Người lính cano mỗi lần làm nhiệm vụ là mỗi lần được truy điệu sống

02/05/2015 08:02
Xuân Hòa - Hoàng Hà
(GDVN) - Hơn 45 năm qua, ký ức về những lần lái cano đi rà phá bom từ trường trên sông Son trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" vẫn còn nguyên vẹn trong ông.

Bom từ trường, âm mưu nham hiểm

Ông là cựu chiến binh Võ Thế Chơn (SN 1944, trú tại thôn Nội Hải, xã Hải Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình).

Đã hơn 45 năm trôi qua, ông Chơn vẫn còn nhớ như in về những lần đối mặt với “tử thần” để rà phá bom từ trường, mở đường chi viện cho chiến trường miền Nam trên bến phà Xuân Sơn.

Ông Chơn đang nhớ lại những lần đối mặt với “tử thần” để rà phá bom từ trường trên sông Son (ảnh Hoàng Hà)
Ông Chơn đang nhớ lại những lần đối mặt với “tử thần” để rà phá bom từ trường trên sông Son (ảnh Hoàng Hà)

Năm 1965, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang bước vào giai đoạn khốc liệt. Tháng 12/1965, ông Võ Thế Chơn lên đường nhập ngũ cùng với khí thế ra trận hừng hực của tuổi trẻ trên mọi miền Tổ quốc.

Sau khi nhập ngũ ông được phân bổ về Binh đoàn 14, thuộc Đoàn 559, biệt hiệu C16, đóng tại phà Xuân Sơn, thuộc thôn Xuân Sơn, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Đây là một trong những bến phà huyết mạch quan trọng của tuyến vận tải tiếp tế cho chiến trường miền Nam nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Ông Chơn nhớ lại, giai đoạn 1966 – 1967, Mỹ tăng cường đánh phá ở các tuyến đường giao thông huyết mạch tiếp tế cho chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt. Trong đó, đường mòn Hồ Chí Minh là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt nhất.

Ông Chơn và vợ ông luôn nhớ đến mỗi khi làm nhiệm vụ "tử thần" trên sông Son năm nào (ảnh Hoàng Hà)
Ông Chơn và vợ ông luôn nhớ đến mỗi khi làm nhiệm vụ "tử thần" trên sông Son năm nào (ảnh Hoàng Hà)

Có thời điểm cầu phà bắc qua sông Son bị không quân Mỹ đánh sập hoàn toàn, giao thông đi qua con sông này bị tê liệt cả tuần. Nhiều ngày liền giao thông bị ngưng trệ, hàng nghìn tấn hàng hóa, đạn dược với hàng trăm chiếc xe vận tải không thể vượt sông vì khắp nơi đều có bom nổ chậm.

Để nhanh chóng cho các xe vận tải có đường đi kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam các lực lượng công binh phải nhanh chóng làm cầu phao thay thế.

Nhưng thủ đoạn của địch cũng ngày càng xảo quyệt khi chúng tăng cường ngày đêm trút hàng trăm tấn bom phá hủy cầu đường. Nguy hại hơn khi máy bay Mỹ rải thảm hàng trăm quả bom từ trường nổ chậm xuống sông Son nhằm phong tỏa mọi đường tiếp tế vận tải của ta bằng phao, phà và cầu tạm. 

Chính vì vậy, công việc phá bom từ trường để đảm bảo an toàn cho việc bắc cầu tạm và phà có thể vận chuyển các chuyến xe vận tải qua sông Son trở thành nhiệm vụ hàng đầu của bộ đội Công binh ta.

Những chiến tích mà ông Chơn đạt được trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước được ghi nhận bằng những huân, huy chương (ảnh Hoàng Hà)
Những chiến tích mà ông Chơn đạt được trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước được ghi nhận bằng những huân, huy chương (ảnh Hoàng Hà)

“Việc rà phá bom từ trường nổ chậm bộ đội ta chưa được học nên rất khó khăn. Chỉ cần trên người có vật gì liên quan đến kim loại thì cũng có thể gây nhiễm từ, dẫn đến việc bom phát nổ. Có nhiều chiến sĩ đã hy sinh vì mới đầu không biết điều đó”, ông Chơn cho biết.

Từ thực tế trên, bộ đội ta rút ra được kinh nghiệm và đã dùng kim loại kết hợp với nam châm để rà phá bom từ trường nổ chậm. Nhưng với cách này, chỉ có thể rà phá bom trên bờ, chứ không thể phá được hàng trăm tấn bom đang nằm dưới lòng sông Son.

Trước tình hình đó, tháng 5/1967, đồng chí Trung Đội trưởng Lê Đình Chạy đã trực tiếp xuống kéo đò đi phá bom từ trường. Nhưng ngay trong lần đầu làm nhiệm vụ đồng chí Chạy đã bị một quả bom dưới lòng sông nổ tan đò và hy sinh.

Đối mặt với tử thần để hàng hóa nhanh vào chiến trường

Đồng chí Trung đội trưởng hy sinh càng làm tư tưởng của mọi người thêm hoang mang. Nhưng mọi chiến sỹ trong Trung đội ông Chơn vẫn quyết không để đường bị tắc. Sau khi làm lễ mai táng cho đồng chí Trung đội trưởng, Chi bộ đã họp để bàn về các phương án rà phá bom mìn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mỗi lần những người lính cano làm nhiệm vụ phá bom từ trường, ngư lôi tại các con sông, cảng biển luôn được truy điệu sống trước lúc làm nhiệm vụ (ảnh tư liệu)
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mỗi lần những người lính cano làm nhiệm vụ phá bom từ trường, ngư lôi tại các con sông, cảng biển luôn được truy điệu sống trước lúc làm nhiệm vụ (ảnh tư liệu)

Tại cuộc họp rất nhiều phương án đã được đưa ra, những phương án đó đều đã được sử dụng nhưng không mấy hiệu quả, mức độ nguy hiểm lại cao. Trong khi đó, chờ phương tiện hiện đại từ trên chi viện xuống thì không kịp cho các đoàn xe vận tải chuyển hàng hóa, vũ khí vào cho chiến trường.

Tình hình trong lúc đang hết sức cấp bách nên ông Võ Thế Chơn lúc đó đang là Tiểu đội trưởng Tiểu đội cano đã đưa ra phương án dùng cano lướt sóng băng qua bãi bom tạo luồng xung kích từ trường để kích hoạt cho bom nổ.

Kế hoạch đưa ra lúc đầu nhiều người phản đối vì như vậy quá nguy hiểm. Nhưng trong tình thế phải xử lý gấp bãi bom từ trường đang nằm dưới lòng sông  Son nên ông Chơn đã xung phong trực tiếp lái cano đi phá bom từ trường.

Ông Chơn cho biết: “Lúc đó đã có rất nhiều người nói tôi liều mạng, nhưng chỉ còn phương án này là hiệu quả nhất. Nếu không may tôi có hy sinh thì chỉ chết một người lính lái cano thôi. Chứ đưa cả đơn vị đi phá bom thì thương vong sẽ nhiều lắm”.

Trước khi lên cano làm nhiệm vụ, đơn vị đã tổ chức Lễ truy điệu sống cho ông Chơn ngay bên bờ sông Son.

“Hôm đó vào buổi chiều, mọi người im lặng, họ chăm chú nhìn tôi. Tôi biết, mọi người ai cũng lo lắng cho tôi, vì họ biết chuyến đi đó của tôi có thể một đi không trở lại. Nhiều anh chị em kết nghĩa ở đơn vị khác đã khóc oà lên khi biết tôi sắp lên cano làm nhiệm vụ hết sức nguy hiểm này.

Trước khi tôi xuống cano, đồng chí Đại đội trưởng Dương Văn Hòe lúc đó vẫn đang bị thương đã ra tiễn và hỏi tôi: “Chơn, tau hỏi mày lần này đi mày có nhắn gì cho vợ mày không?”

Tôi trả lời: “Cảm ơn thủ trưởng đã quan tâm. Khi nào hoàn thành nhiệm vụ, nếu rảnh việc thì thủ trưởng cho em được về với gia đình vài ba ngày”.

Đại đội trưởng nói: “Mày yên chí, cả tháng tau cũng cho mày về được chứ vài ba ngày thì đáng gì. Cố gắng hoàn thành nhiệm vụ cho tốt!”.

“Ánh mắt thủ trưởng tôi lúc đó thoáng buồn, ông buồn vì phải hứa với một chiến sĩ đi làm nhiệm vụ nhưng không biết có trở về được hay không. Nhưng cuối cùng thủ trưởng cũng nở nụ cười để tiễn tôi đi”, ông Chơn hồi nhớ lại.

Khi xuống cano, ông Chơn nổ máy tự mình lái chiếc cano có gắn phía sau một thanh kim loại, rồi lao ra giữa dòng sông Son và tăng ga vượt qua những tọa độ được xác định có bom từ trường.

“Phóng hết ga đi một vòng lên xuống vẫn chưa thấy bom nổ, tôi chợt nghĩ: Trinh sát xác định vị trí bom rơi sai, hay là mình cho cano đi xa khu vực có bom nên lực hút từ trường thấp…”

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ ông Chơn đã bình tĩnh  điều khiển chiếc cano cua lại thêm vòng nữa. Khi chiếc cano của ông Chơn vừa quay trở lại được khoảng 20m thì hàng loạt bom từ trường dưới lòng sông Son đồng loạt nổ.

Mỗi tiếng nổ vang lên như muốn xé toạc dòng sông và như muốn nuốt gọn chiếc cano cùng ông Chơn. Cứ như thế, ông nắm chắc tay lái cùng chiếc cano quần nhau với bom từ trường với vận tốc lớn. Chiếc cano chạy đến đâu thì những quả bom từ trường phát nổ dựng những cột nước cao hàng chục mét đến đó.

Khi không thấy bom nổ nữa, để chắc chắn đã hết bom, ông Chơn tiếp tục lái cano chạy thêm vài vòng nữa. Khi Đại đội của ông bắn pháo sáng báo hiệu đường đã an toàn, ông Chơn lại điều khiển cano quay về bến. Đến lúc này mọi người lại òa khóc lần nữa vì ông còn sống sau nhiệm vụ tử thần.

 “Vào tới bến, tôi không thể đứng dậy được, 2 tay cứ bám chắc vào vô lăng. Cả Đại đội và quần chúng nhân dân nhảy lên xốc người tôi dậy. Tôi vừa làm được một việc quá sức tưởng tượng, tôi không nghĩ mình lại làm được một việc lớn như vậy”, ông Chơn bồi hồi nhớ lại khoảng khắc khó quên đó.

Ngay tối hôm đó, từng đoàn xe vào miền Nam lại tiếp tục nối đuôi nhau vượt cầu phao qua bến phà Xuân Sơn trong sự an toàn như ngày hội lớn. Hàng hóa, đạn dược tiếp tục được chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam nhờ có người lính dũng cảm như ông Chơn.

Một tháng sau khi lập thành tích, ông Chơn được Bác Hồ gửi tặng huy hiệu để khen thưởng. Đồng thời, ông cũng được các cấp khen thưởng và phong quân hàm Hạ Sĩ lên Thượng Sĩ, từ Tiểu đội trưởng Tiểu đội cano lên Phân đội trưởng Phân đội cano.

Năm 1986, ông còn vinh dự được dự hội nghị “Chiến sĩ thi đua - Chiến sĩ quyết thắng” toàn quốc.

Những năm sau đó, ông Võ Thế Chơn còn tham gia đóng góp cho sự nghiệp cách mạng quốc tế với 2 nước Lào và Campuchia. Ông cũng đã được Chủ tịch nước Campuchia tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc vì những đóng góp đánh tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt.

Xuân Hòa - Hoàng Hà