Kì 5:Vì sao giang hồ đất Cảng liều lĩnh, manh động, hung bạo

03/10/2011 06:12
Thảo Lăng
(GDVN) -Vào những năm 80, 90 của thế kỉ trước, ở thành phố Hải Phòng xuất hiện một thế giới ngầm được tổ chức có bài bản, hệ thống...
Nhắc về giang hồ đất Cảng cùng với thế giới ngầm của nó, thông thường người ta sẽ tò mò muốn tìm hiểu những câu chuyện bí ẩn về luật lệ riêng, cuộc sống ngoài vòng pháp luật của dân anh chị, những tay dao búa. 
Nhưng ít ai biết rằng không phải ngẫu nhiên mà thế giới ngầm ấy phát triển mạnh nhất ở Hải Phòng. Càng không phải ngẫu nhiên mà cả chất lượng lẫn số lượng dân giang hồ nơi đây được đánh giá cao hơn giang hồ nơi khác. 
Theo GS.TS Trương Công Am, trưởng bộ môn Tâm lý học tội phạm, Học viện An ninh nhân dân thì: Một nơi sinh ra nhiều tội phạm là nơi có nhiều điều kiện về vị trí, kinh tế, xã hội thuận lợi cho các loại tội phạm phát sinh và phát triển. Và Hải Phòng là một nơi như thế”. Sự thực là giang hồ Hải Phòng là thế giới ngầm có một lịch sử hình thành và phát triển khá đặc biệt.

GS.TS Trương Công Am, trưởng bộ môn Tâm Lý học tội phạm, học viên An ninh nhân dân
GS.TS Trương Công Am, trưởng bộ môn Tâm Lý học tội phạm, học viên An ninh nhân dân

Vì sao có giang hồ đất Cảng? 
Giang hồ Hải Phòng xuất hiện từ những năm tháng đầu thế kỉ XX, giai đoạn mà nhà Văn Nguyên Hồng viết tiểu thuyết “Bỉ vỏ”. Tác phẩm đã phản ánh thực trạng về một xã hội rối ren đương thời, nơi mà những con người luôn bị dồn ép vào con đường không thể yên ổn, lương thiện. 
Và nhân vật chính- Tám Bính là hình mẫu đầu tiên về hình ảnh của một giang hồ đất Cảng, chuyên làm nghề cướp giật và sống ngoài vòng pháp luật. Dù chỉ là nhân vật trong tiểu thuyết, nhưng Tám Bính là một bằng chứng cho sự xuất hiện rất sớm của giới giang hồ ở Việt Nam. 
Lý giải cho điều này, nhà văn Nguyễn Đình Tú (người gốc Hải Phòng), trưởng ban văn xuôi tạp chí Văn nghệ quân đội, cũng là người đã nghiên cứu nhiều năm về giới giang hồ Hải Phòng nói: “Nhiều người cho rằng, giang hồ Hải Phòng thời trước là sản phẩm tất yếu từ chế độ hà khắc của thực dân Pháp.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú, tạp chí Văn nghệ quân đội, một nhà văn trẻ có nhiều tác phẩm hay về tội phạm Hải Phòng (st)
Nhà văn Nguyễn Đình Tú, tạp chí Văn nghệ quân đội, một nhà văn trẻ có nhiều tác phẩm hay về tội phạm Hải Phòng (st)

Nhưng tôi cho rằng, đó không phải nguyên nhân chính. Bởi vì, ngay ở thời bình, chế độ Xã hội chủ nghĩa của ta, giang hồ đất Cảng vẫn tồn tại. Nguyên nhân chính thuộc về tính cách đặc biệt của người Hải Phòng khi được nuôi dưỡng trong một bối cảnh thuận lợi”.
Theo nhà văn, Hải Phòng và Nam Định là những nơi mà giới giang hồ phát triển mạnh và có tính “máu me” nhất miền Bắc. Đây cũng là 2 nơi mà thành thị xuất hiện khá sớm. Khi mà nước ta vẫn giống như một cái làng lớn, mọi người dân chủ yếu vẫn là những nông dân thì ở Hải Phòng, Nam Định đã có những thành thị khá lớn. Trong quá trình lâu dài, những thành thị này hình thành một lớp thị dân với lối sống và tính cách khác biệt. 
Vào thời Pháp thuộc, chế độ thực dân ngặt nghèo đã đẩy dân ta vào tình trạng bần cùng hóa, tha hóa đạo đức. Người nông dân nếu có tha hóa thì cũng lắm cũng chỉ như Chí Phèo rạch mặt ăn vạ kiếm mấy đồng bạc uống rượu. Nhưng dân thành thị bị tha hóa thì bắt buộc phải cướp bóc, đánh bạc, đòi nợ thuê, …đúng theo lối sống thành thị. Do vậy, hình thành giang hồ đất Cảng.
Bên cạnh nguyên nhân xuất hiện thành thị sớm, Hải Phòng còn là địa bàn lý tưởng để cướp bóc và chạy trốn. Về điều này, nhà văn Lê Lựu cho rằng: Hoạt động giao thương ở cảng biển khiến Hải Phòng sớm trở thành nơi giàu có, nhiều tiền của, dân tứ xứ tập chung đến làm ăn, buôn bán khiến tình hình an ninh trở nên phức tạp hơn nơi khác.
Hải Phòng xưa vốn là mảnh đất ven biển, nhiều sình lầy đồng bãi. Đồng bãi ở Hải Phòng nhiều lau sậy, lại thoáng, rộng, một mặt giáp biển,…. Bên cạnh đó, ở Hải Phòng, cảng biển hoạt động từ rất sớm, có thể thông thương với Sài Gòn, vừa có thể đi Hồng Kông, Ma Cao (những thiên đường của tội phạm quốc tế). Vì thế, đây là nơi thích hợp cho việc ẩn nấp, chạy trốn của những kẻ thủ ác. 
Vì sao giang hồ đất Cảng liều lĩnh, manh động?
Nhà báo Nguyễn Thế Khoa (Báo An ninh Hải Phòng) cho rằng, tội phạm cộm cán ở Hải Phòng xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ phát triển mạnh và được gọi là giang hồ đất Cảng từ sau năm 1975. Khi đất nước thống nhất, hoạt động thông thương qua đường biển giữa hai miền Nam Bắc bắt đầu nối lại, chuyến tàu khách Thống Nhất mang theo những tên tội phạm ở Hải Phòng vào Sài Gòn để tìm địa bàn hoạt động rộng lớn, màu mỡ hơn. 
Để bám trụ ở miền đất mới, tội phạm Hải Phòng chẳng những phải tỏ ra liều lĩnh, mà còn phải học được tất cả những thủ đoạn của tội phạm Sài Gòn. Đây cũng là phương thức làm ăn mà sau này một số trùm tội phạm như Dung Hà đã sử dụng sau khi ra tù và bị công an Hải Phòng đánh bật khỏi địa bàn.
Giang hồ đất Cảng cũng chính là cái tên mà dân miền Nam đặt riêng vừa để phân biệt, cũng là cách tỏ ra kiêng nể tội phạm Hải Phòng. (Dân miền Nam dùng từ “giang hồ”, miền Bắc dùng từ “bụi đời” để chỉ những người nay đây mai đó, bốn biển là nhà).
Đồng thời, Hải Phòng là cửa ngõ chính để giao lưu kinh tế giữa Việt Nam với thế giới. Những chuyến tàu viễn dương mang hàng ra nước ngoài đã tạo ra tầng lớp thủy thủ tàu viễn dương, hay được gọi vui là những tay buôn lậu quốc tế. Họ mang theo vàng, đồ điện tử, đô la về nước và trở thành miếng mồi ngon cho giới giang hồ làm nghề bảo kê ở cảng. Cảng Hải Phòng trở thành nơi trung chuyển, trốn chạy, thậm chí là nơi “xuất nhập khẩu” tội phạm của nước ta. 
Một trong những tên trùm giang hồ khét tiếng trong giới bảo kê ở Hải Phòng ngày ấy là Cu Nên. Sau 2 năm sống ở trại tỵ nạn Ma Cao, Cu Nên trở về cùng vợ con mang theo những thủ đoạn đánh cờ bạc bịp, bảo kê, đâm thuê chém mướn giao lưu được ở đất khách. 
Ngày ấy, ở Hải Phòng có một số quán bar chỉ bán hàng cho người nước ngoài có hộ chiếu. Nhưng chỉ cần một khẩu K54 là Nên có thể “xin” được vài thùng rượu Tây mang ra ngoài bán vô tư. Dần già, Nên chuyển sang bảo kê cho những quán mà hắn từng “xin đểu”.

Nhà Văn Lê Lựu, người viết nhiều tác phẩm về người Hải Phòng và tội phạm Hải Phòng.
Nhà Văn Lê Lựu, người viết nhiều tác phẩm về người Hải Phòng và tội phạm Hải Phòng.

Cứ như thế, giang hồ đất Cảng ngày càng hình thành quy củ, hệ thống và phát triển mạnh hơn, bất chấp sự nỗ lực của cơ quan công an sở tại. Trong kháng chiến chống Pháp, giang hồ đất Cảng vốn đã nổi tiếng liều lĩnh, máu lạnh thì nay như hổ được chắp thêm cánh. 
Lúc này, bên cạnh những tên cướp đường táo tợn bằng vũ khí nóng, xuất hiện thêm một tầng lớp có tổ chức và thủ đoạn ở mức độ cao cấp hơn.  Đó là loại tội phạm hoạt động theo nhóm, băng đảng để thực hiện đồng thời vừa cướp bóc, đánh người, đòi nợ, lại vừa tổ chức đánh bạc. 
Vào những năm 80, 90 của thế kỉ trước, ở thành phố Hải Phòng xuất hiện một thế giới ngầm được tổ chức có bài bản, hệ thống giống như một pháo đài bất khả xâm phạm. Điều này vừa phá vỡ nhịp sống bình yên của thành phố cảng, vừa như một lời thách thức của lịch sử với những người làm công tác chống tội phạm của Hải Phòng.
Mời độc giả tiếp tục theo dõi kì 6, “Tính cách người Hải Phòng có liên quan Giang hồ đất Cảng?” để hiểu hơn về điều này.
Thảo Lăng