"Nói phải đi đôi với làm thì dân mới tin"

08/06/2015 10:11
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nói rất thẳng thắn như vậy cách đây ít phút tại Quốc hội.

Sáng nay, Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Theo Đại biểu Nguyễn Thái Học, có những chủ trương, nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ rất đúng, rất hợp lòng dân, nhưng khi triển khai thực hiện thì quá chậm, kết quả không cao làm cho người dân thiếu tin tưởng.

Đồng thời, ông Nguyễn Thái Học chỉ ra 6 vấn đề đáng chú ý:

Thứ nhất, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Cử tri Phú Yên không đồng tình, nhưng kỳ thi đã được triển khai đại trà trên phạm vi cả nước, làm cho người dân bất bình, thiếu tin tưởng vào chủ trương của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Học đặt vấn đề: Vì sao trên 10 nghìn thí sinh là con em của Phú Yên phải vào Khánh Hòa để dự kỳ thi tốt nghiệp THPT “2 trong 1”, và những tỉnh khác cũng thế?

Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT đã cận kề, người thân và thí sinh phải đôn đáo mua vé tàu, vé xe lặn lội vào Khánh Hòa dự thi. Rất tốn kém. Rất phiền phức.

"Đáng quan tâm là chủ trương này không làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Đáng quan tâm là không hỏi ý kiến của nhân dân và cũng không có phản biện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Một chủ trương tác động rất sâu rộng đến mọi người, mọi nhà mà chúng ta làm rất vội vàng", ông Học nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học cho rằng, người dân bức xúc với cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2015.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học cho rằng, người dân bức xúc với cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2015.

Thứ hai, gói tín dụng ưu đãi 30 nghìn tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Đây là một chủ trương rất đúng, người có thu nhập thấp rất mong chờ, hy vọng có một ngôi nhà từ gói hỗ trợ này. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng rất tâm huyết, thế nhưng cho đến nay mới chỉ giải ngân được trên 20%.

Thứ ba, nguồn vốn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ. Mặc dù Chính phủ rất quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện, thế nhưng theo báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tại phiên khai mạc thì đến nay. Thế nhưng đến nay mới giải ngân xong 2 tàu đóng mới. Mấy ngày gần đây, báo chí nêu thêm một số tàu tại tỉnh Ninh Thuận cũng được giải ngân.

Ông Học băn khoăn: "Vì sao một chủ trương khi Quốc hội bàn thống nhất nhận được sự đồng tình ủng hộ của ngư dân, của nhân dân, nhưng khi triển khai thực hiện thì chậm như thế?".

"Nói phải đi đôi với làm thì dân mới tin" ảnh 2

Ở Quốc hội, đôi khi nói đúng cũng chả được tiếp thu, nói gì cái anh luật sư

Thứ tư, Nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc nghèo ở các vùng dự án thủy điện.

Chủ trương này Quốc hội đã đưa vào các Nghị quyết trong các phiên chất vấn, đã hơn 2 năm nay rồi thế nhưng đồng bào nghèo ở những vùng dự án thủy điện vẫn đang trông chờ vào chính sách này.

Thứ năm, cải cách hành chính là một chủ trương đúng, Chính phủ triển khai thực hiện bằng nhiều chương trình với quyết tâm rất cao. Đã qua 15 năm thực hiện, thế những đến nay nghiêm túc nhìn nhận lại thì nhiều mục tiêu, nhiều chỉ tiêu chúng ta không đạt được.

Báo cáo do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội đã thẳng thắn nhìn nhận là thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, gây tốn kém chi phí của người dân và doanh nghiệp.

Thứ sáu, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, vấn đề nhiều cử tri quan tâm và bày tỏ sự thiếu tin tưởng.

"Vì sao tham nhũng được Đảng ta nhìn nhận đánh giá là ngày càng diễn biến phức tạp và chúng ta chưa ngăn chặn đẩy lùi được thực trạng này, nhưng công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử đối đối với loại bệnh này ngày một giảm", ông Học nêu vấn đề.

Theo báo cáo của Viện trưởng Viện KSND Tối cao thì tội tham nhũng khởi tố giảm 29 vụ và 21,8% so với cùng kỳ. Phải chăng là chúng ta chưa trọc thủng được bức màn che đậy hành vi tham nhũng để xử lý một cách triệt để?

Ông Học bày tỏ: "Chúng ta thường nghe nói Chính phủ phải lắng nghe ý kiến của dân nhân. Vậy thì Chính phủ lắng nghe điều gì ở dân? Cử tri cho rằng, Quốc hội, Chính phủ của chúng ta thảo luận rất hay, rất đúng, ra nghị quyết thì rất là trúng. Thế nhưng quá trình triển khai thực hiện thì nói chưa đi đôi với làm.

Cử tri đề nghị phải nói đi đôi với làm. Đề nghị Chính phủ phải làm như nói thì dân mới tin".

Ngọc Quang