Bồi thường án oan, sai không thể theo kiểu "con gà đẻ quả trứng..."

17/08/2015 07:25
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Hầu hết các trường hợp có oan, sai được bồi thường rất chậm trễ... Vậy đâu là nguyên nhân, giải pháp của vấn đề?

Bồi thường án oan sai còn chậm 

Hồi đầu tháng 6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát về “tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

Về việc bồi thường cho người bị oan, sai, trong 3 năm (2012 - 2014), Tòa án Nhân dân các cấp nhận được 22 đơn yêu cầu bồi thường, đã trả lại 3 đơn do không đủ thẩm quyền, điều kiện thụ lý.

Trong số 19 đơn, đã giải quyết 13 trường hợp với tổng số tiền bồi thường gần 1,7 tỷ đồng, 6 trường hợp còn lại đang trong quá trình giải quyết thương lượng, bồi thường và tổ chức xin lỗi công khai.

Cũng theo kết quả giám sát, đại diện Ủy ban Tư pháp Quốc hội rằng trong các vụ án oan sai, tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp bị oan tuy không lớn (khoảng trên 30 tỷ đồng) nhưng nhiều trường hợp bồi thường còn chậm.

Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ảnh: Báo Tuổi trẻ)
Ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Cụ thể, trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn - người bị ngồi tù oan 10 năm vẫn chưa được nhận 7,2 tỷ đồng tiền bồi thường; vụ án oan Lương Ngọc Phi - người bị ngồi tù oan hơn 3 năm yêu cầu bồi thường hơn hơn 22 tỷ đồng, kéo dài cả chục năm trời vẫn chưa được xử lý (đền bù) dứt điểm... 

Từ kết quả giám sát của Quốc hội cho thấy, việc xử lý, bồi thường án oan, sai vẫn chưa được như kỳ vọng.

Hôm 14/7, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ nói trên, trong đó có việc thỏa thuận mức đền bù...

“Có thể việc thỏa thuận mức đền bù giữa người gây ra oan, sai và người bị oan, sai chưa thống nhất. Do đó, người ta cần thời gian đàm phán trên cơ sở các quy định hiện hành, nhằm đưa ra con số cụ thể, hợp lý nhất.

Mặt khác, trong quá trình xác định tính chất, mức độ oan sai, các bên cần đưa ra bằng chứng thuyết phục cũng như việc thẩm tra lại hồ sơ một cách chặt chẽ. Quá trình sẽ rất mất thời gian”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhận định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc bồi thường oan sai còn chậm trễ, có phần lỗi từ thể chế chính sách...

“Điều chúng tôi cảm thấy buồn khi thực hiện công tác giám sát về oan, sai là hầu hết các trường hợp có oan sai được bồi thường rất chậm trễ.

Về mặt khách quan, căn cứ để xác định thiệt hại về kinh tế phát sinh theo luật bồi thường nhà nước, trong việc xử lý oan sai là chuyện không đơn giản.

Bên bị hại thì cứ tính theo kiểu con gà đẻ quả trứng, quả trứng nở con gà... Nhưng trong luật bồi thường Nhà nước không thể tính như vậy được. Do đó, việc thỏa thuận mức đền bù oan sai gặp nhiều khó khăn.

Về mặt chủ quan, tôi cho rằng thể chế chính sách của chúng ta có vấn đề. 

Bồi thường án oan, sai không thể theo kiểu "con gà đẻ quả trứng..." ảnh 2

Đấu tranh cho công lý, gặp án oan phải bán nhà đền thì cán bộ xin nghỉ hết?

Theo luật bồi thường Nhà nước hiện hành và các quy định khác có liên quan, cơ quan làm oan, sai (Tòa án Nhân dân, Công an, Viện Kiểm sát) được tham gia thực hiện công tác bồi thường. Như vậy, tính cố chấp, bảo thủ vẫn còn rất lớn.

Có trường hợp người ta dây dưa, trì hoãn, cò cưa đối với người bị oan, sai. Làm như vậy sẽ không khách quan.

Thực tế tiền bồi thường nhà nước đa phần dùng tiền ngân sách. Do đó, phải thay đổi mô hình bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai. 

Theo đó, cần giao việc xử lý bồi hoàn án oan cho một cơ quan khách quan hơn để tiến hành bồi thường thiệt hại cho người bị oan. Theo tôi đó có thể là Bộ Tư pháp", ông Quyền đề nghị.

Cũng theo ông Quyền, cơ quan chức năng cần tính toán, đưa ra những tiêu chí cụ thể hơn, nhằm xác định rõ thiệt hại kinh tế phát sinh trong quá trình xử lý oan, sai...

Hạn chế án oan, sai bằng cách nào?

Các ý kiến đều cho rằng, để khắc phục thực trạng án oan, sai, cần đặc biệt chú ý tới công tác cán bộ…

Về việc này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho cán bộ có trách nhiệm, bởi có trường hợp án oan sai là do năng lực của họ còn hạn chế. 

"Mặt khác, nên thường xuyên bồi dưỡng đạo đức cán bộ thực thi pháp luật. Không loại trừ trường hợp người ta cố tình làm sai lệch hồ sơ án nhằm trục lợi cho bản thân.

Cần xây dựng một cách cụ thể hệ thống luật pháp, đảm bảo điều chỉnh hành vi vi phạm của người có trách nhiệm, gây ra án oan sai, nhằm hạn chế trường hợp cán bộ cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án” Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề xuất.

Ông Lương Ngọc Phi được bồi thường hơn 23 tỷ đồng vì phải chịu án oan. (Ản:h Báo Giao thông).
Ông Lương Ngọc Phi được bồi thường hơn 23 tỷ đồng vì phải chịu án oan. (Ản:h Báo Giao thông).

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quyền nhận định, để khắc phục tình trạng án oan sai, công tác đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, xử lý cán bộ phải thực sự nghiêm minh. Có làm được điều này Nhà nước, người dân mới không mất những đồng tiền uổng phí...

QUỐC TOẢN