Mỹ Linh: Lên miền núi, sợ phải ăn cơm có thịt!

10/10/2011 09:42
Tùng Sơn (thực hiện)
(GDVN) - Nhiều khi tôi thấy các em như những người lớn thu nhỏ, những người lớn an phận, không đòi hỏi.
Nhắc đến trẻ em miền núi, hẳn khán giả cả nước vẫn còn nhớ hình ảnh BTV - MC Mỹ Linh của Đài Truyền hình VN đã khóc nấc (dù đã cố kìm nén) trước sóng truyền hình trực tiếp chương trình Nối vòng tay lớn cách đây 6 - 7 năm. Nhân chuyến hành trình "Bữa cơm có thịt" đến Suối Giàng, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có dịp trò chuyện với chị. 6 năm đã trôi qua, nhưng cảm xúc của ngày đó, với chị, ngày hôm nay như vẫn còn nguyên vẹn.

Sáu năm không có nổi… 2.000 đồng!
Chị có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi dẫn chương trình Nối vòng tay lớn cách đây 6 năm?BTV-MC Mỹ Linh: Câu chuyện đó, tôi ngại kể lại lắm. Vì hay bị trêu là tính ương bướng mà sao mau nước mắt (cười). Năm đó, sau khi đi Tây bắc về, tôi được phân công dẫn chương trình Nối vòng tay lớn ban ngày còn tối là đến trường quay để dự và xem phát sóng các ý tưởng thiện nguyện của mỗi nhóm cho vùng đất mà mình đã đến. Chị Tạ Bích Loan là Tổng đạo diễn chương trình, sau khi xem phóng sự tài liệu và các Clip của nhóm chúng tôi thực hiện đã nảy ra ý tưởng là mời vài em ở trường nội trú có mặt trong clip đó xuống dự chương trình.
Mỹ Linh và đồng nghiệp đi tác nghiệp trên Tây Bắc. Ảnh: Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Mỹ Linh và đồng nghiệp đi tác nghiệp trên Tây Bắc. Ảnh: Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng
Lúc được mời lên sân khấu để phát biểu vài lời, bất ngờ nhìn thấy các em xuất hiện, thế là mọi hình ảnh về các em ở Tây bắc, mọi cảm xúc ùa đến. Chịu, không thể nào kìm được nước mắt nữa rồi. Lúc ấy tôi thấy nhớ trên đó kinh khủng, nhớ hình ảnh của những đoàn đuốc đỏ rừng của người dân đến xem chúng tôi biểu diễn nghệ thuật, nhớ những em bé chân đất đến trường, nhớ cảnh các em lụi cụi nấu cơm ăn trong bóng chiều tà, nhớ những căn lều tre bé tẹo của những em học sinh cấp 3 dựng tạm bên bờ suối cạnh trường… Nhớ và mừng vì được gặp lại các em nữa. Nhưng nói thật, cảm xúc lớn nhất xâm chiếm tôi trong chương trình hôm đó, và cả những ngày sau nữa là không biết ý tưởng về 2.000 đồng cải thiện bữa ăn cho các em có được ủng hộ và thực hiện không.Trẻ em miền núi như "người lớn thu nhỏ"Điều gì khiến chị nảy ra ý tưởng về 2.000 đồng cải thiện bữa cơm cho trẻ em miền núi?BTV-MC Mỹ Linh: Khi chúng tôi lên đó, đúng là đi thực tế nên điều gì mình cũng phải tìm hiểu. Chúng tôi xác định đầu tiên là hãy ra chợ và đến trường, đó là hai nơi bạn có thể nhìn thấy một vài sự thật mà không ai chỉ cho bạn cả. Ở Tây bắc, đa số các em đều ở nội trú vì trường học xa nhà. Đến bữa ăn, cấp tiểu học thì các thày cô giáo nấu cho em bé, còn từ lớp 5 là các em đã phải tự lo đi kiếm củi, xách nước rồi tự nấu. Nếu ai chưa nhìn cảnh đó, tôi chắc chắn rằng sẽ sốc lắm. Cứ vài ba em chung nhau một nồi, loay hoay lọ mọ nhóm lửa, nấu nướng. Đến lúc ngồi vào ăn là rắc thêm vài hạt muối, bữa nào ngon là có thêm tí rau do bố mẹ mang qua cho hoặc do trồng được ở quanh trường. Nói thật là tôi thấy các em đang không được sống như những trẻ em thực sự. Nghĩa là được hưởng những quyền mà lẽ ra các em được hưởng. Sợ nhất là cái cảm giác của chúng tôi khi phải ngồi xuống mâm cơm do nhà trường đãi, có cả canh, thịt. Chúng tôi ăn mà sao thấy khó khăn đến thế, cứ hình dung cách mình chỉ hơn 100m, có những đứa trẻ  đang ăn cơm với muối mà thấy cay cả mắt. Chúng tôi có hỏi một thầy giáo rằng nếu cho các em được ăn tốt hơn thì cần bao nhiêu tiền một em một ngày.
Mỗi cháu một nồi, kê ba viên đá, chụm củi, chụm giấy vở học trò vào nấu cơm ăn, bốn bề gió thốc, không phên liếp che chắn. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
Mỗi cháu một nồi, kê ba viên đá, chụm củi, chụm giấy vở học trò vào nấu cơm ăn, bốn bề gió thốc, không phên liếp che chắn. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng
Lúc mang thịt xuống mời các em, cứ tưởng rằng các em sẽ hào hứng, thậm chí tranh nhau ăn nhưng hoá ra không phải thế, các em ăn rất chừng mực, đứa nọ nhường đứa kia, cứ phải giục thì các em mới gắp. Nhìn cảnh đó mới thật sự xót ruột. Các em bé tí mà đã biết nhường nhau dù là đói, là thèm, biết ý tứ, biết giữ gìn trước mặt người lạ… Lúc ấy mới thấy thấm nỗi buồn, bạn ạ. Thầy giáo bảo: “Ước mơ lớn nhất của em là mỗi cháu có được 2.000 đồng một ngày, nghĩa là bữa tối sẽ có thêm tí thịt hoặc cá khô để các cháu ăn. Đói quá thì học cũng khó vào chị ạ”. Clip 2.000 đồng cho trẻ em miền núi ra đời từ đó.
Có em nhỏ nào khi đó nói với chị rằng: "Chúng cháu muốn có một chút thịt, một chút rau xanh hơn hay một chút cá khô đủ mặn để bữa cơm bớt nhạt hơn" không?
BTV - MC Mỹ Linh: Không! tuyệt nhiên không. Các em bé trên đó rụt rè trước người lạ lắm. Nhiều khi tôi thấy các em như những người lớn thu nhỏ, những người lớn an phận, không đòi hỏi. Tôi còn nhớ là khi hỏi các em có ước điều gì không, em nọ nhìn em kia, rồi chẳng nói gì, có em thì nói ước lớn mau để đi làm giúp bố mẹ. Phải biết cuộc đời sung sướng là gì thì mới ước chứ nhỉ (?!). Các em đã biết gì đâu.
Chúng ta thường... hứng lên thì tốt một ngày!
Chị cảm thấy như thế nào khi biết rằng, sau ngần ấy năm, trẻ em nơi chị từng đi qua vẫn không có nổi 2.000 đồng để bữa cơm không còn chỉ là cơm trắng ?
BTV-MC Mỹ Linh: Nói thật, tôi cũng tiên liệu được điều này và thấy đừng quá ngạc nhiên nếu ý tưởng không được thực hiện, cay đắng thế. Việc làm báo, nói về những nỗi khổ ở những vùng đất khác nhau, đưa ra những ý tưởng để hỗ trợ người nghèo là chúng tôi, những nhà báo, nhưng việc sử dụng đồng tiền thu được từ Nối vòng tay lớn lại có thuộc về chúng tôi đâu. Tôi nghĩ việc để trẻ em ở các vùng sâu của chúng ta lớn lên trong sự đói nghèo, dẫn đến thất học thuộc về không chỉ các cơ quan quản lý là ngay cả mỗi người trong chúng ta nữa. Làm chính sách cũng như thiện nguyện, cần tấm lòng và sự kiên nhẫn. Chính sách cho vùng sâu vùng xa đã không đúng, vậy trái tim của mỗi người chúng ta đâu? Ai cũng bị cuộc sống và công việc cuốn đi, chúng ta thường hứng lên thì tốt một ngày, tốt một tháng, còn để làm được bền bỉ, bỏ công bỏ sức là khó lắm. Ngay cả tôi, khi tìm lý do để bao biện thì nghĩ rằng, mình đưa ra ý tưởng nhưng các cơ quan quản lý không làm, lỗi tại mình đâu. Nhưng khi tự hỏi thực lòng mình thì cũng thấy xấu hổ lắm… Cũng may là bây giờ, anh Trần Đăng Tuấn còn nhớ đến nó, hy vọng là với Tâm và Lực, anh có thể mang đến trong bữa cơm rau muối của các em thêm chút thịt, cá.
Điều cần hơn cả là “Khai trí” cho trẻ em miền núiQua hành trình "Bữa cơm có thịt" của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chị có nghĩ là mình sẽ cùng đồng nghiệp bắt tay xây dựng một Nối vòng tay lớn (phiên bản 2) hay không? như là một cách để giúp đỡ trẻ em nghèo miền núi?BTV-MC Mỹ Linh: Hiện tại tôi đang tham gia điều hành chương trình Hành trình Việt nam xanh là một chương trình giáo dục cộng đồng bảo vệ môi trường. Chúng tôi đi khắp mọi nơi trên đất nước, từ đồng bằng cho tới miền núi, tây nguyên, đồng bằng sông cửu long, các vùng đảo, ở những nơi mà môi trường đang là câu chuyện cần quan tâm. Cùng với các “đồng đội” của mình là các nhà báo, các bạn nghệ sĩ, các tình nguyện viên, bên cạnh công việc chính, chúng tôi đang xây dựng tủ sách thiện nguyện mang tên “Khai trí” cho trẻ em ở các vùng đói nghèo. Tôi nghĩ đói ăn người ta rồi cũng tập thích ứng, tất nhiên là khổ nhưng đói kiến thức, đói tinh thần dẫn đến nhiều điều tồi tệ lắm. Tôi còn nhớ thời bao cấp, thế hệ chúng tôi vui được, không hư hỏng là bởi nhờ nhìn vào bố mẹ sống trong sạch và có sách, chứ ăn uống có gì đâu. Chúng tôi không đủ tiền và lực để cho các em những bữa ăn ngon, thôi thì cho các em chút niềm vui tinh thần vậy. Nếu ai đó có cùng mong muốn thì hãy cùng chúng tôi “Khai trí” cho các em ở vùng xa, nếu bạn nhìn thấy các em nâng niu hớn hở với sách thế nào thì sẽ thích lắm đấy!
 Trong thời gian tới, báo Giáo dục Việt Nam vẫn tiếp tục là nhịp cầu nối giữa các nhà hảo tâm và các cháu học sinh nghèo Suối Giàng nói riêng, các cháu nhỏ vùng cao nói chung. Chúng tôi sẽ tiếp tục sứ mệnh của mình, đi khắp mọi nơi trên đất nước này để san sẻ tình yêu thương cho những em học sinh nghèo, có cuộc sống éo le đang cần được giúp đỡ.

Mọi tấm lòng hảo tâm xin được gửi về:

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, số 147 phố Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.


Số tài khoản: 0541101464009, Ngân hàng Quân đội MB Thăng Long


Điện thoại: 0983.290677

Trận trọng cảm ơn!

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

Tùng Sơn (thực hiện)