"Chỉ còn trông vào luật pháp quốc tế ngăn Trung Quốc dùng luật rừng ở Biển Đông"

07/10/2015 13:39
Hồng Thủy
(GDVN) - Biển Đông hiện nay đang bị đe dọa bởi sự cai trị của luật rừng, thay vì luật pháp. Khi được hỏi liệu Philippines có thách thức Trung Quốc về mặt quân sự...
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong phiên điều trần trước Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan về vụ kiện đường lưỡi bò tháng 7 vừa qua. Ảnh: Rappler.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario trong phiên điều trần trước Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan về vụ kiện đường lưỡi bò tháng 7 vừa qua. Ảnh: Rappler.

Rappler ngày 7/10 đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm nay trả lời phỏng vấn tạp chí Foreign Policy đã ca ngợi Hoa Kỳ viện trợ quân sự đáng kể cho Philippines, nhưng thừa nhận rằng thực tế không nước nào (có thể dùng sức mạnh quân sự) ngăn cản được Trung Quốc bành trướng, độc chiếm Biển Đông.

"Đó là lý do tại sao chúng tôi đang nỗ lực hết sức mình để giải quyết thách thức này, cụ thể thông qua những nỗ lực chính trị trong ASEAN và tham vấn song phương với Trung Quốc. Chúng tôi đã cố gắng để tranh thủ sự ủng hộ của các nước, những quốc gia thông cảm, chia sẻ với chúng tôi", ông Rosario trả lời Foreign Policy bằng văn bản.

Ngoại trưởng Philippines khẳng định, những nỗ lực trước đó của Manila diễn ra tốt đẹp, nhưng chưa đủ. "Phương sách cuối cùng chúng tôi đã phải gõ cửa trọng tài quốc tế, đó là nơi mà chúng tôi đang có mặt hiện nay", ông Rosario cho biết.

Khi được hỏi rằng có phải phản ứng của Mỹ với các hành động leo thang bành trướng của Trung Quốc còn quá yếu hay không, ông Abert del Rosario bình luận: "Tôi nghĩ rằng Mỹ đã nỗ lực tăng cường hợp tác với các đồng minh, đối tác trong khu vực để giải quyết những thách thức chung. Philippines đã nhận được hỗ trợ đáng kể từ Hoa Kỳ trong việc đào tạo và cung cấp thiết bị".

Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, là đối tượng 4 nước 5 bên khác nhảy vào tranh chấp) đã tạo ra một diện tích bằng 1/3 thành phố Manila, thủ đô Philippines.

Bình luận về hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, Ngoại trưởng Philippines nói: "Họ muốn có một lực lượng hải quân mạnh, để làm được điều đó họ cần có một cái hồ của riêng mình. Chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã quyết định biến Biển Đông thành một cái hồ của riêng họ".

Rosario cho rằng Biển Đông hiện nay đang bị đe dọa bởi sự cai trị của luật rừng, thay vì luật pháp. Khi được hỏi liệu Philippines có thách thức Trung Quốc về mặt quân sự ở Biển Đông hay không, Ngoại trưởng Rosario cho biết: "Có lẽ chỉ (thách thức được Trung Quốc) trong một trận đấu quyền anh với Manny Pacquiao! Cuối cùng chúng tôi thực sự nghĩ rằng, luật pháp quốc tế là một giải pháp cân bằng tuyệt vời".

Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio trong một bài thuyết trình gần đây tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington DC đã cảnh báo, nếu tòa Trọng tài Thường trực xử Trung Quốc chiếm ưu thế trong vụ kiện đường lưỡi bò thì đó sẽ là dấu chấm hết cho Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

"Các nguyên tắc của pháo hạm hải quân sẽ chiếm ưu thế trong các vùng biển và đại dương trên hành tinh này và không còn pháp luật. Sẽ có một cuộc chạy đua vũ trang của hải quân các nước ven biển", Carpio bình luận. Ông đặt câu hỏi mở, liệu cộng đồng quốc tế có cho phép một quốc gia duy nhất viết lại Luật Biển theo ý họ?

Hồng Thủy