Trung Quốc sẽ dùng máy bay không người lái tuần tra phi pháp ở Biển Đông

24/04/2015 06:46
Đông Bình (nguồn báo Nhân Dân, TQ)
(GDVN) - TQ ngang nhiên coi đây là điểm sáng, hoạt động phi pháp của họ sẽ trở nên "thường xuyên"; trong tương lai, trực thăng, UAV, thủy phi cơ sẽ từng bước tham gia.
Từ ngày 21 tháng 4 năm 2015, biên đội tàu Hải tuần-21 và Hải tuần-1103 cùng với thủy phi cơ Trung Quốc tiến hành tuần tra phi pháp vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong thời gian 3 ngày (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)
Từ ngày 21 tháng 4 năm 2015, biên đội tàu Hải tuần-21 và Hải tuần-1103 cùng với thủy phi cơ Trung Quốc tiến hành tuần tra phi pháp vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong thời gian 3 ngày (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)

Tờ "Nhân Dân" Trung Quốc ngày 22 tháng 4 tiếp tục có bài viết ngang nhiên tuyên truyền xuyên tạc hoạt động tuần tra phi pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Theo bài báo, ngày 21 tháng 4 năm 2015, biên đội tàu Hải tuần-21 và Hải tuần-1103 của Cục hải sự Hải Nam - Trung Quốc đã khởi hành từ Tam Á đến Hoàng Sa, triển khai hoạt động "tuần tra thực thi pháp luật" (phi pháp) trong thời gian 3 ngày, thủy phi cơ tham gia tuần tra lần này. 

Đây là lần đầu tiên có thuỷ phi cơ tham gia tuần tra liên hợp trên biển, trên không ở vùng biển Hoàng Sa.

Chuyên gia quân sự Lương Phương cho rằng, thuỷ phi cơ có ưu thế hoạt động linh hoạt và có thể bay lướt trên biển, có thể thu được thông tin biển chính xác hơn, hỗ trợ cho “nhân viên thực thi pháp luật” đưa ra phán đoán và quyết sách chuẩn xác hơn. 

Trong tương lai, máy bay trực thăng, máy bay không người lái (UAV) cùng với nhiều thuỷ phi cơ hơn sẽ từng bước gia nhập lực lượng “tuần tra thực thi pháp luật Biển Đông”, "bảo vệ tốt hơn chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc".

Lưu ý rằng, với bằng chứng lịch sử và pháp lý đầy đủ, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, Trung Quốc đã xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào các năm 1956 và 1974, do đó, mọi hành động của Trung Quốc nhằm vào quần đảo này đều có tính chất phi pháp và vô giá trị, sẽ không mang lại chủ quyền cho Trung Quốc - PV.

Hình ảnh tuyên truyền trên báo chí Trung Quốc
Hình ảnh tuyên truyền trên báo chí Trung Quốc

Theo bài báo, trong hoạt động tuần tra phi pháp lần này, biên đội tuần tra hàng hải xuất phát từ Tam Á, đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa như nhóm Lưỡi Liềm, đảo Phú Lâm, đá Bắc để tiến hành tuần tra phi pháp, tổng hành trình khoảng 400 hải lý, thuỷ phi cơ và biên đội tuần tra sẽ giữ đối thoại trên biển, trên không, thông báo tình hình tuần tra trong toàn bộ quá trình.

Theo Lương Phương, tàu Hải tuần-21 là tàu hải tuần có trọng tải lớn nhất, tiên tiến nhất của Trung Quốc hiện nay, có thể chở máy bay trực thăng, đăng ký với "thành phố Tam Sa" (Trung Quốc thành lập bất hợp pháp vào tháng 7 năm 2012), phụ trách công tác tuần tra phi pháp các quần đảo ở toàn bộ Biển Đông. 

Tàu Hải tuần-1103 có lượng giãn nước 800 tấn, nhưng tàu này là tàu thực thi pháp luật tiên tiến mới biên chế vào tháng 11 năm 2014, có sàn đỗ máy bay trực thăng, có thể chở 1 máy bay trực thăng.

Thuỷ phi cơ lần đầu tiên tham gia tuần tra phi pháp vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được bài báo ngang nhiên cho là “điểm sáng” của hoạt động tuần tra thực thi pháp luật (phi pháp) lần này.

Lương Phương cho rằng, so với máy bay cánh cố định, trọng tải thuỷ phi cơ khá nhỏ, hành động linh hoạt, không cần tàu thuyền cỡ lớn làm phương tiện cất hạ cánh, nhiệm vụ cũng đa dạng. 

Thuỷ phi cơ có thể bay lướt biển, khi thực hiện các nhiệm vụ như “tuần tra thực thi pháp luật”, cứu nạn và quan sát các động thái trên biển, có thể cung cấp thông tin trên biển chính xác hơn, từ đó hỗ trợ cho “nhân viên thực thi pháp luật” có thể đưa ra phán đoán và quyết sách chuẩn xác hơn.

Hình ảnh tuyên truyền trên báo chí Trung Quốc về hoạt động tuần tra phi pháp vùng biển Hoàng Sa lần này
Hình ảnh tuyên truyền trên báo chí Trung Quốc về hoạt động tuần tra phi pháp vùng biển Hoàng Sa lần này

Theo bài báo, hành động (phi pháp) lần này hoàn toàn không phải là lần đầu tiên thuỷ phi cơ và tàu hải tuần tiến hành tuần tra liên hợp. Tháng 11 năm 2014, Cục hải sự Hải Nam – Trung Quốc từng điều tàu Hải tuần-21 và tàu Hải tuần-1103 cùng với thủy phi cơ của Công ty hàng không Mỹ Á triển khai tuần tra liên hợp trên biển, trên không.

Lương Phương cho rằng, hiện nay, hoạt động tuần tra (phi pháp) ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) của tàu thực thi pháp luật Trung Quốc đã trở nên "thường xuyên", tàu thuyền và máy bay có thể đến vùng biển nói trên tiến hành tuần tra (phi pháp) bất cứ lúc nào. 

Tháng 1 và tháng 7 năm 2014, Trung Quốc từng điều tàu đến vùng biển Hoàng Sa thực hiện nhiệm vụ tuần tra (phi pháp).

Bài báo cho rằng, hiện nay, tình hình an ninh khu vực Biển Đông “nghiêm trọng”, chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ tăng cường bố trí ở khu vực Biển Đông, Nhật Bản cũng chen chân vào Biển Đông. 

Trung Quốc điều tàu và máy bay đến quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) tuần tra phi pháp được bài báo ngang nhiên cho là "rất cần thiết và cũng rất kịp thời, cũng rất quan trọng đối với bảo vệ quyền lợi biển và lợi ích của ngư dân Trung Quốc".

Lương Phương tiếp tục cho rằng, tiến hành tuần tra liên hợp trên biển, trên không (phi pháp) ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) lần này chỉ là một sự “khởi đầu”.

Hình ảnh tuyên truyền trên báo chí Trung Quốc về hoạt động tuần tra phi pháp vùng biển Hoàng Sa lần này
Hình ảnh tuyên truyền trên báo chí Trung Quốc về hoạt động tuần tra phi pháp vùng biển Hoàng Sa lần này

Do diện tích Biển Đông tương đối lớn, cùng với số lần tuần tra Biển Đông của Trung Quốc và diện tích vùng biển tuần tra tăng lớn, máy bay trực thăng, máy bay không người lái cùng với nhiều thuỷ phi cơ hơn sẽ từng bước gia nhập “lực lượng tuần tra thực thi pháp luật Biển Đông”, phát huy ưu thế của từng trang bị, "bảo vệ tốt hơn chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc".

Như vậy, từ bài viết này đã cho thấy rõ hơn tham vọng bành trướng lãnh thổ theo yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp, vô lý của Trung Quốc. 

Trung Quốc đang triển khai xây dựng “quốc gia pháp trị” ở nước họ, nhưng lại không muốn tuân thủ luật pháp quốc tế, lấy luật nước mình đè lên luật pháp quốc tế, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền lợi biển của Việt Nam và các nước ven Biển Đông - PV.

Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang tiếp tục chế tạo nhiều loại “tàu thực thi pháp luật” và tàu chiến hơn để phục vụ cho hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp ở Biển Đông - PV.

Trong tương lai, khi “cơ sở quân sự” do Trung Quốc đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam với tốc độ cực nhanh được hoàn thành thì việc triển khai các loại phương tiện ở tiền đồn quân sự này sẽ tạo ra mối đe dọa trực tiếp, nguy hiểm đối với Việt Nam và các nước ven Biển Đông. 

Chắc chắn việc trên không phải cung cấp “dịch vụ công” như Trung Quốc tuyên truyền xuyên tạc với những lời nói mỹ miều có tính chất lòe bịp một cách vụng về và chẳng lừa gạt được ai trong cộng đồng quốc tế văn minh - PV.

Hình ảnh tuyên truyền trên báo chí Trung Quốc về hoạt động tuần tra phi pháp vùng biển Hoàng Sa lần này
Hình ảnh tuyên truyền trên báo chí Trung Quốc về hoạt động tuần tra phi pháp vùng biển Hoàng Sa lần này
Hình ảnh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Tân Hoa xã - hãng tin nhà nước Trung Quốc
Hình ảnh đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Tân Hoa xã - hãng tin nhà nước Trung Quốc
Đông Bình (nguồn báo Nhân Dân, TQ)