Dừng là phải, mấy ai đồng tình với thu phí bảo trì đường bộ với xe máy

02/10/2015 07:52
Ngọc Quang
(GDVN) - Tại Phiên họp của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã trình bày Báo cáo đề xuất việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc thu phí là đúng với quy định tại Luật Giao thông đường bộ, Pháp lệnh phí, lệ phí.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tình hình kinh tế -xã hội, cũng như cách thức thực hiện của các địa phương là khác nhau (tổ chức thu, tỷ lệ trích lại cho các đơn vị thu, công tác thống kê, tuyên truyền...), chế tài xử phạt còn hạn chế, đặc thù phương tiện xe mô tô của nước ta... dẫn đến việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện là xe mô tô đạt hiệu quả thấp, gặp rất nhiều khó khăn.

Mặc khác, việc thu phí với xe mô tô chưa có tiền lệ, có tính xã  hội cao và việc tạm dừng đã nhận được sự đồng thuận của nhiều Bộ, ngành, địa phương.

Các ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với đề xuất về việc tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô từ ngày 1/1/2016, giao Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 và Nghị định 56/2014/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, báo cáo Chính phủ.

Các thành viên Chính phủ nhất trì dừng thu phí đường bộ với xe mô tô. ảnh: Lê Hiếu.
Các thành viên Chính phủ nhất trì dừng thu phí đường bộ với xe mô tô. ảnh: Lê Hiếu.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, Hà Nội và một số địa phương khác đã đề nghị dừng thu phí sử dụng đường bộ với xe mô tô vì không hiệu quả, phát sinh quá nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa vấn đề thu phí xe máy ra nghị trường và đề nghị bỏ quy định này.

“Việc thu phí sử dụng đường bộ trên đầu xe mô tô cần phải bãi bỏ, vì khoản phí này không được người dân đồng tình, lại còn hội tụ cả những yếu tố như không hợp lý, thiếu tính công bằng, khó công khai minh bạch, khó hiểu và khó thực hiện trong thực tiễn”, bà Tâm nói.

Liên quan tới vấn đề này, trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Xuân Thủy – một chuyên gia có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông đô thị nhận định: "Việc thu phí đường bộ với xe máy không đạt được yêu cầu đề ra, lúng túng trong triển khai, thấy rõ hiện tượng không công bằng. Như vậy, người đã nộp tiền sẽ đặt ra câu hỏi: Tại sao họ lại phải tiếp tục nộp nữa khi mà đa phần những người khác không chấp hành?

Thực tế thì trọng lượng của xe máy nhẹ không có tác động gì nhiều tới mặt đường khi tham gia giao thông, vì thế nếu cứ áp đặt cách làm như hiện nay là máy móc. Theo tôi, nên bỏ hẳn loại phí này đi hoặc nếu có thu thì nên áp dụng cách khác, thí dụ có thể thu qua giá xăng dầu".

Ngọc Quang