị Thiên Đường.

Tiểu đoàn 4 phải đánh chiếm từng mục tiêu từ ngoài vào trong, cũng phải vòng tránh chiếm tầng cao đánh xuống đến 8 giờ 30 phút mới chiếm được cầu Chữ Y. Địch ở các nhà tầng dùng đại liên bắn vào cầu Chữ Y và cầu Nhị Thiên Đường. Tiểu đoàn 6 được lệnh đánh thẳng lên cầu Chữ Y theo đại lộ Phạm Thế Hiển để hợp đồng với Tiểu đoàn 4 chuẩn bị phát triển vào quận 1.

Địch chiếm các tầng cao hai bên đại lộ Phạm Thế Hiển bắn như đổ đạn xuống đường để ngăn chặn Tiểu đoàn 6, bộ đội vẫn dựa vào các nhà tiến lên cầu Chữ Y. Tiểu đoàn 5 cũng được lệnh để lại một đại đội chốt giữ cầu Nhị Thiên Đường còn lại cùng Tiểu đoàn 6 lên cầu Chữ Y. 

Đến 9 giờ 30 phút thì cả Tiểu đoàn 4, 5 và 6 đều có mặt ở cầu Chữ Y, địch ở phía bên kia cầu và nhà tầng bắn ngăn chặn. B40, B41 cùng đại liên của ta đã diệt một số hỏa điểm, chiếm được hai bên cầu Chữ Y. Các đơn vị tiếp tục vận động qua cầu Chữ Y bất chấp hỏa lực ngăn chặn, đến 10 giờ 45 phút thì Tiểu đoàn 4 và 6 cùng Tiểu đoàn 5 đã đánh chiếm tổng nha cảnh sát và khu quân cảnh. 

Đến 11 giờ, ta đã chốt chặn các cổng ra vào, kiểm soát toàn bộ tình hình. Khoảng 1.000 tên địch đã vứt bỏ sắc phục giơ tay xin hàng. Phóng viên nhiếp ảnh trong và ngoài nước kéo đến quay phim, chụp ảnh cảnh ta chiếm tổng nha cảnh sát, lúc này là 11 giờ trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975.

* Nguồn trích dẫn:

- "Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-1975)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- "Đại thắng mùa xuân 1975 kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2005.

- "Năm 1975 - Những sự kiện lịch sử trọng đại", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

Đặng Việt Thủy