Loạt bài: Cưòi ra nuớc mắt với những kỳ cục án vùng cao

Kỳ án: Trăm “quan toà” vã mồ hôi xử vụ án con bò chửa hoang

05/10/2011 05:56
Theo Pháp luật & Thời đại
“Phiên xử” đuợc mở ngay lập tức tại địa phương có lẽ cũng thuộc dạng “vô tiền khoáng hậu”: Có tới hơn 100 người dân được bỏ phiếu kín...
Hai hàng xóm cùng nhận một con bò thả rông là của mình rồi kéo nhau đến toà, một con lợn 20kg sổng chuồng cũng được đưa ra toà hay chuyện tranh chấp tổ ong trong rừng, vợ chồng ly hôn đòi lấy cưa xẻ đôi ngôi nhà… Những kỳ cục án có lẽ chỉ có duy nhất ở huyện vùng cao huyện Minh Hoá (tỉnh Quảng Bình).

Câu chuyện xảy ra khá lâu nhưng mỗi lần nhắc đến, thẩm phán Đinh Lâm Xướng lại nhớ như in dù những sự vụ này thường không lập hồ sơ
Câu chuyện xảy ra khá lâu nhưng mỗi lần nhắc đến, thẩm phán Đinh Lâm Xướng lại nhớ như in dù những sự vụ này thường không lập hồ sơ

Cuối năm 2005, Thẩm phán toà án nhân dân huyện Minh Hoá từng phải lặn lội cuốc bộ hơn ngày đường cùng cô thư ký để xác minh một con bò ở bản Đặng Hoá, xã Hoá Sơn đang là tài sản tranh chấp giữa hai ngưòi trong bản. “Phiên xử” đuợc mở ngay lập tức tại địa phương có lẽ cũng thuộc dạng “vô tiền khoáng hậu”: Có tới hơn 100 người dân được bỏ phiếu kín để thay mặt quan toà đưa ra nhận định: “Con bò là của ai?”
Huy động cả làng làm “quan toà”
Câu chuyện xảy ra khá lâu nhưng mỗi lần nhắc đến, thẩm phán Đinh Lâm Xướng lại nhớ như in dù những sự vụ này thường không lập hồ sơ, các đương sự là người vùng cao nên ít ai biết chữ, hễ bất bình chuyện gì lại kéo nhau lên xã, lên toà cãi mồm. “Nhớ vì không ai ngờ trong cuộc sống lại phát sinh những tình huống pháp lý kỳ cục như vậy”, ông Xướng nói.
Vụ việc ở bản Đặng Hoá ngày ấy đơn giản chỉ tranh chấp một con bò thả rông nhưng lại khiến chính quyền địa phương “ò đầu bứt tai” vì không biết xử lý thế nào. Nguyên đơn Nguyễn Tư Thoan kiện anh Cu Hoan lên trưởng bản về hành vi chiếm dụng con bò cái của mình.

Người vùng cao thường chăn nuôi theo hình thức thả rông nên có khi không nhớ đặc điểm vật nuôi của mình. Hôm ấy thấy một con bò cái chửa lững thững đi về, cả ông Thoan lẫn cu Hoan đều nhận là bò của mình. Đấu khẩu mãi mà không ai chịu ai, trưởng bản phải nhốt con bò lại rồi mời toà về xử.
Vị quan toà sau hơn một ngày khật khừ vừa đạp xe vừa đi bộ mới vào tới bản, nghe thuật lại câu chuyện thì “vừa tức vừa buồn cười” nhưng vẫn phải bắt tay vào việc. Người dân kéo đến chật cứng xung quanh con bò để xem kết quả phân xử ra sao. Lúc này cô thư ký đi cùng một cán bộ xã gặp hai đương sự rồi ghi chép tất cả lời mô tả về con bò cái đang “bụng mang dạ chửa”.
Oái oăm thay, không biết có phải do ham của, suốt ngày bám lấy con bò hay không mà khi so sánh lời khai, mọi người thấy cả hai đương sự mô tả con bò đều chính xác từng ly từng tí so với thực tế. Hơn một ngày trôi qua, vụ tranh chấp vẫn chưa được giải quyết xong, nguyên đơn lẫn bị đơn vẫn hằm hè “con bò của tao đó” rồi rêu rao khắp bản để “tăng uy lực”.
Sáng hôm sau, vẫn chừng đó người tập trung xung quanh con bò, lúc này thẩm phán Xướng mới nảy ra ý tưởng là cho cả trăm dân làng làm “quan toà”: Bỏ phiếu kín để xác định ai là chủ nhân đích thực của con bò.
Gần một trăm tờ giấy trắng đuợc các cán bộ xã phát cho tất cả mọi người trong bản, đặc biệt là các cụ già bởi như nhận xét của thẩm phán Trần Thị Hồng Lê (lúc đó là thư ký TAND Minh Hoá): “May mắn là người vùng cao không nói dối, có sao người ta nói vậy”.

70% số phiếu trả lời con bò cái là của gia đình cu Hoan, ai nấy nhẹ nhõm vì sau gần 2 tháng sự việc lùng bùng, nay cũng được giải quyết êm đẹp. Có lẽ điều đặc biệt nhất ở vụ kiện này là sau khi nghe thẩm phán kết luận, cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều vui vẻ, họ bắt tay, ôm vai nhau.

Anh Tư Thoan thanh minh một cách thật thà: “Ta nhầm, ta sai rồi, cái bụng ta không xấu mô”. Cu Hoan cám ơn cả làng rối rít rồi dắt bò về nhà, tay anh cứ vỗ vỗ vào mông bò vui mừng: “Mày là của tao mà”.
Con bò cũng biết thay… màu lông
Cũng liên quan đến chuyện con bò, tháng 5/2006, tại xã Lâm Hoá xảy ra vụ kiện oái oăm, nực cười không kém. Anh Cao Xuân Hợi tay cầm nắm lông bò cùng vợ đến tố giác anh Đinh Xuân Quảng (ngụ thôn Thanh Tân, xã Hoá Thanh) về tội “cướp của”. Hợi tức tưởi trình bày: Cách đó hơn tháng anh có mua con bò giống nhưng được vài ngày thì con bò lạc đường bị kẻ gian bắt giữ. Anh bảo con bò nhà mình đang ở trong chuồng nhà Quảng và nhờ toà “đòi về giúp mình”.
Nghe Hợi tố giác, thẩm phán Đinh Lâm Xướng cho lấy lời khai rồi lập đoàn cán bộ về tận nhà đương sự xác minh thực hư. “Đúng là Hợi có mua bò trước đó ở xã kế bên, người bán đã xác nhận thông tin này, lời mô tả của Hợi trùng với đặc điểm con bò trong chuồng Đinh Văn Quảng. Thế nhưng anh Quảng nhất nhất khẳng định con bò cũng do anh mua về chứ không phải ăn cướp, ăn trộm”, ông Xướng thuật lại.
Việc tranh chấp bò khiến hai bên to tiếng cãi vã, gây ồn ào xóm giềng bởi với người vùng cao con bò là cả gia sản, là niềm hy vọng thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Vụ việc chỉ được giải quyết khi cán bộ toà án phát hiện điều phi lý trong lời khai của Quảng.

Cụ thể, Quảng khai vanh vách nguồn gốc con bò đang cột trong chuồng nhà mình nhưng lời khai lại có một mâu thuẫn “chết người”: Anh ta khai mua con bò màu đen, nhưng kiểm chứng thực tế, hiện tại con bò lại có màu vàng. Khi toà hỏi thì Quảng biến báo: “Trước nó màu đen, nay nó thay lông thành màu vàng”.
Ngay lập tức, một kỹ sư Phòng nông nghiệp huyện được cử về hiện trường để xem xét. Kết quả cho thấy màu lông nguyên bản của con bò là màu vàng, không hề có chuyện bò thay đổi màu lông. Cao Xuân Hợi được xử thắng kiện, toà buộc Quảng phải trả con bò cho Hợi.
Điểm đáng lưu ý trong vụ kiện, đối tượng Quảng trước đó đã mua chuộc, lôi kéo người trong thôn làm chứng gian dối cho mình. Cán bộ địa phương phải sàng lọc nhân chứng, lấy ý kiến già làng, trưởng bản kết hợp bằng chứng thực tế nhằm đảm bảo tính khách quan khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Muốn xử án thì phải…. tắm cho lợn
Dưới cơn mưa như trút một ngày tháng 10/2010, chị Đinh Thị Phúc (ngụ tổ tự quản Cầu Roòng, xã Hồng Hoá) tay cầm lá đơn nhoè chữ đi một mạch lên phòng thẩm phán gõ cửa mếu máo: “Con lợn nhà tui được tặng theo diện hộ nghèo bị người ta cướp rồi, toà xử giúp tui”.
Chị Phúc cho rằng con lợn của nhà mình bị sổng đang sống cùng đàn lợn 20 con trong nhà chị Thanh cùng thôn. Có người hàng xóm nhìn thấy con lợn của chị chạy về hướng nhà chị Thanh, vả lại con lợn dự án nhà chị bị bấm lỗ tai nên chỉ cần kiểm tra sẽ rõ. Toà gọi bị đơn lên đối chất nhưng chị Thanh khẳng định không hề bắt lợn nhà chị Phúc. Như vậy chỉ còn cách phải đi xác minh thực tế.
Hội đồng xác minh gồm 2 cán bộ Toà án, 2 đương sự, đại diện thôn, xã xuống thực địa, lắc đầu ngán ngẩm trước hàng chục con lợn lấm lem bùn đất, con đuổi nhau, con đang giãy dụa lăn lộn trong bùn. Thế nhưng không còn cách nào khác, muốn xử án thì cán bộ cũng phải xắn tay áo vào tắm cho lợn. Sau hơn 3 giò đồng hồ tắm cho lợn, Hội đồng sàng lọc được 2 con lợn có trọng lượng gần đúng với lời khai nguyên đơn.
Thẩm phán Xướng kể về quy trình xét xử: “Sau khi tắm rửa sạch sẽ đàn lợn thì phải cân hơi, lọc ra những con lợn có trọng lượng 15 – 25kg (xê dịch 5kg so với con lợn bị mất) rồi tiếp tục tìm con nào có dấu hiệu bị bấm lỗ trên tai. Đánh vật với lũ lợn cả ngày, săm soi từng con, kết quả là tai con nào cũng lành lặn.
Dân gian vẫn nói “một mất mười ngờ”, trong trường hợp trên, nguyên đơn Phúc đã vu khống bởi không tìm thấy con lợn của mình bị mất trong chuồng lợn nhà chị Thanh. Toà bác bỏ đơn kiện và theo quy định, chị Phúc phải chi trả toàn bộ án phí. Nhưng xét thấy hoàn cảnh nguyên đơn thuộc diện hộ nghèo, toà đã miễn án phí, hoà giải 2 gia đình. Vụ án con lợn bấm lỗ tai kết thúc sau thời gian ba ngày rưỡi.
Kỳ 2: “Vò đầu bứt tai” với vụ tranh chấp … tổ ong rừng
Theo Pháp luật & Thời đại