"Có Bộ trưởng gửi văn bản trả lời, nhưng cũng có Bộ trưởng đâu có gửi"

22/05/2015 14:57
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc đã nói thẳng như vậy khi thảo luận về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Giám sát liên tục và toàn diện người trả lời chất vấn

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc đề nghị, đối với người được trả lời chất vấn phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về kết quả thực hiện chất vấn định kỳ ở mỗi kỳ họp.

“Thực tế đã xảy ra rồi, khi chất vấn ở kỳ họp này thì kỳ họp sau có Bộ trưởng gửi văn bản trả lời, nhưng cũng có Bộ trưởng đâu có gửi.

Vì vây, tôi đề nghị kỳ họp nào cũng phải gửi báo cáo, như vậy thông qua giám sát liên tục thì mới có thể đạt kết quả toàn diện.

Nghị quyết giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng nhân dân có giá trị pháp lý bắt buộc phải thực hiện.

Tuy nhiên, tôi đề nghị bổ sung thêm là tổ chức, cơ quan, người đứng đầu việc giám sát phải có trách nhiệm báo cáo định kỳ. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan giám sát phải bị xem xét trách nhiệm nếu không thực hiện nghiêm túc”, Đại biểu Lộc kiến nghị.

Dẫn ra Điều 19 của dự thảo quy định: “Thành lập Ủy ban lâm thời là theo đề nghị của Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội hoặc của ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội quyết định thành lập Uỷ ban lâm thời để điều tra về một vấn đề cụ thể”, Đại biểu Lộc cho rằng: “Có những vấn đề chỉ một Đại biểu Quốc hội kiến nghị nhưng rất nghiêm trọng ảnh hưởng tới đời sống của hàng loạt người dân thì phải được xem xét.

Vì vậy, tôi đề nghị là tất cả các kiến nghị của Đại biểu Quốc hội phải giám sát chứ không thể chờ tới 1/3 tổng số Đại biểu Quốc hội đề nghị, vì đại biểu đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Tôi lấy thí dụ, chỉ cần một Đại biểu phát hiện về tham nhũng và có ý kiến thì phải được xem xét ngay”.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc yêu cầu người trả lời chất vấn phải gửi báo cáo ở từng kỳ họp để đại biểu giám sát liên tục, toàn diện. ảnh: LDO.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc yêu cầu người trả lời chất vấn phải gửi báo cáo ở từng kỳ họp để đại biểu giám sát liên tục, toàn diện. ảnh: LDO.

Vấn đề nhiều người dân quan tâm hiện nay là làm thế nào để hoạt động của Hội đồng nhân dân đạt được kết quả thực chất? Nói cách khác là Hội đồng nhân dân có bảo vệ được quyền lợi của dân không?

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, không phải Đại biểu Hội đồng nhân dân không có đủ trình độ năng lực, mà là do cơ cấu đại biểu chưa hợp lý nên dẫn tới khó phản biện.

“Đại biểu Hội đồng nhân dân là Giám đốc sở, nếu ở cấp huyện thì là Trưởng phòng. Cơ cấu như vậy thì làm sao mà phản biện tốt, giám sát tốt được.

Mình nghe cử tri là một phần, nhưng lại còn cuộc sống nữa, còn gia đình mình nữa, rồi sự ràng buộc bởi các mối quan hệ đen sen nên rất khó phát huy ý kiến độc lập. Nếu giám sát mà xử lý không được thì nhân dân rất buồn”, bà Tâm chỉ rõ.

"Có Bộ trưởng gửi văn bản trả lời, nhưng cũng có Bộ trưởng đâu có gửi" ảnh 2

Người lao động nghèo khổ, người bị bệnh tật, sắp chết... cần gì?

Trên thực tế ở Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã không dễ thực hiện điều này vì thực quyền ít được phát huy. Nếu không có chế tài cụ thể thì giám sát cũng chỉ mang tính hình thức, trong khi người dân bức xúc vì kiến nghị rất rõ nhưng kéo dài không xử lý.

Từ những băn khoăn thực tế ấy, Đại biểu Phương Hữu Việt đặt câu hỏi: “Những chủ đề Quốc hội giám sát vừa rồi rất hay, kiến nghị giải pháp tốt nhưng cần xem lại giám sát đó bây giờ thế nào rồi, có thực hiện không? Quốc hội ra kết luật thì phải thực thi, người dân mới tin”.

Về quy định chất vấn và trả lời chất vấn, có đại biểu đề nghị phải trả lời trực tiếp. Đồng thời đề nghị chất vấn và trả lời theo lĩnh vực chứ không lựa chọn nhóm vấn đề vì sẽ giới hạn nội dung chất vấn và người trả lời lấy lý do để từ chối, trong khi nhiều việc đang rất bức xúc người dân cần biết giải pháp xử lý ngay.

Tranh luận về giám sát liên quan tới “bí mật nhà nước”

Đại biểu Nguyễn Văn Danh băn khoăn vì trong dự thảo luật (Khoản 3 Điều 9) nêu rõ, đối tượng chịu sự giám sát có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.

“Tôi đề nghị quy định cụ thể để tránh tình trạng đối tượng chịu sự giám sát từ chối trả lời, cung cấp thông tin với lý do thông tin đó thuộc bí mật nhà nước, gây khó khăn, cản trở việc thực hiện quyền giám sát của các chủ thể giám sát, vì trong thực trong thực tế không phải không có việc này”, ông Danh nói.

Đại biểu Quốc hội đề nghị dù chỉ có một ý kiến nhưng nếu là vấn đề nghiêm trọng thì phải thực hiện giám sát. ảnh minh họa: Thanhtra.
Đại biểu Quốc hội đề nghị dù chỉ có một ý kiến nhưng nếu là vấn đề nghiêm trọng thì phải thực hiện giám sát. ảnh minh họa: Thanhtra.

Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Hữu Hùng cũng chia sẻ: “Thực tế giám sát có nhiều nội dung thuộc bí mật Nhà nước nhưng cứ nói thế này thì Ủy ban Quốc phòng An ninh khó mà giám sát.

Vừa rồi chúng tôi khảo sát thực hiện chính sách pháp luật về sỹ quan, quân nhân quốc phòng thì phải hỏi số liệu cụ thể mới hoàn thành chính sách được. Ban soạn thảo cần cân nhắc thêm, không phải từ chối mà là có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của luật bảo mật”.

Trước đó tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, và có những quan điểm khác nhau.

"Có Bộ trưởng gửi văn bản trả lời, nhưng cũng có Bộ trưởng đâu có gửi" ảnh 4

Nếu nghĩa vụ quân sự là vinh quang, sao con cán bộ không muốn nhận?

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, phải thận trọng khi quy định quyền giám sát của Quốc hội đối với những nội dung liên quan đến bí mật quốc gia, bởi nếu cung cấp tất cả bí mật nhà nước cho đại biểu thì sẽ rất nguy hiểm.

"Ngay cả cán bộ cấp cao cũng chỉ được tiếp cận ở mức nào đó, nếu đại biểu quốc hội mà đòi tiếp cận hết thì còn gì là bí mật quốc gia nữa. Quốc hội do dân bầu lên nhưng không nhất thiết phải giao quyền lực lớn như vậy, chỉ nên cân nhắc giao ở một mức nào đó", ông Thi góp ý.

Khác với hai quan điểm trên, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, cần phải phát huy hơn nữa vài trò của Đại biểu Quốc hội.

“Vai trò giám sát của Đại biểu Quốc hội tính pháp lý còn cao hơn đoàn Đại biểu Quốc hội. Hiến pháp quy định rất rõ quyền của Đại biểu Quốc hội đại diện cho cử tri thì họ có quyền giám sát, còn giám sát thế nào thì cụ thể vào trong luật.

Khi đã quy định bằng luật thì sẽ tạo ra các điều kiện pháp lý để Đại biểu Quốc hội hoạt động. Tôi cho là vai trò giám sát của Đại biểu Quốc hội rất quan trọng, cụ thể, gần gũi”, ông Hiển bày tỏ.

Ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng: “Càng ngày chúng ta thấy là càng hòa vai trò Đại biểu Quốc hội vào vai trò của các đoàn, hết Hội đồng dân tộc rồi lại đến các ủy ban, mà lẽ ra phải tạo cơ sở cho họ hoạt động”.

Đồng thời, ông Lý dẫn ra luật hiện hành chỉ rõ, ngay khi phát hiện thấy vi phạm pháp luật thì Đại biểu Quốc hội có quyền ra văn bản yêu cầu dừng ngay hành vi sai phạm ấy, chứ không cần phải báo cáo cơ quan cấp trên rồi được quyền yêu cầu.

Ngọc Quang