Tư duy thầy giáo không thay đổi, học trò không có đường tiến bộ

02/05/2015 08:08
TS. Nguyễn Tùng Lâm
(GDVN) - Tất cả những chuẩn mực của một giờ lên lớp họ chỉ quan tâm thực hiện khi thao giảng hoặc có thanh tra, có người dự giờ.

LTS: Hiện nay Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chương trình sách giáo khoa, chính phủ đã có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29/TW Bộ GD&ĐT các Sở GD&ĐT đều đã ra quân tập trung nguồn lực để triển khai theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới toàn diện giáo dục.

Đó là lẽ thuận, nhưng rút kinh nghiệm chu kỳ đổi mới chương trình sách giáo khoa theo Nghị quyết 20 của Quốc hội từ năm 2000, chúng ta đã không thành công như mong đợi.

Cụ thể là chúng ta chưa tập trung giải quyết nhân tố con người, yếu tố nhà giáo và các cán bộ quản lý và đặc biệt không đổi mới được cơ chế quản lý của ngành giáo dục đào tạo, nhất là cơ chế quản lý của mỗi nhà trường, nơi duy nhất trực tiếp tạo ra chất lượng giáo dục.

Vậy những khó khăn trở ngại nào khiến chúng ta cần tập trung giải quyết để có thể “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực phẩm chất người học”.

Bài viết của TS Tâm lý học Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội sẽ phân tích, mổ xẻ từng vấn đề vì đâu phát triển năng lực người học ở Việt Nam đang rơi vào khó khăn.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Những hạn chế của đội ngũ nhà giáo

Năm 2012 Viện Khoa học giáo dục Việt Nam có làm điều tra khoa học nhỏ lấy mẫu ở một số tỉnh thành ở các cấp học, khi hỏi giáo viên nếu được đào tạo lại anh chị có làm giáo viên nữa không? Thì đều nhận được một tỷ lệ là gần hoặc trên 50 % giáo viên các cấp trả lời “nếu được chọn lại nghề họ đều không muốn chọn lại nghề giáo viên”.

Đây mới chỉ là đánh giá về lòng yêu nghề, một động lực quan trọng để giúp phát triển đội ngũ nhà giáo nhưng còn những mặt khác của nhà giáo thì sao?

Chỉ phân tích ở góc độ nghiệp vụ nhà giáo chúng ta lại thấy những biểu hiện tích cực hay hạn chế chủ yếu sau:

Thứ nhất, một số nhà giáo đã thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp của mình: những người luôn khát khao học hỏi, luôn mong muốn làm giàu tri thức khoa học, tri thức đời sống cho bản thân, luôn là tấm gương, là “thần tượng” của học trò.

Tư duy thầy giáo không thay đổi, học trò không có đường tiến bộ ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh Internet

Họ luôn là tấm gương sống về học suốt đời, luôn chủ động sáng tạo khi tiếp cận mọi đối tượng học sinh. Nghề dạy học muốn thành công phải nắm được tâm sinh lý đối tượng mình dạy, mình giáo dục.

Những nguyên tắc, phương pháp giáo dục hiện đại giáo viên luôn cập nhật, chú ý vận dụng trong thực tế. Đặc biệt phải từ thực tiễn giảng dạy, giáo dục họ lại tự đúc rút cho mình những bài học kinh nghiệm, tự nâng cao năng lực trình độ.

Điều này số đông giáo viên ít quan tâm, ít làm được, chỉ có những giáo viên loại 1 thực hiện được dễ dàng. 

Số đông nhà giáo chưa thể hiện được đặc trưng nghề nghiệp của mình. Có thể trong nhà trường sư phạm bộ môn Tâm lý giáo dục đã không được coi trọng, chưa được coi là môn chính để đào tạo tay nghề cho giáo viên mà chỉ được đối xử như một môn chung như: Lịch sử Đảng, triết học…

Khi ra trường rồi, các trường phổ thông không đào tạo, chỉ trông chờ giáo viên tự học.

Tư duy thầy giáo không thay đổi, học trò không có đường tiến bộ ảnh 2

Con giáo viên: "Con không muốn nghèo như ba mẹ"

(GDVN) - Nhiều thầy cô bước ra khỏi cổng trường người làm tư vấn viên bảo hiểm, người bán hàng đa cấp, phục vụ tiệc cưới, thợ chụp hình, thậm chí là anh xe ôm...

Thứ hai, số đông nhà giáo còn mắc bệnh nghề nghiệp: chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa (mặc dù nó đã lạc hậu cả về khoa học lẫn thực tiễn) không gắn với thực tiễn đời sống, luôn cho mình là đúng, coi thường những đóng góp của đồng nghiệp, khó chịu với những thắc mắc của học sinh.

Luôn nói nhiều, không chịu lắng nghe, luôn đổ lỗi cho học sinh, cho cha mẹ học sinh và nhà trường, đồng nghiệp, còn bản thân luôn cho là hoàn hảo.

Thứ ba, số đông giáo viên chưa thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục là do coi thường những đợt tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ của từng trường hoặc cơ quan quản lý giáo dục tổ chức.

Cũng có lỗi của người tổ chức là chưa thiết thực, còn hình thức, số đông giáo viên không coi trọng nghề của mình bằng chính việc không thực hiện được tính chuyên nghiệp của nghề giáo, dễ tự do tùy tiện, ngẫu hứng, không chịu theo những qui trình chuẩn mực chặt chẽ. Tùy tiện khác xa với linh hoạt và sáng tạo của nghề giáo.

Trong các nhà trường sư phạm, nhà trường phổ thông ít đào tạo, ít đòi hỏi cao về mặt này để giáo viên quá tự do và tùy tiện về nghiệp vụ.

Tất cả những chuẩn mực của một giờ lên lớp họ chỉ quan tâm thực hiện khi thao giảng hoặc có thanh tra, có người dự giờ.

Như trên đã nêu do không nắm được tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không hiểu được phương pháp giáo dục, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến nên dễ tùy tiện và dễ mắc sai lầm trong quá trình giáo dục.

Đặc biệt 2015 khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng tích hợp các môn học, theo hướng phát triển theo năng lực người học nếu giáo viên không được huấn luyện đến mức có đủ kỹ năng, có thói quen để làm tốt trong các giờ lên lớp gây hứng thú học sinh hay lại để giáo viên tự do, tùy tiện thực hiện.

Nếu vậy chắc chắn chúng ta không thể thay đổi tận gốc về chất đội ngũ nhà giáo hiện nay.

Khó khăn trong tư duy

Như đã phân tích, số đông đội ngũ nhà giáo của chúng ta hiện nay còn nhiều bất cập về nghề nghiệp lại không được đào tạo chính quy từ trong trường sư phạm về tay nghề, đủ năng lực để có thể phát triển phẩm chất năng lực người học.

Quá lâu thành tật, nhà giáo chủ yếu giao giảng lại kiến thức sách giáo khoa và luyện thi kiểu học thuộc, kiểu bắt chước nay chuyển sang để người học từ chỗ chỉ biết nay sang phải làm được, lại phải làm sáng tạo.

Người dạy phải biết chuyển hóa từ cách dạy chữ, từ cách chúng ta muốn học sinh “cần biết cái gì” sang cách dạy để học sinh có đủ năng lực phẩm chất (kết quả đầu ra) tức là chúng ta muốn “học sinh có thể làm được những gì” tức là học sinh biết làm những gì từ điều các em biết.

Hoặc phải quan niệm một cách chặt chẽ như các nhà giáo dục cộng đồng châu âu: “Năng lực được thể hiện như một hệ thống khả năng, sự thành thạo hoặc những kỹ năng thiết yếu có thể giúp con người đủ điều kiện vươn tới một mục đích cụ thể” F.E Weimen (CECD – 2001). 

Quá trình giảng dạy, giáo dục ở các bậc phổ thông phải đảm bảo đủ 6 phẩm chất, đủ 9 năng lực (theo đề án đổi mới căn bản toàn diện của Bộ GD&ĐT trình Quốc Hội 8/2014).

Một khó khăn khác, quá trình hình thành năng lực chính là quá trình phát triển nhân cách toàn diện của học sinh.

Sản phẩm của nhà giáo là sự phát triển nhân cách của người học qua từng cấp học. Quá trình giáo dục bồi dưỡng năng lực là quá trình tác động sư phạm của nhà giáo phải đúng quy luật, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn. 

Tư duy thầy giáo không thay đổi, học trò không có đường tiến bộ ảnh 3

Sơ đồ mô tả sự hình thành và phát triển nhân cách.

Từ mô hình nhân cách này chúng ta thấy mặt tác động làm nên nhân cách người học. Đó là nhận thức -  tình cảm - hành vi.

Mọi hoạt động giáo dục phải tác động đồng đều lên cả 3 mặt này, nhân cách người học mới phát triển, mới hình thành một cách bền vững, trái lại nếu tác động không đồng bộ sẽ làm nhân cách dễ lệch lạc hoặc méo mó trở nên vô ích, không giúp gì cho việc hình thành nhân cách của người học.

Nếu chỉ chú ý “dạy chữ” sẽ không tạo được năng lực cá nhân mỗi người, chỉ khi họ chuyển tới nhận thức đúng sang hành động cụ thể để giải quyết các vấn đề cuộc sống ở xã hội đang đặt ra lúc đó con người mới có năng lực.

Tư duy thầy giáo không thay đổi, học trò không có đường tiến bộ ảnh 4

Vai trò của Văn học với giáo dục lòng biết ơn cho trẻ

(GDVN) - Việc giáo dục lòng biết ơn cho trẻ là một vấn đề quan trọng cần sự quan tâm để giúp trẻ có những tư cách đạo đức tốt được rèn luyện từ nhỏ.

Như vậy “năng lực” mà đổi mới giáo dục muốn hướng tới là những năng lực cần có ở mỗi con người để đi vào cuộc sống. Chứ không phải những con người chỉ có mớ kiến thức, thiếu tự tin, không dám hành động. Vì vậy nhà giáo dục phải tìm cách để học sinh bộc lộ tối đa các mặt nhân cách của mình.

“Dạy người” thông qua các bộ môn khoa học cơ bản là người dạy phải hướng tới thông qua việc truyền thụ kiến thức cơ bản của khoa học tự nhiên cúng như khoa học xã hội là để tạo cho người học năng lực và một số phương pháp tư duy, những thói quen suy nghĩ, hành động và một số lối sống tìm tòi biết tự đánh giá, tự lựa chọn suốt cuộc đời.

Đó là những kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm. Hoặc phải giúp cho học sinh thực hiện được những yêu cầu một cách cụ thể.

Để dạy người và tạo năng lực cá nhân cho học sinh thông qua các bộ môn khoa học, người thầy phải thay đổi phương pháp giảng dạy.

Muốn vậy giáo viên phải được huấn luyện kỹ hơn về các phương pháp đổi mới dạy học như dạy nêu vấn đề, dạy theo nhóm, theo dự án... Họ còn phải tiếp thu cách dạy theo cảm nhận, theo trải nghiệm sáng tạo của phương pháp dạy giá trị sống, kỹ năng sống.

Giờ dạy các bộ môn không thể là giờ đọc chép hay “nhìn chép”, nó phải thiết thực, sôi động như chính cuộc sống. Đó là những giờ dạy thật sự “mở”.

Cách kiểm tra, đánh giá bộ môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng phải khác nhưng tất cả phải gắn với kết quả thực hành, không phải chỉ ở trên lớp mà cả về nhà, ra xã hội và phải tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.

Làm sao sau mỗi giờ lên lớp học sinh của chúng ta thấy thích học, biết cách tự học, có thói quen học và học có kết quả.

Các hành vi thể hiện sự phát triển nhân cách còn phải được thường xuyên rèn luyện, thường xuyên củng cố tạo thành thói quen khi nào các hành vi được củng cố thành những thói quen tốt, nhân cách mới phát triển ổn định, hài hòa, đồng thời những phẩm chất, năng lực cần có mới phát triển bền vững, đây là cơ sở hướng dẫn người học đến thành công.

Nhưng để nhà giáo khắc phục được những khó khăn trên, vấn đề không chỉ liên quan đến việc bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ tương xứng cho nhà giáo mà còn phụ thuộc cơ chế quản lý của mỗi nhà trường, môi trường giáo dục quyết định chất lượng giáo dục, trường học phổ thông của Việt Nam còn đang thiếu một cơ chế tự chủ và dân chủ.

TS. Nguyễn Tùng Lâm