Từ thảm án Bình Phước, nghĩ về tâm lý tội phạm trẻ tuổi

18/07/2015 06:52
Thùy Linh
(GDVN) - Sự lười nhác, sự nóng vội, sự ỷ lại, sự ích kỷ cá nhân ở một số bạn trẻ dễ đẩy các bạn đi đến sự ứng xử sai, sự hành động lệch lạc và việc phạm tội là rất gần.

Sau vụ án ở Bình Phước xảy ra gần đây đã báo động tình trạng giới trẻ phạm tội đang có xu hướng gia tăng về số vụ cũng như mức độ tàn bạo, máu lạnh của hành vi. 

Vấn đề này Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn Nhà nghiên cứu tâm lý PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Xã hội Việt Nam

Phóng viên: Qua nhiều vụ án, hoàn cảnh gia đình không tốt thường dẫn đến các em ít được quan tâm nên dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào con đường phạm tội. 

Tuy nhiên, thủ phạm giết 6 người trong vụ án ở Bình Phước không nằm trong hoàn cảnh đó. PGS.TS lý giải như thế nào về trường hợp này?


PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Tôi nghĩ đây là một sự việc rất đáng buồn. Đầu tiên, nhiều người tự hỏi sao có thể đang tâm giết người mình từng thương yêu? Sao có thể nhẫn tâm giết người mình từng yêu quý và ăn sống chung một ngôi nhà.
 
Chỉ có thể là cái ác mất hết tính người, mất hết lương tâm mới có thể tàn độc đến mức khủng khiếp như thế. 

Diễn tiến tâm lý có quyền sở hữu người khác ngay cả việc người ấy đã từng là của mình, đã ăn ở với nhau đã diễn ra trong tâm lý nghi phạm. 

Tâm lý trả thù xuất phát từ sự ích kỷ, sự ghen tuông một cách quá đáng, sự hung hãn và cả sự độc tài của một con người. 

Đó là chưa kể canh bạc của cuộc đời, canh bạc của tương lai, sự kỳ vọng về một mối tình đã có, sự xúc cảm sâu sắc với những biểu tượng sâu sắc về mối quan hệ đã có dễ đẩy hành vi phạm tội xảy ra…

Thời gian gần đây, tình trạng giới trẻ phạm tội đang có xu hướng gia tăng về số vụ cũng như mức độ tàn bạo, máu lạnh của hành vi. Theo ông, những nhân tố nào dẫn đến tình trạng này?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Lý giải theo cách giản đơn nhất đó là kiểu sống và lối suy nghĩ của nhiều bạn trẻ có vấn đề. Các bạn dễ chán với cuộc sống nhạt nhẽo của mình, thiếu những gia vị mạnh trong “nồi lẩu” thập cẩm tuổi trẻ, nên phải làm cái gì đó mang tính độc đáo và thậm chí là đình đám. 

Một số bạn trẻ dễ nổi cáu vì những chuyện đâu đâu. Các bạn cũng không sẵn sàng để có thể hướng đến mục tiêu đã xác lập bằng sự kỳ vọng của chính mình với sự nỗ lực cao độ. 

Sự dễ dàng nản chí, sự lười nhác, sự nóng vội, sự ỷ lại, sự ích kỷ cá nhân ở một số bạn trẻ dễ đẩy các bạn đi đến sự ứng xử sai, sự hành động lệch lạc và việc phạm tội là rất gần. 

Đó là chưa kể những tác động rất tiêu cực từ phía gia đình dẫn đến sự chới với trong tâm hồn. Nhiều bạn trẻ cảm thấy không có chân đế ngay trong chính gia đình của mình. 

Không ít nỗi buồn hay sự thất bại của các bạn trẻ không có dịp sẻ chia, một phần là do nghĩ rằng mình đã tự lập, một phần thì cha mẹ không gần gũi hay không đồng cảm… Tất cả đẩy bạn trẻ vào sự chới với và hành vi phạm tội cũng càng dễ xảy ra. 

Không ít thầy cô ở Nhà trường thì chỉ nghĩ đến chuyện nếu không dạy dỗ được thì đuổi học mà quên rằng các em sẽ vào đời bằng cách nào. Việc kỷ luật thiếu hẳn một số tác động mang tính giáo dụ. 

Nhà nghiên cứu tâm lý PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Xã hội Việt Nam
Nhà nghiên cứu tâm lý PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Xã hội Việt Nam

Một thực tế cũng cần được thừa nhận là các tác động về nhân văn của Nhà trường thiếu đồng bộ, hệ thống và sâu sắc. Một số trẻ chưa cảm nhận được các rung động về tình thương, về lòng nhân ái và sự bao dung trong cuộc sống. 

Bản thân một số bạn trẻ cũng tỏ ra rất thoải mái và hợp tác khi học tập. Nhưng ẩn chứa đằng sau đó là những thái độ tiêu cực, là sự nản lòng, là sự bực tức hay có những cảm xúc tiêu cực không thẳng thắn bày tỏ… hành vi tội ác hay phạm tội lại có thể xuất phát không ít thì nhiều từ những hẫng hụt trong cuộc sống. 

Vậy theo PGS.TS, làm thế nào để phòng ngừa và hạn chế tình trạng này?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Trách nhiệm của các lực lượng cần phải sát sao hơn với việc giáo dục pháp luật, giáo dục giá trị nhân văn trong cuộc sống. 

Xử lý kịp thời, rốt ráo, nghiêm khắc, đầy trách nhiệm và hết lòng về giáo dục là trách nhiệm không thể chỉ bằng lời thực sự cấp thiết hiện nay. Đó được xem là chiến lược phòng ngừa và hạn chế tình trạng này.

Cha mẹ cũng cần gần gũi hơn với con cái và thực hiện thật hiệu quả các tác động giáo dục con cái về việc chọn bạn, ứng xử, định hướng cuộc sống. Tuy nhiên, cũng cần giúp con hiểu rằng chính con cái là người quyết định. 

Nhưng cũng nhấn mạnh rằng một mặt, con cái chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Một mặt cũng nhấn mạnh rằng quyết định của con cái có ảnh hưởng đến người thân và gia đình. 

Sự gần gũi, sẻ chia và quan tâm đích thực đến những nỗi buồn, sự trăn trở và thất bại của con để định hướng hành vi cũng trở nên cần thiết. 

Về phía các bạn trẻ, mỗi cá nhân đặc biệt là các bạn trẻ cần tỉnh táo trong những mối quan hệ khác nhau. 

Cần thực sự cẩn trọng khi chọn cho mình một mối quan hệ. Cần hết lòng nhưng đừng quên rằng phải nghiêm túc và chịu trách nhiệm nếu đã xác lập mối quan hệ. 

Chính sự cân nhắc và sự lựa chọn quan hệ yêu đương sẽ làm cho mỗi cá nhân, mỗi con người biết bảo vệ sự an toàn của chính mình cũng như của những người thân. 

Theo PGS.TS, khi rơi vào hoàn cảnh bất lợi như bị tội phạm tấn công, cướp tài sản thì mọi người cần làm gì để bảo toàn tính mạng, tài sản?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Hãy trang bị cho mình những kỹ năng sống cần thiết. Cụ thể cần thực sự bình tĩnh và cầu cứu thật nhanh chóng các lực lượng phản ứng nhanh. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc và xử lý tình huống mang tính tình thế rất quan trọng. 

Kỹ năng ứng xử sao cho thật mềm dẻo để nhằm thoát thân, cứu mạng sống của gia đình, tìm cách thoát hiểm sẽ có thể là giải pháp tạm thời. 

Quan trọng nhất đó là sự tự vệ cũng như sự ứng xử thông minh, có kỹ năng trong những tình huống nguy cấp.

Thùy Linh