"Ông Obama đã đúng khi cho chiến hạm tuần tra ở Biển Đông"

28/10/2015 14:20
Hồng Thủy
(GDVN) - Thực tế hành động này đã được mong đợi từ lâu. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã lên tiếng ủng hộ.
Tàu khu trục Hoa Kỳ USS Lassen tuần tra ở Biển Đông, ảnh: Philstar.
Tàu khu trục Hoa Kỳ USS Lassen tuần tra ở Biển Đông, ảnh: Philstar.

The Washington Post ngày 28/10 bình luận, trong gần 2 năm qua Trung Quốc có những hành động khiêu khích rất lớn khi nỗ lực biến 7 thực thể chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) thành các đảo nhân tạo và tiền đồn để củng cố yêu sách thái quá của họ ở Biển Đông. Tổng thống Barack Obama đã đúng khi quyết định phái khu trục hạm USS Lassen tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý xung quanh bãi cạn lúc nổi lúc chìm Xu Bi ở Trường Sa. 

Thực tế hành động này đã được mong đợi từ lâu. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đã lên tiếng ủng hộ hoạt động này của Hoa Kỳ. Đồng thời phản ứng của Bộ Ngoại giao, truyền thông và dư luận Trung Quốc cũng không có gì mới và có thể đoán trước.

Theo Lầu Năm Góc, Trung Quốc đã phá hủy các rặng san hô ở Trường Sa, bơm cát lên để bồi lấp thành các đảo nhân tạo có tổng diện tịch 2900 mẫu Anh, sau đó tiếp tục xây dựng đường băng, cầu cảng, doanh trại. Hoạt động này đã làm tăng mối lo ngại Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực để chiếm quyền kiểm soát vùng biển (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp và là nơi có tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế đi qua.

Trước khi diễn ra hoạt động tuần tra của tàu USS Lassen ngày hôm qua, hầu như các nước châu Á đã có thời gian xem như Hoa Kỳ thất bại trong việc đối phó với hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, người ta chỉ thấy Mỹ nói mà không làm gì cả. Các vị chỉ huy quân đội Mỹ tranh cãi trong nhiều tháng qua về hoạt động tuần tra và ông Obama chỉ cho phép tiến hành sau khi cuộc gặp Tập Cận Bình tháng trước không mang lại tiến triển nào.

Cơ sở pháp lý cho các hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ quanh một số đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Công ước quy định các thực thể lúc nổi lúc chìm và công trình nhân tạo ở giữa biển không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý mà chỉ có vùng an toàn bán kính tối đa 500 mét. Ngoài bán kính này là vùng biển vùng trời quốc tế, tàu thuyền máy bay các nước đi lại hoạt động tự do, Trung Quốc không có căn cứ nào để phản đối hoạt động tuần tra của Hoa Kỳ ở Xu Bi.

Ông Tập Cận Bình dường như đã kết luận rằng, chính quyền Mỹ hiện nay có thể bị lừa phỉnh trong việc để Trung Quốc làm thay đổi hiện trạng cấu trúc vật lý các thực thể trong khu vực để có lợi lâu dài cho mình. Washington sẽ phải có thêm nhiều thao tác tương tự như phái tàu USS Lassen tuần tra để thuyết phục Bắc Kinh bằng cách khác, The Washington Post lưu ý.

Hồng Thủy