“Trung Quốc nếu tham chiến ở Syria sẽ giành được chiến thắng lớn hơn Nga”

18/10/2015 16:09
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc có thể dùng 4 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, máy bay chiến đấu JH-7A, máy bay vũ trang không người lái, rất nhiều rocket đa nòng hạng nặng.

Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 17 tháng 10 đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vào thứ Tư vừa qua đã bác bỏ thông tin Trung Quốc có kế hoạch triển khai tàu sân bay Liêu Ninh ở bờ biển Syria.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, Hải quân Trung Quốc
Tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, Hải quân Trung Quốc

Trên trang mạng tin tức Sputnik Nga, chuyên gia quân sự Nga Vasilii Cashin đã đánh giá khả năng Trung Quốc tham gia cuộc xung đột này.

Theo bài viết, điều quan tâm của truyền thông nhà nước là, nguyên nhân Trung Quốc không sẵn sàng can thiệp cuộc xung đột Syria.

Nguyên nhân có thể là cân nhắc tới việc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc chưa đưa ra quyết định liên quan, đồng thời, cuộc xung đột sẽ không tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với Trung Quốc.

Mặc dù, về tổng thể, chính giới Trung Quốc tương đối phản đối tham gia xung đột, nhưng, điều cần chỉ ra là, khi xảy ra tình hình tương tự 5 - 6 năm trước, Truung Quốc không xuất hiện bất cứ tranh luận nào về khả năng tham gia chiến tranh Trung Đông - bản thân cách nghĩ này đã rất kỳ lạ.

Trong khi đó, hiện nay, trọng điểm thảo luận là Trung Quốc ở trong điều kiện nào mới tham chiến.

Máy bay chiến đấu ném bom JH-7 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu ném bom JH-7 Trung Quốc

Thái độ của Trung Quốc đối với cuộc xung đột Syria rất có thể bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ hết sức phức tạp giữa Trung Quốc với các nước Trung Đông và toàn bộ thế giới Hồi giáo.

Sự khác biệt bản chất giữa Trung Quốc và Nga ở chỗ, Trung Quốc và Saudi Arabia - quốc gia chủ yếu khu vực Trung Đông có quan hệ kinh tế rộng rãi và đa dạng, bởi vì, Trung Quốc nhập khẩu dầu mỏ của Saudi Arabia và cùng Saudi Arabia triển khai các loại dự án hợp tác.

Đồng thời, kim ngạch thương mại giữa Nga và Saudi Arabia năm 2014 không cao, chỉ 1,13 tỷ USD. Có thể nói, so với Trung Quốc, trong vấn đề quan hệ với người tham gia chính (Saudi Arabia) của cuộc xung đột Syria, Nga không có gì để mất.

Đối với Nga, điều quan trọng hơn là bảo vệ đồng minh khu vực, tấn công mối đe dọa "Nhà nước Hồi giáo" (IS).

Kim ngạch thương mại Trung Quốc-Saudi Arabia năm 2014 lên tới 71,3 tỷ USD. Từ lâu, Trung Quốc duy trì một cách khó khăn sự cân bằng giữa Iran và Saudi Arabia - hai nước lớn thù địch ở Trung Đông.

Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc
Máy bay không người lái Dực Long, Trung Quốc

Không còn nghi ngờ gì nữa, sự ủng hộ của Saudi Arabia và Qatar đối với tổ chức cực đoan chống chính phủ Hồi giáo cũng sẽ gây thiệt hại cho lợi ích của Trung Quốc.

Phần lớn các phần tử vũ trang của "Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan" đứng về phía lực lượng vũ trang chống chính phủ có liên quan đến Al Qaeda.

Nếu có một ngày Tổng thống Bashar al-Assad ra đi, sẽ có nghĩa là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan có căn cứ hậu phương tin cậy.

Trong khi đó, các thành viên được cổ vũ bởi thắng lợi sau khi thu được kinh nghiệm tác chiến, có thể quay về Trung Đông và Tân Cương (Trung Quốc).

Sau khi Nga triển khai lực lượng tác chiến ở Syria sẽ có thể truy lùng và tấn công các phần tử vũ trang quốc tịch Liên Xô cũ trong đội ngũ tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Trung Quốc buộc phải đợi đến khi hành động kết thúc.

Mô hình máy bay không người lái CH-4 do Trung Quốc chế tạo
Mô hình máy bay không người lái CH-4 do Trung Quốc chế tạo

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc bị ảnh hưởng của tư duy quán tính, nhiều năm qua, Trung Quốc không thích gây chú ý, cố gắng tránh né đóng vai trò tích cực trong các vấn đề quốc tế không liên quan trực tiếp đến lợi ích tự thân.

Đồng thời, nhìn từ góc độ kỹ thuật quân sự, khả năng Trung Quốc thu được chiến thắng từ việc tham gia xung đột Syria phải “lớn hơn” Nga.

Trước hết, Hải quân Trung Quốc có 4 tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071, có rất nhiều cơ hội điều động quân đội đến Syria và tiến hành tiếp tế.

Đối với Nga, bảo đảm cung ứng nhiên liệu và bom cho phân đội nhỏ 30 máy bay ném bom hiện có đều là vấn đề lớn. Trung Quốc có năng lực triển khai rất nhiều máy bay chiến đấu JH-7A tự chế ở đó.

Máy bay chiến đấu JH-7A hoàn toàn có khả năng bắn tên lửa dẫn đường chính xác trong tình hình không tiếp xúc với hệ thống tên lửa phòng không vác vai của quân địch.

Một ưu thế quan trọng trước Nga của Quân đội Trung Quốc là có dòng máy bay vũ trang không người lái hiệu quả cao, như máy bay không người lái Dực Long do AVIC sản xuất và máy bay không người lái CH-4 do CASIC sản xuất.

Rocket AR1A tầm xa do Trung Quốc chế tạo
Rocket AR1A tầm xa do Trung Quốc chế tạo

Trung Quốc còn có một ưu thế: rất nhiều rocket đa nòng hạng nặng tầm bắn trên 200 km. Xét tới chiến trường Syria có quy mô không lớn, rocket có thể từ căn cứ an toàn tiến hành tấn công kẻ địch.

Tình hình toàn cầu ngày càng không ổn định, nếu Trung Quốc thực sự có ý định đóng vai trò chính trong trật tự thế giới mới, thì họ không tránh khỏi việc sử dụng lực lượng vũ trang ở nước ngoài.

Có thể, cuộc xung đột Syria không phải là thời cơ tốt nhất để Quân đội Trung Quốc thể hiện sức mạnh ở nước ngoài. Nhưng sớm muộn Bắc Kinh cũng sẽ đối mặt với sự lựa chọn như này: đối mặt với mạo hiểm, hoặc từ bỏ tham vọng, tiếp tục "không ai biết đến".

Đông Bình