"Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia"

09/09/2015 06:52
Hồng Thủy
(GDVN) - Cái gọi là "không can thiệp" ở đây có thể hiểu Trung Quốc không đặt ra yêu cầu về dân chủ, nhân quyền khi rót tiền, nhưng đã thông qua Campuchia để phá vỡ...

Chheang Vannarith, đồng sáng lập và là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược Campuchia ngày 8/9 bình luận trên Khmer Times, để tồn tại và phát triển thịnh vượng trong một khu vực năng động và phức tạp, Campuchia nên tìm kiếm chiến lược hợp tác với các cường quốc lớn. Trung Quốc và Hoa Kỳ là những tác nhân quan trọng nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Campuchia cần phát triển quan hệ với cả 2 nước này.

Vợ chồng ông Tập Cận Bình tiếp Quốc vương và Thái hậu Campuchia tại Điếu Ngư Đài trong một lần sang Bắc Kinh kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Vợ chồng ông Tập Cận Bình tiếp Quốc vương và Thái hậu Campuchia tại Điếu Ngư Đài trong một lần sang Bắc Kinh kiểm tra sức khỏe định kỳ. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Trật tự khu vực phụ thuộc nhiều vào cách Mỹ và Trung Quốc triển khai sức mạnh của họ và ứng xử với lợi ích cốt lõi của nhau. Do đó một mối quan hệ Trung - Mỹ ổn định và lành mạnh sẽ là nền tảng cho hòa bình và phát triển trong khu vực. Từ năm 1997, quan hệ Trung Quốc - Campuchia đã được tăng cường đáng kể. Năm 2010 hai nước ký quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Hiện tại, Campuchia là "người bạn tốt nhất" của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Campuchia ủng hộ lập trường (vô lý, phi pháp và bành trướng) của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, ủng hộ đầy đủ chiến lược "Một vành đai, một con đường" của Tập Cận Bình cũng như sáng kiên Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) mà Bắc Kinh khởi xướng.

Quan hệ song phương Mỹ - Campuchia đã dần được cải thiện từ những năm 2000. Phát triển nguồn nhân lực, an ninh và quan hệ kinh tế là những lĩnh vực hợp tác chính. Tuy nhiên sự khác biệt về các giá trị dân chủ, nhân quyền vẫn là những trở ngại lớn. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nói thẳng điều này với Thủ tướng Hun Sen trong một hội nghị thượng đỉnh song phương tháng 11/2012.

Học giả Chheang Vannarith cho rằng Campuchia đang "phấn đấu trung lập", nhưng chính sách đối ngoại của Trung Quốc với Campuchia hiệu quả hơn Mỹ. Bắc Kinh đã cung cấp hơn 3 tỉ USD viện trợ phát triển và hơn 10 tỉ USD đầu tư cho Campuchia.

Trong khi đó Mỹ là thị trường lớn nhất cho hàng dệt may của Campuchia, ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực sử dụng hơn nửa triệu công nhân nước này. Mỹ cung cấp khoảng 80 triệu USD hỗ trợ phát triển hàng năm cho Campuchia, chủ yếu thông qua các tổ chức phi chính phủ và các chương trình hỗ trợ nhân đạo.

Trung Quốc đã giành được sự tin tưởng từ giới tinh hoa cầm quyền ở Campuchia thông qua "ngoại giao kinh tế, không can thiệp" và tôn trọng lẫn nhau, Chheang Vannarith nhận xét. Tuy nhiên nhận xét này khiên cưỡng và thiếu tính thuyết phục - PV.

Cái gọi là "không can thiệp" ở đây có thể hiểu Trung Quốc không đặt ra yêu cầu về dân chủ, nhân quyền khi rót tiền, nhưng đã thông qua Campuchia để phá vỡ khối đoàn kết ASEAN, chống lại các nỗ lực của khu vực đối phó với hành vi leo thang bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Nói cách khác, Bắc Kinh buộc Phnom Penh phải nói theo quan điểm của họ, bất chấp phản đối từ các thành viên ASEAN.

Còn về các vấn đề nội bộ của Campuchia, ngày 6/12/2013 Tân Hoa Xã có bài xã luận chỉ trích Hun Sen, gây áp lực buộc CPP phải "cải cách". Theo bình luận của The Cambodia Daily, đây là "cuộc tấn công bất thường chưa từng có tiền lệ với chính phủ Hun Sen, một đồng minh thân cận của Bắc Kinh".

Chính Vannarith đã khẳng định trong bài phân tích này rằng: Trung Quốc đã đưa ra đặc quyền cho Hun Sen trong các diễn đàn. Quan trọng nhất là Trung Quốc đã "chăm sóc tốt" gia đình Hoàng gia Campuchia, ông Norodom Sihanouk đã qua đời tại Bắc Kinh sau một thời gian được các bác sĩ Trung Quốc chăm sóc. Mẹ con Quốc vương Sihamoni hàng năm vẫn qua Bắc Kinh kiểm tra sức khỏe định kỳ 2 lần.

Chheang Vannarith cho rằng, trong khi đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền nghiêng về phía Trung Quốc thì đảng đối lập Cứu quốc Campuchia (CNRP) có quan hệ gần gũi hơn với Hoa Kỳ. "Dường như Trung Quốc chỉ bỏ trứng vào một giỏ khi đầu tư phát triển quan hệ với CPP mà bỏ qua CNRP, khác với cách người Trung Quốc đã làm ở Myanmar, trải thảm đỏ đón lãnh tụ phe đối lập Aung San Suu Kyi".

Điều này thì chưa chắc. Người ta đã thấy Sam Rainsy và Kem Sokha bước ra từ đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh ngày 25/10/2013. Tháng 1/2014 Sam Rainsy còn công khai tuyên bố ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông (mà Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp với Việt Nam. Ngay cả đảng bảo hoàng Funcinpec không có ghế nào trong Quốc hội còn được Trung Quốc "bao" từ tiền thuê nhà, điện nước cho đến phương tiện đi lại.

Đó là còn chưa kể đến việc Trung Quốc viện trợ từ quân phục tới vũ khí cho quân đội, cảnh sát Campuchia, cung cấp điện thoại di động cho các quan chức ngoại giao nước này để "tiện làm việc".

Hồng Thủy