Giao lưu trực tuyến

"Quan chức chạy theo bằng cấp là háo danh"

30/09/2011 09:06
BBT
(GDVN) -Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến "Bắt mạch căn bệnh háo danh và gian dối của quan chức"

Dù cố gắng trả lời gần 3 giờ liên tục, các vị khách mời cũng chỉ đáp ứng được phần nào mong muốn của độc giả. Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung cuộc giao lưu.

Liên tiếp trong những ngày qua, nhiều sự kiện liên quan đến bệnh háo danh và gian dối của quan chức đã làm nóng dư luận. Đó là chuyện một Thứ trưởng khai man bằng tiến sĩ; chuyện một ông Bí thư tinh ủy kéo cả chục chiếc ô tô biển xanh tháp tùng mình xuống Hà Nội nhận bằng tiến sĩ; một ông Vụ phó tự nhận liều rằng mình đã từng đi thi toán quốc tế. ..


Đó còn là những vụ bê bối dùng chức danh để ra uy và trục lợi: Ông phó trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng và thành viên ủy ban kiểm tra tỉnh ủy in chức danh mình lên thiệp cưới của con; Phó phòng CSGT mang bằng giả đi học đại học tại chức; Trưởng CA huyện gửi công văn đi các nơi thông báo tổ chức đám tang cha…
Bệnh háo danh và gian dối của nhiều quan chức này xuất phát từ đâu? Từ cá nhân mỗi người hay từ cơ chế? Từ sự dạy dỗ của gia đình hay bệnh thành tích trong giáo dục? Từ tính cách của người Việt hay là sự tha hóa của đạo đức xã hội?
Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam tổ chức cuộc Giao lưu trực tuyến "Bắt mạch căn bệnh háo danh và gian dối của quan chức" vào hồi 9h sáng thứ 6 ngày 30/9/2011 để cùng mổ xẻ nguyên nhân và tìm giải pháp chữa chạy căn bệnh trầm kha này. 
Các khách mời tham gia cuộc Giao lưu trực tuyến gồm Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc qua địa chỉ email tòa soạn: toasoan@giaoduc.net.vn.

Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, hiện nay những người không cần đến bằng cấp cao mà vẫn được xã hội công nhận rất ít, đại đa số đều phải có bằng Thạc sĩ và cao hơn là Tiến sĩ… nhưng thực chất thì có không ít trường hợp trong số những người đã có bằng cấp ấy không có đóng góp thực sự cho xã hội. Vậy theo ông việc lấy bằng đó có phải chỉ để khoa trương? (Trần Quang, Hà Nội)

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Như chính câu hỏi của bạn, phải tuỳ theo từng trường hợp. Cũng không nên khái quát “vơ đua cả nắm” vì có nhiều người có bằng cấp đáng kính, đóng góp nhiều cho xã hội lắm. Tuy nhiên cũng như anh trình bày, cũng có những trường hợp ngược lại.

Thưa ông Dương Trung Quốc, nhiều bạn trẻ sau khi có bằng cử nhân thì tiếp tục học Thạc sĩ, cho dù bản thân họ cũng không biết học xong để làm gì? Ông có lời khuyên gì cho những trường hợp này?

Cá nhân tôi không khuyên những gì tôi chưa trải nghiệm. Tôi không nghĩ là họ học không có mục đích nếu là học thực vì vất vả lắm.

Cũng có ý kiến cho rằng “kiến thức tạo nên nhân cách”, nhưng thực tế có nhiều người bằng cấp cao mà nhân cách lại kém, theo ông thì vì sao? (Phạm Hải Bình, 32 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội)

Tôi không bình luận câu này, vì đời sống nó đa dạng lắm. Vả lại thế nào là bằng cấp cao và nhân cách kém thì cũng phải bàn cho cụ thể.

Câu hỏi dành cho GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Bây giờ quan chức thi lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ tràn lan khiến cho người ta cảm thấy những bằng cấp ấy cũng “thường thường”. Ông có cảm thấy như vậy không? Và ông có buồn không khi mà chính ông cũng là Tiến sĩ?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Quan chức trước hết phải lo làm việc quan. Nhưng việc họ dành thời gian để học hỏi, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu công việc thì rất tốt. Vấn đề đặt ra là phải đào tạo như thế nào. Tôi cũng biết có nhiều trường hợp chỉ ghi danh hoặc đi học “buổi đực, buổi cái” cũng tốt nghiệp và có bằng cấp sau đại học.


Cũng có trường hợp tham gia vào khóa học của những trường nước ngoài không được công nhận chất lượng, thậm chí, không cần biết tiếng Anh, tiếng Nga cũng có bằng Tiến sĩ của Mỹ, của Nga. Bằng cấp như vậy thì không những không có lợi gì mà còn có hại cho công việc, thậm chí cho chính những người có bằng. Còn về xã hội, tôi nghĩ xã hội sẽ đánh giá rất công bằng, cho nên những người thực học không có việc gì mà phải cảm thấy buồn.

Riêng về phần mình, mặc dù có bằng tiến sĩ từ năm 1981 nhưng suốt từ bấy tới nay, tôi vẫn phải luôn cố gắng để học hỏi thêm. Vì chỉ cần mấy năm nhãng đi không học hỏi sẽ không theo kịp được với sự phát triển của khoa học. Và như thế là tự mình hạ thấp bằng của mình.

Là người theo dõi kỹ tiến trình phát triển của Quốc hội Việt Nam, tôi đặc biệt đánh giá cao sự đóng góp của ông Vũ Mão trong vai trò Chủ nhiệm Văn phòng QH. Chính thời ông làm, nhiều cải cách đột phát trong hoạt động nghị trường được áp dụng như Truyền hình trực tiếp phiên họp, phiên chất vấn. Tôi được biết ông cũng là người rất thẳng thắn và gần gũi với người dân. Sau này, đi nhiều hội nghị, thấy ông làm nhiều thơ và cũng phát nhiều thơ cho mọi người. Nên nhìn nhận việc này như là thú vui với thơ ca hay là ông cần khẳng định cái danh của một nhà thơ? (Tommyhung, Đà Lạt, Lâm Đồng)

Ông Vũ Mão: Trước hết là tôi xin được cám ơn tomyhung đã có một vài nhận xét về công việc của tôi, tôi nghĩ rằng, những nhận xét đó đã giúp tôi nhìn nhận về bản thân mình. Quả thật là những năm tháng công tác ở QH, tôi đã tâm huyết, tận tụy, hết mình với trách nhiệm được giao.

Những đề xuất, đổi mới hoạt động quốc hội là cả một quá trình nghiên cứu những kinh nghiệm của lớp người đi trước cũng như kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, rất coi trọng những ý kiến đóng góp của đồng nghiệp. Từ sự tổng hợp đó đã giúp cho chúng tôi có những đề xuất mang tính thuyết phục và được chấp nhận.

Điều vui mừng là nhân dân cả nước ngày càng theo dõi chặt chẽ đối với những hoạt động của QH, đánh giá tốt về những đổi mới nhưng đòi hỏi QH phải đổi mới hơn nữa, phải cải tiến hơn nữa, phải dân chủ hơn nữa để hoạt động có hiệu quả, phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Đó chính là những yêu cầu mà những người công tác ở QH cần tiếp tục nghiên cứu để làm tốt hơn nữa công việc của mình.

Tôi đã từng công tác ở đoàn thanh niên. Nghề của tôi là nghề thủy lợi. Nhiều năm, tôi đã gắn bó với địa phương, với cơ sở, với đồng bào các dân tộc miền núi. Chính từ những môi trường đó làm cho tôi gắn bó với quần chúng nhân dân, gắn bó với bạn bè. Mặt khác, áp lực của công việc rất lớn đối với một người đã nhiều năm làm thủ trưởng. Làm thủ trưởng thì cũng có nhiều niềm vui nhưng cũng có nhiều bức xúc. Vì thế, dễ tạo cho mình những tính xấu như nóng nảy, đôi khi phê phán người khác quá lời khi họ có thiếu sót.

Nhiều khi, tôi ân hận sau những sự việc ấy. Để bớt đi gánh nặng trong tâm lý, tôi đã lấy văn học nghệ thuật làm phương tiện giúp cho mình sống nhân hậu hơn, hài hòa hơn. Vì thế, tôi viết nhạc, làm thơ, để cho tâm hồn được thoải mái và mình được sống thực với con người của mình.

Đương nhiên, khi viết xong được bản nhạc, làm xong được bài thơ thì muốn được chia sẻ. Nhiều người thì gửi tới các phương tiện thông tin tuyên truyền báo chí để giới thiệu. Với tôi thì lại rất lười làm việc ấy, mà chủ yếu khi gặp gỡ bạn bè thường chia sẻ.

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, tôi luôn luôn coi mình là một học trò nhỏ. Việc giao lưu hoặc là tặng bạn bè những bản nhạc, những bài thơ của mình cũng góp phần là để được sự đóng góp ý kiến cho những sản phẩm của mình được hoàn thiện hơn.

Bác Vũ Mão từng làm thơ về bầu cử quốc hội, bác có dự định làm cả tập thơ để chống tham nhũng và xây dựng văn hóa từ chức không ạ? Cháu rất thích thơ bác. (Mai Anh, lớp 9, Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội)

Ông Vũ Mão: Trước hết là bác rất cám ơn cháu về những lời nói tốt đẹp gửi cho bác. Bác muốn nói thêm rằng về bầu cử Qh thì bác không chỉ có những bài thơ mà còn có cả những bài hát nữa. ví dụ như: Cuộc bầu cử QH vào ngày 19/5/2002, bác có bài hát “Ngày hội toàn dân”. Câu mở đầu của bài hát đó là: “Ngày 19/5 sinh nhật Bác Hồ, ngày 19/5 là ngày hội lớn, toàn dân nô nức đi bầu đại biểu QH, non sông rạng rỡ, vinh quang ngọn cờ. Lá phiếu trong tay cùng nhau đi bầu (cùng nhau đi bầu), lá phiếu trong tay làm tròn nghĩa vụ, chọn người xứng đáng hết lòng vì dân, dựng xây đất nước Việt Nam đẹp giàu”.

Ngày ấy, có một câu chuyện vui về bài hát này: Một cụ gần 90 tuổi ở Sơn Tây viết thư cho bác hoan nghênh bài hát nhưng phê bình câu cuối của bài hát chưa đạt yêu cầu, thậm chí chất chính trị chưa đủ, đáng nhẽ phải là “dựng xây đất nước Việt Nam giàu mạnh” chứ không phải “đẹp giàu”. Bác rất vui khi nhận được sự góp ý như thế.

Còn về thơ chống tham nhũng, bác có một số bài. Có một bài được viết cách đây hơn chục năm với tiêu đề là “Đối thoại”.  Sở dĩ viết là “Đối thoại” bởi vì, bác Võ Văn Kiệt khi đó đã thôi làm Thủ tướng CP nhưng vẫn tâm huyết với việc chống tham nhũng nên đã viết thư kiến nghị với QH bổ sung một số nội dung vào Luật chống tham nhũng.

Theo bác, những ý kiến đó rất sâu sắc, nhưng bác cảm thấy vẫn còn thiếu một vài nội dung nên bác đã làm một bài thơ trao đổi (cũng có thể gọi là tranh luận) với bác Võ Văn Kiệt. Chính vì thế mà bài thơ có tiêu đề “Đối thoại”.Nếu cháu thích, khi nào chúng ta sẽ liên hệ với nhau để cháu có được bài thơ đó và nhiều bài thơ khác về chống tham nhũng và văn hóa từ chức.

Thưa GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Trong quá trình giảng dạy, đã bao giờ ông gặp trường hợp một ai đó đi học Tiến sĩ, Thạc sĩ… chỉ là để “tương xứng” với vị trí lãnh đạo của họ chưa? Ông có suy nghĩ thế nào về những hiện tượng như vậy? (Nguyễn Thảo T, Đà Nẵng)

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Trong quá trình dạy học, tôi cũng gặp rất nhiều anh em cán bộ của các trường đại học, các viện nghiên cứu và cơ quan khác đi học, trong đó, cũng có những người giữ cương vị khác nhau trong bộ máy.

Tuy nhiên, tôi cũng chưa thấy ai học hành qua quýt cho xong chuyện, chỉ để lấy cái bằng. Bởi vì, đối với những môn tôi lên lớp hoặc là những luận văn, luận án mà tôi tham gia chấm, tôi không bao giờ chấp nhận học hành qua quýt. Cũng có nhiều ý kiến trên báo chí nói về những người đi học thuê viết luận văn, luận án hoặc mua sẵn luận văn, luận án ở “chợ” luận văn. Hiện tượng đó là có thật nhưng nếu người thầy hướng dẫn đúng quy trình và làm việc nghiêm khắc thì học trò không thể làm những việc sai trái như thế được.

Xin gửi câu hỏi tới ông Vũ Mão, theo ông, vì sao có nhiều cơ quan cùng phối hợp việc theo dõi đề bạt cán bộ, mà vẫn xảy ra tình trạng khai man lý lịch, bằng cấp “lọt” qua các vòng kiểm tra? (Một cán bộ hưu trí tại Nam Định, Hà Nội)

Ông Vũ Mão: Theo tôi, cái lớn nhất hiện nay là cái cơ chế tuyển chọn cán bộ. Nó có những khiếm khuyết ở chỗ:

Tính dân chủ, minh bạch và công khai chưa đầy đủ

Những tiêu chuẩn đưa ra có phần cứng nhắc nên không đánh giá được thực chất cán bộ.

Ba là: Phương thức tuyển chọn chưa rõ ràng. Theo tôi, phải có sự cọ sát giữa những cán bộ để xem xét đề bạt vào một chức vụ. Nghĩa là phải có tranh cử, cần chọn chức vụ cho một cán bộ đó thì những người tranh cử cần phải trình bày chương trình hành động của mình. Cần phải trả lời những câu hỏi của một hội đồng có trách nhiệm trong việc tuyển chọn.

Bốn là: Về lý lịch của họ, về bằng cấp của họ, về tài sản của họ phải được công khai. Ai có thắc mắc về những vấn đề đó được hỏi và đương sự phải có trách nhiệm trả lời. Về việc này, thời gian qua, tôi thấy có nêu lên nhưng chưa làm đến nơi đến chốn. Đương sự khai về tài sản của mình nhưng không có cơ chế để kiểm tra xem lời khai đó đúng hay sai, đấy là những vấn đề nó phản ánh thực trạng vừa qua và đồng thời đòi hỏi thời gian tới có những cơ chế mới.

Còn về bằng cấp, học hàm, học vị thì hiện nay, tình trạng chạy đua, lạm phát đang diễn ra tràn lan. Có nguyên nhân từ quy định về tuyển chọn cán bộ còn mang tính cứng nhắc, mang tính hình thức mà không đi vào thực chất, trình độ năng lực của con người.

Trong dư luận xã hội cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng, sự phê phán và lên án những tồn tại đó chưa đủ liều lượng. Mặt khác, người ta có cảm giác như là có một sự khích lệ, cho nên càng làm cho một số người ngộ nhận, chạy đua theo bằng cấp, học vị.

Một vấn đề khác, bằng cấp, học vị nên phong và trao cho những đối tượng thực hiện đúng với công việc của mình. Ví dụ như: phong là Giáo sư hoặc Phó Giáo sư nên dành cho những người giảng dạy ở các nhà trường

Đối với người ở những cương vị lãnh đạo, cái cần nhất là chuyên môn sâu của họ, chứ không phải chỉ là bằng cấp. Tôi nhớ cách đây khoảng 20 năm, một vị Thủ tướng của Pháp cũng chỉ là một người đi từ công nhân rồi học hàm thụ để có trình độ và được tín nhiệm bầu làm Thủ tướng.

Hoặc như ở nước Nhật, tôi rất ít thấy những nhà lãnh đạo ghi kèm theo những học hàm học vị của họ. Bởi vì cái quan trọng nhất ở đây là năng lực làm việc, khả năng xử lý giải quyết các vấn đề mà họ phải chịu trách nhiệm.

Trân trọng gửi lời chào tới nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Nghe danh ông đã lâu, nay mới có dịp được cùng trò chuyện. Xin gửi ông câu hỏi mà cũng là tâm sự của tôi: có hai sự kiện: Một, ông Tổng giám đốc 1 ngân hàng lớn thuê người viết ca ngợi mình (chuyện từ cậu bé chăn trâu đến Tổng Giám đốc) rồi bắt cán bộ nhân viên hệ thống ngân hàng đó mua sách ấy; Hai, một ca sĩ nổi tiếng hát nhạc sến tự đúc tượng mình dựng ngay cạnh cửa nhà mình. Theo ông, sự háo danh nào nguy hiểm và đáng lên án hơn?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Theo tôi, trong hai sự việc này, sự kiện ông tổng giám đốc có tác động xấu nhiều hơn đến cộng đồng. Cố nhiên cả hai sự kiện đều là biểu hiện của sự háo danh. Nhưng anh ca sỹ mới chỉ dừng lại ở chỗ đúc tượng đặt cửa nhà mình như một sự hợm mình, chơi trội. Nó cũng chỉ tiêu tốn tiền bạc của anh ta thôi, nằm trong phạm vi cá nhân. Còn ông tổng giám đốc, khi đó ông đã có thức lấy cuộc đời mình làm tấm gương, bắt mọi người noi theo. Hơn nữa, khi in sách là anh đã khoác cho công việc của mình một ý nghĩa xã hội, anh có thể dùng tiền của công và rồi bắt mọi người mua.


Nói chung cả hai trường hợp đó đều là biểu hiện thói tật cố hữu của người Việt, thích khoe khoang, khoe nhà cửa, tiện nghi vật chất, con cái, công danh. Một khi đã khoe thì rất dễ chạy theo những cái phù phiếm, giả tạo, rất dễ thổi phồng, khoa trương. Và theo tôi, cố tật này đang trở thành một bệnh lan tràn, phổ biến trong mọi lĩnh vực xã hội. 

Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, việc quan chức không gần dân nên khi đến “cửa quan” người dân thường tỏ ra khép nép và sợ sệt có phải là điều kiện để thành công trong việc quan chức ghi chức vụ vào thiếp mời hay không? (Nguyễn Tuấn Nam, phóng viên, trú tại Kim Mã, Hà Nội)

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đã từng sống, học tập và làm việc ở Liên Xô, Canada và Pháp khá lâu. Ở nước nào, tôi cũng thấy quan chức giữ rất đúng bổn phận của mình. Và người dân đến “cửa quan” rất đàng hoàng, không có việc gì phải ngại cả.

Đặc biệt là quan chức các nước, nếu thấy đúng thì người ta làm, nếu thấy sai thì cũng không thể “xin thông cảm” được. Riêng ở nước ta, không hiểu tại sao, từ khi còn trẻ tới giờ, tôi luôn luôn thấy người dân sợ sệt trước cửa quan, còn các quan kể từ “quan đóng dấu”, “quan thường trực” trở lên đều rất hách dịch. Hách dịch vậy nhưng cũng rất dễ thông cảm, thông cảm tới mức làm sai cả nguyên tắc nhà nước.

Như vậy, có thể thấy, dân lẫn quan đều chưa hiểu đúng vị trí của mình. Và cũng chính vì thấy mình quá oai, quá nhiều quyền lực cho nên mới có những chuyện nhũng nhiễu, lợi dụng người dân và những người cần tới mình nói chung.

Theo tôi, đây là một nếp sống, nếp cư xử, nếp làm việc rất xấu, không phù hợp với xã hội dân chủ. Trong cải cách hành chính lần này, chúng ta phải kiên quyết chấm dứt tác phong quan liêu, hách dịch và những mẹo vặt nhũng nhiễu dân của tất cả cán bộ, công chức. Còn về phía người dân, tôi cũng mong muốn đồng bào giác ngộ hơn về quyền làm chủ của mình và có bản lĩnh hơn trong việc thực thi quyền đó.

Xin hỏi ông Vũ Mão: Chúng ta đã nói nhiều về việc minh bạch trong công tác tuyển chọn cán bộ. Vậy theo ông, tại thời điểm này chúng ta đã thực sự minh bạch chưa? Cụ thể, ông thấy những điểm gì chưa minh bạch? (Minh, huongque...@yahoo.com)

Ông Vũ Mão: Phải nói một cách công bằng rằng, công tác cán bộ của chúng ta đã có nhiều thành công. Thành tựu cách mạng của chúng ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc là một trong những bài học rất lớn về công tác đào tạo, tuyển chọn và đề bạt cán bộ. Từ khi đất nước được giải phóng, tổ quốc được thống nhất, chúng ta đã tiếp nối những truyền thống tốt đẹp đó. Nhưng cuộc sống hiện nay đặt ra rất nhiều vấn đề. Trong đó, chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường mà cơ chế thị trường là của chủ nghĩa tư bản, thực chất là coi trọng giá trị của đồng tiền.

Đấy là vấn đề rất mới, nó tác động và chi phối toàn bộ xã hội của chúng ta. Nhược điểm của chúng ta là không kịp thời nghiên cứu để đề ra những chủ trương chính sách, những văn bản pháp luật xử lý những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.

 Trong thời kỳ kháng chiến, do tính chất cấp bách của thời cuộc nên công tác cán bộ cũng rất nhanh gọn và sự công khai, minh bạch cũng không đòi hỏi quá cao. Hơn nữa, trình độ dân trí ở những thời điểm đó cũng ở một mức nhất định.

Nay, tình hình đã khác nhiều như phân tích ở trên nhưng sự đổi mới trong công tác cán bộ lại không theo kịp, chưa đặt ra được những vấn đề đúng với tầm mức của thời đại. Tính dân chủ chưa đầy đủ. Đã nói tới tính dân chủ chưa đầy đủ cũng chính là việc công khai minh bạch chưa đầy đủ. Dư luận ngoài xã hội phàn nàn rất nhiều về việc chạy chức, chạy quyền, về phong bì to, phong bì nhỏ…Ông cha ta nói: Không có lửa thì không có khói. Vì thế, không thể phủ nhận hoàn toàn những dư luận này mà phải nghiêm túc xem xét để sửa đổi.

Câu hỏi gửi tới các vị khách mời, theo các ông, nguồn gốc của vấn đề quan chức háo danh? Phải chăng nó chỉ là một biểu hiện của “quan tham”? Hay chúng ta đã quá coi trọng học vị trong việc chọn ra nhân tài thực sự để lãnh đạo mà không quan tâm đến năng lực? (Hải Phạm, GĐ công ty Bình Minh, Hải Dương)

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Ở đây, theo tôi có 3 việc tương đối độc lập với nhau: Thứ nhất là bệnh háo danh, thứ hai là tệ tham nhũng và thứ ba là chính sách cán bộ.

Bệnh háo danh khá phổ biến trong xã hội ta từ thời thực dân phong kiến đến bây giờ. Tôi nghĩ bệnh này sẽ còn phải chữa rất lâu. Quan trọng nhất là phải làm sao nâng cao nhận thức của mọi người. Khi mà người ta đã đủ tự tin thì bệnh háo danh sẽ giảm.



Riêng đối với các quan chức thì việc chạy theo bằng cấp cũng là một biểu hiện của bệnh háo danh. Ở đây tôi không nói đến trường hợp các cán bộ, công chức vì ham học hỏi và vì nhu cầu công việc mà phải tiếp tục học tập thêm. Tôi chỉ nói tới những trường hợp không đi học ngày nào mà vẫn vô tư nhận bằng tốt nghiệp, không biết một câu tiếng Anh nào mà vẫn vô tư khẳng định với cơ quan là mình có bằng tiến sĩ Mỹ.

Còn về tệ tham nhũng ở quan chức thì đúng là bệnh rất nặng mà toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực chữa. Mặc dù cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có những kết quả nhất định nhưng tôi vẫn cảm thấy bệnh mới chỉ được khắc phục phần nào ở ngoài da thôi. Có thể là vì bản thân người bệnh cũng không có quyết tâm chữa bệnh.

Việc thứ ba là chính sách cán bộ. Hiện nay, chúng ta đang tiêu chuẩn hóa cán bộ, do đó, cũng đòi hỏi cán bộ phải có trình độ tương xứng với nhiệm vụ, chức vụ của mình. Đòi hỏi này là đúng nhưng việc vận dụng còn máy móc và nặng về hình thức. Hình như đang có một xu hướng chuyển từ “chủ nghĩa lý lịch” trước đây sang “chủ nghĩa bằng cấp”.

Trong bài trả lời phỏng vấn hôm qua trên Giáo Dục Việt Nam (http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dung-thay-the-chu-nghia-ly-lich-bang-chu-nghia-bang-cap/60148.gd),  tôi cũng đã phân tích kỹ vấn đề này. Tôi cũng mong Nhà nước sẽ sớm có sự điều chỉnh chính sách và việc thực thi chính sách để chọn được những cán bộ thực sự có đức, có tài và giảm thiểu tối đa những cán bộ “bằng mua, trình độ mượn”.

Xin hỏi ông Vũ Mão, ông Phạm Xuân Nguyên, ông Nguyễn Minh Thuyết: trong đời, chắc chắn các ông đã từng gặp những người háo danh, những biểu hiện háo danh dưới nhiều khía cạnh khác nhau, ông có thể kể lại vài ví dụ thú vị nhất? (độc giả giấu tên tại TP Hồ Chí Minh)

Ông Vũ Mão: Tôi có thể kể vài ví dụ.

Một là: Có một số rất ít người khi tự giới thiệu về mình với người mới quen thì nói quá mức cái mà họ có về bằng cấp về chức vụ. Thậm chí, có những người khi đưa danh thiếp cho người mới quen thì trong danh thiếp đó ghi rất oai, làm cho đối tác “kính phục”. Nhưng, đồng thời sau đó, họ có chút nghi ngờ.

Loại thứ hai, có một số rất ít người hay khoe khoang rằng quen biết, thân thiết với vị lãnh đạo cấp cao này, vị lãnh đạo cấp cao khác. Thậm chí, họ còn hỏi đối tác có cần giúp đỡ gì không trong mối quan hệ với những cán bộ cấp cao đó.

Loại thứ ba, là những người cố gắng tìm được bằng cấp và học vị cho mình. Không phải bây giờ mà cách đây gần hai mươi năm, tôi đã được nghe người ta nói rằng, chỉ cần bỏ ra trên dưới 10 triệu đồng là đã có thể có được bằng Phó tiến sĩ. Và bây giờ, đương nhiên, bằng Phó TS đó được chuyển thành bằng TS.

Ngày nay tôi thấy số người có bằng TS nhiều quá. Và đương nhiên, họ luôn ghi trong danh thiếp hoặc giới thiệu trong các bài viết của mình là TS nọ, là GS kia.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi đã từng nhận những danh thiếp to bằng thiếp chúc mừng năm mới, trên đó ghi đầy đủ những chức vụ hiện giữ và đã từng giữ. Tôi không dám nhận xét thế là háo danh nhưng nếu ở địa vị tôi, tôi sẽ không bao giờ làm danh thiếp như vậy.

Trong giới khoa học, tôi cũng đã gặp nhiều vị xưng là viện sĩ nhưng thật ra chỉ là thành viên của một hội khoa học (academy) và phải đóng tiền để trở thành hội viên. Vì từ academy có thể có nghĩa là viện hàn lâm hoặc hội khoa học cho nên người ta mới cố tình dịch sai để mọi người nghĩ người mang danh thiếp là viện sĩ.

Tôi cũng từng được một số người quen khoe là họ được đưa tên vào những quyển sách đại loại như: 500 nhà khoa học hàng đầu thế giới, 1000 người nổi tiếng thế giới,… Nhưng ai cũng biết đây là mẹo kiếm tiền của một số nhà sách trên thế giới: Muốn trở thành danh nhân đứng bên cạnh các danh nhân thật sự chỉ phải nộp có 500 đô la Mỹ.

Ông Phạm Xuân Nguyên: Ví dụ như tôi đôi lúc được người ta trao cho những danh thiếp trên đó ghi rất nhiều, đầy đủ các chức danh. Danh thiếp chỉ cần ba yếu tố anh là ai, làm gì, ở đâu nhưng những người háo danh lại liệt kê rất nhiều. Như ở các cuốn sách, trên bìa 4 nhiều người đề rất nhiều chức danh, giải thưởng, gọi là háo danh thì tôi nghĩ cũng tội cho họ. Rồi có nhiều trường hợp, tôi rất ghét khi người ta trương rất nhiều chức vụ cùng với tên tác giả trên bìa sách, đó là cái hư danh, háo danh đáng phê phán.

Còn hiện giờ đang có một bệnh háo danh đó là đua nhau làm kỷ lục quốc gia, mà việc đó lại được dung túng, đó là trò tôi ghét nhất. Có những người giữ chức vụ cao, đã về hưu vẫn được đưa vào rất nhiều chức danh. Nói thực tôi thấy rất phản cảm, khó chịu.

Xin hỏi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Có người nói Bệnh háo danh, gian dối hiện nay ở Việt Nam là vô phương cứu chữa bởi ngay từ khi còn bé tí, nhiều bố mẹ, thầy cô đã tiếp tay cho con háo danh, gian dối: Đó là cuộc đua danh hiệu học sinh giỏi, phiếu bé ngoan bằng mọi giá; đó là việc sáng tạo ra nhiều chiêu để ép con 5-6 tuổi sau này phải trở thành những Ngô Bảo Châu, Đoàn Nguyên Đức… Nhận xét này có đúng? Chúng ta phải dạy trẻ co như thế nào để chúng không trở thành những kẻ háo danh?

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Thực ra việc muốn chứng tỏ mình, bộc lộ mình cũng là một nét tâm lý của con người. Có khác là anh biểu hiện đến mức nào để một bên là tự hào về mình, một bên là khoe khoang. Bởi vì con người có quyền tự hào về mình, về những gì mình làm được để người ta thấy sự tự hào của anh là chính đáng, khiến người ta noi theo, chứ không biến thành sự hỡm hĩnh khiến người ta khó chịu. Như trường hợp Ngô Bảo Châu khi anh được giải thưởng danh giá như thế, anh đã biết bộc lộ sự tự hào của mình trong những lời lẽ, phát ngôn, việc làm.



Và đó là những con người biết tự hào, công hiến, có văn hóa. Đáng tiếc là ở nước ta hiện này, trong hệ thống giáo dục cũng như môi trường xã hội, chưa biết cách tạo được con người văn hóa như vậy. Có nghĩa là anh phải đào tạo được những con người biết tạo ra giá trị cho mình. Chúng ta không biết giáo dục những con người biết tự hào, mà lại tạo ra những con người thích kheo khoang. Bệnh thành tích ở trong nhà trường chính là cái xô đẩy thầy cô và học sinh chạy theo cái hư danh. Nói khái quát, chúng ta bắt học sinh chạy theo những cái hư danh, không có, những cái không phải của mình, ở ngoài mình và lại coi đó là cái thực và cái thật.

Tôi đồng ý với bạn rằng đây là một căn bệnh trầm trọng của giáo dục các cấp nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung. Có thể nói đó là cái lỗi hệ thống cơ bản. Nhưng đã nói như vậy thì hệ thống cũng do chúng ta tạo ra, xây nên, lỗi cũng do chúng ta phạm phải. Cho nên, nói như câu nói của Tổng thổng Mỹ Obama "Thay đổi, chúng ta có thể". Muốn làm được thế, theo tôi phải có gan, có chí từ các cấp lãnh đạo đến mỗi người dân. Hình như đây là cái đang thiếu nhất của chúng ta hiện nay. Cho nên điều đó khiến cho căn bệnh khoe khoang vẫn ngày một lây lan, kéo dài.

- Tôi xin hỏi TS Nguyễn Minh Thuyết: Hiện nay các loại hình liên kết đào tạo với nước ngoài ở VN là rất nhiều, cá biệt có Trung tâm việc làm của Đại học quốc gia cũng tham gia liên kết “bắc cầu” tay ba với ĐH Griggs Hoa Kỳ đào tạo MBA quốc tế cho cán bộ quản lý ở VN. Tuy nhiên người học không cần biết tiếng Anh bởi không cần thi đầu vào, việc thi 12 môn học thực hiện theo nhóm (1 người thi cho cả nhóm), học trong 12 tháng, 64 buổi (mỗi tháng 2 tuần, học t7 và CN)... Loại hình này đang thu hút rất rất nhiều cán bộ công chức các bộ ngành của VN tham gia như Bộ XD, GTVT... Vậy thưa tiến sỹ, Bộ GDĐT và UB giáo dục Quốc hội có trách nhiệm như thế nào với các loại hình liên kết “biến tướng này”. Theo tôi nghĩ nếu không ngăn chặn kịp thời, chỉ trong 5 năm nữa chúng ta sẽ có hàng triệu thạc sỹ MBA quốc tế không biết tiếng Anh ở VN. (langthang_hanoi@...)

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Hiện nay, các hình thức liên kết đào tạo với trường đại học nước ngoài khá phổ biến tại các trường đại học ở nước ta. Cũng có những chương trình liên kết đảm bảo chất lượng nhưng cũng khá nhiều chương trình liên kết không đảm bảo chất lượng. Lý do không đảm bảo chất lượng có nhiều, ví dụ, liên kết với những trường không được công nhận chất lượng ở nước ngoài (loại trường này thực ra chỉ là doanh nghiệp giáo dục), không  đảm bảo các quy chế, chuẩn mực đào tạo…

Về chương trình đào tạo mà bạn đọc nêu lên có lẽ người trả lời thích hợp nhất là Đại học Quốc gia Hà Nội. Còn theo quan điểm của tôi, chương trình liên kết có thể được thực hiện theo hai hình thức: Học bằng tiếng Anh hoặc học bằng tiếng Việt. Nhưng vấn đề là học bằng tiếng Việt thì phải công bố công khai và cũng phải đối chiếu xem điều đó có phù hợp với bằng MBA quốc tế không.

Thưa các vị khách mời, ngày trước, Bill Gates không có bằng ĐH mà vẫn rất thành đạt. Tuy nhiên có người lý giải: Không bằng cấp như Bill Gates thì chỉ có thể thành đạt trong kinh doanh – kinh tế, còn muốn làm quan chức thì ngay cả ở Mỹ, cũng cần bằng cấp tử tế. Việt Nam cũng vậy, nếu làm quan chức thì nhất thiết phải có bằng cấp. Quan điểm này đúng hay sai và nó có cản trở những người thực tài nhưng thiếu bằng cấp làm việc cho nhà nước?

Ông Vũ Mão: Tôi nghĩ rằng, xem xét vấn đề này nên có một thái độ hợp lý, không nên quá cực đoan. Có nghĩa là, đã là quan chức thì phải có những bằng cấp nhất định. Bởi vì, bằng cấp cũng là phản ánh trình độ học vấn của mình. Nhưng, hình như, những quy chế hiện nay của chúng ta lại quá coi trọng bằng cấp. Vì thế, nhiều người đã phải cố gắng chạy theo những bằng cấp theo quy định ấy để được đề bạt. Tôi đề nghị, các cơ quan có trách nhiệm nên rà soát lại vấn đề này.

Hơn thế nữa, tôi đề nghị, cần có những Hội đồng ở cấp quốc gia để thảo luận và quyết định những tiêu chuẩn cụ thể về bằng cấp một cách hợp lý và thiết thực. Không nên để tình trạng chạy đua tràn lan, vất vả mà hiệu quả không cao như hiện nay.

Còn về những người thành đạt trong kinh doanh thì chúng ta nên tôn trọng và đánh giá cao. Trong số những người đó nên khuyến khích họ tham gia công tác quản lý nhà nước. Nếu có những người trình độ học vấn còn thấp, chưa có bằng cấp theo quy định thì nên giúp họ hoàn thiện những thủ tục tối thiểu để họ có điều kiện tham gia quản lý ở những cấp bậc nhất định.

Còn những người đã có bằng cấp thuộc lĩnh vực họ kinh doanh mà cần bố trí vào các cương vị lãnh đạo thì nên tạo điều kiện cho họ được bổ túc thêm những kiến thức cần thiết để đủ tiêu chuẩn đề bạt vào những cương vị mà nhu cầu cần đến họ.

Nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ có một đội ngũ lãnh đạo các cấp có trình độ cao và hài hòa được giữa các nguồn tuyển chọn cán bộ.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra muốn bổ nhiệm quan chức thì cũng phải dựa vào những tiêu chuẩn nhất định, trong đó có tiêu chuẩn về học vấn. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là năng lực thật sự và phẩm chất đạo đức của người được bổ nhiệm. Nếu chỉ lấy bằng cấp làm tiêu chí thì chắc là những người có học hàm, học vị cao nhất phải làm những chức vụ cao nhất. Nhưng thực tế thì không phải như vậy! Và trong cả lịch sử thế giới lẫn lịch sử Việt nam không hiếm trường hợp những nhà lãnh đạo xuất sắc không phải là người có học vấn cao lắm.

Ông Phạm Xuân Nguyên: Ở trên tôi đã nói ý rằng có quản lý ở chuyên môn và nhà nước. Không phải nhà chuyên môn nào cũng có khả năng quản lý. Nên nhớ rằng bậc học tiến  sỹ là để nghiên cứu. Bill Gates cũng là một trường hợp thôi. Cho nên việc ở đây là người quản lý giỏi phải biết tập hợp những người giỏi, phát huy được năng lực cao nhất.

Tại sao ở các nước phương Tây, bộ trưởng quốc phòng không nhất thiết phải là một quân nhân, bộ trưởng giáo dục không nhất thiết phải là một nhà giáo. Tôi thích một câu nói về quán lý thế này, khi được hỏi về quản lý ở một cơ quan nước ngoài, ông ta đã trả lời: "Cái tài của tôi là biết sử  dụng người tài hơn tôi". Còn Bill Gates  thành công như thế vì ông biết tìm công sự, ông chính là người tổ chức, đương nhiên ông phải có cái tài vốn sẵn rồi.

Nhưng nếu đánh giá theo bằng cấp, ông không được trọng dụng. Vì vậy, có thể rút ra là môi trường cho người có khả năng thi thô. Trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều ông chủ học hành bình thườn, nhưng lại thành công. Đó chính là người ta có tài năng, dù không học qua trường lớp. Chúng ta có chính sách trọng dụng người tài để xua đuổi sự háo danh, hư danh giả dối, nhưng những người tài bị chính sách ràng buộc.

Theo các ông, nhà nước cần làm những gì để chữa bệnh háo danh gian dối cho quan chức? Cá nhân phải làm gì để cai được bệnh nghiện danh?
(Phạm Cung Bắc, Lạng Sơn)

Ông Vũ Mão: Về phía nhà nước cần sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật có liên quan tới công chức. Cụ thể như sau: Một là: Tiêu chuẩn tuyển chọn công chức phải phù hợp với thực tiễn, không nên quá đề cao học hàm, học vị.

Hai là: Phải trực tiếp tiếp xúc với đương sự, để họ trình bày một cách đầy đủ và có tính thuyết phục những nội dung thuộc phạm vi công tác họ sẽ phụ trách. Cần đối thoại và tranh luận để làm rõ những vấn đề đặt ra. Qua đó, có thể hiểu sâu hơn về cán bộ cần được tuyển chọn.

Ba là: Lập Hội đồng để xem xét việc tuyển chọn một cách công khai.

Bốn là: Bổ sung những văn bản pháp luật. Nên đưa các nội dung mà trước đây chỉ là Nghị định, chỉ là Thông tư để nâng lên thành luật trình Quốc hội thông qua. Và như thế, sẽ có nhiều ý kiến đóng góp với chất lượng cao và đảm bảo tính pháp lý ở tầm quốc gia.

Tôi xin hỏi TS Nguyễn Minh Thuyết: Tại sao nói chất lượng Thạc sỹ Việt Nam thấp hơn ở Tây??? Tôi được mời tham gia khóa học MBA do Trung tâm việc làm của Đại học quốc gia liên kết với ĐH Griggs Hoa Kỳ đào tạo MBA quốc tế cho cán bộ quản lý ở VN. Chương trình của Trung tâm việc làm này rất hay: Học 12 tháng, mỗi tháng 2 tuần vào T7 và CN), không thi đầu vào, không cần tiếng Anh việc thi 12 môn học thực hiện theo 1 người thi cho cả nhóm.

Vậy thưa tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết, các loại hình liên kết này do cơ quan nào quản lý, khi được biết nó không nằm trong 122 chương trình liên đào tạo do Bộ GD chấp thuận. Và chất lượng thạc sỹ tây này như thế nào khi mà hàng năm có hàng trăm thạc sỹ được trung tâm đào tạo ra. ntienbinh@ymail.com.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Việc chất lượng đào tạo nhân lực của nước ta nhìn chung chưa bằng chất lượng đào tạo của một số nước tiên tiến là chuyện bình thường. Tuy nhiên, chúng ta phải tìm mọi cách để học hỏi các nước tiên tiến, nâng dần chất lượng đào tạo của chúng ta lên. Liên kết đào tạo với các trường nước ngoài cũng là một cách học hỏi. Vấn đề ở đây là phải chọn đối tác liên kết đúng và thực hiện nghiêm các quy trình đào tạo.

Còn về các chương trình liên kết ở Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu bạn đọc thấy không nằm trong các chương trình liên kết được Bộ GDĐT chấp thuận thì có thể phản ánh với Bộ và ĐH Quốc gia Hà Nội để kiểm tra. Tuy nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội có quy chế hoạt động riêng, được trao nhiều quyền tự chủ hơn so với các cơ sở giáo dục đại học khác. Có thể đây là chương trình đào tạo mà ĐH Quốc gia Hà Nội được tự quyết định.
 
Thưa các khác mời, gặp những người quá háo danh, các ông thường ứng xử ra sao? (Lê Nguyễn, Hà Nội)

Ông Vũ Mão: Gặp những người như thế thì tôi chỉ biết “cười” trong bụng thôi. Vì không thể nói thẳng với họ về điều đó. Vì có làm như thế cũng không giải quyết được vấn đề gì, mà chỉ chuốc thêm sự căng thẳng giữa cá nhân với cá nhân.

Điều quan trọng như trên tôi đã nói, tại họ một phần, nhưng chính tại ở cơ chế của chúng ta, cũng như việc lên án trong xã hội chưa đủ mức. Cho nên, phải giải quyết tận gốc mới là cơ bản.

Ông Vũ Mão
Ông Vũ Mão


GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Nếu gặp người háo danh tầm phào mà mình cũng không thân thiết lắm, tôi cũng chỉ cười xòa thôi. Còn trong trường hợp háo danh mà ảnh hưởng tới công việc thì tùy tính chất của sự việc và vị trí của mình mà tôi có những cách ứng xử khác nhau. Ví dụ, hồi còn ở trường, tôi phụ trách công tác đào tạo. Nhiều lần, tôi nhận được công văn của các cơ quan hỏi về bằng cấp của những nhân sự cụ thể ở cơ quan họ. Chúng tôi đều kiểm tra kỹ và khi phát hiện gian dối thì đều thẳng thắn thông báo cho các cơ quan biết để xử lý.

Xin ông Nguyễn Minh Thuyết thử đoán hậu quả của việc khách được quan chức (đã ghi chức vụ vào thiếp) mời mà không đến thì sao? Đếm phong bì “điểm mặt” để trả thù, trù dập? (Nam Nguyễn Tuấn, Hà Nội)

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, người nhận được thiếp mời cũng không nên tự hù dọa mình. Mình thấy thân thì đi, thấy sơ thì thôi! Còn bản thân mình không dính vào chuyện tham nhũng thì ai làm gì được mình!

Thưa GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, mấy năm trước đây có chuyện này không? Tại sao gần đây lại nở rộ điều này? Phải chăng quan chức háo danh ngày càng ít liêm sỉ? Phải chăng đã quá coi thường phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM do TƯ Đảng phát động?

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, có thể là do người dân ngày càng thẳng thắn , mạnh dạn vạch ra những hiện tượng này thôi. Ở đây có tác động của những bài phê bình trên báo chí và theo tôi, xu hướng công khai phê phán những hiện tượng sai trái này là đúng và cũng là một cách để làm cho phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM đi vào thực chất hơn.

Có thể chữa được bệnh háo danh nếu nhìn vào tấm gương Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp không, thưa các ông? (Hải Yến Âu, 32 tuổi, đang làm việc tại Hà Lan)

Ông Vũ Mão: Theo tôi là được. Nói như vậy thì gọn quá. Điều quan trọng là phải xây dựng chương trình, kế hoạch một cách công phu để học tập những tấm gương ấy.

Vừa qua, chúng ta có phát động phong trào Học tập và làm theo Tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Công sức bỏ ra thì nhiều nhưng kết quả thu được còn hạn chế. Ngay những nội dung liên quan tới vấn đề chúng ta đang đề cập là bệnh háo danh thì ít được quan tâm trong nội dung học tập. Theo tôi, chúng ta cần bàn bạc và trao đổi thêm. Đầu tư sâu hơn nữa về nội dung này.

Nghĩa là, phải dân chủ hơn trong việc lấy ý kiến của nhiều người để hiến kế cho những nội dung và phương pháp học tập. Không nên chỉ để cho một số ít người đưa ra những nội dung học tập mà lại không kèm theo những phương thức sáng tạo. Cho nên, rất khó đi được vào lòng quần chúng nhân dân. Đồng thời, Bác Hồ và đồng chí Võ Nguyên Giáp là ở tầm các vị lãnh đạo cấp cao.

Vì thế, tôi cũng như nhiều người khác có ước nguyện rằng, các đồng chí lãnh đạo của mình có được chương trình học tập tấm gương của Bác Hồ mà cho nhân dân được biết thì hay biết mấy! Trong lúc này, nếu làm được điều đó là điều rất tốt và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân dân.

Thưa ông Phạm Xuân Nguyên, với trình độ của ông thì hoàn toàn có thể học lấy bằng cấp cao hơn (bằng thực sự), điều đó cũng là hoàn toàn chính đáng và chắc chắn chẳng ai phản đối nếu ông làm vậy. Vì sao tới giờ ông vẫn chỉ dừng lại ở bằng cử nhân? (Lý, công an tỉnh Hà Tĩnh)

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Cảm ơn bạn đã hỏi tôi câu này. Thực ra thì tôi cũng đã từng theo học nghiên cứu sinh nhưng sau đó thì bỏ. Có lẽ vì những lý do sau. Một là cảm thấy mình không thích thú chuyện bằng cấp. Hai là cũng có phần chán nản, thất vọng vì tình trạng học giả lẫn lộn. Ba là vì cảm thấy buồn vì sự lạm phát của các hệ thống đào tạo, nhất là bậc trên đại học. Nó phản ánh ở chỗ nhiều khi bằng cấp không phản ánh đúng trình độ thực. Nhưng tóm lại thì tôi bằng lòng với cái bằng cử nhân của mình.

Và tôi nghĩ những gì tôi viết ra trong quá trình làm nghề phê bình, nghiên cứu đã được người đọc tiếp nhận và đánh giá theo đúng giá trị thực của từng câu chữ, chứ không phải ở bậc học cử nhân của tôi. Cũng có nhiều người, nhiều bạn bè tỏ ít tiếc cho tôi nếu như có một tấm bằng cao hơn thì sẽ giúp ích được nhiều hơn cho mọi người.

Thí dụ như đi dạy đại học, hay hướng dẫn luận án. Họ bảo tôi rằng ông ghét cái giả thì ông phải lấy cái thật thay vào chứ. Có thể những điều họ tiếc cho tôi có phần đúng. Nhưng trong việc đào tạo, nếu biết kết hợp cả trình độ chuyên gia và trình độ bằng cấp thì sẽ huy động được nhiều nguồn đóng góp hơn cho người dạy và người học.

Câu hỏi dành cho ông Vũ Mão và Nguyễn Minh Thuyết: Theo ông, cả nước đang học theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quan chức háo danh liệu có đủ tư cách đạo đức để lãnh đạo? Hay biểu hiện của sự suy đồi về đạo đức? (Nguyên Lê, Hải Phòng, 29 tuổi)

Ông Vũ Mão: Đương nhiên những người có những biểu hiện suy đồi về mặt đạo đức, trong đó có vấn đề háo danh thì không thể đủ tiêu chuẩn làm người lãnh đạo. Mong muốn của chúng ta là phải loại họ ra. Loại họ ra ở đây có thể hiểu theo 2 nghĩa:

Thứ nhất là: Không cho họ tiếp tục đảm nhận cương vị đó nữa. Hai là: Học tập theo phong cách của Bác Hồ là chỉ thẳng cho họ những thiếu sót, khuyết điểm đó để họ sửa chữa. Trong một thời hạn nhất định, nếu họ sửa chữa được thì chúng ta hoan nghênh và tiếp tục giữ cương vị của họ đang làm. Còn nếu như “ngựa quen đường cũ” thì đương nhiên phải loại bỏ ra.

Thực tế là cho tới tận bây giờ vẫn còn nhiều bạn trẻ rất thực tế, họ đi làm và chỉ học những gì cần cho công việc, nhưng cũng có nhiều sinh viên vừa ra trường là học thạc sĩ ngay (hoặc đi làm một thời gian rồi học thạc sĩ), mà thực ra chính họ cũng không xác định được mục đích rõ ràng trong việc học ấy. Từ kinh nghiệm của bản thân, ông Phạm Xuân Nguyên có lời khuyên gì cho họ không? (Linh, sinh viên trường ĐH Quốc gia)

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Cả hai trường hợp học ngay hay đi làm một thời gian rồi học thạc sỹ là tùy từng hoàn cảnh của mỗi người, tùy trường hợp cụ thể. Nhưng thường tôi hay khuyên những người trẻ nếu có điều kiện học lên luôn thạc sỹ, kết hợp vừa làm vừa học thạc sỹ. Và có vẻ như hiện nay tốt nghiệp đại học rồi học thạc sỹ đang là một xu hướng phổ biến và như thế là hay.

Thứ nhất là anh có đà tươi mới khi vừa học xong, vừa kết hợp đi luôn, kết hợp với một công việc cụ thể ngay. Thực ra là vì quá trình đào tạo của ta có quy định về thời gian học thạc sỹ, tiến sỹ nhất định. Như các nước khác, người ta có thể làm luận bất kỳ độ tuổi nào, miễn là anh đăng ký, và sau khi anh làm, người ta sẽ tổ chức chấm, cho anh bảo vệ nếu đạt.

Cho nên cũng đặt ra vấn đề nên cải cách quy trình bằng cấp để tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người hơn, dù là ở hoàn cảnh nào. 

Thưa ông Vũ Mão, tôi rất tâm đắc với bài trả lời của ông trên báo GDVN sáng nay, ông có nhắc tới lời nói của Lê Nin về “Bệnh kiêu ngạo cộng sản”. Ông có thể nói rõ hơn căn bệnh này và đặt trong bối cảnh VN hiện nay.

Ông Vũ Mão: Tôi rất phục Lê Nin đã nhìn ra được vấn đề này ngay từ khi Cách mạng Nga còn trong trứng nước. Câu nói đó của Lê Nin không chỉ là chỉ thị để giải quyết hiện trạng thời điểm đó của nước Nga mà còn là một dự báo có tầm chiến lược và mang tính cảnh báo cho những Đảng Cộng sản ở các nước trên thế giới.

Sự thất bại của Đảng CS Liên Xô và sự tan vỡ của Liên bang Xô Viết là bài học xương máu cho những người lãnh đạo Đảng CS và Nhà nước LB Xô Viết. Bây giờ thì đã qua thời kỳ đó rồi, dù họ có hối hận thì cũng không thể sửa chữa được nữa.

Còn đối với chúng ta, Bác Hồ cũng đã từng nói về nội dung này, giống như quan điểm của Lê Nin. Bài học thành công của chúng ta là sự khiêm tốn học hỏi, chân thành sửa chữa những khuyết điểm -  kể cả những thiếu sót, khuyết điểm phải trả bằng máu - để đưa phong trào cách mạng đi lên.

Tình hình đất nước thập kỷ 80 của thế kỷ 20 là vô cùng khốn khó, khủng hoảng kinh tế đã xuống tận đáy. Nhưng, chúng ta đã nhận ra khuyết điểm, kiên quyết sửa chữa. Đại hội 6 của Đảng có một khẩu hiệu rất quan trọng là: “Đổi mới hay là chết”. Chính từ đó, chúng ta đã đưa đất nước đi lên trong 25 năm qua. Bây giờ, tình hình đất nước khá hơn trước rất nhiều, nhưng rất cần đề phòng bệnh chủ quan, ngạo mạn, thỏa mãn với những cái đạt được.

Hiện nay, nhân dân đang rất mong muốn Đảng ta, các đồng chí lãnh đạo của chúng ta nhìn được thực chất của tình hình để có những giải pháp mạnh đưa đất nước thoát ra khỏi những khó khăn. Bài học của Đại hội 6 của Đảng vẫn còn nguyên giá trị thời sự của nó.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có thể cắt nghĩa từ góc độ văn hóa về hiện tượng quan chức nói dối, háo danh không ạ? Háo danh có phải là tính xấu đặc trưng nổi bật của người Việt ta? Huyền Anh (Sở KHCN, TP.HCM)

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Ở câu trả lời trên tôi có nói háo danh dường như là tật cố hữu của người Việt. Theo quan sát của tôi, rộng ra nó là một đặc điểm của xã hội phương Đông. Xã hội Việt Nam nằm trong không gian văn hóa Hán, văn hóa Nho giáo. Văn hóa đó, theo Khổng Tử rất đề cao chính danh. Chính danh đây hiểu như là một vị thế xã hội.

Ông Khổng Tử có nói "Danh có chính thì ngôn mới thuận", con người phải có một vị thế trong xã hội, có thể không phải quyền chức, mà là vị thế được xã hội thừa nhận, khi đó lời nói của anh mới được xã hội thừa nhận. Nhưng khi tư tưởng của Khổng Tử ứng vào bộ máy nhà nước của xã hội phong kiến thì danh lại đi với chữ "quyền", danh phải đi với lợi, có danh là có quyền, có lợi. Chế độ khoa cử của các triều đình Trung Quốc được Việt Nam lấy làm mô hình.

Con người chỉ có một cách tiến thân, muốn có danh phải đi thi, thi đậu thì ra làm quan, làm quan là có quyền, có bổng lộc. Và nhìn hệ thống của ta hiện nay vẫn mang nặng tính chất khoa cử của phong kiến ngày xưa. Cách cất nhắc, bổ nhiệm các chức vụ nhà nước vẫn còn những nét của ngày xưa, tức là lấy bằng cấp làm tiêu chuẩn.

Từ đó mới đề ra tình trạng chạy bằng, chạy cấp bằng mọi giá từ xưa cho đến nay. Tôi cũng không rõ là trong chính sách cán bộ có quy định người cấp nào thì phải có bằng loại nào không, hay nói cách khác có quy định bằng cấp đi liền với chức vụ ở mọi ngành, mọi nghề, mọi lĩnh vực không. Nhưng nhìn vào thực tế bổ nhiệm cán bộ thì tôi thấy, dường như không có bằng cấp thì không được bể nhiệm. Tình trạng chạy đua bằng cấp, bằng giả miễn sao có tấm bằng chính là  vì tâm lý đó.

Cho nên theo tôi một trong những biện pháp có thể ngay chặn háo danh, bệnh bằng cấp ở ta thì phải xem lại chính sách đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Ở các cơ quan chuyên môn, có thể người lãnh đạo là người có học vị chuyên môn, còn ở các cơ quan quản lý, thì cần phải căn cứ vào năng lực, trình độ quản lý chứ không phải chỉ là cái bằng chuyên môn.

Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, ông đã nói rằng “cơ chế tạo ra bằng cấp là đúng”. Vậy theo ông thì nên làm thế nào để loại bỏ căn bệnh này?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Để loại bỏ được căn bệnh bằng cấp là điều không dễ dàng, cần có sức mạnh của tập thể và cần phải làm liên tục, bởi chúng ta không thể cấm một ai đó thi và học lấy bằng cấp. Như tôi đã từng nói, quan chức mà đi học lấy bằng cấp cũng là tốt, nhưng học có giúp gì cho công việc không, có thiết thực không thì chỉ những người đi học là hiểu rõ nhất.

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc


Nói như vậy không có nghĩa là người ngoài không nhìn thấy, nhưng điều quan trọng nhất là bản thân họ phải tự vấn lương tâm mình, phải tự nhìn nhận việc làm của mình, nếu học chỉ để lấy bằng cấp cho oai mà lại khiến xã hội lên tiếng thì càng không nên.

Nhưng ở khía cạnh khác, thì tôi vẫn ủng hộ việc học lấy bằng cấp, nhất là với các bạn trẻ (nếu học thực sự), vì bằng cấp cũng là một căn cứ đánh giá cơ bản khi tuyển chọn nhân sự với các cơ quan đơn vị. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh vấn đề là: Học cái gì? Học ở đâu? Và học để làm gì?

Điều quan trọng mà chúng ta cần làm là xây dựng hệ thống giá trị xã hội, hiện nay tình trạng thừa thầy, thiếu thợ quá nhiều. Vậy vấn đề là ai sẽ làm thay đổi điều đó? Theo tôi quan trọng nhất phải ở nhận thức của mỗi con người đã, trước khi chờ người khác chỉ bảo cho mình nên học gì làm gì?

Câu hỏi gửi tới nhà sử học Dương Trung Quốc, trong các triều đại Việt Nam, đã từng xảy ra vụ việc nào quan chức gian dối về bằng cấp hoặc bị lật tẩy vì nói dối chưa, thưa ông? Đã có vị nào từ chức vì những lý do như vậy chưa?

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Ngày xưa không có chuyện gian dối về bằng cấp, bởi vì liêm sỉ của con người được đề cao, giá trị đạo đức rất coi trọng tính chuẩn mực “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Luật lệ ngày xưa cũng rất nghiêm khắc, con vua có tội cũng xử như dân thường.

Tôi nghiên cứu và được biết, việc khen thưởng và áp dụng hình phạt với quan lại trong các triều đại xưa làm rất nghiêm minh, không xuê xoa. Cụ Nguyễn Công Trứ là một người rất tài năng, rất giỏi, nhưng cũng có những lúc bị phạt, nhưng cái tài của cụ vẫn được trọng dụng. Điều tôi muốn nói ở đây là sự nghiêm minh của pháp luật và cũng phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của người đứng đầu đất nước.

Rất cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn của các khách mời. Tôi xin có câu hỏi, theo các ông, người dân đã thực sự được thực thi quyền giám sát của mình một cách hiệu quả, thiết thực chưa? Người dân có thể nói lên tiếng nói như thế nào trước những biểu hiện gian dối, háo danh của rất nhiều quan chức. (Phạm Hồng Lam, 29 tuổi, Hải Dương)

Ông Vũ Mão: Trong câu hỏi này có 2 nội dung. Thứ nhất là, người dân đã được thực thi quyền giám sát của mình một cách hiệu quả và thiết thực chưa. Tôi trả lời câu hỏi này.

Theo quy định của Hiến pháp thì quyền này được công nhận. Và trên thực tiễn, chúng ta đã làm được rất nhiều việc để đảm bảo quyền này của người dân. Nhưng, còn rất nhiều việc phải làm. Ví dụ: Khoản 14 Điều 84 của Hiến pháp quy định rằng: Tổ chức chưng cầu ý dân về những vấn đề có liên quan tới lợi ích quốc gia và quyền lợi của người dân. Nhưng, chúng ta chưa làm được việc này.

Có nghĩa là, quyền dân chủ của người dân, quyền giám sát của người dân vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. Có những người sợ rằng chưng cầu ý dân sẽ làm cho xã hội không ổn định. Tôi thì không đồng ý quan điểm đó. Và cho rằng, nếu làm tốt việc chưng cầu ý dân thì rất có lợi, tạo sự đồng thuận trong xã hội và tạo điều kiện cho các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo cấp cao tiếp nhận được những chất xám vô cùng quý báu đang tiềm ẩn trong nhân dân.

Còn ý thứ hai, tôi nghĩ, người dân có thể làm được một số việc như sau: Thứ nhất là thể hiện chính kiến của mình qua những tổ chức, những đơn vị và các đoàn thể xã hội nơi mình sinh hoạt.

Thứ hai là có thể viết những kiến nghị và những đề xuất của mình đối với các cơ quan và đối với các vị lãnh đạo có thẩm quyền ở các nội dung liên quan.

Thứ ba là thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để trình bày những ý kiến đóng góp của mình.

Đồng thời với những việc làm trên của người dân thì rất cần một thái độ cầu thị, một tinh thần trách nhiệm của các cơ quan và của các vị lãnh đạo các cấp có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu và quan trọng hơn là xử lý những biểu hiện gian dối, háo danh đang tràn lan trong xã hội chúng ta hiện nay.

Có được hai việc làm như thế thì chúng ta sẽ có một kết quả tốt đẹp.

Theo các ông, nhà nước cần làm những gì để chữa bệnh háo danh gian đối cho quan chức? Cá nhân phải làm gì để cai được bệnh nghiện danh? (Phạm Hy Vọng, 20 tuổi, Hải Phòng)

Ông Vũ Mão: Thực ra nói là háo danh thì chẳng ai nhận cả, bởi vì ai cũng muốn có danh, đôi khi chỉ là cách làm nhưng nếu không khéo cũng có thể bị người khác nói là háo danh. Nhưng những người không có khả năng thực sự mà lại muốn có danh thì mới gọi là “háo danh”, còn nếu ai đó giỏi thì họ đương nhiên được công nhận, cái danh ấy là rất đáng quý.

Theo tôi điều quan trọng vẫn phải là cách sử dụng con người thôi, cần phải bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Chúng ta cần thay đổi quan niệm về bằng cấp mà nên đi vào thực chất hơn, nên nghĩ cho thoáng hơn chứ không chỉ nhăm nhăm nhìn vào cái bằng của người ta để đánh giá, Thí dụ, bây giờ có người làm được việc này việc khác, chuyên môn vững vàng, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, nhưng chỉ vì người ta không đi học mà không tự học thì anh không nhận người ta à?

Nếu tôi là lãnh đạo ở một doanh nghiệp tư nhân tôi sẵn sàng nhận, nhưng nếu tôi làm ở cơ quan Nhà nước thì tôi cũng không dám chắc. Nếu tôi nhận thì “cho nợ bằng” và người đó vẫn phải tìm cách có một cái bằng để “làm đúng quy định”.

Chúng ta hãy nhìn lại những năm tháng mà dân tộc trải qua hai cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta dụng người rất hay, mà người xưa từng nói “dụng nhân như dụng mộc”. Nghĩa là không có ai tốt cả, nhưng cũng không có ai xấu cả, ai cũng có một ưu điểm nào đó cần phát huy và sử dụng vào các công việc khác nhau.

Sau khi giành độc lập, Bác Hồ vẫn sử dụng những con người tài năng của chế độ cũ như cụ Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên… và những người như vậy ít nhiều đều có đóng góp cho đất nước.

Vào thời bấy giờ thì làm gì có nhiều loại bằng cấp như bây giờ, những người tài giỏi nổi tiếng học hỏi từ thế hệ đi trước và tự rèn luyện lấy là nhiều.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: Một vấn đề có tính nguyên tác để chữa căn bệnh này là nhà nước phải đưa toàn bộ hệ thống giáo dục, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ căn cứ trên thực chất giá trị. Và cụ thể hơn ở đây là nhà nước phải chấn chỉnh lại hệ thống cấp phát và sử dụng bằng cấp. Hiện nay đang có tình trạng loạn đào tạo sau đại học, ai cũng làm thạc sỹ, tiến sỹ được mà tôi không hiểu lảm ra để làm gì.

Nếu như ở ngành này, ngành kia, người ta không thích thôi chứ nếu làm thì đều được. Có thể bây giờ không phải phổ cập tiểu học nữa mà là phổ cập tiến sỹ. Cho nên phải siết lại quy trình này để hạn chế những người có bằng cấp nhưng là bằng không thực chất. Tôi lấy ví dụ, muốn tiến sỹ phải có ngoại ngữ, nếu làm chặt chẽ chỉ khâu này thôi có thể hạn chế được rất nhiều.

Về mặt cá nhân, tự ý thức của mỗi người thôi. Nhưng tôi nghĩ người ta chạy theo vì người ta không làm thì người khác cũng làm nên, cho nên mấu chốt vẫn là tạo môi trường sạch, dù người ta có ý khoe khoang cũng không có cơ hội thực hiện. Một điều nữa là các phương tiện truyền thống cũng có thể góp phần tích cực vào việc này, khi họ đừng biến mình thành diễn đàn cho các thói hư, tật xấu này phát triển.

Thưa các bác, nước Việt ta từ xưa, các nhà nho có phẩm giá treo ấn từ quan rất nhiều, như Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm... Vậy chúng ta đã có lịch sử văn hóa từ chức? Ngày nay theo ông chúng ta cần làm gì để xây dựng văn hóa từ chức bởi rất nhiều người dù bị phát hiện gian dối vẫn im lặng giữ ghế? Chúng ta liệu có ra được chế tài với hiện tượng này? (Bùi Kiên, TP Yên Bái)

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Người ta có thể từ chức vì nhiều lý do. Một là: Cảm thấy không cộng tác được thì từ chức. Hai là thấy mình có lỗi lầm, sai sót thì từ chức. Dù là trong trường hợp nào thì những người chủ động từ chức như vậy cũng là người rất có bản lĩnh. Đáng tiếc là hiện nay, những tấm gương như vậy gần như không có. Theo tôi, đây cũng là một vấn đề mà các quan chức nên suy ngẫm.

Và Đảng, Nhà nước cũng cần xử lý một cách nghiêm khắc những quan chức có lỗi lầm, tránh tình trạng xuê xoa, nương nhẹ. Đó cũng là một cách để giúp cán bộ giác ngộ về trách nhiệm của mình và biết thể hiện trách nhiệm ấy bằng hành động từ chức khi có lỗi lầm.  

Tôi rất thích việc ông Dương Trung Quốc luôn thẳng thắn tự nhận mình là cử nhân và không có ý định cấp thiết làm cho cái học hàm học vị của mình oai phong lẫm liệt lên. Tôi rất khoái việc bao nhiêu năm ông vẫn chung thân với cái xe máy Honda 50 phân khối giữa thời buổi người ta coi việc mình đi xế hộp bạc tỉ đồng nghĩa với chuyện đẳng cấp, sang quý.

Tuy nhiên tôi có một băn khoăn: Trước đây đã có lần ông nói: “Đừng gọi tôi là nhà sử học, không đúng đâu, hãy gọi tôi là Nhà nghiên cứu lịch sử. Tôi ít công trình lịch sử hơn những người khác.”. Tuy nhiên nhiều năm nay, báo chí đều gọi ông là Nhà sử học, mà không thấy ông đính chính gì. Có cái gì thuộc về cái danh ở trong chuyện này không, thưa ông?
(Nguyễn Bình T, Hà Nội)

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Thực ra thiên hạ gọi mãi thì cũng kệ thôi, tôi không phải muốn hay không muốn, nhưng nhiều khi cứ thanh minh mãi cũng buồn cười. Cả đời tôi cũng chỉ làm một công việc này thôi, có lẽ vì thế nên nhiều người gọi tôi như vậy. Người ta gọi thế nào tiện thì gọi thôi, chứ tôi đâu tự nhận như vậy.

Một trong những sự kiện được đông đảo dư luận quan tâm trong khoảng 2 tháng qua là rất nhiều vụ văn nghệ sĩ kiện việc xét tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Theo ông Quốc, ông Nguyên, nên nhìn nhận vấn đề này thế nào? Có yếu tố háo danh trong đó không? (H.T.H, Hưng Yên)

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi không muốn bình luận về người khác bạn ạ. Nhưng tôi thấy rằng ở đây vẫn tồn tại cơ chế xin cho. Ở nhiều nước thì có một hội đồng làm việc đó, nhưng người ta không phụ thuộc vào thông tin kê khai từ những người được xem xét, còn chúng ta thì làm hơi máy móc.

Ngày xưa người ta nói là “tiến cử người hiền tài” chứ có ai tự đi đăng ký để được xem xét có phải người hiền tài đâu.

Xin bấm F5 để tiếp tục cập nhật

BBT