"Nhân loại tiến bộ, cơ quan điều tra phải độc lập với tạm giam, tạm giữ"

17/08/2015 14:17
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, ông Nguyễn Văn Hiện cho rằng, xu hướng của nhân loại tiến bộ là Cơ quan điều tra phải độc lập với tạm giam, tạm giữ.

Hôm nay (17/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Dự án “Luật tạm giữ, tạm giam”.  

Tách điều tra và tạm giữ, tạm giam để chống bức cung, nhục hình

Về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, nhiều ý kiến cho rằng cần tổ chức lại hệ thống Nhà tạm giữ, Trại tạm giam theo mô hình dọc do Bộ Công an quản lý để bảo đảm tính độc lập, tránh việc Cơ quan điều tra lạm dụng bức cung, dùng nhục hình.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an hiện nay vẫn đang do Cơ quan Cảnh sát điều tra thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh quản lý là chưa phù hợp. Vì vậy, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề nghị phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra và đề nghị cần giao cho Cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với Cơ quan điều tra, nhằm chống lạm dụng bức cung, dùng nhục hình.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, xu hướng của nhân loại tiến bộ là Cơ quan điều tra phải độc lập với tạm giam, tạm giữ. Ở một số nước thì giao cho hẳn một cơ quan khác, độc lập hoàn toàn quản lý (có nước giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ), còn ở Việt Nam thì vẫn thống nhất giao cho Bộ Công an.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, xu hướng của nhân loại tiến bộ là Cơ quan điều tra phải độc lập với tạm giam, tạm giữ.

Ông Hiện nói: "Ở một số nước, tạm giữ, tạm giam giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, còn ở ta thì lại giao cho Bộ Công an. Các nước ấy quản lý tạm giữ, tạm giam giống như người giữ kho, khi tôi xuất cho anh một người thì anh phải trả lại tôi người đó nguyên vẹn. Họ làm chặt chẽ đến mức như thế, chứ không phải như ở ta Cơ quan điều tra lại kiêm luôn cả tạm giữ, tạm giam. Nếu khai tốt thì tôi thưởng cho anh cái này, anh khai không tốt thì tôi phạt anh cái kia.

Ở địa phương của ta bây giờ ở địa phương cũng đã làm rồi, có lực lượng thi hành án hình sự từ quận đến tỉnh và tách riêng tạm giam, tạm giữ giao cho lực lượng này rồi. Thế thì chẳng có lý do gì ở quận, ở tỉnh đã thực hiện được rồi mà 4 trại giam của Bộ Công an thì lại giao cho Tổng Cục Cảnh sát và Tổng Cục An ninh.

Khi chúng tôi làm việc với Tổng Cục thi hành án hình sự (Tổng Cục 8), người ta cũng có nói là không rõ vì sao không được giao quản lý. Tôi có hỏi là, tại sao các anh không đề nghị với lãnh đạo Bộ? Họ trả lời là, chúng em chịu sự lãnh đạo của Bộ, chúng em mà nói thì chúng em chết. Bản thân người ta cũng mong muốn được quản lý 4 trại tạm giam của Bộ, tại sao không làm được?

Nói rộng hơn, từ các đồng chí lãnh đạo Viện Kiểm sát Tối cao cho tới các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước cũng yêu cầu cố gắng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ tạm giam, bởi vì họ là công dân, chỉ có nghi ngờ phạm tội thôi, chứ chưa kết luận, xét xử".

Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị phải tách biệt rõ hoạt động điều tra với tạm giữ, tạm giam. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị phải tách biệt rõ hoạt động điều tra với tạm giữ, tạm giam. ảnh: Ngọc Quang.

Cùm chân hay không cùm chân?

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đề nghị phải làm rõ trong luật: Người bị tạm giữ, tạm giam được hưởng những quyền gì và bị hạn chế quyền gì? Phải phân biệt được quyền của người tạm giữ, tạm giam với người chấp hành hình phạt tù.

Theo Ủy ban Tư pháp, dự thảo luật đã quy định khác nhau giữa quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam với người chấp hành án phạt tù như người chấp hành án phạt tù phải bị lao động (bắt buộc); phải học tập, rèn luyện kỷ luật, pháp luật, giáo dục công dân, học văn hóa…; còn người bị tạm giữ, tạm giam không có các nghĩa vụ này.

Người bị tạm giữ, tạm giam được thực hiện quyền bầu cử; người chấp hành án phạt tù bị tước bỏ quyền này….

'Thuế cũng điều tra, chứng khoán cũng điều tra... thì điều tra loạn à”

"Thuế cũng điều tra, chứng khoán cũng điều tra... thì điều tra loạn à”

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo luật, rà soát để bổ sung các quyền của người bị tạm giữ, tạm giam như quyền bầu cử; quyền gặp luật sư, người bào chữa; quyền được khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế nếu người bị tạm giữ, tạm giam đóng bảo hiểm y tế, tăng cường hơn một số chế độ của người bị tạm giữ, tạm giam.

Vấn đề có nên cùm chân người bị tạm giữ, tạm giam hay không đã nhiều lần được đặt ra, nhưng cho tới buổi thảo luận hôm nay, ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật vẫn yêu cầu phải cân nhắc biện pháp này, bởi vì còn phải đảm bảo quyền, đảm bảo danh dự của công dân.

Ông Lý cũng đề nghị bổ sung thêm quy định Thủ trưởng cơ quan điều tra kịp thời báo cáo khi người bị tạm giữ, tạm giam chết thì cần có thêm điều kiện người nhà được chứng kiến, được yêu cầu khám nghiệm tử thi để làm rõ lý do vì sao bị chết.

Nêu quan điểm về biện pháp cùm chân, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng: “Cùm chân gần như không ảnh hưởng lắm đến quyền của người bị tạm giam. Chúng tôi đã tham khảo ở rất nhiều quốc gia, thậm chí ở Singapore còn có hình phạt đánh bằng roi. Chúng tôi có hỏi là quốc tế có lên án không, Cảnh sát Singapore cho biết là không đề cập.

Với một số trường hợp đối tượng hết sức nguy hiểm và phức tạp thì cần phải có cùm. Cùm một bên chân để tránh đối tượng tự sát hoặc gây ra những sự việc đáng tiếc khác, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của anh em chiến sĩ. Thí dụ như đối tượng Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước đã có sự chuẩn bị tự sát, cho nên cần có cùm chân với một số đối tượng trong những hoàn cảnh cần thiết”.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, trong một số trường hợp cần thiết vẫn phải áp dụng biện pháp cùm chân. ảnh: Ngọc Quang.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, trong một số trường hợp cần thiết vẫn phải áp dụng biện pháp cùm chân. ảnh: Ngọc Quang.

Không thể gián tiếp làm phá sản một doanh nghiệp

Ủng hộ những quan điểm cần đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng: “Khi chưa bị kết tội thì họ vẫn có quyền công dân. Phải làm rõ họ được những quyền gì khi bị cưỡng chế phải tạm trú ở một nơi có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước. Tôi đè nghị quyền gặp nhân thân phải cân nhắc rất kỹ và làm rõ chỗ này, vì trong dự án luật chưa làm rõ tính nhân văn chỗ này. Gặp cha, mẹ, vợ, con là nó thiêng liêng lắm. Cho họ gặp nhưng phải có điều kiện gì? Phải làm rõ chỗ này để đảm bảo tính nhân văn của nhà nước ta".

Ông KSor Phước cũng đồng thời đề nghị phải làm rõ, người bị tạm giam, tạm giam được nhận hàng của người thân nhưng phải kiểm soát xem đó có phải hàng cấm không, điều này chưa nói rõ trong dự án luật.

Có những người bị bệnh nguy hiểm như bệnh tim, bệnh hen thì những người đó cần có môi trường giam giữ khác bình thường, tránh trường hợp bị chết khi tạm giữ, tạm giam.

"Người bị tạm giữ, tạm giam được tiếp cận thông tin ở mức độ nào? Thí dụ có được quyền gọi ra ngoài không. Ở một số nước trong nhà giam có cả điện thoại để phạm nhân gọi ra ngoài. Ta có cho gọi điện thoại không? Nếu không cho phải nói rõ. Rồi có được nhận thư và gửi thư ra ngoài không? Luật phải làm rõ, chặt chẽ những điểm này.

Ngoài ra còn có chuyện tiếp cận với đời sống thông tin xã hội. Có những người hàng ngày, hàng giờ người ta ký rất nhiều loại giấy tờ, thế mà bị tạm giữ tới mấy ngày không ký được gì thì doanh nghiệp có nguy cơ bị phá sản. Vậy thì trong trường hợp này phải ứng xử thế nào để đảm bảo quyền công dân, vừa đảm bảo yêu cầu điều tra", ông KSor Phước nhấn mạnh.

Ngọc Quang