Mỹ muốn hợp tác với Cảnh sát biển Trung Quốc duy trì hòa bình ở Biển Đông

26/08/2015 15:17
Hồng Thủy
(GDVN) - Chạm trán trong vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp đều liên quan đến lực lượng tàu Cảnh sát biển Trung Quốc trong khi tàu hải quân nước này canh chừng...
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Ảnh: AP/VOA.
Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Ảnh: AP/VOA.

South China Morning Post ngày 26/8 đưa tin, Mỹ đang tìm kiếm một thỏa thuận với Cảnh sát biển Trung Quốc để cùng duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Đề xuất này được nêu ra bởi Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ với nội dung chính là mở rộng cơ chế tránh đối đầu, đụng độ giữa chiến hạm hải quân hai nước trên Biển Đông sang cơ chế tránh đối đầu, va chạm với tàu Cảnh sát biển Trung Quốc.

Khu vực Đông Nam Á đặc biệt quan ngại hành vi leo thang xây đảo phi pháp của Trung Quốc

Nói với các phóng viên qua điện thoại từ Kuala Lumpur hôm Thứ Ba tướng Scott Switt cho biết, các đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực liên tục tỏ ra vô cùng lo lắng bất an trước quy mô và phạm vi các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên 7 bãi đá ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép từ năm 1988, 1995 đến nay).

Đài VOA ngày 25/8 dẫn lời ông Scott Swift nói: "Tất cả các đối tác đều bày tỏ mối quan tâm và sự bất an về những gì có thể giữ được trong tương lai. Nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là đến với nhau trong một khuôn khổ đa phương và phương pháp hòa giải những khác biệt trong yêu sách của các bên một cách tích cực, không cho phép sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực như đòn bẩy để theo đuổi lợi ích của một bên".

Các đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực tiếp tục truy vấn về chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương mà Hoa Kỳ tuyên bố. Nhiều nước yêu cầu Mỹ tăng cường tính cam kết đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực. Bộ Quốc phòng Mỹ mới công bố lộ trình cho vấn đề an ninh hàng hải với kế hoạch điều động 60% vũ khí hải quân - không quân đến châu Á - Thái Bình Dương đến năm 2020.

Nhật Bản sẽ trở thành trung tâm các nỗ lực của Mỹ trong khu vực trong khi Guam đóng vai trò căn cứ chủ yếu. Mỹ đang có kế hoạch tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam và Ấn Độ, trong khi hoạt động quân sự sẽ được mở rộng với Indonesia, Nhật Bản và Malaysia.

Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Đô đốc Greenert. Ảnh: Reuters/SCMP.
Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ Đô đốc Greenert. Ảnh: Reuters/SCMP.

Đề xuất cơ chế hợp tác với Cảnh sát biển Trung Quốc ở Biển Đông

Theo South China Morning Post, Đô đốc Scott Swift đã tìm cách trấn an đối tác về cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Á -  Thái Bình Dương đồng thời với việc nhấn mạnh tầm quan trọng về "một mối quan hệ tích cực" với Trung Quốc. Để giảm căng thẳng trên biển, năm 2014 Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký bộ Quy chế về các tình huống chạm trán bất ngờ trên biển giữa hải quân 2 nước, đến nay giao thức này vận hành khá tốt.

Hoa Kỳ đang rất quan tâm đến khả năng mở rộng cơ chế này đối với hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc. Charlie Brown, một Thuyền trưởng thuộc Hạm đội 7 nói với South China Morning Post, Đô đốc Scott Swift đã thảo luận về khả năng sử dụng cơ chế tránh đối đầu giữa tàu hải quân hai nước áp dụng cho Cảnh sát biển.

Ý tưởng này cũng đã được đưa ra trong cuộc hội đàm giữa Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ sắp mãn nhiệm, Đô đốc Greenert Jon. Defense News đã dẫn lời ông Lợi nói rằng, ông nhất trí ủng hộ đề nghị này của Mỹ, nhưng ông lưu ý: "Cũng giống như Mỹ, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc thuộc một bộ phận riêng biệt của chính phủ", nói cách khác Ngô Thắng Lợi từ chối khéo với cái cớ, điều này không thuộc thẩm quyền của ông ta - PV.

Greenert cho biết, Tư lệnh Cảnh sát biển Hoa Kỳ Đô đốc Paul Zukunft đã từng đến Bắc Kinh để trình bày ý tưởng này với Cảnh sát biển Trung Quốc. Bắc Kinh chủ yếu sử dụng lực lượng Cảnh sát biển để theo đuổi khẳng định yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) của họ ở Biển Đông và Hoa Đông trong vài năm gần đây.

Hầu hết các cuộc chạm trán trong vùng biển (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp đều liên quan đến lực lượng tàu Cảnh sát biển Trung Quốc trong khi tàu hải quân nước này canh chừng gần đó, sẵn sàng nhảy vào một khi tình huống leo thang. Trung Quốc có lực lượng Cảnh sát biển hùng hậu nhất khu vực với 95 tàu lớn và 110 tàu nhỏ, vượt xa Nhật Bản với 53 tàu lớn và 25 tàu nhỏ cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác.

Hồng Thủy