Chương trình giáo dục phổ thông mới đã bắt đầu “chạm” tới xu thế quốc tế

09/08/2015 07:44
Phạm Hiệp
(GDVN) - Bộ GD&ĐT để ít môn bắt buộc cho học sinh và tăng các môn tự chọn, đó cũng là một điểm cập nhật với xu thế quốc tế.

Đây là quan điểm của tác giả Phạm Hùng Hiệp, Đại học Văn hóa Trung Hoa - Đài Loan khi nhận xét về bản Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thế mới vừa được Bộ GD&ĐT ban hành xin ý kiến xã hội.

LTS: Tác giả Phạm Hùng Hiệp là một cây bình luận quen thuộc trên báo chí, mỗi bài viết của ông đều thể hiện góc nhìn riêng, quan điểm riêng.

Trước tầm quan trọng của công cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể lần này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của ông Phạm Hùng Hiệp.

Theo tác giả, Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể bắt đầu thí điểm vào năm 2018 thì hợp lý hơn.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là bản dự thảo công bố để lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội trước khi tiến hành đổi mới chương trình.

Xét về tổng thể Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều điểm tiến bộ hơn rất nhiều chương trình cũ và đúng với xu thế chung của thế giới.

Với chương trình hiện tại, cách phân loại môn học như Toán, Lí, Hóa, Văn, Sử, Địa, đó là cách phân loại đã lỗi thời. 

Hiện nay, trên thế giới, các môn khoa học được phân loại theo hướng liên ngành (inter-disciplinary) và để chuẩn bị cho việc đó, giáo dục phổ thông tốt nhất nên trộn các môn học thuộc cùng lĩnh vực lớn với nhau như trong Dự thảo (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ - tin học); sau đó, khi lên lên các bậc học cao hơn (đại học, thạc sĩ) mới chia thành những ngành, lĩnh vực nhỏ hơn.

Ví dụ như một số chương trình thạc sĩ trên thới giới được chia thành những ngành mang tính liên ngành rất cao, như học Vật lí có thể liên kết với Y học thành ngành Y-Vật lý hay như “Phát triển bền vững” thì có ghép các môn Kinh tế, Môi trường .... Cách tiếp cận lần này theo hướng đó là đúng.

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Trong bản Dự thảo chương trình tổng thể lần này, tôi nhận thấy Bộ GD&ĐT để ít môn bắt buộc cho học sinh và tăng các môn tự chọn, đó cũng là một điểm cập nhật với xu thế quốc tế. 

Bởi mỗi học sinh đều có những khả năng, năng khiếu khác nhau và không nên ép các em học giống hệt nhau trong suốt 12 năm học phổ thông. Hãy để cho học sinh được chủ động chọn những gì mà các em cảm thấy phù hợp với mình nhất bên cạnh một số môn bắt buộc. 

Đọc toàn bộ Dự thảo, điểm mà tôi cảm thấy "quan tâm" nhất chính là những yêu cầu đạt được về phẩm chất, năng lực chung sau mỗi cấp học. 

Đây cũng là điều phù hợp với "dòng chảy chung" của thế giới. Như Mỹ, họ cũng đã làm điều này từ những năm 1980, họ đã cố gắng xây dựng chương trình và những yêu cầu về chuẩn đầu ra với cách tương tự. 

Tuy nhiên, điều này cũng chính là điểm tôi "băn khoăn" nhất. Bởi bản dự thảo cũng mới chỉ đưa ra các tiêu chí khá chung chung về thế nào là sống tự chủ, sống có trách nhiệm, có năng lực tự học .... 

Kinh nghiệm của các nước áp dụng chương trình tương tự như chương trình này của Bộ là cần cụ thể hóa các tiêu chí này thành các bộ tiêu chí con, càng chi tiết càng tốt và nhất là, các tiêu chí đó phải "khả đo" (measurable) tức là đo đếm được thành các chỉ số. 

Tất nhiên, như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển có nói, đây mới chỉ là dự thảo về Chương trình tổng thể, chương trình các môn học sẽ được tiếp tục hoàn thiện trong tương lai. 

Và theo tôi, nhiệm vụ của các chương trình môn học chính là việc cụ thể hóa các tiêu chí như tôi đã nói ở trên. Thậm chí, sẽ là không nói quá khi cho rằng, thành công hay thất bại của chương trình này chính là ở việc có ban hành được các bộ tiêu chí con khả đo cho các yêu cầu về chuẩn đầu ra của sinh viên hay không? 

Một điều "băn khoăn" nữa là về mặt triển khai, có thể mục tiêu, triết lý là rất tốt nhưng nhưng khi áp dụng vào thực tế sẽ có những khó khăn. 

Thông tư 30 là một ví dụ, thực ra việc không chấm điểm học sinh tiểu học là một chính sách rất tiến bộ, vậy mà khi tiến hành vẫn gặp phản ứng rất dữ dội từ phía giáo viên.

Cần nhớ, thông tư 30 mới chỉ chạm đến một phần rất nhỏ của giáo dục, huống chi là chương trình tổng thể như lần này.

Về mặt chuẩn bị nhân lực đáp ứng chương trình này, cũng đã có nhiều ý kiến quan ngại, theo tôi cũng là điểm Bộ cần chú ý. 

Chương trình mới nhưng đội ngũ giáo viên cũ, đội ngũ giáo viên tương lai (đang học tại các trường sư phạm hiện nay) cũng đang học theo cách cũ thì rất khó có thể đáp ứng được yêu cầu.  

Trên tinh thần như vậy, việc Bộ dự kiến năm 2018 sẽ bắt đầu triển khai đại trà, theo tôi là hơi vội. Có lẽ 2018 bắt đầu triển khai thí điểm thi sẽ hợp lý hơn.

Phạm Hiệp