Ngân hàng nhà nước tăng tỷ giá, ngành nào có lợi?

20/08/2015 07:52
Mai Anh
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, ngành nghề hưởng lợi từ tăng tỷ giá là xuất khẩu nông, lâm, tủy hải sản bởi khi tăng tỷ giá doanh nghiệp tăng cạnh tranh lợi nhuận.

Giảm đầu cơ

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ từ mức 21.673 đồng đổi một đôla lên 21.890 VND (tương đương tăng 1%), đồng thời nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá trên thị trường ngoại tệ, các nhà băng đã đồng loạt tăng mạnh tỷ giá.

Tại Vietcombank, tỷ giá mua bán tăng 275 đồng vào ngày 19/8 (tăng từ 22.280 lên  22.380 đồng đổi một dorla). Tương tự Eximbank tăng mạnh từ 22.250 lên 22.345 đồng. Techcombank để giá mua vào ở 22.200 đồng nhưng bán ra ở 22.480 đồng, cao hơn hẳn so với các ngân hàng khác.

Ngân hàng nhà nước tăng tỷ giá giúp giảm đầu cơ (ảnh minh họa)
Ngân hàng nhà nước tăng tỷ giá giúp giảm đầu cơ (ảnh minh họa)

Đây là lần thứ 3 kể từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá. Lần thứ nhất ngay đầu năm, tỷ giá từ 21.246 đồng hiện nay lên 21.458 đồng. Lần thứ hai vào ngày 7/5, tỷ giá cũng tăng 1%, lên 21.673 đồng. 
Như vậy, sau 3 lần tăng tỷ giá, tỷ giá trên thị trường đã được phép tăng thêm 5%.

Điều này trái ngược lại với cam kết của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đầu năm là ổn định tỷ giá trong mức tăng không quá 2%.

Xét trên góc độ thị trường, TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá tăng mang lại những điểm tích cực.

Cụ thể, tăng tỷ giá sẽ làm giảm áp lực trên thị trường ngoại hối. Theo TS Hiếu trên thị trường tự do đồng USD tăng điểm rất mạnh, từ trước đến nay giới đầu cơ thường mua USD với giá trị thấp từ ngân hàng nhà nước và bán ra thị trường tự do giá trị cao để hưởng lợi.

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng (Ảnh Hoàng Lực)
TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng (Ảnh Hoàng Lực)

Để xử lý tình trạng này phải tăng tỷ giá lên để tạo ngang bằng với thị trường ngoài nhằm giảm đầu cơ. Giá hiện tại sau khi được điều chỉnh tăng lên 22. 547 đồng ngang bằng với giá thị trường tự do.

Điểm lợi thứ hai việc tăng tỷ giá đảm bảo dự trữ ngoại tệ quốc gia. “Nếu duy trì tỷ giá thấp như trước đây, các thành phần kinh tế đổ xô vào ngân hàng nhà nước mua ngoại tệ. Ngân hàng nhà nước phải bán lượng lớn ngoại tệ, điều này ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối quốc gia. Tăng tỷ giá, giảm nguy cơ dự trữ ngoại hối quốc gia bị ảnh hưởng”, TS Hiếu cho biết.

Tăng nợ công

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, động thái điều chỉnh tỷ giá thời gian qua của Ngân hàng Nhà nước tác động lớn đến kinh tế vĩ mô. Giúp xuất khẩu tăng mạnh, hạn chế nhập khẩu.

Ngành nghề hưởng lợi từ tăng tỷ giá là ngành xuất khẩu nông, lâm, tủy hải sản bởi khi tăng tỷ giá doanh nghiệp tăng cạnh tranh lợi nhuận. 

Riêng dệt may tuy là ngành xuất khẩu nhưng phải nhập nguyên liệu nên việc tăng tỷ giá tức tăng chi phí nhập nguyên liệu đầu vào cũng tăng cả lợi nhuận bán ra. Việc lợi nhuận ngành dệt may bao nhiêu phụ thuộc vào tỷ lệ phải nhập bao nhiêu.

Bên cạnh thuận lợi trên, ông Hiếu cho rằng tăng tỷ giá khiến nợ công Việt Nam tăng lên. Nợ công của Việt Nam chủ yếu ngoại tệ tăng tỷ giá sẽ tăng nợ công lên khi quy đổi ra Việt Nam đồng.

Điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến nợ công Việt Nam tăng, đồng thời lạm phát có nguy cơ tăng khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng (ảnh minh họa)
Điều chỉnh tỷ giá sẽ khiến nợ công Việt Nam tăng, đồng thời lạm phát có nguy cơ tăng khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng (ảnh minh họa)

“Tác động bùng nổ lạm phát trở lại, bởi khi tăng tỷ giá thì giá tất cả hàng nhập khẩu giá hàng tính ra tiền Việt Nam sẽ tăng lên, giá hàng nhập khẩu tăng lên sẽ hòa nhập và trong giá hàng hóa lạm phát”, ông Hiếu nhận định.

Tuy tăng tỷ giá ảnh hưởng tiêu cực một số mặt nhưng TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong dài hạn nên tiếp tục điều chỉnh tăng tỷ giá, hiện tại giá trị đồng Việt Nam đang giữ mức rất cao so với giá trị thực trên thị trường. 

“Theo khảo sát của một tạp chí tại Anh thì tiền đồng của Việt Nam đang giữ tỷ giá cao bằng 50%-60% so với thực tế. Sức mua tiền đồng Việt Nam rất cao nên tỷ giá thấp. Việc duy trì sức mua tiền đồng Việt Nam ở vị trí cao trong thời gian dài là nhiệm vụ bắt buộc mình phải làm, mình rất thành công trong thực hiện chính sách đồng tiền mạnh, duy trì tỷ giá thấp sức mua cao để đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế”, TS Hiếu cho biết.

Tuy nhiên việc duy trì tỷ giá thấp và chính sách đồng tiền mạnh cũng đặt ra vấn đề.

Trước đây Trung Quốc thực hiện chính sách đồng tiền mạnh, nhưng hiện nay chính sách nước này đã xoay tua chuyển sang chính sách đồng tiền yếu để hỗ trợ cho xuất khẩu cho nền kinh tế nên đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ngày càng suy  yếu.

Việt Nam cũng thực hiện điều chỉnh tăng tỷ giá nhưng tăng ít. 

“Trong tương lai theo tôi, cần thay đổi chính sách xoay chuyển từ chính sách tiền đồng mạnh sang đồng tiền yếu lộ trình phá giá, mức phá giá khoảng 10% nhưng không phải ngay lúc này mà trong vòng 3 năm tới. Tức 3 năm sau khi điều chỉnh tỷ giá quy đổi tiền đồng Việt Nam sẽ tương đương gần 25.000 đồng/USD”, TS Hiếu nêu quan điểm. 

Mai Anh