Tiền triệu trích lại từ bảo hiểm y tế cũng chỉ để mua tí bông băng, thuốc thường

23/09/2015 08:00
Tùng Sơn
(GDVN) - Trong thực tế, 7% tiền trích lại chỉ để mua một số thuốc thông thường và bông băng cần thiết chứ chẳng tổ chức hoạt động gì.

LTS: Tác giả Tùng Sơn bức xúc về vấn đề mỗi năm, mỗi học sinh được trích 7% từ tiền bảo hiểm y tế để được chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Số tiền này, nhà trường nhận và chi cho y tế học đường, nhưng số tiền ấy được chi dùng thế nào?

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến này.
 

Mỗi năm học, mỗi học sinh được trích 7% số tiền Bảo hiểm y tế (BHYT), cụ thể là 43.470 đồng để được chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc này rất cần thiết và thể hiện tính nhân văn cao. 

Số tiền trích lại này, nếu dùng đúng mục đích thì còn rất thiếu cho các em. Nhưng nếu dùng sai mục đích, thì là sự lãng phí rất lớn. Chuyện chi sai mục đích với 7% này không phải không có.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh là rất cần thiết!

Học sinh hàng ngày học tập, vui chơi ở trường học, rất cần đến bộ phận y tế. Người bình thường, đau ốm bất thường luôn thường trực. 

Học sinh hiếu động, ngoài đau ốm còn có đủ kiểu tai nạn và muôn vàn nguy cơ thương tích. Có bộ phận y tế trường học cùng những điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh là rất cần thiết.

Nhớ trước đây, không có y tế trường học, nhiều chuyện đau lòng xảy ra như: Học sinh ngã chảy máu mà không có bông băng nên lấy khăn (giẻ) buộc lại dẫn đến nhiễm trùng; học sinh sốt nặng không có thuốc kịp thời dẫn đến biến chứng; học sinh đau bụng vì viêm ruột thừa thì cứ lấy cao Con hổ xoa vào cho đến khi cấp cứu không kịp nữa; …

Nhiều hoạt động hàng năm nhưng truyền thông giáo dục sức khỏe thì rất ít (Ảnh: Tùng Sơn)
Nhiều hoạt động hàng năm nhưng truyền thông giáo dục sức khỏe thì rất ít (Ảnh: Tùng Sơn)

Ngày nay, chúng ta tạo được kinh phí để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các em thì lại có nhiều ý kiến trái chiều. 

Sự không đồng thuận khi nhìn vào nguồn kinh phí 7% BHYT để lại cho học sinh không phải lỗi tại nhà Bảo hiểm mà có lẽ xuất phát từ niềm tin với người sử dụng số tiền ấy.

7% không nhiều so với số tiền các em mua BHYT

Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì việc “Chăm sóc sức khỏe ban đầu” rất có ý nghĩa và vô cùng quan trọng. Việc đó giúp các em có sức khỏe tốt để học hành, vui chơi. 

Việc làm đó mang lại sự yên tâm lớn cho cha mẹ. Cha mẹ đi làm, con cái đi học đã có thầy cô trông nom, ốm đau lại có y tế nhà trường chăm sóc. Sự ưu việt đó còn gì hơn nữa. 

Từ năm học này, tổng số tiền mà BHYT thu được của mỗi em là 621.000 đồng/12 tháng, khoản 7% là 43.470 đồng/năm. 

Tiền triệu trích lại từ bảo hiểm y tế cũng chỉ để mua tí bông băng, thuốc thường ảnh 2

Gánh nặng việc thu tiền bảo hiểm học sinh đầu năm

(GDVN) - Đã là giáo viên chủ nhiệm ai cũng ngán cái cảnh phải vận động phụ huynh đóng tiền hàng năm cho các em đặc biệt là tiền bảo hiểm vì mức đóng quá cao.

Chăm sóc sức khỏe ban đầu bao gồm nhiều công việc như sơ cấp cứu ban đầu từ đơn giản đến có sử dụng trang thiết bị, tuyên truyền giáo dục sức khỏe bằng tài liệu, phương tiện, dụng cụ thực hành,… 

Từng ấy công việc cho chăm sóc sức khỏe ban đầu với tầm quan trọng như trên đã nói. Vậy mà đóng vào 621.000 đồng nhưng chỉ được giữ lại 43.470 đồng là quá ít.

Chi đúng mục đích thì còn thiếu nhiều tiền!

Theo Nghị định 105/2014/NĐ-CP, số tiền đó được dùng để: Chi mua thuốc, vật tư y tế; Chi mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường; Chi mua văn phòng phẩm, tủ tài liệu; Chi mua sách, tài liệu, dụng cụ phục vụ hoạt động tuyên truyền, ngoại khoá; Các khoản chi khác để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu … 

Nếu chi đúng theo quy định này thì học sinh được quan tâm rất chu đáo: Phòng y tế có giường nằm, quạt điện, tủ thuốc, tủ tài liệu, dụng cụ và phương tiện truyền thông,… 

Mỗi năm lại được tổ chức vài buổi ngoại khóa giáo dục sức khỏe; khi có dịch bệnh có thể tổ chức truyền thông ngay và phát khẩu trang miễn phí cho học sinh;… 

Hàng năm, nhà trường có thể không chỉ  tổ chức khám sức khỏe định kì theo kiểu kiểm tra chiều cao, cân nặng mà còn có thể thuê thêm máy móc, dụng cụ về khám để phát hiện bệnh về tai mũi họng, mắt, răng, … cho học sinh. 

Tóm lại, để dùng hết số tiền đó sẽ làm được nhiều việc và để thực sự chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, số tiền đó là chưa đủ.

Có chi sai mục đích hay không?

Về vấn đề này, khó tìm ra chứng cứ. Giả sử thực tế có chi sai thì các trường cũng hợp lí hóa bằng cách tạo ra hóa đơn chứng từ. 

Trên một số tờ báo có chụp ảnh phòng y tế của một số trường ở Hà Nội. Đúng là các trường đó có phòng y tế rất đẹp. Nhưng có một phòng y tế đẹp cũng chưa thể khẳng định trường đó có dùng hết 7% hay không. 

Trả lời phỏng vấn nhà báo thì hiệu trưởng nào lại nói không chi hết số tiền đó. Nói vậy không phải là vơ đũa cả nắm. Chúng ta rất cảm kích với những nhà trường có nhiều việc làm quan tâm sức khỏe và vì quyền lợi bảo hiểm y tế của các cháu. 

Nhưng chúng ta phải thừa nhận trong thực tế, không ít trường mỗi năm chỉ mua một số thuốc thông thường và bông băng cần thiết chứ chẳng tổ chức hoạt động gì. 

Tiền triệu trích lại từ bảo hiểm y tế cũng chỉ để mua tí bông băng, thuốc thường ảnh 3

Thu tiền Bảo hiểm y tế 6 tháng/lần tại các trường học

(GDVN) - Ngày 15/9, Bộ GD&ĐT gửi Công văn số 4660/BGDĐT-CTHSSV tới các cơ sở giáo dục về việc thu tiền Bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên.

Vấn đề này rất khó kiểm tra. Khó kiểm tra vì chắc chắn hiệu trưởng sẽ báo cáo và trình ra nhiều kế hoạch cho nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu, lại có hóa đơn thu chi rõ ràng. 

Một phòng y tế đầy đủ là rất dễ. Ta tính sẽ ra: 4 giường x 2 triệu = 8 triệu; 2 quạt trần điện cơ x 750.000 = 1,5 triệu ; 1 tủ thuốc 3 triệu; 1 tủ tài liệu 3 triệu; bàn ghế 3 triệu; ống nghe, máy đo huyết áp, nhiệt kế 1 triệu; bông băng cồn, nẹp 1 triệu. 

Như vậy, cứ chi khoảng 20 triệu sẽ được một phòng y tế tương đối khang trang. Giả sử một trường có 500 học sinh thì mỗi năm có số tiền chăm sóc sức khỏe ban đầu là 21.735.000 đồng. Mỗi năm dành 1 nửa số tiền này để sắm thì sau 2 năm sẽ có một phòng y tế tươm tất. 

Vậy mà phòng y tế ở các trường vùng nông thôn bao năm nay vẫn sơ sài, lạc hậu, nhất là các trường tiểu học, THCS. Trong khi các hoạt động giáo dục sức khỏe cũng không chi kinh phí để tổ chức. 

Tác giả bài này không dám chụp ảnh để đưa lên vì chưa đủ can đảm làm việc đó. Nhưng nói chung, phòng y tế các trường ở nông thôn chỉ có 1 giường, 1 bộ bàn ghế, 1 tủ thuốc, bông băng, nẹp, … tất cả đã cũ vì sắm đã lâu. 

Thôi thì phòng khám và trang thiết bị ở mức gọi là có cũng được nhưng phải dành tiền cho các công tác vì sức khỏe HS. Thế mà cả năm học chẳng làm việc gì đáng kể. Vậy thì TIỀN ĐI ĐÂU ? 

Cũng có ý kiến phỏng đoán rằng, các trường khó khăn tài chính nên họ chi số 7% đó sang việc khác. Nói chung túng quá nên phải “bắn binh sang bộ” trong thu chi. Dù là gì đi nữa thì cuối cùng học sinh vẫn thiệt !

Nên chăng, chúng ta dành một khoản trong ngân sách hàng năm của các trường học để hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh. Còn khoản 7% BHYT bớt đi để giảm đóng góp cho cha mẹ học sinh?

Tùng Sơn