Nỗi chạnh lòng của những Nhà giáo dạy giỏi cấp tỉnh

25/07/2015 07:37
Đỗ Quyên
(GDVN) - Lễ vinh danh những Nhà giáo dạy giỏi cấp tỉnh (như trong giấy công nhận đã ghi) còn thua gấp nhiều lần lễ trao danh hiệu cho học sinh ở các trường khác.

LTS: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Vì vậy để vinh danh những Nhà giáo dạy giỏi cấp tỉnh thì ắt hẳn phải tổ chức sao cho trang trọng. 

Tuy nhiên, cô giáo Đỗ Quyên đã nhìn nhận thấy bất cập đến chạnh lòng của các thầy cô đã nỗ lực thi cử đỗ đạt ở một tỉnh nọ. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Hôm ấy, cánh giáo viên chúng tôi nhận được giấy mời tham dự Hội thảo đổi mới phương pháp dạy học và Tổng kết hội thi giáo viên dạy giỏi cấp Tiểu học năm 2014 - 2015, ai cũng thấy mừng vui và có chút phần hãnh diện. 

Hội thảo tổ chức trên tỉnh, giáo viên ở xa phải đi trước đó một ngày thuê nhà nghỉ ngủ lại qua đêm, những vùng lân cận thầy cô phải thuê xe ô tô đi trọn cả ngày. 

Giấy mời ghi 8 giờ có mặt nên nhiều người phải đi từ mờ sáng cho kịp giờ. Vì vướng chương trình trao học bổng cho học sinh nghèo nên buổi Hội thảo phải chậm lại hơn một tiếng đồng hồ.

Thời gian buổi sáng dành cho giáo viên nghe một số báo cáo tham luận, trao đổi về phương pháp dạy học mới, những hiệu quả và một số băn khoăn, thắc mắc của giáo viên xoay quanh việc dạy. Cách vận dụng thông tư 30 trong giảng dạy, những khó khăn, đề xuất và biện pháp khắc phục.

Hơn 11 giờ tạm nghỉ, giáo viên tự đi ăn và ngồi vạ vật ở các quán cho nhanh đến giờ. Buổi chiều, tiếp tục nghe tham luận và trao đổi về Thông tư 30. 

Nội dung thứ hai là tổng kết hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhưng tờ giấy công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đã được gửi về từng trường từ cuối tháng năm. 

Nhà trường cũng chuyền tay đưa cho từng giáo viên tờ chứng nhận ấy như đưa một cuốn vở. 

Lễ tổng kết diễn ra chưa tới 15 phút chỉ là phần giải đáp một số ý kiến xoay quanh Hội thi giáo viên dạy giỏi như cách góp ý của một số giám khảo chưa tế nhị, đề thi phần năng lực có một số câu hỏi còn mang tính đánh đố…

Hội trường bỗng trở nên sôi động khi có người đề cập đến tiền thưởng. Trả lời của đại diện cán bộ Sở Giáo dục là: Đó chỉ là giấy công nhận mà công nhận thì không có thưởng. Khi nào khen mới có tiền thưởng…

Nhiều tiếng xì xào nổi lên, những năm trước đây, lễ tổng kết thường được tổ chức rất hoành tráng và trang trọng.

Có phần trao giấy công nhận cho giáo viên cùng phần thưởng vài trăm ngàn đồng, được gặp chủ tịch tỉnh và mọi người cùng ăn một bữa cơm thân mật tại một khách sạn.

Để đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên cũng phải đi cả một chặng đường dài (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Để đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên cũng phải đi cả một chặng đường dài (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Thời gian đó, là lúc giáo viên các huyện được trò chuyện, trao đổi với nhau những kinh nghiệm giảng dạy, những phương pháp dạy học hay giúp cho giờ học đạt hiệu quả. 

Giáo viên được lắng nghe những chia sẻ, những lời dặn dò ân tình của vị lãnh đạo cao nhất tỉnh mình. 

Ai cũng thấy vui, thấy ấm lòng. Sau lễ tổng kết lần này, có giáo viên nói vui: “Tỉnh mình ngày càng nghèo”. 

Nói đúng hơn, giáo dục của chúng ta còn nghèo, nhưng tại sao những năm trước, chúng ta làm được mà bây giờ lại không?

Để đạt được danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, giáo viên cũng phải đi cả một chặng đường dài từ cấp trường, cấp huyện đến cấp tỉnh, phải trải qua biết bao vòng thi. 

Hơn ba trăm giáo viên dự thi, giờ số lượng đỗ chỉ còn phần nửa. Nếu nói các thầy cô đã tốn không ít trí lực và vật chất mới làm nên những tiết dạy thành công cũng không có gì là lạ. 

Nỗi chạnh lòng của những Nhà giáo dạy giỏi cấp tỉnh  ảnh 2

Thi giáo viên dạy giỏi: Nên giữ hay bỏ?

(GDVN) - Gần đây, có nhiều ý kiến tranh luận về vấn đề có nên bỏ thi giáo viên dạy giỏi hay không?. Cuộc tranh luận cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Dẫu rằng không ai đi thi để mong được nhận vài trăm ngàn tiền thưởng. 

Nhưng chí ít buổi lễ tổng kết cũng phải được tổ chức sao cho trang trọng và ấm áp để mọi người thấy được nơi đó có sự quan tâm, ghi nhận của các cấp lãnh đạo đối với những nỗ lực, những cố gắng của một bộ phận giáo viên đang được xem là mũi nhọn, là nòng cốt ở các trường học hiện nay. 

Và ai ai cũng cảm thấy thật buồn, thật chạnh lòng! Với một lễ vinh danh những Nhà giáo dạy giỏi cấp tỉnh (như trong giấy công nhận đã ghi) còn thua gấp nhiều lần lễ trao danh hiệu cho học sinh ở các trường học.
 
Đây là câu chuyện có thật, vừa xảy ra ở một tỉnh Nam Trung Bộ, vì lý do rất tế nhị, cô giáo Đỗ Quyên đề nghị Tòa soạn không nêu danh.

Đỗ Quyên