Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nói gì về vấn đề biên giới Việt Nam-Campuchia?

04/07/2015 08:10
Hồng Thủy
(GDVN) - Một giáo sư luật và là nhà quan sát Campuchia cho biết, ông thấy rất ít khả năng Liên Hợp Quốc sẽ can thiệp vào vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ảnh: Andrew Burton/Getty.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ảnh: Andrew Burton/Getty.

Đài VOA Hoa Kỳ ngày 4/7 dẫn lời người phát ngôn của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Eri Kaneko cho biết, ông Ban Ki-môn theo dõi diễn biến trên biên giới Việt Nam - Campuchia và hoan nghênh thỏa thuận hai nước thiết lập một nhóm làm việc chung để kiểm tra, làm rõ các sự việc gần đây.

Tuyên bố được đưa ra sau hôm Chủ Nhật tuần trước khi một nhóm người Campuchia bao gồm một số nghị sĩ đối lập đã vượt mốc 203 tiến sang Việt Nam, địa bàn lãnh thổ thuộc tỉnh Long An dẫn đến sự va chạm với người dân và lực lượng chức năng sở tại. Không những vậy, phe đối lập Campuchia còn đòi đưa vấn đề biên giới ra Tòa án Công lý quốc tế. Tuy nhiên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia bác bỏ điều này.

Vấn đề biên giới thường được đảng Cứu quốc Campuchia sử dụng như một chiêu bài chính trị kích động hận thù dân tộc, bài Việt, phá hoại hòa bình và ổn định trên tuyến biên giới giữa 2 nước nhằm lôi kéo sự ủng hộ đối với đảng này - PV. 

Peter Maguire, một giáo sư luật và là nhà quan sát Campuchia cho biết, ông thấy rất ít khả năng Liên Hợp Quốc sẽ can thiệp vào vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia. "Không có giải pháp dễ dàng. Đã có sự không tin tưởng lẫn nhau giữa người Campuchia và người Việt", Maguire bình luận.

Sok Touch, một Trưởng khoa của đại học Khemarak nói rằng sự mất lòng tin giữa người Campuchia với người Việt được thúc đẩy bởi sự hỗ trợ của Campuchia ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Sok Touch cho rằng "Việt Nam đang gây sức ép với Campuchia"?!

Theo The Cambodia Daily ngày 3/7, Trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia hôm Thứ Năm đã tổ chức họp báo bác bỏ tuyên truyền của phe đối lập về vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia với luận điệu (xuyên tạc) rằng "người Việt lấn đất". Trong cuộc họp báo này ông Var Kim Hong đã công bố một số mảnh bản đồ sử dụng để phân giới cắm mốc.

Ông Var Kim Hong, Trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia giới thiệu với báo giới một số bản đồ dùng phân giới cắm mốc với Việt Nam, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của phe đối lập. Ảnh: The Cambodia Daily.
Ông Var Kim Hong, Trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia giới thiệu với báo giới một số bản đồ dùng phân giới cắm mốc với Việt Nam, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của phe đối lập. Ảnh: The Cambodia Daily.

Ông Var Kim Hong cho biết, tuyên bố của phe đối lập chẳng khác nào cáo buộc đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền "phản bội đất nước vì sử dụng các bản đồ làm sai, gây mất đất đai và chủ quyền". Trưởng ban Biên giới Chính phủ Campuchia khẳng định: "Các bản đồ được đưa ra ngày hôm nay là để bác bỏ những chỉ trích này. Vì vậy xin vui lòng không đưa vấn đề biên giới ra để đánh bóng cho mình".

"Các bản đồ chúng ta đang thấy ở đây là Bản đồ địa lý Đông Dương và 26 mảnh bản đồ khác đã được tìm thấy tại Sở Địa lý của chúng tôi ở đây khi chúng tôi được cứu năm 1979. Những bản đồ khác chúng tôi đã nhận được từ cơ quan địa lý của Pháp". Ông dành một giờ để trình bày về các bản sao kỹ thuật các mảnh bản đồ này, ông khẳng định Việt Nam và Campuchia đã phân giới cắm mốc chính xác theo những bản đồ này.

Ngày 3/7 The Phnom Penh Post cho biết, ông Var Kim Hong đã khẳng định trước báo giới rằng, Việt Nam chỉ cung cấp phôi bản đồ hoàn toàn trắng, không có đường biên giới nào và các nhóm công tác hỗn hợp đã cùng khảo sát, lên đường biên giới trên bản đồ trắng trước khi đàm phán, ký kết.

"Chúng tôi đã tôn trọng đầy đủ hiến pháp. Chúng tôi không sử dụng bất kỳ bản đồ nào sai sự thật và chính phủ hoàng gia không làm gì thiếu minh bạch, nhưng biên giới là một vấn đề nhạy cảm", ông Var Kim Hong nói.

Tuy nhiên một số nghị sĩ phe đối lập vẫn tiếp tục quan điểm chống phá biên giới Việt Nam - Campuchia đến cùng. Tuần tới Ủy ban Biên giới chính phủ 2 nước Việt Nam, Campuchia gồm khoảng 20 quan chức mỗi bên sẽ gặp nhau tại Siem Reap để thảo luận quá trình phân giới cắm mốc.

Hồng Thủy