Doanh nghiệp trong và ngoài nước xếp hàng xin đầu tư hàng không

27/09/2015 07:37
Mai Anh
(GDVN) - Danh sách doanh nghiệp trong và ngoài nước xin được tham gia đầu tư các dự án xây mới, nhượng quyền khai thác hạ tầng hàng không tại Việt Nam ngày một tăng.

Nhằm giảm áp lực đầu tư công tại các dự án giao thông, Bộ Giao thông vận tải đang chủ trương xã hội hóa ngành hàng không trong đó bao gồm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không, nhượng quyền khai thác nhà ga, sân bay.

Tháng 4/2015, sau khi Bộ Giao thông vận tải có chủ trương cho phép các doanh nghiệp tham gia khai thác thương mại các cảng hàng không như nhà ga T1 Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng ngay lập tức các hãng hàng không Vietjet Air, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp đã đề xuất được tham gia.

Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đang nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong nước (ảnh nguồn VnE).
Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đang nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong nước (ảnh nguồn VnE).

Trong số doanh nghiệp đề xuất được nhượng quyền khai thác nhà ga sân bay có những doanh nghiệp ngoài ngành.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) xin nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc, Tập đoàn Vingroup xin mua nhà ga T1 sân bay Nội Bài...

Không chỉ xếp hàng xin nhượng quyền khai thác, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp ngoài ngành còn tham vọng đầu tư còn quan tâm đến công trình xây mới. Nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư thời gian qua là Dự án xây dựng ga hành khách quốc tế của sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa).

Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Dự án Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có mức đầu tư lớn, điều kiện chọn nhà đầu tư ngặt nghèo nhưng vẫn thu hút rất đông doanh nghiệp tham gia.

Theo đó, muốn trở thành nhà đầu tư tại Dự án Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, doanh nghiệp phải chồng đủ số tiền 2.000 tỷ đồng (tổng vốn đầu tư dự án - PV) trong 3 tháng kể từ ngày đạt được thỏa thuận góp vốn. Ngoài ra, sau khi hoàn vốn, các nhà đầu tư phải chuyển nhượng lại cổ phần cho ACV với giá 0 đồng.

Dù điều kiện ngặt nghèo nhưng theo ACV, tính đến giữa tháng 9/2015 đã có 6 trong số 8 doanh nghiệp/liên danh các nhà đầu tư gửi hồ sơ về ACV sau khi đã ngỏ lời đăng ký tham gia trước đó.

Trong số này có rất nhiều cái tên quen thuộc với ngành hàng không như Công ty Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương của ông Johnathan Hạnh Nguyễn hay liên danh của Hãng hàng không Vietjet Air - Ngân hàng Phát triển TP.HCM HDBank.

Bên cạnh đó là một số công ty lớn từng tham nhiều dự án BOT giao thông như Công ty Yên Khánh, Đầu tư Xây lắp dầu khí IMICO…​

Tương tự, Dự án nhà để xe ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất, hiện cũng có tới 3 doanh nghiệp sẵn sàng tham gia làm cổ đông trong đề án lập công ty cổ phần mà ACV sẽ góp 20% vốn.

Một dự án khác cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư là ga hàng hóa sân bay Cát Bi khi cả Hãng hàng không Vietjet Air và Công ty Cổ phần khoáng sản Hợp Thành đều muốn thực hiện.

Ngoài ra, dự án nhà để xe ô tô T2 Nội Bài cũng đang được các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư. 

Không chỉ nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài cũng dành sự quan tâm lớn đến các dự án hàng không Việt Nam. Cục Hàng không cho biết, Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh đang được Công ty TNHH Joinus quan tâm ngỏ ý muốn đầu tư.

Được biết, Dự án Cảng hàng không Quảng Ninh có vai trò là vị trí trung tâm của Khu kinh tế Vân Đồn với hệ thống giao thông kết nối đang được hoàn chỉnh sẽ là đầu mối, cửa ngõ chính tới các Trung tâm kinh tế của cả nước và thế giới; công trình này là động lực, cơ sở, tiền đề quyết định sự thành công của Đặc khu kinh tế Vân Đồn.

Vì vậy việc có cảng hàng không sẽ thu hút khách quốc tế tham quan, du lịch và qua khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp và tham gia trò chơi casino.

Mai Anh