Thủ tướng nói về hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật

29/07/2015 09:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật.

Trong 2 ngày 27 và 28/7/2015, Chính phủ đã họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật trong 6 tháng đầu năm 2015, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra nhiều hạn chế liên quan đến công tác xây dựng pháp luật trong đó có việc phải điều chỉnh Chương trình; xin lùi một số dự án luật; trong số 155 văn bản quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực đến nay mới chỉ ban hành được 53 văn bản, số lượng văn bản quy định chi tiết nợ đọng còn rất lớn.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2015, trong đó có trình Chính phủ xem xét, thông qua 3 dự án luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là dự án Luật về hội; dự án Luật Báo chí (sửa đổi), dự án Pháp lệnh quản lý thị trường.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và chuẩn bị các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 tới đây; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đảm bảo tiến độ xây dựng các luật, pháp lệnh. ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đảm bảo tiến độ xây dựng các luật, pháp lệnh. ảnh: VGP.

Song song việc bảo đảm tiến độ xây dựng các luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành cần đặc biệt chú ý tới công tác phối hợp, tới chất lượng, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết.

Yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt khâu thẩm định, thẩm tra để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của các dự án luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận về 9 dự án luật và pháp lệnh, gồm: Dự án Luật về hội; dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Dự án Luật Tiếp cận thông tin; Dự án Luật Thuế xuất khẩu, thuế Nhập khẩu (sửa đổi); Dự án Luật ban hành quyết định hành chính; dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Dự án Luật Quy hoạch; Dự án Luật Đấu giá tài sản; Dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Dự án Luật Quy hoạch được xây dựng gồm 6 chương, 68 điều với mục tiêu điều chỉnh thống nhất các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước; đổi mới nội dung và phương pháp lập quy hoạch để quy hoạch là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh; thống nhất công tác quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch để giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành của nhà nước được thống nhất từ Trung ương tới địa phương…

Những vấn đề liên quan đến quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết; việc tạo sự thống nhất giữa các quy hoạch; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; các cấp quy hoạch; tổ chức và thực hiện quy hoạch… là những nội chính được các thành viên Chính phủ tập trung đóng góp ý kiến khi thảo luận về dự án luật này.

Các thành viên Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ về sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện công tác quy hoạch; có chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe, tránh tình trạng sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện công tác quy hoạch chỉ dừng lại ở việc gửi văn bản xin ý kiến, sự phối hợp mang tính nặng về hình thức.

Khẳng định vai trò quan trọng của quy hoạch cũng như những thành công, những tiến bộ, những kết quả đạt được trong công tác quy hoạch thời gian qua, song Thủ tướng nhấn mạnh, bước vào giai đoạn phát triển mới, thực tiễn đã chứng minh công tác quy hoạch có những mặt không còn phù hợp và yêu cầu mới đặt ra là cần thiết phải xây dựng dự án Luật Quy hoạch và dự án Luật này đã được chỉ đạo triển khai xây dựng nghiêm túc, công phu nhằm phát huy những những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế trong công tác quy hoạch; bảo đảm công tác quy hoạch được thực hiện hiệu lực, hiệu quả hơn.

Trong quá trình xây dựng Dự án Luật Quy hoạch cần phải có báo cáo công phu, đánh giá từng lĩnh vực, nhóm quy hoạch, những gì đã làm được, những gì còn hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế… để đề ra những giải pháp khắc phục.

Đồng thời, trong quá trình xây dựng dự án Luật cũng hết sức quan tâm đến việc đánh giá, xác định rõ các nhóm quy hoạch, định nghĩa về quy hoạch, tránh sự nhầm lẫn giữa quy hoạch và kế hoạch; đồng thời xác định rõ mục đích, yêu cầu, phạm vi điều chỉnh của quy hoạch; tính pháp lý, vai trò của các cấp quy hoạch; trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch.

Ngọc Quang