Ra đề kiểu "quyền uy", Kỳ thi quốc gia chỉ đạt một mục tiêu

25/07/2015 07:31
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Đó là nhận định của ông Lê Viết Khuyến – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khi đánh giá về phổ điểm từng môn thi.

Việc công bố phổ điểm từng môn thi trong Kỳ thi THPT quốc gia là một điều khách quan, từ đó xã hội sẽ giám sát chất lượng kỳ thi toàn diện hơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Viết Khuyến – Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nhìn vào phổ điểm cũng có thể thấy đề thi năm nay như thế nào.

Ông Khuyến cho rằng, cách làm đề của chúng ta lâu nay không giống ai, theo ông thì việc có một hội đồng ra đề biệt lập như mọi năm là cách ra đề “quyền uy”, không có thử nghiệm, ngay cả thí sinh đi thi chỉ có thể cảm nhận đề thi khó và đổi do rủi ro, cam chịu.

Việc đánh giá đề thi như thế nào, vấn đề này vẫn được rất ít người quan tâm. Điều đó ảnh hưởng lớn tới cả kỳ thi. Đó là khoa học đo lường về giáo dục. Xung quanh vấn đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Viết Khuyến.

PV: Thưa ông, Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm thi từng môn, nhìn vào phổ điểm ông có thể khái quá về chất lượng đề thi năm nay?

Ông Lê Viết Khuyến: Trước kỳ thi THPT quốc gia thì có một kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội làm, kiểu thi này không lạ so với thế giới nhưng lạ so với Việt Nam.

Đề đánh giá năng lực sẽ đo được năng lực của học sinh, chương trình dạy như thế, thì đề thi như vậy là phù hợp. 

Phổ điểm môn Ngữ văn.

Phổ điểm môn Ngữ văn.

VD thi môn tiếng Nga: có thể điểm 5 dễ dàng, nhưng số chuyển tiếp sinh môn tiếng Nga chỉ 3 điểm. Tức là tính theo đối tượng thi, được đào tạo dạy dỗ như thế nào ra đề như thế đó. Đó là đánh giá theo năng lực, còn theo giáo dục quyền uy là theo ý chí của người thầy.

Ai làm được đề thì điểm cao, ai không làm được thì bị rớt, cả khóa, cả lớp rớt. Cách đây vài năm có tình trạng 4.000 em bị điểm 0 môn sử. Thực ra do đề thi quá khó hoặc quá không phù hợp.

Đề ra như thế nào thì còn phải nhìn vào phổ điểm, với đề thi Đại học Quốc gia Hà Nội như thế là đề chuẩn, phù hợp với một kỳ thi nhằm hai mục tiêu khác nhau, vừa là cơ sở để xét tốt nghiệp THPT, vừa là căn cứ để xét tuyển vào trường đại học khác nhau.

Muốn có cơ sở để tốt nghiệp phổ thông thì phải có mốc chuẩn, ví như căn cứ phổ điểm số thí sinh đạt từ điểm trung bình trở lên chiếm 70% (điểm 5), như thế là khá phù hợp với việc tốt nghiệp phổ thông, kể cả các nước phát triển.

Ở Việt Nam tỷ lệ đỗ chiếm 99,2% như hàng năm là chuyện nực cười, nhưng tỷ lệ này mà bỏ thi tốt nghiệp thì 12 năm học phổ thông trong thực trạng bệnh thành tích như hiện nay thì sẽ loạn. Do đó vẫn phải thi, nhưng đề thi như thế nào, cách thi như thế nào để đánh giá được thực lực học sinh, cách thi như Đại học Quốc gia Hà Nội là đạt yêu cầu.

Ông nói nhiều về kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, vậy còn kỳ thi THPT quốc gia vừa diễn ra với phổ điểm được công bố, điều đó nói lên điều gì qua phổ điểm?

Ông Lê Viết Khuyến: Kỳ thi này chúng ta làm chả giống ai. Kỳ thi đánh giá năng lực, đề thi được thử nghiệm 2 năm mới đưa vào ngân hàng đề thi, còn đề thi của Kỳ thi THPT Quốc gia được làm trên cơ sở “nhốt” người làm đề ra một khu. 

Những người làm đề được giao trong tình trạng bí bách, tinh thần không được thoải mái mà làm ra được bộ đề đó có vấn đề là phải.

Còn nói riêng mức độ đề đã phù hợp chưa thì phải chờ tới phổ điểm. Và Bộ GD&ĐT đã công bố phổ điểm. 

Với phổ điểm năm nay nhìn vào so với phổ các năm về trước là tương đối đẹp hơn, trừ hai môn Toán và Ngoại ngữ.

Nhưng cái đẹp đó chỉ phục vụ cho một kỳ thi để xét vào đại học, cao đẳng, còn xét cả hai mục tiêu thì không đạt ở mục tiêu xét tốt nghiệp. Nếu lấy điểm 5 là điểm trung bình thì tỷ lệ dưới năm có thể chiếm đến trên dưới 50%.

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Nếu như vậy có thể trượt đến 50-60%, nếu trượt như vậy chỉ có hai nguyên nhân: Nếu đề thi đúng thì học sinh của ta quá dốt, ngược lại nếu học sinh không dốt thì đề thi chưa phải là chuẩn. 

Như vậy, nhìn ở góc độ xét tuyển sinh vào đại học thì phổ điểm này có thể đạt được, nhưng xét tốt nghiệp phổ thông là không ổn. Do đó, buộc phải lấy điểm tốt nghiệp phổ thông là dưới 5.

Nhìn vào phổ điểm các môn mà lấy từ điểm 5 trở lên để tốt nghiệp thì chắc chỉ có 10-15% tốt nghiệp. Quay trở lại, nếu đề hợp lí thì học sinh chúng ta quá dốt, học sinh dốt thì chất lượng giáo dục chúng ta quá kém. 

Với Đại học Quốc gia Hà Nội chủ yếu đón nhận những thí sinh dự thi để vào đại học, do đó chất lượng có thể tốt hơn, nên phổ điểm có thể đẹp hơn, ông nghĩ sao?

Ông Lê Viết Khuyến: Cũng không hẳn điều đó. Lúc Đại học Quốc gia thi thì học sinh đăng ký tự nguyện, chứ không phải những thí sinh chỉ nhằm vào Đại học Quốc gia.

Ra đề kiểu "quyền uy", Kỳ thi quốc gia chỉ đạt một mục tiêu ảnh 3

Giấu điểm và ba nguy cơ ảnh hưởng xấu tới kỳ thi quốc gia

(GDVN) - Bộ GD&ĐT khẳng định sẽ không công bố dữ liệu điểm thô vì “sợ” ảnh hưởng tới danh dự học trò, những thí sinh điểm thấp có thể mặc cảm với bản thân….

Như vậy, theo ông câu chuyện ở đây là việc phương thức xây dựng cấu trúc đề của Bộ có vấn đề?

Ông Lê Viết Khuyến: Chấp nhận một kỳ thi quốc gia thì phải lấy chuẩn chung của cả quốc gia, chứ không ưu tiên vùng miền.

Mục tiêu thứ nhất là xét tốt nghiệp THPT là đề thi chưa đạt yêu cầu, tôi nhấn mạnh như vậy. Còn mục tiêu xét tuyển vào đại học (trừ Toán, Ngoại ngữ) thì các môn còn lại là đạt yêu cầu.

Nếu so sánh về mục tiêu xét tuyển vào đại học thì năm nay khá hơn các năm thi trước. Nhưng xét cả hai mục tiêu thì mục tiêu đầu không đạt. 

Bài toán đặt ra cho Bộ Giáo dục rất khó, mọi năm hai kỳ thi với hai mục tiêu, nhưng giờ một kỳ thi cho hai mục tiêu. 

Nguyên nhân tập trung chủ yếu ở việc xây dựng, thiết kế đề thi. Đề thi được thiết kế để cho hai mục tiêu, nhưng giờ xét lại chỉ được một mục tiêu, như vậy kỳ thi này là chưa ổn.

Trong khi đó Đại học Quốc gia Hà Nội đã chứng minh kỳ thi đánh giá năng lực đạt được cả hai mục tiêu. Từ đó, cho thấy cách làm đề, phương thức làm đề của Bộ Giáo dục không ổn. 

Muốn khắc phục trong tương lại thì Bộ chấp nhận làm đề như của Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện tại cách làm đề của Bộ là cách làm cũ, theo kiểu truyền thống, làm đề cho hai kỳ thi.

Cách làm đề khoa học nhất là mỗi câu hỏi phải được thử nghiệm trên chính học sinh, những câu nào học sinh không làm được, khó quá thì phần mềm loại ra (cho rằng tư duy của người ra đề không phù hợp với năng lực thực sự của đông học sinh).

Còn việc ra đề như của Bộ Giáo dục thì thử hỏi thử được trên ai, chỉ còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của người làm đề để phân biệt khó dễ. Có thể người thầy nghĩ rằng đề này dễ nhưng đa phần học sinh sẽ không làm được. Do đó, cần phải có cơ sở khoa học để phân biệt đề khó hay dễ.

Trân trọng cảm ơn ông.

Xuân Trung (thực hiện)