Việt Nam sẽ mất cơ hội nếu không biết nuôi “con gà đẻ trứng vàng"

07/11/2015 08:38
Chuyên gia Bùi Kiến Thành
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thẳng thắn chỉ ra hạn chế trong chính sách điều hành tiền tệ và đào tạo nguồn lao động khiến Việt Nam mất đi cơ hội khi TPP.

LTS: Nhấn mạnh thuận lợi của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) tuy nhiên Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành lo ngại, với chính sách điều hành tiền tệ và đào tạo nguồn nhân lực như hiện nay, Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

Trong bài viết gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã chỉ ra hạn chế của Việt Nam trước thềm TPP.

Không biết nuôi “con gà đẻ trứng vàng”

Ngày 5/10/2015 ghi dấu ấn quan trọng trên con đường hội nhập của Việt Nam với thế giới khi Việt Nam cùng 11 quốc gia khác đã thống nhất và đi đến kết thúc quá trình đàm phán tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

Trở thành thành viên của TPP, Việt Nam sẽ tham gia tổ chức hợp tác kinh tế xuyên lục địa mạnh nhất từ trước tới nay khi chiếm đến 40% thương mại toàn cầu. Trong đó có những nền kinh tế hàng đầu tư Mỹ, Nhật Bản, Canada…

Các nước tham gia đàm phát Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP (ảnh nguồn NDH).
Các nước tham gia đàm phát Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP (ảnh nguồn NDH).

Ở khía cạnh kinh tế, Việt Nam được xem là quốc gia sẽ hưởng lợi nhiều nhất bởi chính sách thuế quan. Cụ thể, theo thỏa thuận hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các quốc gia trong khối TPP sẽ có mức thuế quan ưu đãi, thậm chí bằng 0 với một số mặt hàng.

Điều này tạo thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp tăng GDP đặc biệt khi Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu may mặc, giày dép, gỗ vào thị trường lớn của các nước trong khối TPP như Mỹ, Nhật, Australia.

Thuận lợi đó nhưng xem chúng ta có gì trước cơ hội này?

Thứ nhất, để nhận được mức thuế quan ưu đãi hàng hóa Việt Nam phải đảm bảo tỷ lệ nội địa lớn. Ví dụ may mặc phải tính từ sợi được sản xuất trong nước. Như vậy vấn đề đặt ra là làm sao để phát triển ngành công nghiệp này bởi từ trước đến nay sợi chúng ta chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Thứ hai, ngay cả khi vấn đề sợi được giải quyết, chúng ta đã có hàng xuất khẩu nhưng vào thị trường Mỹ như thế nào? Qua trung gian hay trực tiếp, nếu qua trung gian thì lợi nhuận của chúng ta không đáng là bao vì mình vẫn là gia công. Vì vậy làm sao phải đảm bảo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, phải bán hàng trực tiếp.

Muốn bán hàng trực tiếp, doanh nghiệp Việt phải đối mặt vấn đề thanh toán bởi đối tác sẽ nhận hàng nhưng không thanh toán ngay mà sẽ trả chậm trong vòng 2-3 tháng. Thậm chí đối tác yêu cầu tiếp tục sản xuất đơn hàng mới trong khi đơn cũ vẫn chưa thanh toán.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ảnh H.Lưc)
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ảnh H.Lưc)

Tất cả vấn đề nêu trên thực chất là câu chuyện tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Với lãi suất 6-7% như hiện nay, doanh nghiệp sẽ khó sống được.

Điều đáng nói nhất khi lý giải việc lãi suất cho vay doanh nghiệp cao, Ngân hàng Nhà nước lại cho rằng “huy động cao thì cho vay cao”. Lý giải như vậy không hợp lý. Tại sao Ngân hàng Nhà nước không cho các ngân hàng thương mại vay với lãi suất 1% và chỉ đạo ngân hàng thương mại chỉ cho doanh nghiệp vay với lãi suất 2% - 3%. Không ai cấm chúng ta làm như vậy.

Việt Nam sẽ mất cơ hội nếu không biết nuôi “con gà đẻ trứng vàng" ảnh 3

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Thoái vốn Nhà nước, sợ nhất là bán rẻ cho con cháu

Nhiệm vụ Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát lưu lượng tiền tệ cho nền kinh tế phát triển bền vững. Không nhiều quá để gây ra lạm phát và ít quá để gây tiểu phát.

Mặt khác về chính sách tài khóa, tại Mỹ khi thấy nền kinh tế suy yếu người ta tìm hiểu tại sao doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất kinh doanh. Để từ đó có chính sách giảm thuế và cho vay để doanh nghiệp vực dậy tiếp tục sản xuất. 

Nhưng chúng ta không biết nuôi “con gà đẻ trứng vàng”, không biết nuôi doanh nghiệp để có nguồn thu. 

Đào tạo lao động lãng phí

Để nuôi nền kinh tế phát triển cần có nguồn lao động chất lượng, trong khi hiện nay chúng ta đang lãng phí lao động một cách cực kỳ nguy hiểm. 

Thứ nhất lãng phí nguồn lao động có trình độ, sinh viên học đại học nhưng về đi làm công nhân làm không đúng với trình độ nghiệp vụ được đào tạo. Nhưng đó là còn có công ăn việc làm còn may mắn, nếu thất nghiệp không có việc làm còn lãng phí hơn.

Lao động là tài nguyên quốc gia chứ không phải chỉ là vấn đề của một cá nhân. Tài nguyên này mất đi không thể trở lại được.

Thứ hai, định hướng trong giáo dục đào tạo, chúng ta đào tạo lao động nhưng không nghĩ đến nhu cầu của nền kinh tế cái đó là lỗ hổng. Có hai cách giáo dục: Giáo dục khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản và giáo dục để đào tạo nhân lực cho nền kinh tế. Hai vấn đề này chúng ta chưa làm được.

Trước đến nay ngành giáo dục của Việt Nam chỉ chăm chăm đào tạo khoa học cơ bản. Đào tạo các ngành khoa học nói chung là tốt nhưng thực tế nhu cầu lao động cho xã hội chỉ cần một lượng nhỏ. Trong khi mình bỏ ngỏ vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho phát triển kinh tế.

Giữa cơ quan quản lý kinh tế, doanh nghiệp và ngành giáo dục phải ngồi lại cùng nhau nghiên cứu chỉ ra nhu cầu kinh tế - xã hội với lao động.

Thứ ba, chất lượng lao động được đào tạo có vấn đề. Doanh nghiệp thiếu lao động, đặc biệt lao động có trình độ nhưng sinh viên ra trường gần như doanh nghiệp phải mất một thời gian đào tạo lại. Nói cách khác, chất lượng lao động được đào tạo kém khiến doanh nghiệp phải bỏ thời gian, chi phí đào tạo lại. Đây là một vấn đề thực tế cần nhìn nhận không phải chỉ nói ra rồi để đấy.

Giải quyết tất cả vấn đề trên trong vấn đề giáo dục đào tạo, cần nhìn vào nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Đào tạo nguồn lao động để phát triển nền kinh tế. Ngành giáo dục cần biết và chỉ ra nhu cầu xã hội để có kế hoạch đào tạo chứ không phải ai cũng chăm chăm đi học đại học, học xong về làm gì?

Vì vậy phải làm sao để người lao động có việc làm, tạo cho họ công việc có hiệu suất lao động cao nhất, tất cả người lao động làm việc với hiệu suất lao động cao nhất đất nước sẽ phát triển.

Một lãng phí nữa về nguồn lao động có trình độ mà chúng ta đang lãng phí đó là lao động là con em Việt kiều ở tất cả các quốc gia. Việt Nam có khoảng 4 triệu kiều bào, trong đó có khoảng 500.000 được đào tạo đại học sau đại học, họ có vị thế kinh tế, là một lực lượng phát triển kinh tế.

Nếu chúng ta biết huy động lực lượng lao động này giúp cho nền kinh tế thì cực kỳ thuật lợi. Lực lượng này sẽ là chân rết cho nền kinh tế ở khắp các quốc gia có Việt kiều sinh sống. 

Ví dụ doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường mới rất khó nhưng thông qua doanh nhân Việt kiều tại các quốc gia lại rất dễ bởi họ có trình độ, có sự am hiểu thị trường.  

Ngoài ra chúng ta cũng cần có cơ chế riêng thập chí hấp dẫn hơn dành cho doanh nghiệp FDI cho các doanh nhân hay nguồn vốn Việt kiều về đầu tư trong nước. 

Làm được tất cả những điều này, Việt Nam sẽ có thêm lực lượng lao động tốt có trình độ, có nguồn vốn giúp nền kinh tế phát triển. 

Chuyên gia Bùi Kiến Thành