Sách trắng quốc phòng Trung Quốc hay lời đe dọa “Ngộ tả nị xị hằm pà lằng”

02/06/2015 05:00
XUÂN DƯƠNG
(GDVN) - Có thể trên thế giới có ai đó run sợ, còn người Việt lịch sử xa xưa, giữa lúc hai đầu đất nước đều có chiến tranh năm 1979 cũng đã “ngộ tả nị xị hằm pà lằng"

Sách trắng quốc phòng Trung Quốc hay lời đe dọa “Ngộ tả nị xị hằm pà lằng” ảnh 1

Truyền thông quốc tế nói gì về sách trắng quốc phòng Trung Quốc 2015?

(GDVN) - Chiến lược quốc phòng mới cho phép tăng năng lực của hải quân, chuyển đổi chính sách từ "phòng thủ" sang "phòng thủ và phòng thủ chủ động".

Sách trắng quốc phòng 2015 của Trung Quốc viết: “một số quốc gia láng giềng cá biệt ngày càng có hành vi khiêu khích trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, một số nước ngoài khu vực can thiệp vào Biển Đông, các quốc gia cá biệt đặc biệt cảnh giác, giám sát Trung Quốc bằng đường không, đường biển…" (GDVN 26/5/2015).

Dù sách trắng không nêu đích danh tên nước thì thế giới cũng biết ngôn từ trong sách trắng “quốc gia láng giềng cá biệt” là ám chỉ quốc gia nào.

Cách nói ấy, người Việt gọi là “ăn nói xỏ xiên”, nó chỉ phù hợp với những người sẵn sàng bán đứng bạn bè, họ hàng, đồng chí miễn là thu lợi cho bản thân.

Khi một quốc gia nói với thế giới rằng có “quốc gia láng giềng cá biệt khiêu khích” thì có nghĩa là người ta đã, đang không xem “quốc gia láng giềng cá biệt” đó là bạn bè cùng chí hướng. Vậy thì nếu quốc gia đó cứ hữu nghị với họ, cứ coi họ là bạn bè chẳng phải là nhận vơ sao?

Không biết từ năm nào xuất hiện một con tem mô tả người bán Mâu – Thuẫn, dòng chữ 中華民國郵票 trên tem nghĩa là "Trung Hoa dân quốc bưu chính" cho thấy con tem này thuộc về Đài Loan.

Con tem mô tả một điển tích cổ: một lái buôn vũ khí quảng cáo chiếc “mâu” của anh ta tốt nhất thiên hạ, đâm cái gì cũng thủng, (mâu là loại vũ khí dùng để đâm như thương, khác với đao, kiếm dùng để chém, Trương Phi trong Tam Quốc dùng bát xà mâu, phần ngọn của mâu uốn lượn như hình con rắn tám khúc – bát xà).

Bán hết mâu anh ta chuyển sang bán “thuẫn” (khiên) và quảng cáo, thuẫn của anh ta bền chắc vô địch, không gì đâm thủng được.

Nghe thế tất cả những người đã mua mâu của anh ta liền đem mâu trả, lại còn đòi tiền, lại còn dọa đánh cho một trận vì tội lừa đảo.

Một con tem Đài Loan minh họa chuyện bán Mâu – Thuẫn (ảnh Internet)
Một con tem Đài Loan minh họa chuyện bán Mâu – Thuẫn (ảnh Internet)

Nếu quả đúng con tem trên hình vẽ được người Đài Loan xuất bản thì phải nghĩ như thế nào?

Lẽ thường, trên thế giới, đưa một sự kiện vào tem phát hành chứng tỏ người ta coi trọng sự kiện đó. Đưa điển tích thuộc loại lừa đảo vào tem thì phải chăng với họ sự lừa đảo đã trở thành biểu tượng!

Từ “mâu thuẫn” mà người Việt sử dụng ngày nay chính là bắt nguồn từ điển tích bên Tàu, có lẽ vì thế mà người Việt thua xa hàng xóm về chuyện lươn lẹo, nói trước quên sau.

Nhắc đến biển Đông là nhân loại nhắc tới đường lưỡi bò, đã có lưỡi bò thì đương nhiên phải có đầu bò, phải có thân bò, tóm lại là phải có cả… con bò.

Giời sinh ra muôn loài, mỗi loài có một nguồn thức ăn riêng, loài bò mà Giời sinh ra vốn chỉ ăn cỏ, lá cây, chẳng hiểu sao ngày nay loài “quái bò” này lại chuyên uống nước mặn, nói thế là vì cái lưỡi của nó thò xuống biển Đông, thò hàng ngàn cây số xuống tới tận quốc gia vạn đảo.

Nhưng mà thôi, chuyện cái lưỡi bò chỉ là chuyện hư cấu, mặc dù loài “bò nước mặn” này thông minh kiệt xuất, nhân loại đều phải lè lưỡi thán phục, nhưng người viết không muốn dùng từ “smart bò” vì đã trót dùng cho loại “smart dê” mất rồi. Vậy nên tốt nhất là quay lại chuyện loài người.

Nhân loại đông tây, kẻ khen người chê, kẻ nịnh người ghét sự trỗi dậy của Trung Hoa là chuyện bình thường, các học giả tốn rất nhiều giấy mực bàn về “sự trỗi dậy hòa bình” của người ta, thán phục triết lý “mèo trắng, mèo đen” của người ta, nhưng trả lời câu hỏi, chiến lược nào làm nên điều phi thường của người Hoa Hạ thì chắc ít người để ý.

Chiến lược đó, người viết chỉ mới phỏng đoán chứ để khẳng định thì còn phải nghiên cứu dài dài, rằng thời cổ và ngày nay chiến lược của giới tinh hoa phương Bắc tuy hoàn toàn trái ngược nhau, nhưng mục đích trước sau như một, không có gì thay đổi.

Ngày xưa, dân chúng được giới vua chúa, sĩ phu nhồi nhét tâm lý phải đẻ thật nhiều, câu cửa miệng được truyền từ đời này qua đời khác là: “con đông là có phúc”.

Người đông nhưng của cải có hạn nên sinh ra đói, khi đói thì “đầu gối phải bò”, thế nên “đói” lại trở thành động lực cho sự phát triển, vì thế hai yếu tố “mắn đẻ” và “bỏ đói” được kết hợp đã trở thành chiến lược quốc gia.

Nếu ai không tin thì thử tìm hiểu xem vì sao vào những năm 60 của thế kỷ trước mấy chục triệu người bên ấy chết đói?

Mắn đẻ nên đông người, bỏ đói nên phải tìm kiếm thức ăn, trước là ở gần, sau là đi xa, tận khắp hang cùng ngõ hẻm trên thế giới.

Ở gần thì đánh chiếm đất đai của các tộc người khác, người đông nên cuộc chiến “tay vo” với gươm, giáo, khiên, mâu chiến thắng đa phần thuộc về lực lượng “biển người”.

Xa hơn thì người ta không đánh, mà dùng chính sách di dân, đi đâu cũng được miễn là giảm bớt khẩu phần nơi chính quốc.

Theo kiểu lý luận “mèo trắng, mèo đen”, đấy không phải là bành trướng, đấy chỉ là chiếm cứ hợp pháp một dãy phố, một khu vực trong lòng nước khác mà thôi, còn nếu mà tiện tay lập luôn một quốc gia thì càng tốt.

Ngày nay, chiến lược hoàn toàn ngược lại: “đẻ ít” nhưng “ăn nhiều”.

Khi việc “đẻ” đã hoàn thành nhiệm vụ, khi dân số đã chiếm tới một phần sáu dân số địa cầu thì “tạm dừng đẻ” mà lo ăn.

Ăn bao nhiêu cũng không đủ, thế nên cũng lại phải tìm kiếm, xâm chiếm vườn tược, biển đảo của người khác.

Thời đại mới nên ngôn từ cũng tân tiến hơn, người ta vẫn bảo đấy không phải là bành trướng, đấy chỉ là dựa trên tình cảm bạn bè, đồng chí nên “nhà của anh là nhà của tôi, vườn của anh cũng là vườn của tôi”, chúng ta “gác tranh chấp, cùng khai thác, cùng hưởng lợi”, hoa lợi chia mười, tôi chín rưỡi anh nửa phần vì người của tôi đông gấp gần 20 lần người của anh?

Tất nhiên những ai không muốn “nhà của anh là nhà của tôi, vườn của anh cũng là vườn của tôi” theo “lời khuyên” của láng giềng thì đều trở thành “kẻ cá biệt”.

Nếu mà ngoan ngoãn “nhường và nhịn” thì hảo hảo, còn không thì liệu chừng, hãy nhìn xem sân bay cho tàu bay, bến cảng cho tàu chiến, cả pháo và đài điều khiển không lưu, cả nhà 7 tầng với lỗ châu mai tua tủa đã làm gần xong ở ngoài biển.

Hãy cứ phản đối, cứ đưa ra cuộc họp miễn là chỉ nói bằng lời, phản đối thêm ít thời gian nữa là “gạo chín thành cơm”, ai dám làm gì “ngộ”?

Chữ “ngộ” ở đây không phải là “ngộ” nhà Phật trong từ “giác ngộ”. Nếu mà các bạn không biết “ngộ” là gì thì nên biết câu này: “ngộ tả nị xị hằm pà lằng” nghĩa là “tao đánh cho mày túi bụi”, đây là khẩu ngữ địa phương, không phải ngôn ngữ chính thống của “chính quốc”, nhưng mà người Việt vùng biên Móng Cái, Quảng Ninh thì chắc ai cũng biết.

Nói đến dân vùng biên Móng Cái, chợt nhớ có một dạo đồ gốm sứ bên Tàu tuồn ồ ạt qua biên giới, đập vỡ cái đĩa thấy bên trong có những gói bột lạ, chẳng hiểu là thứ hóa chất độc hại gì, bát ăn cơm va nhẹ là vỡ vụn.

Đồ gốm thời Minh, Thanh là đồ cổ quý hiếm, nhà nào có vài cái là cả một gia tài. Đồ gốm ngày nay đưa sang đất Việt đa phần là đồ rởm, chất lượng kém nên người Việt phía Bắc thì dùng gốm sứ Bát Tràng, Hải Dương…, phía Nam thì dùng gốm sứ Bàu Trúc-Phan Rang, gốm Đồng Nai, Sông Bé…

Hai gói bột "lạ" màu trắng trong đĩa sứ Trung Quốc (ảnh Vietnamnet)
Hai gói bột "lạ" màu trắng trong đĩa sứ Trung Quốc (ảnh Vietnamnet)

Vietnamnet.vn  ngày 16/5/2014 có bài mang tiêu đề: “Bát đĩa Tàu yểm độc: Ngấm dần rồi phát bệnh”. Bài báo còn khẳng định “Cốc thủy tinh Trung Quốc độc gấp nghìn lần cho phép”.

Nói thế để thấy người Việt ngày nay dị ứng với gốm sứ bên Tàu, bất kể là bát đĩa, ấm chén hay bình hoa giả cổ.

Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đài Loan, công bố năm 2013 cho biết melamine được tìm thấy trong bát đĩa và có thể nhiễm vào cơ thể qua đường thức ăn.

Theo đó, khi dùng thực phẩm nóng, chất melamine có trong đĩa đựng thức ăn có thể thâm nhập vào cơ thể và gây hại cho sức khỏe.

Bát đĩa, cốc thủy tinh, phích nước, đồ gia dụng, kể cả đồ chơi cho trẻ em sản xuất tại Trung Quốc chứa chất độc thì rõ rồi, tiếc là hiện chưa có nghiên cứu nào về bình hoa, lọ hoa có chứa chất độc hay không?

Dẫu không có thì vẫn nên theo lời tổ tiên truyền dạy “cẩn tắc vô áy náy”, cảnh giác không bao giờ thừa.

Năm 1979, xua quân xâm lược Việt Nam, Đặng Tiểu Bình lu loa Trung Quốc chỉ “phản kích tự vệ”. Năm nay tại đối thoại Shangri-la, người Trung Quốc lại lớn tiếng, rằng Việt Nam và Philippines "khiêu khích, gây sự cố để đẩy Bắc Kinh vào một cuộc chiến". (VOA 31/5/2015).

Thay vì lặp lại câu “phản kích tự vệ” người ta nói “đẩy Bắc Kinh vào một cuộc chiến”.

Phải chăng họ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến mới và phải chăng nếu họ tấn công Việt Nam hay Philippines thì cũng chỉ là “bị đẩy vào” chứ họ vốn muốn sống hòa bình, không ham chiến tranh?

Không phải chỉ trong sách trắng mà ngay tại Shangri-la, Trung Quốc đang chỉ đích danh quốc gia “đẩy” họ vào một cuộc chiến, lời lẽ của Trung Quốc không còn mập mờ mà đã quá rõ ràng: “Xây dựng và Phát triển lực lượng quân sự; Chuẩn bị chiến tranh quân sự; Duy trì khả năng răn đe chiến lược và năng lực tổ chức hành động phản kích hạt nhân…”.

Không nghi ngờ gì họ đang muốn “ngộ tả nị xị hằm pà lằng” bất kể “Nị” (phát âm tiếng Hoa phổ thông là Nỉ - anh, mày, ngươi…) là ai.    

Có thể trên thế giới có ai đó run sợ, còn người Việt, không nói lịch sử xa xưa, ngay giữa lúc hai đầu đất nước đều có chiến tranh năm 1979 cũng đã “ngộ tả nị xị hằm pà lằng” bất kỳ chúng là ai, bất kỳ chúng đến từ nơi nào./.

XUÂN DƯƠNG