Sẽ mạnh tay với thực phẩm chức năng quảng cáo như thuốc chữa bệnh

06/05/2015 07:46
Mai Anh
(GDVN) - Đó là khẳng định của ông Trần Văn Châu - Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm) khi nói về phát hiện và xử lý vi phạm trong quảng cáo TPCN.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), từ 01/01/2015 đến 27/4/2015, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt 73 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là 1 tỷ 334,3 triệu đồng.

Trong đó 67 cơ sở vi phạm về quảng cáo với số tiền phạt 1 tỷ 295 triệu đồng và 06 cơ sở vi phạm về chất lượng, ghi nhãn với số tiền phạt 39,3 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chiều 4/5, ông Trần Văn Châu – Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm) cho biết: Các hành vi vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng từ đầu năm 2015 đến nay chủ yếu là những quảng cáo không được Cục ATTP xác nhận nội dung, quảng cáo không phù hợp với nội dung được Cục ATTP xác nhận, quảng cáo TPCN gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh là vi phạm thường xảy ra với quảng cáo thực phẩm chức năng
Quảng cáo gây hiểu nhầm là thuốc chữa bệnh là vi phạm thường xảy ra với quảng cáo thực phẩm chức năng

Quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo nhằm hướng đến quyền lợi người dân, bảo đảm để người dân, đặc biệt là người đang có bệnh được tiếp cận với thông tin chính xác về sản phẩm và công dụng của sản phẩm TPCN, không tự dùng TPCN thay thế việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Để phát hiện vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng đòi hỏi đội ngũ thanh tra chuyên ngành phải nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và có chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Trần Văn Châu cho biết, để chỉ ra việc quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh thì cần phải hiểu thuốc là gì? thực phẩm chức năng là gì? Nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng đó đúng hay sai phải dựa vào Hồ sơ công bố sản phẩm (Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP), Giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Về hình thức, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định tại nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ; xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Ông Trần Văn Châu cũng cho biết thêm, hiện nay phát hiện và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm do lực lượng thanh tra chuyên ngành từ cấp tỉnh/thành phố (Chi cục ATVSTP) trở lên thực hiện; ở cấp quận (huyện) và xã (phường) chưa có nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm nên chủ yếu là kiểm tra và nhắc nhở.

Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ đã giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp quận (huyện) và xã (phường) tại TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.

Cùng với hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm từ tuyến trung ương đến địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu lực quản lý về an toàn thực phẩm nói chung, quảng cáo thực phẩm chức năng nói riêng.

Trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thực phẩm chức năng, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và công bố công khai theo quy định.

Mai Anh