Người thay trời làm mưa

02/10/2011 06:13
Theo LÊ TRƯỜNG/Người lao động

Chuyện xẻ đá, vỡ núi, tạo dòng nước mát trên vùng đất khô khát bán sơn địa của một nông dân người Chăm mới nghe cứ ngỡ như cổ tích.

Mặc cho bao lời đàm tiếu, anh vẫn bán cả sản nghiệp để quyết “thay trời làm mưa”

Cuối tháng 9-2011 nhưng ở Ninh Thuận, xứ sở xương rồng được mệnh danh là “tiểu vùng sa mạc” của cả nước, vẫn nóng rát đến khô người. Chuyện về cách làm thủy lợi không giống ai của anh nông dân Đạo Văn Nũng, một người Chăm ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn – Ninh Thuận với trình độ học vấn chỉ ở bậc trung học cơ sở, đã thôi thúc chúng tôi tìm đến nơi để chứng kiến nhiều điều kỳ diệu.

Thi gan cùng sỏi đá

Nhiều già làng gần một đời người gắn bó với vùng đất Lương Tri ở xã Nhơn Sơn kể rằng chỉ độ hơn 10 năm trước đây thôi, thung lũng núi Ngỗng, cách Lương Tri khoảng 2 km về hướng Tây, vẫn còn heo hút lắm.

“Đất đai thì mênh mông nhưng nước thì lúc nào cũng cạn kiệt, thậm chí đến mùa khô, vùng này không có lấy một giọt. Do vậy, dẫu là vùng thuần nông nhưng bà con người Chăm ở Lương Tri chẳng ai dám khai hoang, vỡ đất ở núi Ngỗng để canh tác. Nhiều người còn bảo rằng muốn trồng vài cây bạch đàn, keo lá tràm cho mát mắt cũng không dám” - ông Đạo Văn Dung, một lão nông ở Lương Tri, cho biết.

Vậy mà, một ngày cuối năm 1998, mọi chuyện đã hoàn toàn đổi khác khi chàng thanh niên chính hiệu nông dân Đạo Văn Nũng (Hai Nũng), 33 tuổi, táo bạo làm cuộc thi gan cùng sỏi đá. Gần 2 tháng trời cơm đùm, cơm túm âm thầm sáng lên núi, chiều về nhà để khảo sát địa hình, Hai Nũng và vợ mày mò tự thiết kế bản vẽ, chiết tính chi phí cho công trình thủy lợi vừa chớm nảy ra trong đầu anh.

Đạo Văn Nũng (Hai Nũng) và trạm bơm nước của công trình thủy lợi không giống ai của mình

Sau năm lần bảy lượt chỉnh sửa “dự án”, Hai Nũng quyết định gom hết vốn liếng của gia đình lúc bấy giờ - ngót nghét 50 triệu đồng - để bắt tay vào cuộc. Nhiều người dân địa phương đã thật sự bị choáng và không ngần ngại cho rằng Hai Nũng “gàn, khùng” vì dám mang bán cả sản nghiệp để làm chuyện công cốc kiểu “thay trời làm mưa”! Không màng những lời đàm tiếu của láng giềng, anh vẫn lặng lẽ kêu người làm, thực hiện cho bằng được ý tưởng không giống ai nhưng rất có cơ sở khoa học của mình.

Nhớ lại những ngày đầu “ra quân”, Hai Nũng trầm ngâm: “Thật ra bà con nói ra nói vô cũng có lý bởi khoảng cách từ mương Cái tới khu vực tôi dự tính đặt trạm bơm đến hơn nửa cây số chứ ít gì! Hơn nữa, do chênh lệch về độ cao giữa hai nơi quá lớn nên mương dẫn phải đào sâu ít nhất 4-5 m mới có thể đưa được nước vào. Như anh thấy đó, giữa một vùng toàn đá với đá như núi Ngỗng thì việc này chẳng dễ chút nào...”.

Vui hơn Tết

Khi “dự án” thủy lợi này chính thức khởi công được hơn một tháng, nhiều trai làng làm công cho Hai Nũng đã không ít lần khuyên anh nên bỏ ý định “trị thủy” vì không khéo sẽ trắng tay. “Trắng tay thì tôi không sợ nhưng bỏ cuộc thì coi như chấm hết. Núi Ngỗng khô cháy muôn đời sẽ vẫn mãi cháy khô” - Hai Nũng tâm sự. Quyết không bỏ cuộc, Hai Nũng cho dựng lán trại ngay trên công trình để “đốc quân”.

Ròng rã gần một năm, ngày nắng ráo thì đào, lúc mưa tạm nghỉ, cứ thế Hai Nũng cho thực hiện từng mét mương một. Rồi thì đá núi cũng đã phải chịu thua bởi sức vóc lực điền và ý chí kiên định của những chàng trai vùng Lương Tri. Một đường mương dẫn nước thẳng tắp hình thành từ bờ mương Cái lên đến giữa vùng đồi gần chân núi Ngỗng.

Người thay trời làm mưa ảnh 2

Chàng nông dân Đạo Văn Nũng cùng vợ mãn nguyện bên cánh đồng tươi tốt nhờ “dự án” thủy lợi của anh

Kể lại nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế thì không dễ chút nào. Khi con mương dài ra cũng là lúc số tiền 50 triệu đồng ban đầu của Hai Nũng không còn một xu. Anh lại tiếp tục vay mượn thêm 50 triệu đồng để lắp đặt ống dẫn và hoàn thiện công đoạn cuối của công trình: Xây bể chứa với 4 máy hút nước ngay tại trạm bơm và hơn 500 m mương nổi trải đều khắp vùng đồi núi Ngỗng.

Ngày Hai Nũng khai trương hệ thống bơm nước của mình, dân vùng Lương Tri kéo đến xem như hội. Nhìn những chiếc máy bơm khạc nước ào ào, trắng xóa, Hai Nũng mừng bao nhiêu thì dân trong vùng còn vui hơn Tết.

Lột xác nhờ “rồng nước”

Tận mắt nhìn thấy hệ thống thủy lợi của Hai Nũng, chúng tôi thật sự thán phục anh. Bởi chuyện dẫn thủy nhập điền của Hai Nũng không chỉ đơn thuần là khơi mạch, đào mương rồi bơm tưới như nông dân vốn đã quen làm. Chúng tôi thắc mắc: “Vì sao cứ mỗi đoạn 700m trong hệ thống ống dẫn lại phải nối nhau bằng những chiếc cống, loại dùng để làm giếng?”, Hai Nũng giải thích: “Những chiếc giếng ngầm là chỗ chứa bùn rác mỗi khi bơm nước. Khi muốn vệ sinh đường ống thì chỉ cần cắt nước từ nguồn mương và xuống nạo vét là xong”.

Chưa đến một năm sau ngày con “rồng nước” của Đạo Văn Nũng lượn lờ dưới chân núi Ngỗng, màu trắng bạc của đất cằn sỏi đá nơi này đã trở thành tấm thảm xanh của hàng chục hecta đồng lúa và hoa màu. Hai Nũng không giấu giếm bảo đất ở đây màu mỡ lắm nên chỉ sau hơn 3 năm chịu khó cày sâu cuốc bẫm, hơn 2 ha đất khoán đã mang về cho gia đình anh hàng chục triệu đồng từ cây thuốc lá và nho. Chắt chiu trả nợ cũ, rồi dành dụm cất nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi, vợ chồng anh tiếp tục phát triển chăn nuôi, vỡ hoang, mở rộng diện tích canh tác.

 
Đất không phụ người, nay gia đình Hai Nũng đã là chủ nhân của trang trại cây thuốc lá hơn 3,5 ha, có cả 2 lò sấy theo quy trình sơ chế khép kín; gần 2,5 ha vườn cây trinh nữ hoàng cung và cả trăm con dê, bò, cừu. Với mô hình kinh tế “lấy cây nuôi con”, nguồn lợi gia đình Hai Nũng thu về trên trăm triệu đồng mỗi năm là trong tầm tay.

Vậy là đã hơn 12 mùa bằng lăng nở tím trên thung lũng xanh núi Ngỗng, không ai còn dám bảo Hai Nũng là “gàn” nữa. Có nước tưới, đâu chỉ Hai Nũng “lột xác” mà hàng trăm người dân Lương Tri cũng từ đó đổi đời…

Quay về bám đất, bám đồng

Ông Châu Hán, 60 tuổi, cứ nhắc mãi với chúng tôi chuyện nghĩa tình của vợ chồng Hai Nũng với bà con người Chăm ở vùng Lương Tri. “Bỏ ra cả gia tài để làm thủy lợi, chú ấy đâu chỉ làm lợi cho riêng bản thân.

Hơn 20 ha đất màu của bà con trong thôn mấy năm nay cũng nhờ chú ấy tưới nhưng không tính toán thiệt hơn. Những nhà khó khăn, chú Nũng chỉ nhận thù lao gọi là chi phí xăng dầu… Gia đình tôi chẳng hạn, nếu không nhờ Hai Nũng thì gần 5 sào thuốc lá đành phải bỏ hoang thôi” - ông Hán cảm động.

Hàng chục hộ dân của vùng Lương Tri trước đây chỉ biết làm thuê kiếm sống qua ngày nhưng từ lúc có nguồn nước của Hai Nũng về, tất cả đã quay về bám đất, bám đồng.

“Như đợt hạn năm 2004-2005 kéo dài gần một năm, dữ dội vậy nhưng tụi tôi đâu thiếu giọt nước nào. Đất màu mỡ thế kia mà bỏ hoang thì phí lắm!” - nhiều nông dân ở Lương Tri háo hức.

Theo LÊ TRƯỜNG/Người lao động