Cha mẹ ơi, hãy trả lại Trung thu cho con!

11/08/2015 20:07
Lưu Thương
(GDVN) - Bằng cách nào đó, người lớn đã biến Trung thu của con mình thành những dịp lễ lạc đổi chác và thương lượng qua những hộp bánh đắt tiền kèm với dăm câu nhờ vả.

Bằng cách nào đó, người lớn chúng ta mải mê với guồng quay điên đảo của công việc và ngó lơ trước những ước muốn của sắp nhỏ về một ngày Trung thu ý nghĩa có không khí gia đình ấm áp.

Hãy nhìn những đứa trẻ, khi được hỏi “Con biết Trung thu là gì không?”, chúng đã lắc đầu. Chị Hằng, chú Cuội là những người xa lạ. Lồng đèn, chuyện cổ chỉ nằm gọn trong ao ước. 

Chúng ta ra lệnh chúng chào người này người kia và ngồi ngoan ngoãn thay vì ôm chúng vào lòng kể những câu chuyện cổ tích. Chúng ta nhét vào tay chúng chiếc điện thoại thông minh thay vì chiếc lồng đèn tự tay làm cùng nhau. 

Cha mẹ ơi, hãy trả lại Trung thu cho con! ảnh 1

Bé Trường chơi với những chiếc lồng đèn được tặng 

Chúng ta kiếm tiền với hi vọng cho con được cuộc sống tốt nhất nhưng lại không chăm chút tinh thần cho chúng. Khi nghe những đứa nhỏ hồn nhiên nói: “Con chưa bao giờ thấy chiếc đèn lồng nào đẹp như vậy”, tôi đã thực sự xúc động và thấy thương lũ trẻ: Nếu không có những kí ức lấp lánh niềm vui như thế, tài sản của chúng còn lại gì sau khi lớn lên?

Trung thu đâu phải ngày của người lạ. Hãy dẹp yên công việc, quên đi sếp và đối tác mà ôm con mình vào lòng, kể chúng nghe về Trung thu, dạy chúng làm lồng đèn và đưa chúng đi phá cỗ.

Đừng để sắp nhỏ nhà mình bị cào rách tuổi thơ và bị lôi thô bạo ra khỏi thế giới mộng mơ của chúng.

Phim ngắn "Nghe những niềm vui"

Phim ngắn Nghe những niềm vui đã nói hộ lòng bất cứ đứa trẻ nào, niềm vui của con trẻ đã ở sẵn đó, chỉ cần thêm người lớn nhóm lửa, và lắng nghe nữa thôi.

Bối cảnh miền Tây sông nước (lấy cảm hứng từ phim ngắn Thì sông cứ chảy) một lần nữa đã để những câu chuyện của trẻ con hiện lên thật hồn nhiên, ngô nghê mà vẫn cảm động vô cùng.

Lưu Thương