Phản biện dự án sân bay Long Thành đã thay đổi tư duy người làm chính sách

26/06/2015 08:02
PGS.TS Phạm Quý Thọ
(GDVN) - “Sự tham gia phản biện của chuyên gia nhà khoa học xung quanh dự án sân bay Long Thành đã biến đổi tư duy người làm chính sách”, PGS.TS Phạm Quý Thọ.

Với 428/461 Đại biểu Quốc hội đồng ý, dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) chính thức được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia về chính sách, PGS.TS Phạm Quý Thọ - nguyên Trưởng khoa Chính sách Công Học viện Chính sách và Phát triển  (Bộ Kế hoạch đầu tư), là tác giả cuốn sách "Kinh tế Việt Nam 30 năm chuyển đổi" đã gửi đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bài viết thể hiện quan điểm của ông về những ảnh hưởng của phản biện xã hội đối với người làm chính sách hiện nay thông qua dự án sân bay Long Thành.

* Mời độc giả theo dõi bài viết của PGS.TS Phạm Quý Thọ dưới đây:

"Không phải ngẫu nhiên những dự án, chính sách lớn được Chính phủ đưa ra thu hút sự quan tâm của người dân nói chung và giới tri thức, nhà khoa học, chuyên gia phản biện nói riêng.

Từ lịch sử, khi có nhà nước chính sách luôn có sự phản hồi qua lại từ trên xuống dưới và dưới lên trên.

Với 428/461 Đại biểu Quốc hội đồng ý, Dự án sân bay Long Thành được Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua.
Với 428/461 Đại biểu Quốc hội đồng ý, Dự án sân bay Long Thành được Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua.

Trong xã hội cũ, chính sách được đưa ra áp dụng một chiều, trên áp đặt, dưới phản hồi của người dân rất ít hoặc có nhưng không được lắng nghe thấu đáo, đầy đủ.

Cùng với tiến bộ con người, chế độ xã hội thay đổi dần dần những ý kiến phản hồi của người dân, người thụ hưởng chính sách ngày một lớn dần, lan tỏa và tác động đến giới tri thức, nhà khoa học… Từ đây, thông qua kiến thức khoa học, những phản biện chính sách được tổng hợp, phân tích và có kiến nghị lên cơ quan ban hành chính sách.

Quá trình này được thể hiện ở mỗi thể chế chính trị của từng quốc gia không có sự giống nhau. 

Đối với Việt Nam, giai đoạn trước và sau khi đổi mới, vấn đề phản biện chính sách đã có sự thay đổi tư duy lớn cả hai phía.

Thứ nhất từ người thụ hưởng chính sách, giai đoạn trước đổi mới chính sách được ban hành có sự phản biện, có góp ý tuy nhiên ngay người phản biện chính sách về trình độ hạn chế hoặc chưa thoát khỏi góc nhìn thời cuộc. Vì thế phản biện chính sách không mạnh mẽ, không dám nói.

Tuy nhiên ngày nay với tri thức sự hiểu biết nhà khoa học, chuyên gia đã đưa ra phản biện mang tính khoa học, chính xác về các chính sách, dự án quan trọng mang tầm quốc gia.

Cùng với đó sự thay đổi về góc nhìn, tư duy phản biện chính sách không chỉ dừng lại ở giới tri thức mà nó từ hòn đất, từ người nông dân qua các phương tiện truyền thông truyền tải đến cơ quan quản lý.

Ví dụ điển hình gần đây nhất là chính sách hưởng bảo hiểm một lần và dự án sân bay Long Thành.

Ngoài chính sách bảo hiểm xã hội ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động, dự án sân bay Long Thành được xem tác động ít hơn hoặc có chăng chỉ người dân vùng dự án.

Tuy nhiên từ góc nhìn chuyên gia, nhà khoa học đã thấy nhiều vấn đề bất cập trong Báo cáo tiền khả thi dự án và tiến hành mổ xẻ phân tích. Không ngại công bố những phân tích, nhận định về bất cập trong Báo cáo tiền khả thi dự án ra dư luận, từ đó mang lại tín hiệu tích cực.

Thứ hai tín hiệu tích cực không chỉ biểu hiện qua việc giảm vốn đầu tư dự án từ 18,7 tỉ USD xuống còn 16,03 tỷ tỉ USD (giảm khoảng 2,7 tỷ USD) mà quan trọng hơn qua những phân tích đó khiến Chính phủ phải yêu cầu Bộ Giao thông vận tải nhiều lần tiếp thu ý kiến để chỉnh sửa Báo cáo tiền khả thi dự án.

Thứ ba, việc chia nhỏ phân kỳ đầu tư dự án sân bay Long Thành ra làm 3 giai đoạn chứ không đầu tư cấp tập như báo cáo ban đầu cũng cho thấy ý kiến phản biện đã được lắng nghe và vai trò giám sát của nhân dân mà cụ thể là các Đại biểu Quốc hội đã được nâng cao.

Nói cách khác, sự phản biện dự án này đã tác động vào tư duy người làm chính sách, người viết dự án khiến họ nghiêm túc hơn, có trách nhiệm hơn.

Như một bài viết của PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích về việc người viết dự án sân bay Long Thành ngay từ đầu đã không nghiêm túc đưa ra dự án sơ sài qua loa khiến dư luận bức xúc. Đặt giả thiết, nếu không có sự lên tiếng của chuyên gia, nhà khoa học thì Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải có nhìn ra vần đề bất cập của dự án từ đó có rà soát tính toán chi tiết để giảm mức đầu tư?

Đến thời điểm này, dù dự án được thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề băn khoăn như ảnh hưởng đến nợ công, vấn đề đội giá trong đầu tư xây dựng… Tránh điều này, cần thiết phải có ban giám sát độc lập tiến trình dự án có sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học.

Những chuyển biến trong tư duy người làm và người thụ hưởng chính sách thay đổi đến từ việc dân chủ đi vào thực tế. Không chỉ là con số báo cáo mà mỗi dự án, mỗi chính sách pháp luật được đưa ra phải có dẫn chứng, phản biện thuyết phục mọi tầng lớp trong xã hội.

Nếu những dẫn chứng phản biện đó thiếu thuyết phục sẵn sàng bị bác bỏ công khai, phản biện công khai. Điều đó cho thấy vấn đề dân chủ đang đi vào thực chất hơn".

Ngày 25/6, một ngày trước khi kết thúc kỳ họp quốc họp Quốc hội khóa 13, Đại biểu quốc hội đã biểu quyết chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

428/461 Đại biểu có mặt đồng ý thông qua chủ trương này.

Theo đó, quy mô của dự án: Đầu tư xây dựng các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tổng mức đầu tư: Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.

Diện tích đất của Dự án là 5.000 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha; diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha; diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác là 1.200 ha.

Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành sẽ được chia thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1: Đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Giai đoạn 2: Tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở và 1 nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Giai đoạn 3: Hoàn thành các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.

PGS.TS Phạm Quý Thọ