Huffington Post: Trong quan hệ với Nga, Trung Quốc tỏ ra khôn ngoan hơn Mỹ

29/04/2015 09:05
Nguyễn Hường
(GDVN) - Tờ Huffington Post cho rằng trong quan hệ với Nga, Trung Quốc tỏ ra khôn ngoan và thực dụng hơn Mỹ.

Nhà khoa học chính trị người Mỹ Dina Badie trong bài viết gần đây trên tờ Huffington Post cho rằng trong quan hệ với Nga, Trung Quốc tỏ ra khôn ngoan và thực dụng hơn Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Asia News.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Asia News.

Ở đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã đạt được một sự thành công lớn trong chính sách đối ngoại là tiến hành cuộc họp với giữa Tổng thống Richard Nixon với Mao Trạch Đông, đánh dấu sự khởi đầu cho việc bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ. Washington đã tìm được cách cải thiện vị trí của mình trong quan hệ với Liên Xô. 

Hành động lúc bấy giờ của Tổng thống Nixon đã gây ra nhiều chỉ trích cho rằng ông thiếu quan tâm đến vấn đề dân chủ bởi lúc đó Mao Trạch Đông đang tiến hành Cách mạng Văn hóa. Tuy nhiên, Nixon và Henry Kissinger đã có cái nhìn vượt trên cả ý thức hệ và thúc đẩy đối thoại vì mục đích chính trị chiến lược.

Nhưng hiện nay tình thế đã đảo ngược. Trung Quốc đang tận dụng sự khác biệt giữa Nga và phương Tây để vươn lên giành lợi thế cho mình theo cách của Mỹ hơn 40 năm trước.

"Cuộc khủng hoảng Ukraine đã gián tiếp cho phép Bắc Kinh mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Trung Quốc là cường quốc duy nhất không tham gia vào cơ chế trừng phạt chống lại Moscow của phương Tây", bà Badie cho biết. 

Tất nhiên, mối quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Moscow đã tồn tại từ trước đó, nhưng chính sách của phương Tây với Nga hiện nay đã đem lại nhiều lợi thế hơn cho Bắc Kinh. 

Những hành động gần đây của Trung Quốc trong mối quan hệ với Nga không có nhiều khác biệt so với hành động của Nixon và Kissinger trong những năm 1970.

Trung Quốc đã có thể làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế với Nga để giảm bớt tác động của lệnh trừng phạt chống lại Moscow từ phương Tây. Đổi lại, Bắc Kinh có thể giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của mình thông qua dự án xây dựng đường ống nhập khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà họ rất cần từ Nga.

Và vào tháng tới, Tập Cận Bình sẽ là khách mời danh dự tại cuộc diễu hành kỷ niệm Thế chiến II của Nga, sự kiện mà nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu lên kế hoạch tẩy chay.

Chiến lược thúc đẩy quan hệ với Nga của Trung Quốc không khiến Mỹ ngạc nhiên, nhưng sẽ không có lợi cho lợi ích chiến lược của Washington. Do đó, thay vì cô lập Nga và lên án Trung Quốc, Mỹ một lần nữa cần từ bỏ tư tưởng ủng hộ chính sách thực dụng, bà Badie kết luận./.
 

Nguyễn Hường