Tiền trường và Hội đại diện cha mẹ học sinh

20/09/2015 08:04
Nguyễn Cao
(GDVN) - Chuyện lạm thu ở các trường học đã được báo chí nói nhiều, nói mãi và sẽ còn nói nữa khi các trường vẫn lợi dụng xã hội hóa giáo dục để thu thêm nhiều khoản.

LTS: Bước vào năm học mới, cũng là lúc các phụ huynh lại phải đối mặt với hàng loạt khoản chi.

Ngoài các khoản học phí, bảo hiểm, quỹ lớp, quỹ trường và các khoản đóng góp theo quy định thì còn rất nhiều khoản khác được hợp thức hóa của Ban giám hiệu. 

Thấu hiểu điều này, tác giả Nguyễn Cao gửi tới tòa soạn bài viết. 


Năm nào cũng vậy, cứ bước vào đầu năm học ta lại bắt gặp hàng loạt các bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều, nói mãi đến chuyện Hội đại diện cha mẹ học sinh đặt ra quá nhiều các khoản thu trên đầu các em học sinh.

Vậy họ là ai, họ có vai trò gì trong các trường học mà họ được báo chí nhắc đến nhiều vậy? Điều đầu tiên chúng tôi muốn khẳng định là không phải họ đứng ra thu tiền, oan cho họ lắm. 

Những khoản thu mà Hội đại diện cha mẹ học sinh xướng lên chỉ là sự phải làm cho đúng danh nghĩa mà thôi. Còn người đặt ra các khoản thu mà chúng ta lâu nay vẫn nhắc, vẫn nói đến là Ban Giám hiệu nhà trường - người chủ thực thụ nắm các loại quỹ mà lâu nay chúng ta vẫn thường nói là lạm thu.

Thường, cứ bước vào đầu năm học khoảng hai tuần là Ban giám hiệu các trường chủ trương tổ chức họp phụ huynh để thông báo một số quy định, một số nhiệm vụ trọng tâm đến phụ huynh học sinh. 

Và, điều quan trọng là thông báo các khoản đóng góp tự nguyện để thực hiện xã hội hóa giáo dục theo đúng chỉ đạo của ngành. 

Vậy các khoản phụ huynh tự nguyện đó gồm những gì? Quỹ hội bao nhiêu (tùy từng đặc thù của địa phương); tiền sửa máy vi tính, tiền mua ghế ngồi chào cờ; tiền mua máy chiếu; tiền sửa chữa cơ sở vật chất, tiền 20/11; tiền xây dựng chuyên đề; tiền hoạt động ngoại khóa…rồi những tiền bắt buộc như tiền đồng phục; tiền phù hiệu; tiền bảo hiểm các loại. 

Nói chung là rất nhiều những loại tiền mà ngay cả những người làm công tác đứng lớp kiêm chủ nhiệm cũng nhớ không hết.

Ban Giám hiệu nhà trường - người chủ thực thụ nắm các loại quỹ mà lâu nay chúng ta vẫn thường nói là lạm thu (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Ban Giám hiệu nhà trường - người chủ thực thụ nắm các loại quỹ mà lâu nay chúng ta vẫn thường nói là lạm thu (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Để phụ huynh thống nhất đóng góp các khoản này thì giáo viên chủ nhiệm phải thông báo trước toàn thể phụ huynh của mình để rồi sau đó đưa ra ý kiến thống nhất là giơ tay biểu quyết (mấy ai không đồng ý, vì thấy nhiều cánh tay đã đưa lên rồi tất cả miễn cưỡng đồng ý cả). 

Sau đó mỗi lớp bầu ra 3 vị phụ huynh tiêu biểu để đi dự đại hội phụ huynh toàn trường. Bầu ai thì Ban giám hiệu đã trước là giáo viên chủ nhiệm dự kiến những phụ huynh phải là những người có uy tín và giàu một chút để dễ vận động thu tiền. 

Đến ngày đại hội Hội cha mẹ học sinh toàn trường gồm các phụ huynh đại diện các lớp, Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm trên cơ bản là thông báo lại các khoản thu mà nhà trường đã dự kiến thu và đã được tất cả thống nhất, đồng ý để đóng góp. 

Ngoài ra nhà trường còn nêu thêm một số khó khăn: trường thiếu cây xanh, nhà vệ sinh còn thiếu, chưa sạch sẽ, sân trường chưa được lát xong, ghế đá còn ít.. không tạo được sự thoáng mát, đầy đủ cho học sinh học tập và vui chơi. 

Vì vậy, nhà trường kêu gọi ngoài các khoản thu đã được thống nhất thì Ban giám hiệu nhà trường vận động, kêu gọi các phụ huynh tùy thuộc vào khả năng của mình đóng góp thêm bởi tất cả vì con em chúng ta

Và nhà trường lại lựa chọn bầu ra Chủ tịch và các Phó chủ tịch của hội vẫn theo phương châm giàu một chút và có uy tín.

Sau khi thống nhất các khoản thu giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, Ban giám hiệu làm tờ trình xin ý kiến Ủy ban nhân dân xã (phường) khi được chấp nhận thì nhà trường nhờ các ban đại diện phụ huynh các lớp đã được bầu đốc thúc và thu tiền để nộp cho hội. 

Thường thì các khoản thu này rất nhanh và diễn ra trước nửa học kỳ I. Sau đó các khoản tiền do Hội quản lý và chi cho các yêu cầu đã thống nhất đầu năm. Trên nguyên tắc là vậy nhưng thực tế không phải là vậy. 

Vì Hội cha mẹ học sinh ôm một số tiền lớn như vậy ai cũng ngán thế là Hội gửi lại cho nhà trường giữ. Lúc nào cần chi cái gì Ban giám hiệu lại điện hoặc mời Hội vào. Nhìn chung, Ban giám hiệu quyết mọi chuyện, Hội đại diện cha mẹ học sinh chỉ biết làm theo và thống nhất.

Tiền trường và Hội đại diện cha mẹ học sinh ảnh 2

Con nhập học – cha mẹ nặng gánh hai vai

(GDVN) - Chưa kịp tận hưởng hết niềm vui con đỗ Đại học, cha mẹ lại đối mặt với những nỗi lo về tiền bạc để con nhập trường.

Có những vị Chủ tịch hội chỉ làm được vài tháng là ngán, lấy lý do bận rộn công việc mà lặng lẽ rút lui. Bởi lẽ làm không có được lợi ích gì mà liên tục phải dự họp các buổi họp mà chỉ có nhiệm vụ ngồi dự và tán đồng. 

Chi các khoản thu không phù hợp với tiêu chí của hội đầu năm. Tiếng là đứng đầu Hội và nắm về tài chính nhưng chi, mua cái gì đều Ban giám hiệu quyết.

Chuyện lạm thu ở các trường học đã được báo chí nói nhiều, nói mãi và sẽ còn nói nữa. Bởi nó sẽ không bao giờ có hồi kết khi các trường vẫn lợi dụng xã hội hóa giáo dục để thu thêm nhiều khoản. 

Chỉ có điều cha mẹ các em học sinh phải đóng tiền năm sau bao giờ cũng nhiều hơn năm trước và những khoản thu bao giờ cũng được hợp thức hóa một cách…bất ngờ của Ban giám hiệu. 

Nguyễn Cao