Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu khoa học chỉ bằng 1/100 của Hàn Quốc

12/06/2015 15:27
Ngọc Quang
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Nguyễn Quân cho hay, Hàn Quốc đầu tư nghiên cứu khoa học 1.100 USD/1 người, còn Việt Nam chỉ có 10 USD/1 người.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Nguyễn Quân cho biết thông tin này trong phần trả lời chất vấn tại Quốc hội cách đây ít phút.

Ông Quân cho biết: “Mức đầu tư cho khoa học công nghệ chưa tương xứng với quốc sách hàng đầu. Nếu như Hàn Quốc đầu tư 1.100 USD/1 người để làm nghiên cứu khoa học thì ta mới đầu tư có 10 USD, trong đó 5 USD từ ngân sách nhà nước, 5 USD từ xã hội.

Để có một công bố quốc tế phải có tới 150 nghìn USD, để có một bằng sáng chế phải có 2 triệu USD. Chúng ta chưa huy động được đầu tư khoa học công nghệ.

Nếu các doanh nghiệp Việt Nam huy động được đầu tư cho nghiên cứu khoa học thì chúng ta sẽ không thua kém các nước trong khu vực và sẽ đóng vai trò là quốc sách hàng đầu".

Bộ trưởng Quân cũng băn khoăn, khoa học công nghệ cùng với giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhưng Quốc hội và xã hội quan tâm tới giáo dục nhiều hơn. Chỉ cần thay đổi học phí, thay đổi chính sách thi cử thì báo chí và các Đại biểu Quốc hội cảm thấy bức xúc rồi. Nhưng khoa học công nghệ có chính sách gì mới thì chúng tôi có cảm giác là không nhận được sự quan tâm tương tự như vậy.

"Chúng tôi rất mong khoa học công nghệ nhận được sự quan tâm của Đại biểu Quốc hội, của người dân thì chúng tôi sẽ tiến bộ nhanh hơn", ông Quân bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong những năm qua còn quá thấp. ảnh: TTBC Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong những năm qua còn quá thấp. ảnh: TTBC Quốc hội.

Trước thắc mắc của Đại biểu Quốc hội có tình trạng công trình khoa học “xếp ngăn kéo”, Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận, có tình trạng hiệu quả của đề tài dự án ứng dụng thấp, thiếu công khai, đầu tư dài trải. Nguyên nhân do nghiên cứu không xuất phát từ nhu cầu mà chỉ theo sở thích và mong muốn của nhà khoa học, do đó không ứng dụng được.

Đồng thời, ông Nguyễn Quân chỉ rõ có 3 loại đề tài “xếp ngăn kéo” vì lý do khách quan:

Một là nghiên cứu cơ bản đi trước thời đại phải nằm ngăn kéo chờ phát triển đến trình độ nhất định mới ứng dụng được. Vì vậy, phải chấp nhận có giai đoạn chờ đợi.

Hai là đề tài nghiên cứu ứng dụng, để trở thành ứng dụng thì phải đầu tư. Nhiều đề tài thành công, nhưng thiếu đầu tư để thương mại hóa. Doanh nghiệp chưa đủ năng lực nên nhiều nghiên cứu phải chờ cơ hội đầu tư.

“Đối với nghiên cứu khoa học cơ bản thì xin phép Quốc hội là vẫn phải xếp ngăn kéo là vì những nghiên cứu này phải đi trước thời đại”, ông Quân nói.

Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu khoa học chỉ bằng 1/100 của Hàn Quốc ảnh 2

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "lúng túng" vì Đại biểu Quốc hội hỏi nhiều câu khó

Luật khoa học và công nghệ 2013 có quy định, sử dụng ngân sách phải theo đặt hàng, tức từ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, cuộc sống, không phải từ ý thích của nhà khoa học.

Nghị định hướng dẫn luật khoa học công nghệ năm 2014 có quy định cơ chế đặt hàng, các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ chiến lược phát triển xác định, đề xuất có đáp ứng nhu cầu, từ đó mới đặt hàng cơ quan nghiên cứu. Cam kết nghiên cứu thành công thì phải sử dụng và ứng dụng vào trong thực tiễn.

Thế nhưng chính ông Quân cũng phải đặt ra vấn đề: “Nếu thực hiện nghiêm luật khoa học và công nghệ 2013 sẽ không còn đề tài xếp ngăn kéo, không còn đề tài không ứng dụng được. Vấn đề là có thực hiện nghiêm túc hay không?”.

Trong những năm gần đây, đã có nhiều giáo sư, chuyên gia đầu ngành lên tiếng về các đề tài nghiên cứu khoa học “đắp chiếu”.

Giáo sư Hoàng Tụy từng phải thốt lên rằng: "Ở ta, nếu muốn có kinh phí khoa học thì anh phải thuộc biên chế của một trường, một viện nào đó, rồi anh phải đăng ký đề tài, rồi đề tài ấy phải đưa lên cấp này cấp nọ xét duyệt.

Không ở trong cơ quan nhà nước thì không thể nào có kinh phí Còn tại nhiều nước khác, bất cứ ai muốn nghiên cứu khoa học cũng được khuyến khích nghiên cứu và có nhiều cách để tìm ra nguồn kinh phí".

Theo Giáo sư Tụy, có những đề tài gọi là nghiên cứu khoa học nhưng thực ra lại chẳng có gì đáng gọi là nghiên cứu  khoa học cả. Thí dụ, có đề tài là "Nghiên cứu những biện pháp chống ách tắc giao thông trong thành phố", không nên gọi đó là đề tài nghiên cứu khoa học. Đó là công việc nằm trong chức phận của Sở Giao thông - Công chính, để cho các viên chức của cơ quan đó thực thi. 

Giáo sư Tụy chỉ rõ: “Khâu xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học để cấp kinh phí ở nước ta chưa chặt, lắm khi làm rất tùy tiện, cả khâu duyệt đề tài lẫn khâu nghiệm thu, cứ nể nang nhau nên đề tài nào cũng qua hết, mà phần lớn là được nghiệm thu xuất sắc. Tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, hoặc treo đầu dê bán thịt chó khá phổ biến”.

Ngọc Quang