Học giả Trung Quốc: Mỹ không vi phạm luật pháp quốc tế khi tuần tra 12 hải lý

30/10/2015 11:20
Hồng Thủy
(GDVN) - "Trung Quốc đã cố tình nhập nhằng và sẽ không có khả năng làm rõ những điều này trong tương lai gần", South China Morning Post dẫn lời ông Lực bình luận.

South China Morning Post ngày 29/10 dẫn lời Tiến sĩ Tiết Lực từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc bình luận, hoạt động tuần tra bên trong phạm vi 12 hải lý quanh bãi Vành Khăn và Xu Bi của chiến hạm Hoa Kỳ USS Lassen hôm Thứ Ba là hợp pháp, được lên kế hoạch cẩn thận. Không có yêu sách hợp pháp nào xung quanh 2 thực thể này.

Tiến sĩ Tiết Lực từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, ảnh: Nam Phương đô thị.
Tiến sĩ Tiết Lực từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, ảnh: Nam Phương đô thị.

Mỹ tuần tra đúng luật

Ông Lực bình luận: "Việc tuần tra của tàu Mỹ USS Lassen không vi phạm luật pháp quốc tế. Đó là một trò chơi chính trị chỉ để làm mất mặt Trung Quốc, đặc biệt khi nó diễn ra trong bối cảnh đảng Cộng sản Trung Quốc đang họp Hội nghị Trung ương 5".

Từ năm 2013 Trung Quốc đã bắt đầu bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo trên 7 thực thể nước này chiếm đóng (bất hợp pháp) ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Tiến sĩ Tiết Lực nói rằng, 3 trong 7 thực thể này là những bãi cạn lúc nổi lúc chìm gồm Xu Bi, Vành Khăn và Ga Ven. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, các bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở giữa biển không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý cũng như vùng đặc quyền kinh tế.

Mặc dù Trung Quốc đã bồi lấp Vành Khăn, Xu Bi thành đảo nổi nhân tạo lớn, nhưng chúng không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý theo luật pháp quốc tế.

Trong thực tế, các đảo nhân tạo này chỉ có một vùng an toàn với bán kính tối đa 500 mét, ông Lực nói. Tàu chiến Hoa Kỳ USS Lassen chỉ tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi, Vành Khăn mà không tiến vào vùng an toàn bán kính 500 mét. Trung Quốc đã có những phản ứng mang tính "điệu bộ, tượng trưng" như phản đối ngoại giao, triệu kiến Đại sứ Mỹ.

Ông Lực thừa nhận rằng, trong thực tế các nhà ngoại giao Trung Quốc chưa bao giờ đề cập khu vực tàu USS Lassen tuần tra là "lãnh hải" của mình. Ông Vương Nghị - Ngoại trưởng, Lục Khảng - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao hay Thôi Thiên Khải - Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đều gọi khu vực này là "vùng biển gần rặng san hô có liên quan".

Tiến sĩ Lực nói rằng Trung Quốc đã tạo ra một đường ranh giới hình chữ U bao quanh hầu như toàn bộ Biển Đông, tuy nhiên chưa bao giờ nước này công bố yêu sách đường cơ sở lãnh hải (bất hợp pháp) ở khu vực quần đảo Trường Sa. 

"Trung Quốc đã cố tình nhập nhằng và sẽ không có khả năng làm rõ những điều này trong tương lai gần", South China Morning Post dẫn lời ông Lực bình luận. 

Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ảnh: Đa Chiều.
Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ảnh: Đa Chiều.

Thủ đoạn của Trung Quốc dùng ngôn từ để cố tình nhập nhằng, mập mờ đánh lận con đe

Xoay quanh việc Trung Quốc làm thế nào để duy trì sự nhập nhằng, mơ hồ chiến lược tại Biển Đông, The Diplomat ngày 29/10 cho hay, các quan chức Trung Quốc đã tìm cách bác bỏ thận trọng các căn cứ cụ thể của đối thủ trong tranh luận về Biển Đông.

Giáo sư Graham Webster từ Trường Luật Yale bình luận trên The Diplomat hôm 29/10, phản ứng của chính phủ Trung Quốc về hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Trường Sa là một trò chơi ngôn ngữ. Những phát biểu từ Bắc Kinh cho thấy sự tinh vi trong câu chữ và nỗ lực phối hợp giữa các bộ ngành để duy trì tính mơ hồ chiến lược trong những câu hỏi quan trọng về lập trường của Trung Quốc ở Biển Đông.

Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng hoạt động tuần tra phạm vi 12 hải lý quanh bãi Xu Bi do tàu USS Lassen tiến hành là "xâm nhập trái phép vùng biển gần" thực thể Xu Bi. Cái gọi là "vùng biển gần" không có trong khái niệm pháp lý quốc tế, không thể tìm thấy trong UNCLOS.

Ông Khảng nói vụ Mỹ tuần tra "đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc" nhưng không thể nói rõ những lợi ích nào bị vi phạm, hoặc phạm vi "vi phạm" đến đâu.

Sau đó trong các tuyên bố, Lục Khảng khẳng định (cái gọi là) chủ quyền của Trung Quốc đối với "quần đảo Trường Sa và vùng biển liền kề" (phụ cận hải vực), "vùng biển liền kề" cũng là một khái niệm Trung Quốc nghĩ ra để duy trì chiến lược mơ hồ, nhập nhằng và không có trong các văn bản pháp lý, bao gồm UNCLOS.

Trong tuyên bố mới nhất của Lục Khảng, Bắc Kinh rõ ràng né tránh vấn đề liệu Xu Bi mà Trung Quốc đang chiếm đóng (bất hợp pháp) có yêu sách lãnh hải 12 hải lý hay không, nhưng vẫn duy trì lập trường (vô lý) rằng Hoa Kỳ "xâm phạm chủ quyền".

Còn Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc sử dụng khái niệm "lãnh hải" thay vì "vùng biển ngoài khơi" hay "vùng biển phụ cận" để nói về vụ tuần tra 12 hải lý quanh bãi Xu Bi. Tuy nhiên, Quân tránh gọi hành động của Mỹ là "bất hợp pháp" mà chỉ nói Hoa Kỳ đang "lạm dụng" quyền tự do hàng hải, hàng không.

Ông Quân nói hoạt động tuần tra của Mỹ "đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia của Trung Quốc" trong vụ tuần tra 12 hải lý ở Xu Bi, nhưng lại không nhắc gì cụ thể đến khái niệm "chủ quyền". Dương Vũ Quân chỉ kêu gọi Hoa Kỳ "tôn trọng mối quan tâm của Trung Quốc về chủ quyền và an ninh quốc gia".

Bằng cách sử dụng nhập nhèm các khái niệm và nặn ra các khái niệm mới không có trong công pháp quốc tế, Trung Quốc đang cố gắng duy trì sự mơ hồ chiến lược, nhập nhằng đánh lận con đen ở Biển Đông bằng việc trau dồi kỹ lưỡng khả năng ngôn ngữ, tránh đưa ra tuyên bố cụ thể có thể bị hớ vì không có căn cứ pháp lý quốc tế.

Hồng Thủy