Người đi tìm điểm tựa!

17/08/2015 07:39
Xuân Dương
(GDVN) - Hữu Thọ, lãng khách lang thang đi tìm điểm tựa, có thể ông chưa tìm thấy điểm tựa cho mình nhưng lại tìm thấy điểm tựa cho nhiều người khác.

LTS: Nhà báo Hữu Thọ là một trong những nhà báo hiếm hoi tiến dần từ vai trò phóng viên tới các vị trí quan trọng: Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương và trợ lý Tổng Bí thư cho đến khi về hưu...

Sự ra đi đột ngột của nhà báo Hữu Thọ để lại niềm tiếc thương sâu sắc, sự xúc động khôn nguôi, đặc biệt đối với đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo, báo chí, đông đảo công chúng và người thân, gia đình. 

Để tỏ lòng thành kính tới một nhà báo tài năng, một người thầy vô cùng kính mến đã tận tụy truyền lửa nghề cho nhiều thế hệ nhà báo, tác giả Xuân Dương đã viết lên câu chuyện về cuộc đời nhà báo Hữu Thọ.
 
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Ra đi ở tuổi 83, theo lẽ thường tình thế là thượng thọ, con người mang tên Hữu Thọ ấy dù đã thượng thọ song vẫn để lại cho bạn bè, đồng nghiệp, nhất là những người làm báo nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. 

Con người được bạn bè, đồng nghiệp gán cho biệt danh “Người hay cãi” ấy không quan tâm đến sự thành công của từng bài báo hay cả sự nghiệp cầm bút của mình, điều ông quan tâm là sự thất bại có thể đến với người làm báo. 

Năm 1987 Hữu Thọ cho xuất bản tiểu phẩm “Người hay cãi”, trong lời đề tựa cho tiểu phẩm này Hữu Thọ viết: “Tôi không biết viết thế nào cho thành công, vì mỗi một bài báo là một sự thử thách, nhưng tôi chắc chắn một bài báo sẽ thất bại khi đưa ra câu trả lời làm vừa lòng tất cả mọi người”.

Ở vào thời điểm cuốn sách “Người hay cãi” ra đời, chữ “mọi người” mà ông dùng trong lời tựa vừa tinh tế, vừa dũng cảm. Tinh tế vì dường như “mọi người” chẳng động chạm đến một “ai” cụ thể, dũng cảm vì dù có động đến “ai” đó ông cũng không ngại.

Người viết cho rằng, Hữu Thọ không phải chỉ là “người hay cãi” mà là Thầy cãi, “Thầy cãi” ở đây không phải là từ dân gian chỉ các luật sư tranh biện trước tòa mà là “bậc thầy về cãi”, không phải “cãi” trước tòa hình sự hay dân sự mà là “tòa trách nhiệm công dân”, “tòa” của những quan tòa.

Khác với Hữu Thọ, ông Vũ Khoan, một con người thành đạt lại chia sẻ một cách hài hước bí quyết đưa ông thành Phó Thủ tướng: "Tôi là người hay cãi". [1] Tuy vậy bài báo cũng phải thừa nhận, rằng yếu tố quan trọng cho sự thành đạt của mỗi cá nhân là phải tìm được “minh chủ”. 

Làm vừa lòng mọi người là thất bại”, chân lý này lại được rút ra từ một điều tưởng chừng là nghịch lý, và dù là chân lý không phải ai cũng dám nghĩ đến chứ chưa nói là công khai phát biểu. 

Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất”, câu nói của Archimedes là một chân lý khoa học, nhưng là chân lý không bao giờ biến thành hiện thực. 

Dù thực sự có một điểm tựa thì Archimedes cũng không thể nâng bổng trái đất vì ông còn thiếu một chiếc đòn bẩy đủ dài. Điều quan trọng hơn là dù có chiếc đòn bẩy như vậy ông cũng không đủ quỹ thời gian để thực hiện.

Ngược với Archimedes, con người vóc dáng nhỏ nhẹ như Hữu Thọ lại có một đòn bẩy dài vô tận, ấy là “cán bút” ông cầm...

Dường như trên cõi đời này, ai cũng thiếu một cái gì đó, sự khác nhau có chăng là có người hài lòng với cái “thiếu” của mình, có người luôn mải miết đi tìm dù biết rằng mình đang bước những bước cuối trên quãng đường nhân thế. Phải chăng Hữu Thọ là con người, dù bước những bước cuối cùng vẫn mải miết đi tìm điểm tựa để nâng tầm dân tộc?

Hữu Thọ, lãng khách lang thang đi tìm điểm tựa (Ảnh: News.zing.vn)
Hữu Thọ, lãng khách lang thang đi tìm điểm tựa (Ảnh: News.zing.vn)

Hữu Thọ cầm bút không để tìm kiếm thất bại, không để vừa lòng tất cả mọi người. Sẽ là sai lầm nếu nếu vận dụng câu thơ Nguyễn Đình Chiểu cho trường hợp của ông: “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. 

Văn của Hữu Thọ, báo của Hữu Thọ không nhằm mục đích “đâm mấy thằng gian”, nó có cái gì đó cao hơn, xa hơn, mang hơi thở của thời đại cách mạng giống như câu thơ mà Cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã viết: “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”. 

“Xoay” chứ không phải phá, xoay là kế thừa, là phát triển, là định hướng lại cho đúng đắn với mục đích dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…

Chỉ khi nào ngôi nhà đã mục ruỗng đến mức không thể sửa chữa mới phải phá, vấn đề là cần nhận biết ngôi nhà của mình, cột, xà, quá giang, kể cả hoành phi, câu đối… đã bị mối mọt hay chưa, có còn xoay được không?

Từ những bài viết mà báo chí, bạn bè dành cho ông trong những ngày qua và trước đó, có thể khẳng định trong sự nghiệp làm báo, Hữu Thọ là một trong số ít người thành công, nếu đã như thế thì kết quả tất yếu rút ra từ lời tự sự của ông là ông đã “không làm vừa lòng tất cả mọi người”. 

Thực tế có phải như vậy, có phải là ông cũng có lúc buộc phải làm “mất lòng” một số người? 

Câu trả lời của Hữu Thọ cho câu hỏi này thật rõ ràng: “Vẫn biết nếu tỏ thái độ hay chính kiến rõ ràng thì sẽ có những người không ưa, thậm chí thù ghét, nhưng đó là điều cần phải chấp nhận, bởi với một người làm báo chân chính, được tin cậy thì bao giờ cũng có người yêu kẻ ghét”. 

Ông bằng tài năng và sự sắc sảo của mình đã khẳng định vị trí ngôi đại thụ trong làng báo đến mức dù có bị ghét, người ta vẫn phải nghe ông nói dù không muốn hay không thể làm theo điều ông khuyến cáo.

Ông từng nêu ý kiến: “Về chuyện niềm tin thì nhiều học giả đã nói, đại ý, giành được niềm tin bao nhiêu cũng là ít, suy giảm niềm tin một chút cũng là nhiều, còn mất niềm tin là mất tất cả”. 

Cũng chính ông đã lý giải thế nào là suy giảm niềm tin: “Có thể hiểu sự sai lầm trong xác định đường lối, chính sách và sai lầm trong chọn lựa, sử dụng cán bộ, sai lầm trong việc rèn luyện đội ngũ dẫn tới suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, mất đi mối quan hệ máu thịt với nhân dân”. [2] 

Ông nói “mất đi mối quan hệ máu thịt với nhân dân” chứ không phải mất niềm tin nơi nhân dân, hiểu thế nào là tùy nhận thức của mỗi người, chỉ có điều đã là sự thật, đã là chân lý thì không thể có nhiều cách hiểu.

Còn nhớ một câu chuyện cũ, nhà báo trẻ của một tờ báo nâng ly chúc sức khỏe với lời chúc chân tình: “con xin bố chỉ dùng số ít, đừng dùng số nhiều, bố mà dùng số nhiều là mấy chục triệu đấy”! Không đến nỗi giật mình về lời chúc nhưng tự nhiên thấy chén rượu dường như nhạt hơn bình thường. 

Không được dùng số nhiều vì con số thống kê cho thấy chỉ chưa đầy 0,5% công chức có vấn đề về kê khai tài sản, đó là một đội ngũ trong sạch đến mức gần như không có tỳ vết. Vậy nên chỉ có thể dùng từ “một số” hoặc theo ngôn ngữ chính thống là “không ít người”.

Về điều này từ năm 2003, Hữu Thọ đã viết bài “Ước Chúa hay nghe”. Theo giải thích của ông với nhà báo Đặng Đình Nguyên [2] Chúa ở đây không phải là Chúa trời mà là Chúa Nguyễn, và đây là di ngôn của cụ Đào Duy Từ khuyên Chúa Nguyễn: “Ước tôi hay gián, ước Chúa hay nghe".

Thời nào cũng thế, một khi Chúa không “hay nghe”, một khi Chúa cứ thấy trái tai là trách phạt thì hậu quả là bầy tôi, từ chỗ không dám nói dẫn tới không muốn nói, bởi dù có nói cũng chẳng ai nghe, nói nhiều không khéo lại mang họa.

Sự im lặng tự thân nó luôn bao hàm hai ý, đồng ý hoặc phản đối. Tuy nhiên, phản đối bằng cách im lặng cũng đồng nghĩa với tội lỗi. Thế giới trở nên bất ổn không chỉ bởi mưu mô xảo quyệt của những kẻ tham lam, cậy sức, cậy quyền mà còn bởi sự im lặng của những người tử tế. 

Sự tồi tệ không thể tránh khỏi sẽ đến với cộng đồng nếu “người tử tế” lại là bạn bè, đồng chí với kẻ tham lam, càng tồi tệ khi biết bọn gian tham nhưng người ta lại cam tâm tình nguyện làm bạn bè, đồng chí của kẻ như vậy.

Cũng không loại trừ trường hợp có “chúa hay nghe”, nhưng là nghe người ngoài, nghe người ở xa vì “bụt chùa nhà không thiêng”. Những tiếng nói cất lên từ giới cần lao, từ những cá nhân tâm huyết bên cạnh chúa bị xem là tầm thường, là ít chất trí tuệ. 

Trong phát ngôn của Chúa, phải có trích dẫn các câu tiếng tây, tiếng tầu, phải có gì đó thật là kinh điển,… “Hay nghe” như vậy chẳng sớm thì muộn cũng sẽ đến lúc không nghe thấy gì.

Quyền lực có thể khiến con người tha hóa rất nhanh, nhưng không phải cứ có quyền lực là người ta ngay lập tức tha hóa.

Người đi tìm điểm tựa! ảnh 2

Nhà báo Hữu Thọ: “Sự hy sinh thầm lặng của y bác sĩ làm tôi yêu đời hơn”

(GDVN) - “Tôi thực sự cảm ơn tấm gương, cám ơn tác giả đã viết về tấm gương làm cho tôi yêu đời, hơn tin tưởng hơn”, nhà báo Hữu Thọ chia sẻ.

Không thiếu dẫn chứng cho thấy các vương triều phong kiến Việt Nam, sau khi chiến thắng ngoại xâm có được một thời kỳ phát triển rực rỡ như nhà Trần, nhà Lê, chỉ sau thời kỳ đó mới bắt đầu tiến trình tha hóa dẫn tới vương triều sụp đổ.

Xem thế đủ thấy quyền lực không chỉ làm tha hóa kẻ nắm quyền, nó còn có thể làm tha hóa một vương triều, một chế độ, một chủ thuyết…

Ham muốn nắm giữ quyền lực vĩnh hằng chỉ là những người không chịu hiểu quy luật phát triển tất yếu của xã hội loài người. 

Từng là người lãnh đạo tờ báo lớn nhất cả nước, đứng đầu cơ quan tư tưởng văn hóa của Đảng, nhà báo Hữu Thọ cho rằng không nên ảo tưởng về quyền lực của báo chí. 

Ông không đồng tình với quan điểm cho rằng truyền thông là quyền lực thứ tư sau lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Không phải ông không biết đến điều mà khắp thế giới thừa nhận, song có lẽ ông có lý lẽ của riêng mình khi nhận thấy, đội ngũ làm báo nước nhà chưa đủ tâm và tầm để có thể đưa truyền thông thành quyền lực, giống như ý kiến chỉ ra trong bài báo trên Vietnamnet.vn ngày 19/6/2013: “Còi xương sao thành quyền lực được”.

Vì sao đất nước lại có một nền báo chí “còi xương”? Câu trả lời của nhà báo Hữu Thọ là do 2 nguyên nhân:

Theo tôi thì chỉ có 2 nguyên nhân. Một là nhiều tờ báo in rất khó khăn về tài chính nên số phụ và trang điện tử ra quá nhiều, cái sai chủ yếu ở đó. Hai là con người làm báo, trong đó, nhiều phóng viên, nhà báo còn thiếu trách nhiệm rèn luyện đạo đức người làm báo… ". [3]

Người đi tìm điểm tựa! ảnh 3

Vĩnh biệt Nhà báo Hữu Thọ

(GDVN) - Ông sinh ngày 8/1/1932 (tức mùng 1 tháng 12 năm Tân Mùi) tại Hà Nội. Tên khai sinh là Nguyễn Hữu Thọ, bút danh Hữu Thọ, Nhân Nghĩa, Nhân Chính...

Hai nguyên nhân ông nêu đều đúng, song có lẽ chưa đủ, cần phải bổ sung thêm ý kiến của người kế tục công việc của ông ở Ban Văn hóa Tư tưởng TƯ, ông Vũ Ngọc Hoàng còn chỉ ra rằng, báo chí ngày nay sợ nhiều thứ, đặc biệt là “sợ bị quy chụp quan điểm”.

Tranh biện về quan điểm là chuyện bình thường, quan điểm của mỗi người có thể đúng, có thể sai, nhưng một khi “bị quy chụp” thì vấn đề kết thúc bởi không còn gì để tranh biện.

Muốn nhấc bổng trái đất bằng đòn bẩy, điểm tựa phải nằm ngoài trái đất. Muốn nâng tầm dân tộc, điểm tựa phải chăng cũng phải ở bên ngoài? 

Giờ đã “ở ngoài” rồi, tìm thấy hay chưa tìm thấy điểm tựa với Hữu Thọ không còn quan trọng, quan trọng là những gì mà ông để lại có được xem là điểm tựa cho thế hệ làm báo hôm nay góp sức nâng dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới?

Hữu Thọ, lãng khách lang thang đi tìm điểm tựa, có thể ông chưa tìm thấy điểm tựa cho mình nhưng lại tìm thấy điểm tựa cho nhiều người khác.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://huc.edu.vn/chi-tiet/915/Nguyen-Pho-Thu-tuong---Toi-la-nguoi-hay-cai-.html

[2] http://antg.cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-antg/Nha-bao-Huu-Tho-Phai-cung-chung-trach-nhiem-305149/

[3] http://infonet.vn/dau-long-vi-chua-bao-gio-uy-tin-bao-chi-giam-sut-nhu-hien-nay-post166388.info

Xuân Dương