Phi công nghỉ việc phải báo trước 120 ngày: Vẫn "trái luật"

11/09/2015 09:58
Hồng Minh
(GDVN) - “Quy định tại thông tư mới của Bộ GTVT trước mắt có thể đạt được mục tiêu quản lý hành chính còn quản lý con người không đạt được”, PGS.TS Vũ Quang Thọ nói.

Ngày 12/8/2015 Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 41/2015/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều trong phần 12 và phần 14 của Bộ Quy chế An toàn hàng không dân dụng lĩnh vực tàu bay và khai thác tàu bay.

Điểm mới và đáng chú ý trong Thông tư 41 là quy định chấm dứt hợp đồng lao động đối với nhân viên hàng không trình độ cao.

Cụ thể, nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng.

Nói cách khác nhân viên hàng không trình độ cao gồm: Thành viên tổ lái (phi công); nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ CRS mức B trở lên; nhân viên điều độ, khai thác bay khi muốn xin nghỉ việc phải thông báo trước 120 ngày (khoảng 4 tháng) cho hãng hàng không.

Quản lý con người không nên cưỡng ép

Quy định mới trong vấn đề chấm dứt hợp đồng tại Thông tư 41 đặt ra hai vấn đề: Thứ nhất về vấn đề pháp lý, theo Luật Lao động năm 2012 thì người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động trước 30 ngày hợp đồng lao động có thời hạn và 45 ngày với hợp đồng lao động không thời hạn. Như vậy có độ vênh giữa Thông tư của Bộ Giao thông vận tải và Luật Lao động.

Phi công muốn xin nghỉ việc phải thông báo trước 120 ngày. Ảnh minh họa.
Phi công muốn xin nghỉ việc phải thông báo trước 120 ngày. Ảnh minh họa. 

Thứ hai, khi người lao động muốn xin nghỉ việc nhưng phải chờ đợi quá lâu (4 tháng) dẫn đến tâm lý không ổn định không đảm bảo hiệu quả lao động, hiệu quả công việc. Điều này gây lo ngại tác động ngược từ thông tư.

Đứng góc độ người nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến quyền nghĩa vụ người lao động, PGS.TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: “Quy định thông tư mới này có thể gây bức xúc cho người lao động đặc biệt người lao động có trình độ có hiểu biết. Nếu Bộ Giao thông vận tải vẫn quyết định thực hiện văn bản này khi mà nó có những điều khoản không phù hợp với quy định trong Bộ Luật Lao động Việt Nam thì nó sẽ gây tâm lý không thuận chiều đối với vấn đề sử dụng lao động hiện nay”.

Đặt ra vấn đề liệu Thông tư 41 có đang dùng biện pháp hành chính cứng nhắc, áp đặt với với người lao động? PGS.TS Vũ Quang Thọ cho biết: “Có những văn bản hành chính phù hợp với quy luật khách quan về suy nghĩ về tình cảm tâm tư của người lao động thì văn bản đó tốt được ủng hộ. Có những văn bản được xem cưỡng ép, cưỡng ép bằng những văn bản hành chính”. 

Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, những văn bản cưỡng ép bằng hành chính có thể anh (hãng hàng không – PV) đạt được mục đích trước mắt nhưng về lâu dài là không được. Ví dụ để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả lao động sau những văn bản cưỡng ép hành chính là không được.

“Người lao động sẽ tìm mọi cách, không cách này thì cách khác mà những văn bản hành chính không với tới được để chống đối lại quyết định của anh”, PGS.TS Vũ Quang Thọ nêu lên tác động ngược từ Thông tư.

“Tóm lại văn bản hành chính cưỡng ép có thể giúp anh khắc phục hiện tượng trước mắt nhưng về lâu dài và cơ bản người lao động không phục anh. Người xưa có nói “tâm phục khẩu phục” tức là mọi ý kiến đưa ra phải phù hợp với quy định khách quan phải được mọi người thừa nhận, còn ngược lại thì chỉ nhận được sự thừa nhận về mặt hành chính. Có thể trước mắt đạt được mục tiêu quản lý hành chính còn quản lý con người không đạt được”, PGS. TS Vũ Quang Thọ cho biết thêm.

Ảnh hưởng đến an toàn bay

Ở khía cạnh khác, theo PGS-TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng người sử dụng lao động luôn muốn người lao động làm việc hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên để có hiệu quả lao động tăng thì tâm lý người lao động đóng vai trò quan trọng. 

Trong trường hợp người lao động vì lý do nào đó bị ức chế trong tâm lý, họ muốn xin nghỉ việc, nếu cơ quan chủ quản chỉ sử dụng văn bản luật mang tính cơ học để yêu cầu họ tiếp tục làm việc chắc chắn hiệu quả công việc không cao, thậm chí phản tác dụng.

“Với đặc thù ngành hàng không, khi những nhân sự trình độ cao như phi công làm việc trong tâm lý không thoải mái sẽ dễ gây mất an toàn bay như bài học về thảm họa của hãng bay Germanwings (Đức) đầu năm nay”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

Trước đó, trong quá trình soạn thảo Thông tư này đã "vấp" phải phản ứng dữ dội của giới phi công cũng như quy định khi đưa ra quy định nếu muốn chấm dứt hợp đồng phải báo trước 180 ngày (6 tháng). 

So với dự thảo, Thông tư 41 đã giảm 60 ngày, tuy nhiên kể cả trong trường hợp đã giảm, theo Ths.Luật sư Trương Anh Tuấn - Ủy viên Ủy ban đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến và xây dựng pháp luật - Liên đoàn luật sư Việt Nam thì người sử dụng lao động, người lao động trong ngành hàng không vẫn phải thực hiện quy định tại Điều 37 Luật Lao động.

Theo đó tại Điều 37 quy định Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động thì người lao động chỉ phải báo trước thời gian nghỉ việc từ 30 – 45 ngày.

Cùng quan điểm trên, TS.LS Vũ Thái Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe khẳng định: “Thông tư không thể quy định một cái gì trái với quy định của pháp luật được. Luật Lao động áp dụng cho người lao động Việt Nam, người học nghề, tập nghề và người lao động khác được quy định tại Bộ luật này; Người sử dụng lao động; Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Nói cách khác, đối với vấn đề lao động thì Luật Lao động, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành mới là văn bản có hiệu lực cao hơn”.

Hồng Minh