Phó Giáo sư Bùi Thiện Dụ và sáu tâm tư về Kỳ thi quốc gia 2015

29/09/2015 06:43
Phó GS. Bùi Thiện Dụ
(GDVN) - Về vấn đề này đã đánh giá, phân tích, diễn giải trước, trong và sau kỳ thi. Bài viết với góc nhìn riêng của Phó GS.Bùi Thiện Dụ (Trường Đại học Phương Đông).

Bốn điểm được của kỳ thi

Theo Phó GS. Bùi Thiện Dụ, trước hết cần phải bàn về những điểm được của Kỳ thi quốc gia vừa qua. Đó là: 

Thứ nhất: Cuối cùng Bộ GD&ĐT cũng đã quyết định sớm hơn dự kiến tổ chức một kỳ thi (trước đây định từ năm 2017 mới thí điểm). Đây có thể coi là một trong những biểu hiện quyết tâm đổi mới căn bản.

Thứ hai: Kỳ thi vừa qua về cơ bản là thi tốt nghiệp THPT, vì các trường Đại học được Bộ GD&ĐT cho phép có thể dựa vào hoặc không dựa vào kết quả kỳ thi để xét tuyển (tất nhiên tối thiểu là phải tốt nghiệp THPT).

Thứ ba: Đã phi tập trung hóa kỳ thi; thi nhiều cụm, ngoài các cụm do các trường Đại học phụ trách còn có nhiều cụm do các địa phương, các trường PTTH thực hiện.

Phó GS. Bùi Thiện Dụ. Ảnh Xuân Trung
Phó GS. Bùi Thiện Dụ. Ảnh Xuân Trung

Thứ tư: Đã mở rộng, đa dạng hóa cách tuyển vào Đại học (có trường tổ chức thi và xét tuyển riêng như ĐHQG Hà nội, nhiều trường xét tuyển theo điểm của kỳ thi chung, không ít trường - thường là tốp dưới xét theo học bạ THPT).

Kết quả nhìn chung tiết kiệm cho xã hội khá nhiều tiền và công sức, giảm bớt phiền hà khó khăn cho đa số học sinh và phụ huynh được xã hội hoan nghênh, ủng hộ.

Hai điểm chưa được

Theo tôi,  thứ nhất: Có gì đó thiếu logic chặt chẽ vì qua 3 cách tuyển nêu trên thì rõ ràng là việc nêu một điểm sàn chung trở nên không cần thiết, vì nó cũng không mang hết ý nghĩa của SÀN chung nữa.

Thứ hai: Trong phần tuyển vào Đại học Bộ đã thiết kế một qui trình rất tỉ mỉ (điều này là cần thiết!), nhưng lại tự tham gia vào quá nhiều khâu của quá trình đó, nên cuối cùng phải tự nhận là: Không lường trước hết được.

Kết quả là gây khó khăn, vất vả thậm chí hoang mang cho một số (dù không lớn lắm!) thí sinh và phụ huynh và là dịp để một số báo chí đề cập, khai thác quá nhiều.

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Nguyên nhân có thể có rất nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng ở đây chỉ nêu nên một ý nhỏ về cách tiếp cận chung là có thể do Bộ GD&ĐT vẫn quá cầu toàn, đặt yêu cầu quá cao, quá toàn diện và muốn hoàn chỉnh 100% các yêu cầu đó trong khi lại thiếu tin tưởng vào các địa phương và các trường, kể cả Đại học và THPT cho nên đã ra sức làm thay các cơ sở đó và không làm xuể.

Bỏ mức sàn chung trong năm tới

Hãy tổ chức một kỳ thi thuần túy là tốt nghiệp THPT ở các địa phương do các trường THPT (hoặc cụm các trường THPT tại liên xã cùng lắm là của một huyện - tại các vùng vắng trường, ít học sinh) dưới sự phụ trách điều hành trực tiếp của các sở Giáo dục & đào tạo hoặc ủy nhiệm cho các phòng Giáo dục & đào tạo huyện lớn.

Xã hội nên tin và yên tâm là các địaphương, các trường THPT có khả năng và sẽ làm tốt, vì không có lí do gì trong khi giao cho họ việc lớn hơn nhiều là đào tạo từ mẫu giáo, 12 năm THPT mà lại không tin họ làm tốt được 1 kỳ thi cuối khóa!

Hãy để cho các trường Đại học được thực hiện tự chủ tuyển sinh (thực ra cũng mới là tự chủ tương đối vì các chỉ tiêu, tiêu chí vẫn do Bộ cho phép!). Cụ thể, các trường Đại học tự chọn cách tuyển sinh với những phương án và tiêu chí phù hợp với thực tế và đặc thù của trường mình. 

Tất nhiên, trong mọi trường hợp thì điều kiện cần bắt buộc phải là có bằng THPT.

Có thể hình dung sang năm sẽ có một số trường thi tuyển riêng như Đại học Quốc gia Hà nội đã làm, nhiều trường - thường là tốp khá và cao - sẽ dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xác định hệ điểm sàn cho trường mình có thể rất cao, có khi cho các ngành riêng biệt và thậm chí các môn mà thí sinh đã thi, còn lại các trường khác - thường là tốp dưới - sẽ kết hợp cả điểm thi tốt nghiệp và xét học bạ như năm nay.

Như vậy không cần điểm sàn chung duy nhất nữa và trong thực tế thì ngay hiện nay các trường đặc thù như trường Công an, Quân đội hoặc nghệ thuật (rồi có thể một số ngành khoa học tự nhiên hướng nghiên cứu chất lượng cao!) cũng đã và sẽ có những tiêu chuẩn riêng, những SÀN riêng khác với qui định chung rồi.

Thiết nghĩ, các kiến nghị này hoàn toàn tuân thủ luật Giáo dục và phù hợp với qui luật phát triển Giáo dục.

Phó GS. Bùi Thiện Dụ