Tập Cận Bình nói gì trong thư khiến Kim Jong-un có thể sang gặp?

15/10/2015 14:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Quan hệ Trung - Triều đã được "rã đông" kể từ cuối tuần trước dấy lên nhiều suy đoán, ông Kim Jong-un sẽ sang thăm Bắc Kinh tháng 11 này và gặp Tập Cận Bình.

Đa Chiều ngày 14/10 đưa tin, ông Lưu Vân Sơn, nhân vật quyền lực số 5 ở Trung Quốc tuần trước sang Bình Nhưỡng mang theo thư tay của Chủ tịch Tập Cận Bình gửi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong-un. Giới quan sát tin rằng, Chủ tịch Kim có thể nhanh chóng thu xếp sang gặp Chủ tịch Tập sau khi nhận được thư này.

Ông Kim Jong-un và ông Lưu Vân Sơn trong lễ duyệt binh hôm 10/10 tại Bình Nhưỡng, ảnh: Đa Chiều.
Ông Kim Jong-un và ông Lưu Vân Sơn trong lễ duyệt binh hôm 10/10 tại Bình Nhưỡng, ảnh: Đa Chiều.

Tờ International Business Times của Mỹ ngày 13/10 nhận định, quan hệ Trung - Triều đã được "rã đông" kể từ cuối tuần trước dấy lên nhiều suy đoán, ông Kim Jong-un sẽ sang thăm Bắc Kinh tháng 11 này và gặp Tập Cận Bình - người đồng cấp Trung Quốc. Chuyên gia về vấn đề Triều Tiên từ Đại học Dongguk Hàn Quốc Kim Yong-hyun nói rằng, trong lá thư tay gửi Chủ tịch Kim, Chủ tịch Tập đã ngầm mời ông thăm Trung Quốc.

Nếu tháng 11 này Kim Jong-un chưa thu xếp đi Bắc Kinh được thì chậm nhất là mùa xuân năm tới ông sẽ sang, giáo sư Kim Yong-hyun nhận định. Ông Kim Yong-hyun nói rằng, lá thư tay của Tập Cận Bình ngoài việc thay mặt đảng Cộng sản Trung Quốc chúc mừng đảng Lao động Triều Tiên, ông Bình còn nhân danh cá nhân chúc mừng ông Kim Jong-un, tán dương ca ngợi các thành tựu phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống dân sinh của Chủ tịch Kim.

Một học giả khác từ Trung tâm Nghiên cứu vấn đề Triều Tiên, Ahn Chan-il thì cho rằng, lá thư tay Tập Cận Bình gửi cho Kim Jong-un sẽ củng cố quan hệ đồng minh giữa hai đảng vững chắc như trước. Theo học giả này, Chủ tịch Kim có thể sang Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập trước dịp kỷ niệm 104 năm ngày sinh ông nội mình, Kim Nhật Thành.

Theo thông lệ để đáp lại thịnh tình của ông Tập Cận Bình, ông Kim Jong-un có khả năng sang thăm Bắc Kinh chỉ trong vòng 1 tháng sau khi nhận thư. Nếu không đi được ngay, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ công du Trung Quốc trước tháng 4/2016. 

The New York Times trước đó cũng dẫn lời Phó giáo sư John Delury từ đại học Yonsei, Seoul, Hàn Quốc cho rằng, Tập Cận Bình muốn tận dụng dịp Triều Tiên kỷ niệm ngày thành lập đảng 10/10 để làm lành với Bình Nhưỡng.

Bà cho rằng lá thư tay là nỗ lực đầu tiên của họ Tập muốn kết giao bằng hữu với họ Kim. Đối với Chủ tịch Tập mà nói, việc ca ngợi tán dương Chủ tịch Kim là lần đầu tiên ông làm trong bối cảnh lâu nay có nhiều tiếng nói bất mãn từ chính quyền và dư luận Trung Quốc về nước láng giềng Đông Bắc Á này.

Cũng theo John Delury, tháng 7 năm 2013 khi Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều sang thăm Triều Tiên đã tỏ rõ ý đồ gây sức ép ngăn Bình Nhưỡng tiến hành các vụ thử hạt nhân. Nhưng lần này lá thư của ông Tập Cận Bình lại không hề đả động gì đến chuyện này. Rõ ràng việc không nhắc đến vấn đề hạt nhân có thể làm Kim Jong-un hài lòng, nhưng phương Tây và những nước liên quan sẽ thất vọng về Bắc Kinh.

Bà cho biết, lá thư tay của ông Tập Cận Bình viết cho ông Kim Jong-un có đoạn: "Truyền thống hữu nghị Trung - Triều do các thế hệ tiền bối cách mạng đích thân gây dựng và dày công vun đắp, là tài sản vô giá của cả hai bên, đáng để chúng ta trân trọng. Đảng và chính phủ Trung Quốc rất coi trọng quan hệ Trung - Triều, kiên trì nhìn nhận quan hệ Trung - Triều từ góc độ chiến lược và lâu dài, kiên trì bảo vệ, củng cố và phát triển quan hệ song phương.

Trong tình hình mới, chúng tôi cam kết cùng với phía Triều Tiên xuất phát từ đại cục quan hệ Trung - Triều và đại kế phát triển của hai nước để giữ mối liên hệ mật thiết, làm sâu sắc quan hệ hợp tác, thúc đẩy quan hệ Trung - Triều phát triển ổn định, lành mạnh".

Sau khi nhận thư, ông Kim Jong-un bày tỏ chân thành cảm ơn, qua ông Lưu Vân Sơn chuyển lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp tới Tổng bí thư Tập Cận Bình, John Delury nhắc lại.

Hồng Thủy