Ashton Carter: “Nhiều nước ven Biển Đông muốn tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ”

02/11/2015 06:40
Việt Dũng
(GDVN) - Vấn đề Biển Đông sẽ được thảo luận tại hội nghị quốc phòng sắp tới ở Malaysia, tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ là một hướng đi của ASEAN.

Hãng tin BBC Anh ngày 1 tháng 11 đưa tin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ashton B. Carter ngày 1 tháng 11 cho biết, tranh chấp chủ quyền Biển Đông làm cho các nước khu vực này tăng cường yêu cầu đối với việc triển khai bảo đảm an ninh của Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter

Ngày 27 tháng 10, tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Hải quân Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm ở Biển Đông (đá Subi: thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp), điều này đã khiến cho Trung Quốc bất mãn mạnh mẽ (một cách vô lý).

Trên đường đến Hàn Quốc tham dự hội nghị an ninh cấp cao, ông Ashton B. Carter cho biết: "Tranh chấp chủ quyền Biển Đông được quan tâm, hiệu ứng từ việc mở rộng rõ rệt những tranh chấp này là, rất nhiều nước ở khu vực này trông đợi tăng cường quan hệ hợp tác an ninh với Mỹ".

Ông Ashton B. Carter cho biết, chủ đề thảo luận của Hội nghị cấp cao quốc phòng sắp tổ chức ở Malaysia sẽ bao gồm sự phát triển của tình hình Biển Đông, "trong khi đó, điều đáng chú ý nhất trong một năm qua chính là Trung Quốc tiến hành lấn biển xây đảo (bất hợp pháp) với tốc độ chưa từng có và đẩy nhanh hoạt động quân sự".

Tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ vừa tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông
Tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ vừa tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông

Theo bài báo, ông Ashton B. Carter vừa thị sát "khu phi quân sự" ở đường ranh giới nam bắc bán đảo Triều Tiên nhằm nhấn mạnh cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc của Mỹ.

Ông Ashton B. Carter sau đó sẽ bay quay trở lại Seoul, tổ chức hội nghị an ninh thường niên với các quan chức quốc phòng Hàn Quốc, thảo luận cách thức ứng phó với kế hoạch vũ khí hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Theo bài báo, trong năm nay, ASEAN sẽ đưa ra dự thảo kế hoạch 10 năm của Cộng đồng ASEAN, sẽ tiến hành biểu quyết thông qua ở Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 11 sắp tới.

Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản, dự thảo tuy không đề cập đến các biện pháp cụ thể, nhưng đã thể hiện ý định ASEAN muốn làm chủ thể trong việc giải quyết các tranh chấp giữa một bộ phận nước thành viên ASEAN với Trung Quốc.

Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Về vấn đề Biển Đông, dự thảo của ASEAN viết rõ "sẽ thông qua cơ chế do ASEAN làm chủ đạo để tăng cường an ninh biển", đồng thời nhấn mạnh "sẽ thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các bất đồng và tranh chấp, kiềm chế các hành động đe dọa và vũ lực".

Quan điểm này đã tiến hành kiềm chế đối với Trung Quốc - nước dựa vào sức mạnh quân sự mang tính áp đảo để thúc đẩy kiểm soát thực tế Biển Đông (tham vọng bành trướng "đường lưỡi bò").

Để tránh xảy ra xung đột, dự thảo đã bày tỏ quyết tâm sẽ tích cực thực hiện ngoại giao phòng ngừa và sáng kiến giải quyết tranh chấp của Cộng đồng ASEAN. Đồng thời cho biết sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với các "đối tác đối thoại" của ASEAN như Mỹ và Nhật Bản.

Nhưng, giữa các nước thành viên ASEAN có các bước đi không thống nhất trong việc ứng phó thế nào với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, cho dù sau khi thành lập Cộng đồng ASEAN, việc có đưa ra được đối sách có hiệu quả hay không vẫn còn chưa rõ.

Trung Quốc đẩy mạnh tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông trong tuần qua, hành động vũ lực này nhằm vào ai thì cộng đồng quốc tế đều biết rõ. Điều này cho thấy sự đối lập rõ ràng về cách thức giải quyết tranh chấp: một bên thích dùng vũ lực để áp đặt yêu sách chủ quyền bất hợp pháp, còn một bên luôn sử dụng các biện pháp hòa bình như ngoại giao và trọng tài.
Trung Quốc đẩy mạnh tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông trong tuần qua, hành động vũ lực này nhằm vào ai thì cộng đồng quốc tế đều biết rõ. Điều này cho thấy sự đối lập rõ ràng về cách thức giải quyết tranh chấp: một bên thích dùng vũ lực để áp đặt yêu sách chủ quyền bất hợp pháp, còn một bên luôn sử dụng các biện pháp hòa bình như ngoại giao và trọng tài.

Điều này liên quan đến tính toán lợi ích của mỗi nước, đồng thời cũng do bị nước khác dùng lợi ích kinh tế để dụ dỗ, lôi kéo, chi phối. Đó là việc bình thường trong quan hệ quốc tế, nhưng tin rằng công lý cuối cùng sẽ được thực thi - PV. 

Việt Dũng