Tiết lộ lịch sử và quy mô hoạt động của đội quân hacker Trung Quốc

07/06/2015 15:54
Nguyễn Hường
(GDVN) - Carpenter đã phát hiện ra Titan Rian, một trong những chiến dịch gián điệp không gian mạng lớn nhất trong lịch sử.

Tờ Daily Mail ngày 6/6 đăng tải bài viết cho thấy lịch sử và quy mô hoạt động cùng các cuộc tấn công của đội quân chiến tranh mạng bí mật của quân đội Trung Quốc đang khiến các nước phương Tây đau đầu đối phó.

Ảnh cho thấy trụ sở hang ổ hacker bí mật của quân đội Trung Quốc và 5 hacker Trung Quốc bị Mỹ truy nã.
Ảnh cho thấy trụ sở hang ổ hacker bí mật của quân đội Trung Quốc và 5 hacker Trung Quốc bị Mỹ truy nã.

​Lực lượng tấn công mạng bí mật này của Trung Quốc được biết tới lần đầu vào tháng 5/2014 khi Shawn Carpenter, một chuyên gia về xâm nhập máy tính tại Sandia National Laboratories và làm việc cho chương trình vũ khí hạt nhân của Mỹ, bắt đầu tiến hành điều tra các vụ tấn công mạng bí ẩn có cách thức tương tự nhau.

Carpenter, người vừa xuất bản một cuốn sách về lịch sử vấn đề này, đã sử dụng kỹ thuật gọi là back-hack (tấn công lại) để truy đuổi những kẻ tấn công trực tuyến qua Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc và cuối cùng tìm thấy "hang ổ" của những kẻ hacker ở Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, nơi họ giấu các tập tin bị đánh cắp.

Từ cuộc truy đuổi này, Carpenter đã phát hiện ra Titan Rian, một trong những chiến dịch gián điệp không gian mạng lớn nhất trong lịch sử và cũng là phương tiện cho phép Trung Quốc cướp bóc các bí mật quân sự và thương mại hàng đầu của phương Tây.

Theo điều tra của Carpenter, các hacker quân sự Trung Quốc đã đánh cắp từ bản thiết kế máy bay ném bom tàng hình của Mỹ đến chiến lược kinh doanh của coca-cola, các báo cáo thăm dò địa chất của BP, hàng terabyte dữ liệu về máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit, F-35 Joint Strike Fighter, các bản thiết kế máy bay, laser vũ trụ, tên lửa dẫn đường, tàu ngầm hạt nhân, từ công nghệ cáp quang tới điện thoại thông minh. 

Hacker Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 500 cuộc xâm nhập vào hệ thống máy tính của quân đội Mỹ. Quy mô của các cuộc tấn công lớn đến mức mà một quan chức Mỹ đã thốt lên rằng không có một hệ thống máy tính của một nhà thầu quốc phòng Mỹ nào là không bị xuyên thủng.

Không chỉ Mỹ, các hacker quân sự Trung Quốc còn nhắm tới cả Anh. Các hacker Trung Quốc còn giả mạo là một nhóm vận động cho Tây Tạng tự trị gửi email chứa mã độc tới hòm thư điện tử của một nhà ngoại giao Anh vào tháng 10/2003. Từ đó, nhóm này truy cập vào mạng lưới máy tính của Bộ ngoại giao Anh đánh cắp các bí mật ngoại giao, chính trị và thương mại. 

Các chuyên gia Mỹ đã chỉ ra rằng, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về công nghệ quân sự và thương mại nhờ các dữ liệu đánh cắp được từ mạng internet.

Người Trung Quốc đã chế tạo được máy bay tàng hình J-20 khoảng một thập kỷ sau khi tin tặc Trung Quốc xâm nhập một cơ sở nghiên cứu của Mỹ. Và khi Coca-Cola đang đàm phán hợp đồng hàng tỉ USD với một công ty Trung Quốc, chiến lược đàm phán của họ đã rơi vào tay hacker Trung Quốc khiến thỏa thuận thất bại.

Hacker Trung Quốc còn tiến hành một chiến dịch khác được gọi là Rồng Đêm nhắm vào các công ty dầu mỏ hàng đầu như BP, Shell và Exxon để đánh cắp các dữ liệu khảo sát địa chất có giá trị cao về những nơi có triển vọng giàu khí đốt và dầu mỏ, vàng - các tài nguyên mà Trung Quốc đang khát.

Trong vài ngày qua, Washington đã tiết lộ rằng các hồ sơ cá nhân của bốn triệu nhân viên chính phủ Mỹ đã bị đánh cắp. Nguồn gốc của các hoạt động gián điệp không gian mạng, theo những gì được hé lộ, xuất phát từ Trung Quốc.

Keith Alexander, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia của Mỹ năm 2012, đã mô tả hoạt động gián điệp của Trung Quốc đã gây thiệt hại một nghìn tỷ USD. 

Nguyễn Hường