"Tôi bị sốc nếu Uber ghi âm, ghi hình khách hàng"

26/06/2015 14:53
Minh Hồng
(GDVN) - Blogger Nguyễn Ngọc Long chia sẻ như trên khi đại diện Uber khẳng định, có dữ liệu tố hành khách không thực hiện đúng cam kết.

Những ngày qua câu chuyện khách hàng tên Tuấn (TP.HCM) phản ánh về những phiền toái khi sử dụng xe taxi Uber lan tỏa trên Facebook thu hút sự quan tâm của cộng đồng. 

Cụ thể theo chia sẻ trên Fanpage, anh Tuấn cho biết tài khoản của anh đã bị Uber tự động trừ 350.000 đồng. Nguyên nhân khiến Uber trừ tiền do vợ của anh Tuấn đã nôn ra xe và khoản tiền đó là "phí dọn dẹp" mà vợ chồng anh Tuấn phải thanh toán cho tài xế. 

Tuy nhiên anh Tuấn bức xúc cho rằng, vợ mình không nôn ra xe như Uber nói, do vậy anh Tuấn đòi hỏi phía Uber khi trừ tiền trong tài khoản của anh, cần đưa ra được thông tin xác thực để chứng minh vợ anh đã ói làm bẩn xe và mức độ làm bẩn đó ra sao.

Taxi Uber bị đặt nghi vấn việc thu thập thông tin dữ liệu hành khách, nếu thông tin này là sự thực theo Blogger Nguyễn Ngọc Long sẽ gây "sốc" với hành khách đã từng sử dụng dịch vụ này.
Taxi Uber bị đặt nghi vấn việc thu thập thông tin dữ liệu hành khách, nếu thông tin này là sự thực theo Blogger Nguyễn Ngọc Long sẽ gây "sốc" với hành khách đã từng sử dụng dịch vụ này.

Trước phản ánh này, trả lời báo chí ông Đặng Việt Dũng - Giám đốc điều hành Uber Việt Nam khẳng định: Uber có đủ bằng chứng để chứng minh về việc vợ khách hàng Tuấn đã làm bẩn chiếc xe của đối tác Uber. Bên cạnh đó, Uber “cấm” khách hàng sử dụng dịch vụ taxi Uber…

Xung quanh câu chuyện này ở góc nhìn truyền thông, Blogger Nguyễn Ngọc Long - chuyên gia truyền thông xã hội cho rằng, hình ảnh Uber trở nên xấu xí trong mắt hành khách.

“Tuy nhiên hình ảnh xấu đó ảnh hưởng đến Uber như thế nào thì lại phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến việc Uber khẳng định đủ bằng chứng, dữ liệu chứng minh hành khách nôn ra xe từ đó làm căn cứ phạt hành khách”, Blogger Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.

Đặt giả thiết dữ liệu Uber nói là bằng chứng đó được hãng đưa ra bằng ghi âm cuộc trò chuyện với khách, bằng hình ảnh gắn trong ô tô… “Nếu điều đó là sự thật sẽ là cú sốc lớn, bởi quyền riêng tư luôn là vấn đề nhạy cảm và mỗi người đều có quyền riêng tư riêng”, Blogger Nguyễn Ngọc Long chia sẻ.

Với giả thiết trên hai trường hợp sẽ xảy ra, thứ nhất khách hàng được biết trước việc cuộc thoại của mình sẽ bị ghi âm, hoặc trong ô tô có camera ghi hình…Như vậy khi chấp nhận đi taxi Uber, khách hàng chấp nhận thông tin cá nhân của mình sẽ bị Uber thu thập.

Ở trường hợp thứ hai, việc ghi âm, ghi hình lén lút nhằm mục đích xấu. Điều này rõ ràng không thể chấp nhận được bởi không ai biết Uber sẽ dùng thông tin dữ liệu cá nhân của hành khách để làm gì?

“Người ta có thể dùng dữ liệu cá nhân dùng mục đích quảng cáo hoặc cung cấp cho bên thứ ba để quảng cáo. Ví dụ đẩy quảng cáo vào điện thoại của hành khách, hoặc sử dụng uy tín của hành khách quảng cáo sản phẩm cho bên thứ ba. Thậm chí trường hợp xấu nhất có thể thông tin cá nhân đó được dùng mục đích truy cập vào tài khoản cá nhân, tài khoảng ngân hàng… Rất nhiều lo ngại từ phía khách hàng nếu thông tin cá nhân của mình bị lộ”, Blogger Nguyễn Ngọc Long phân tích.

Ngay cả việc sử dụng thông tin cá nhân khách hàng để làm gì, Uber hoàn toàn có thể phủi tay. Bởi chỉ cần Uber cho rằng việc ghi âm hay đặt máy quay trong xe ô tô là chủ ý của tài xế, không phải của hãng, như vậy Uber dễ dàng phủi trách nhiệm khi thông tin cá nhân đó được thu thập hay bị rò rỉ ra bên ngoài.

“Tất cả phân tích đó chỉ mức độ giả thiết nhưng cho đến khi Uber chưa nói rõ thì khách hàng hoàn toàn có quyền nghi ngờ”, Blogger Long nói.

Về việc Uber cấm hành khách sử dụng dịch vụ taxi của hãng, theo ông Long, đó là quyền của doanh nghiệp trong kinh doanh thị trường. Uber không phải công ty nhà nước, không có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ công cộng nên cái gì họ thấy có lợi thì họ sẽ làm.

Bên cạnh Blogger Nguyễn Ngọc Long cũng cho rằng cách xử lý sự cố truyền thông Uber không thiện cảm. Bởi Uber cho rằng hành khách có thái độ ứng xử không phù hợp với tài xế, khi đó hoàn toàn tài xế có quyền từ chối phục vụ, thậm chí cấm hành khách sử dụng dịch vụ của Uber ngày lúc đó.

Ngược lại Uber đưa ra việc cấm khách hành sử dụng dịch vụ Uber sau sự cố trên dễ khiến người khác hiểu Uber đang “dỗi hờn” thể hiện quyền lực của mình.

Nếu thu thập thông tin dữ liệu hành khách Uber có vi phạm luật? Đây câu hỏi được đặt ra khi theo quy định Điều 21 - Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam và Điều 38 - Bộ Luật Dân sự.

Điều 21 (Hiến Pháp):

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.  

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luậtthư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.

Điều 38 (Bộ Luật Dân sự). Quyền bí mật đời tư:

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Minh Hồng