Cách chức hiệu trưởng có làm giảm bạo lực học đường?

18/05/2015 06:00
PHAN TUYẾT
(GDVN) - Để giảm bạo lực học đường cần có sự chung tay của toàn xã hội chứ cách chức ban giám hiệu, kỷ luật thầy cô giáo đôi khi cũng chẳng cải thiện được gì.

LTS: Trên đây là câu hỏi khó có thể trả lời trọn vẹn, thấu đáo của cô giáo Phan Tuyết.

Vậy, phải chăng chúng ta đang ứng xử không đúng với bạo lực học đường?

Tòa soạn trân trọng giới thiệu góc nhìn này của tác giả đến bạn đọc.

Sau vụ học sinh lớp 7 bị đánh hội đồng đưa video clip lên mạng ở Trà Vinh. Những học sinh cầm đầu vụ bạo lực dã man ấy chỉ bị đình chỉ học một tuần. Nhưng thầy cô giáo đều bị kỷ luật và chuyển nơi công tác.

Đặc biệt mới đây, hội đồng kỷ luật thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đã công bố quyết định cách chức hiệu trưởng và phó hiệu trưởng trường trung học cơ sở Lý Tự Trọng. Liệu động thái này có làm cho nguy cơ bạo lực học đường được cải thiện?

Cách chức hiệu trưởng có làm giảm bạo lực học đường? ảnh 1

Trông cậy gì ở tương lai khi người lớn “Tam bất” như thế?

(GDVN) -Cho rằng “Trông cậy gì ở tương lai khi thế hệ trẻ dã man như thế” là vội vàng? hãy đặt vấn đề ngược lại “Trông cậy gì ở tương lai khi người lớn Tam bất như thế"

Việc làm này như chứng minh cho dư luận thấy để tình trạng bạo lực học đường xảy ra là hoàn toàn thuộc trách nhiệm của nhà trường mà người chịu trách nhiệm chính là ban giám hiệu.

Có điều gì đó không công bằng ở đây. Nếu chúng ta nhìn nhận kỹ hơn sẽ thấy những học sinh tham gia vụ bạo hành hôm đó, đều sống trong những gia đình ít có sự dạy dỗ của cha mẹ.

Em sống với bà, em có mẹ không cha, có em mồ côi cả cha và mẹ…

Gia đình khiếm khuyết, xã hội thì đầy rẫy những chuyện xấu, bất công đang từng ngày hiện hữu…ít nhiều những chuyện đó cũng tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách sống của các em.

Lên trường, thầy cô cũng luôn dạy những điều hay, lẽ phải, cách ứng xử tốt với mọi người, dạy các em lòng yêu thương nhân hậu biết chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau…

Nhưng sự tiếp thu và ghi nhận những điều tốt từ nhà trường giáo dục lại là chuyện của từng em.

Thầy cô giáo có dạy bao nhiêu cũng trở nên vô ích khi về với gia đình và xã hội các em không có được sự định hướng, dạy dỗ thực sự đúng đắn.

Ở trường, người gần gũi các em nhất là thầy cô chủ nhiệm còn không thể phát hiện để ngăn nổi bạo lực, nói gì đến ban giám hiệu khi phải quản lý hơn ngàn học sinh và giáo viên của trường.

Những người không trực tiếp giảng dạy, không làm công tác chủ nhiệm như giáo viên chúng tôi thì làm sao hiểu hết nỗi vất vả để cảm thông.

Chỉ khi chuyện xảy ra rồi mới quy trách nhiệm. Thay vì cách chức ban giám hiệu, kỷ luật các thầy cô giáo chúng ta thử ngồi lại xem xét nguyên nhân để có biện phát giáo dục những học sinh khác hiệu quả hơn.

Có ai từng hỏi: Vì sao học sinh bây giờ hư hơn ngày trước?

Thầy cô thời nay còn phải sợ học sinh nhất là những học sinh ngang bướng, lì lợm.

Các em phạm lỗi không có sự hợp tác giáo dục từ phụ huynh, hình thức kỷ luật với những em vi phạm không đủ sức răn đe, nên các em không thấy sợ bất cứ điều gì.

Thích thì học không thì thôi. Vui thì ngồi yên lặng, buồn thì quậy lung tung, thầy cô khuyên can, nhắc nhở cũng chỉ để ngoài tai.

Nếu như trước đây, học sinh luôn sợ thầy cô giáo thì bây giờ, đôi khi thầy cô cũng bị chính các em bạo hành mà phải im lặng.

Bạo hành vì lời nói, thái độ và những hành vi vô lễ. Nhiều học sinh ngang nhiên quậy phá trong giờ học, khi thầy cô nhắc nhở lên giọng thách thức, thậm chí hăm dọa.

Có em còn lôi cả “giang hồ” chặn đường đánh. Chưa vừa lòng, có em còn lên facebook để chửi, nói xấu và công kích thầy cô…

Bạo lực học đường xảy ra, những thầy cô giáo cũng cần được cảm thông hơn vì bị chỉ trích và chịu kỷ luật. Họ đã cố gắng hết mình nhưng đôi khi cũng bất lực.

Mỗi gia đình chỉ có hai đứa con đôi khi dạy dỗ còn không xong thì đừng đổ hết trách nhiệm lên đầu thầy cô giáo.

Để xảy ra những trường hợp đáng tiếc, chính thầy cô cũng đang hàng ngày tự vấn lương tâm vì sự bất lực trong phương pháp giáo dục của mình.

Trách nhiệm không chỉ thuộc về nhà trường còn là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội.

Để giảm bạo lực học đường cần có sự chung tay của toàn xã hội chứ cách chức ban giám hiệu, kỷ luật thầy cô giáo đôi khi cũng chẳng cải thiện được gì.

PHAN TUYẾT