Cả nước có 500.000 cơ sở sản xuất cần kiểm tra an toàn thực phẩm

30/09/2015 14:42
Hồng Minh
(GDVN) - Theo TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, một trong những khó khăn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm là thiếu nhân lực và kinh phí.

Số vụ ngộ độc thực phẩm giảm

Tại Hội thảo sơ kết hoạt động tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm 9 tháng đầu năm 2015, TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, cùng với việc thực hiện các kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, trong 9 tháng đầu năm 2015 Cục An toàn thực phẩm cũng đã phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí thực hiện tuyên truyền sâu rộng thông tin nhằm nâng cao ý thức đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.

Đồng thời công bố thông tin thanh kiểm tra, thông tin doanh nghiệp sai phạm nhằm cảnh báo cho người dân và nhằm chấn chỉnh hoạt động sai phạm của doanh nghiệp. Qua đó giúp tỷ lệ vụ ngộ độc do thực phẩm 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm ngoái. 

TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm
TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm

Cụ thể, TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc Thực phẩm (Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế) cho biết, tính đến 15/9 cả nước có 129 vụ ngộ độc, 3.600 người mắc 20 ca tử vong, số vụ giảm 12,8%, số mắc giảm 10,5%, số tử vong giảm 31%. Số vụ ngộ độc tập thể là 28 vụ (31 người mắc trở lên), không có tử vong, giảm 4 vụ.

Số vụ ngộ độc lớn 111 vụ với 709 người mắc, giảm 15 vụ, số người mắc giảm hơn 300 người, tử vong giảm 10 người.

Dù số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhưng nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong bếp ăn gia đình rất lớn, đã có 64/129 vụ ngộ độc xảy ra tại ra đình.

Điều này cho thấy việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn gia đình vẫn còn hạn chế, nhất là lạm dụng các thực phẩm không đảm bảo an toàn như vẫn ăn cá nóc, các loại côn trùng, nấm rừng…. Ngay việc chế biến, nhiều gia đình giao phó cho các cơ sở chế biến thức ăn sẵn, thói quen sử dụng thực phẩm chế biến sẵn của nhiều gia đình tiểm ẩn nguy cơ ngộ độc.

TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc Thực phẩm (Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế)
TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát Ngộ độc Thực phẩm (Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế) 

Theo TS Lâm Quốc Hùng, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc tập thể tại các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất có nguy cơ xảy ra do việc sử dụng các loại nguyên liệu trôi nổi, thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm do các hộ gia đình sản xuất nhưng không được kiểm soát triệt để, việc vận chuyển, bảo quản, chế biến chưa đảm bảo, cộng thêm yếu tố thời tiết…

Xử phạt, nộp ngân sách hơn 3 tỷ đồng 

Về công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, ông Trần Văn Châu – Trưởng phòng Công tác thanh tra – Cục An toàn thực phẩm cho biết, từ đầu năm đến nay Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 172 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm với số tiền trên 3,1 tỷ đồng. Trong đó số cơ sở vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng chiếm trên 80% với số tiền xử phạt trên 2,4 tỷ đồng; thu hồi 11 giấy xác nhận công bố ATTP, thu hồi hơn 50 giấy công bố quảng cáo, tạm dừng lưu thông 49 sản phẩm, thu hồi tiêu hủy nhiều sản phẩm khác…

Cũng theo ông Châu, thời gian tới Phòng Thanh tra Cục An toàn thực phẩm sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra y tế thuộc các Sở Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra theo Quyết định 38 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm tổ chức thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm tại 10 quận huyện, xã phường của 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, Cục An toàn thực phẩm cũng tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh kế hoạch thanh kiểm tra định kỳ, chuyên đề theo kế hoạch của Ban chỉ đạo quốc gia đã đề ra. Cục cũng sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức các đợt thanh tra đột xuất đối với một nhóm thực phẩm nguy cơ, nhất là thực phẩm chức năng. Kiên quyết xử lý nghiêm túc tất cả các cơ sở vi phạm, công bố công khai các vi phạm theo quy định.

TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, thời gian tới công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Cục sẽ rà soát lại hệ thống văn bản liên quan để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp và hoàn thiện.

“Riêng với thực phẩm chức năng, thời gian tới sẽ ban hành tiêu chuẩn điều kiện về sản xuất theo định hướng tiến tới bắt buộc phải tuân thủ GMP”, TS Phong nhấn mạnh. 

Về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, theo TS Nguyễn Thanh Phong: “Cả nước hiện chỉ có chưa đến 200 thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm và chỉ tập trung ở cấp tỉnh, trong khi 500.000 cơ sở cần phải thanh kiểm tra. Năm 2009 lực lượng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm mới xuống đến cấp tỉnh”.

Bên cạnh khó khăn về nhân lực, theo TS Nguyễn Thanh Phong “Chương trình mục tiêu quốc gia về An toàn thực phẩm cũng đang gặp khó do thiếu vốn, số vốn phê duyệt trên 4.000 tỷ nhưng con số huy động được cho đến nay mởi khoảng hơn 1.224,8 tỷ đồng, mới chỉ chiếm 29,6% so với tổng mức vốn được phê duyệt. 

Hồng Minh