Trung Quốc âm mưu lôi Triều Tiên, Syria, Nga vào giải vây cho mình ở Biển Đông

14/10/2015 05:57
Hồng Thủy
(GDVN) - Thực tế Bình Nhưỡng chẳng xem áp lực của Bắc Kinh ra gì, "con bài" Triều Tiên trong trường hợp hóa giải căng thẳng ở Biển Đông vẫn có giá trị với Trung Quốc.

Đa Chiều ngày 13/10 bình luận, thế công của Washington trên Biển Đông càng ngày càng mạnh, các làn sóng tấn công (chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc ở Biển Đông) trên mặt trận truyền thông liên tục được phát đi những ngày qua. Bắc Kinh đang bắt đầu phải đối mặt với thách thức bị hải quân Hoa Kỳ tuần tra phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bối lấp, xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, ảnh: AP.
Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, ảnh: AP.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Nam Hải

Đa Chiều cho rằng hiện tại Trung Quốc đang rơi vào thế bí, tiến thoái lưỡng nan ở Biển Đông, dù Bắc Kinh có đủ sức mạnh vũ lực để chống trả, nhưng lại không muốn đối đầu trực diện với Hoa Kỳ. Đồng thời Trung Nam Hải cũng không muốn phát đi những thông điệp sai lầm, khiến các nước ASEAN vốn đã bất an và nhiều nước thành viên của khối vốn có quan điểm trung lập về Biển Đông lại trở nên sợ hãi.

The New York Times ngày 13/10 cho biết, Mỹ đã thông báo cho các đồng minh ở châu Á về kế hoạch tuần tra 12 hải lý các đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa và đang trao đổi với Úc về chuyện này. Cứ theo những tin tức mới nhất The New York Times tiết lộ thì việc tuần tra Trường Sa dường như đã vào thế súng đã lên nòng.

Bắc Kinh thì không dám khinh suất chủ động khai chiến ở Biển Đông, nhưng cũng không muốn mất mặt trong keo này với Mỹ. Cứ như vậy, Bắc Kinh đang rơi vào cái thế tiến không được mà lui không xong (bởi muốn giữ cả lòng tham lẫn sĩ diện) ở Biển Đông.

Các nước ven Biển Đông sau khi Mỹ thông báo sẽ tuần tra 12 hải lý ở Trường Sa đều đã nâng mức báo động sẵn sàng chiến đấu các đơn vị chủ lực, đề phòng các tình huống bất trắc có thể xảy ra như Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia, Đa Chiều cho biết. Riêng Malaysia từ tháng 8 năm ngoái đã bắt đầu cho phép máy bay do thám Mỹ P-8 ử dụng căn cứ quân sự của mình cho các hoạt động tuần tra ở Biển Đông.

Quyết định của Mỹ tuần tra 12 hải lý quanh ít nhất 1 đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa là để duy trì, bảo vệ tự do và an toàn hàng không - hàng hải trên Biển Đông, đồng thời còn một lý do khác là kiểm tra cam kết của Tập Cận Bình không quân sự hóa các đảo nhân tạo và các đảo này không ảnh hưởng đến hòa bình Biển Đông cũng như an ninh các quốc gia ven biển.

Dụng ý của Hoa Kỳ là thách thức yêu sách chủ quyền, "lãnh hải" vô lý mà Trung Quốc theo đuổi ở Trường Sa.

Thực tế theo Đa Chiều, cục diện Biển Đông hiện tại không phải do Tập Cận Bình và Obama bỗng nhiên "trở mặt với nhau" gây ra. Ngay từ trước khi Tập Cận Bình đặt chân đến Hoa Kỳ, Obama đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng tự do hàng không hàng hải, luật pháp quốc tế ở Biển Đông và ngừng các hoạt động bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp.

Đến khi họp báo chính thức ở Vườn Hồng sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo này ai nói người ấy nghe, không đạt được bất cứ đồng thuận nào về Biển Đông, đặc biệt là vụ Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo.

Theo thuyết không gian sinh tồn quốc gia thì việc tranh đoạt không gian an ninh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dẫn đến đối đầu là khó tránh khỏi. Một khi kịch bản tồi tệ nhất xảy ra, Bắc Kinh không chỉ phải đối mặt với riêng lực lượng quân sự Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, mà sự tham dự của Nhật - Hàn - Đài - Úc - Việt - Philippines, thậm chí là Malaysia và Singapore cũng là bài toán Trung Nam Hải phải tính đến. Mặc dù các nước này có lợi ích khác nhau, nhưng hoàn toàn có thể tạo ra uy hiếp cho (tham vọng bành trướng của) Trung Quốc.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp Đặc sứ của Tổng thống Syria hôm 12/10 tại Bắc Kinh, ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp Đặc sứ của Tổng thống Syria hôm 12/10 tại Bắc Kinh, ảnh: Reuters.

Bắc Kinh bất ngờ ủng hộ Nga không kích ở Syria, dùng kế "Vây Ngụy cứu Triệu" để giải vây cho Biển Đông

Đa Chiều cho rằng, trong lúc áp lực của Mỹ về việc tuần tra 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo ở Trường Sa ngày càng lớn, Tập Cận Bình đã "tương kế tựu kế", gật đầu ủng hộ hành động quân sự của Putin ở Syria. Ngày 12/10 đặc sứ của Tổng thống Syria đến Trung Quốc được Trung Nam Hải tiếp và cho biết lập trường ủng hộ hành động của liên minh Nga - Syria.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với Cố vấn Tổng thống Syria Bouthaina Shaaban rằng, Trung Quốc ủng hộ các biện pháp chống khủng bố phủ hợp với luật pháp quốc tế và "đã được sự đồng ý của nước có liên quan". Đồng thời, Bắc Kinh cũng "phản đối sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước khác, số phận của Syria phải do người Syria quyết định".

Tờ báo chính trị của Trung Quốc ở hải ngoại này cho rằng, như vậy là Tập Cận Bình đã gật đầu ủng hộ hành động của Putin ở Syria để dàn sức Mỹ ra hai mặt trận, buộc Washington phải "lưỡng đầu thọ địch". Nga càng đánh mạnh vào lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, hai đầu đối địch càng làm lộ hết sở trường, sở đoản của Hoa Kỳ.

Trung Quốc đang áp dụng kế "Vây Ngụy cứu Triệu" của Tôn Tẫn để tìm cách hóa giải áp lực của Obama với mình trên Biển Đông. Dù sao thì cục diện bàn cờ quốc tế cũng thống nhất và giằng co lẫn nhau, Bắc Kinh hoàn toàn có thể đánh ván cờ liều bằng kế "giết gà dọa khỉ", lựa chọn một trong số các nước láng giềng ở Biển Đông để hạ độc thủ, nhưng Trung Nam Hải nên tính đến những nước cờ xa hơn thế, Đa Chiều bình luận.

Triều Tiên cũng bị Trung Quốc lôi ra làm lá chắn ở Biển Đông

Bất chấp thái độ bất cần, vuốt mặt không nể mũi của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, vừa qua ông Tập Cận Bình vẫn phái một ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, nhân vật quyền lực thứ 5 ở Trung Nam Hải dẫn theo phái đoàn hùng hậu mang theo thư tay của Tập Cận Bình sang chúc mừng ông Kim Jong-un nhân dịp 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên.

Không chỉ có vậy, mặc dù Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục "khinh khỉnh lạnh nhạt" với thượng khách từ Trung Nam Hải, Thời báo Hoàn Cầu vẫn có bài xã luận trang trọng chỉ trích các quan điểm của dư luận mạng xã hội Trung Quốc chế giễu ông Kim Jong-un hay có ý chê bai cuộc duyệt binh vừa qua ở Triều Tiên. Tại sao Bắc Kinh phải ngậm bồ hòn làm ngọt với Bình Nhưỡng như vậy? Điều này có liên quan chặt chẽ đến cục diện Biển Đông.

Ông Lưu Vân Sơn dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sang Bình Nhưỡng dự kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Đa Chiều.
Ông Lưu Vân Sơn dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sang Bình Nhưỡng dự kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: Đa Chiều.

Hội nghị thượng đỉnh chính thức lần đầu tiên với Obama gần như thất bại, dù truyền thông nhà nước Trung Quốc có liệt kê ra 49 thành quả của chuyến thăm cũng không thể che lấp những chia rẽ và bất đồng sâu sắc giữa hai nước, trong đó có vấn đề Biển Đông. "Con bài" Bắc Triều Tiên lúc này lại được Trung Quốc trọng dụng.

Đa Chiều dẫn bình luận của Đặng Duật Văn, cựu Phó Tổng biên tập Tạp chí Học tập của Trường Đảng trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đánh giá: "Những năm gần đây giá trị chiến lược của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh càng ngày càng sa sút. Tuy nhiên chỉ cần ngày nào Triều Tiên còn vũ khí hạt nhân, ngày đó Bình Nhưỡng còn giá trị sử dụng. Đương nhiên giá trị của Bắc Triều Tiên đối với Bắc Kinh là do quan hệ Trung - Mỹ quyết định. Khi Trung - Mỹ không có mâu thuẫn gì lớn thì giá trị của Bình Nhưỡng tụt giảm, ngược lại thì Bắc Kinh sẽ coi trọng Triều Tiên".

Ông Đặng Duật Văn đưa ra nhận định này trên bài viết "Trung Quốc có nên bỏ Bắc Triều Tiên" đăng trên tờ Financial Times của Anh năm 2013, và cũng vì bài viết này ông Văn mất chức. Nhưng đến nay, thực tế cho thấy nhận xét của ông không phải không có cơ sở.

Tờ Đa Chiều nhận xét, tựu trung lại sở dĩ Trung Nam Hải bất ngờ quay sang tìm cách lấy lòng Bình Nhưỡng (bất chấp thể diện) như vậy là có liên hệ với sự đổ vỡ của hội nghị thượng đỉnh Tập Cận Bình - Obama tháng Chín vừa qua. Xét theo thuyết không gian sinh tồn, Triều Tiên vẫn là lựa chọn duy nhất của Trung Quốc trong ván cờ địa chính trị khu vực, dùng sức mạnh lục địa đối chọi với sức mạnh biển.

Nói gì thì nói, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn là nỗi lo canh cánh của Mỹ - Nhật - Hàn. Việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố có thể tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân ở mức độ nào đó khiến cho Washington không thể không cần đến tiếng nói của Bắc Kinh, dù thực tế Bình Nhưỡng chẳng xem áp lực của Bắc Kinh ra gì, "con bài" Triều Tiên trong trường hợp hóa giải căng thẳng ở Biển Đông vẫn có giá trị với Trung Quốc.

Hồng Thủy